Hai cách trình bày mầu nhiệm Phục sinh: con đường học hỏi, giải thích Sách Thánh và con đường bác ái
Trang cuối của tin mừng thánh Mátthêu, nói về sự kiện Chúa Giêsu phục sinh, theo cha Michelini, mạc khải mầu nhiệm Kitô giáo. Đau khổ và cuộc thương khó của Chúa Giêsu không phải là kết thúc tất cả, nhưng là một bắt đầu mới – Phục sinh. Nhưng làm sao trình bày về mầu nhiệm phục sinh cho người thời nay?
Cha Michelini nói về nhân vật chính trong tác phẩm “Metamorfosi” (biến hình) của Franz Kafka, một ngày kia, khi tỉnh dậy, đã biến thành một con côn trùng, chỉ khép kín trong chính mình, lo lắng và không có liên hệ gì với tình cảm gia đình. Làm sao chúng ta loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người như thế? Cần phải khởi đi từ con người Chúa Giêsu và sứ điệp của Người. Cha nói: “Phục sinh cho thấy một điều mới mẻ thực sự của Chúa Kitô so với Chúa Giêsu lịch sử: thân xác Ngài là thân xác sau khi phục sinh, nhưng là sự mới mẻ đã được thấy trước trong các dấu hiệu lịch sử của Chúa Giêsu trước khi phục sinh. Do đó khi chúng ta nghe nói Chúa đã sống lại, chúng ta có thể khởi đi lại từ con người Giêsu, từ con người Giêsu ở Galilê, với sứ điệp giải phóng nhân loại.” Vì thế, một sứ điệp giải phóng nhân loại cho con người ngày nay có thể đến qua 2 cách, cả 2 đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh và minh họa: sứ vụ văn hóa trong việc đào sâu các bản văn cùng với cách giải thích mới và con đường bác ái.
Chúng ta hãy tìm hiểu để hiểu thêm điều mà các sách Tân ước và Cựu ước muốn nói và để chúng ta có thể giải thích chúng lại qua đời sống Giáo hội, phụng vụ, bài giảng, nhưng cũng qua sự dấn thân văn hóa. Nhưng con đường khác, nếu chúng ta có thể mở cửa phòng nơi mà Gregor Samsa tự khóa mình, là con đường bác ái. Nếu Gregor Samsa nhốt mình trong căn phòng khóa chặt, đó là huyệt mộ, nếu được ai đó trợ giúp, anh có thể tìm lại được nhân tính. Thay vì là côn trùng, có lẽ anh ta có thể nhận ra nét nào đó của thân xác con người của anh ta.”
Theo Tin mừng thánh Mátthêu, sự phục sinh đã được thiên thần loan báo. Do đó, nói về mộ trống thôi chưa đủ, sự Phục sinh cũng phải được nói, sứ điệp của Chúa Kitô phục sinh phải được loan báo.
Phục Sinh: tha thứ
Nhưng lời của thánh Mátthêu còn cho thấy rõ một khía cạnh khác của Phục sinh, đó là ơn tha thứ. Chúa Giêsu phục sinh muốn gặp 11 môn đệ và gọi họ là “anh em”, nghĩa là Ngài đã tha thứ cho họ vì đã bỏ rơi Ngài. Ngài gặp họ ở Galilê, họ cúi xuống bái lạy nhưng đồng thời nghi ngờ. Tuy nhiên, Ngài đã đến gần họ và trình thuật của thánh Mátthêu kết thúc với những lời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Cha Michelini kết luận: “Đây đúng thực là cách làm của Thiên Chúa, mà Lời của Ngài có khả năng soi chiếu những giới hạn của chúng ta và biến đổi chúng thành cơ hội.”
Cha của Chúa Giêsu đã đến gần chúng ta qua lời của Ngài và Con của Người, Đấng mà Tin mừng thánh Mátthêu gọi là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tin mừng thánh Mátthêu kết thúc như thế: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Đây là gia sản lớn nhất mà chúng ta có, dù cho những nghi ngờ và phần xấu xa của chúng ta và tội lỗi chúng ta.”
Sau bài suy niêm cuối cùng, Đức Thánh Cha đã cám ơn cha giảng thuyết về những suy tư trong tuần tĩnh tâm và ngài đã trở về Vatican lúc 11.30 (RV 10/03/2017)
(Hồng Thủy, RadioVaticana 10.03.2017)