Cuộc sống của hàng trăm ngàn người trẻ đã thay đổi trong suốt tuần qua tại Ba Lan nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Họ chứng kiến những người khác từ khắp nơi trên toàn thế giới đang nỗ lực sống đức tin, và họ đã lắng nghe những lời khuyên đầy đòi hỏi nhưng cũng đầy gợi hứng từ Đức Thánh Cha Phanxicô.
Lời khuyên trước tiên của Đức Thánh Cha là ở trong thánh lễ đầu tiên của ngài, mừng kính vị thánh bảo trợ của nước này, Đức Mẹ Czestochowa. Tại đây, Đức Thánh Cha nói rằng Thiên Chúa không xa lạ gì đối với cuộc sống của con người.
ĐTC Phanxicô
“Thiên Chúa không muốn bị sợ hãi như một ông chủ quyền lực và xa lạ. Ngài chẳng muốn yên vị ở ngai vàng trên Thiên Đường hay yên vị trong những cuốn sách lịch sử, nhưng lại rất thích đến với các vấn đề hàng ngày của chúng ta, để cùng đi với chúng ta.”
Sau bữa tối hàng ngày, Đức Thánh Cha nhìn qua khung cửa sổ, và ngài ứng khẩu thật sôi nổi như một cách thế để khép lại ngày sống. Đơn cử là những lời nói sau đây về một tình nguyện viên đã chết do ung thư vài tuần trước khi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới khai mạc.
ĐTC Phanxicô
“Đức tin của người này, người bạn của chúng ta, người đã lao tác hết mình cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này, đã đưa anh về bến Thiên Đường. Bây giờ anh đang ở với Đức Giê–su, và anh đang dõi theo tất cả chúng ta. Đây là một hồng ân. Xin một tràng pháo tay dành cho người bạn đồng hành của chúng ta!”
Một buổi chiều tại Krakow, Đức Thánh Cha xuống khỏi chiếc xe di động dành cho ngài… và đi bằng xe điện. Ngài đến Công viên Blonia, nơi có hàng ngàn bạn trẻ đang chờ đợi để chào đón ngài. Ngài trả lời họ với lời khuyên này.
ĐTC Phanxicô
“Các con mong muốn điều gì? Những rung động giả dối hay khả năng hành động? Các con ao ước điều gì? Cha hầu như không nghe thấy các con… Hãy xác định rõ hành động: để có được một sức mạnh mới, cần có một con đường. Đây là một câu trả lời không thể mua hay chẳng thể bán. Đó không phải là một điều gì hay một vật thể nào. Đó là một con người và Ngài đang hành động. Tên của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô. Xin một tràng pháo dành cho Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha cũng đến thăm trại tập trung Auschwitz. Đây là một cuộc viếng thăm không hề có lời phát biểu nào, nhưng sự im lặng của Đức Thánh Cha đã lên tiếng lớn hơn bất kỳ bài nói chuyện nào mà ngài có thể thực hiện. Ngài cầu nguyện trong phòng giam, nơi cha Maximilian Kolbe đã bị tra tấn, và ngài chào thăm những người sống sót đã từng trải qua nỗi kinh hoàng này.
Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha đến một bệnh viện nhi để thăm hỏi những trẻ em bị bệnh nan y và gia đình của họ.
ĐTC Phanxicô
“Tôi muốn đến gần tất cả các trẻ em bị bệnh, muốn đứng bên cạnh giường của các em, và muốn ôm lấy các em. Tôi muốn lắng nghe tất cả mọi người ở đây, và dù chỉ một khoảnh khắc thôi, tôi muốn thinh lặng trước những câu hỏi không dễ trả lời. Và tôi muốn cầu nguyện.”
Khi hoàng hôn dần buông, Đức Thánh Cha chủ sự Chặng Đàng Thánh Giá. Ngài nói rằng Thiên Chúa không hề lãnh đạm trước những đau đớn và thống khổ của con người, nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam cũng như người nữ. Vì vậy, sự quảng đại của họ chính là câu trả lời trước những khổ đau.
ĐTC Phanxicô
“Trong tư cách là những người Ki-tô hữu, sự tín nhiệm của chúng ta đang bị lâm nguy trong việc chào đón những người vô gia cư, vốn là những người đang chịu đau khổ về thể lý, và những tội nhân đang bị đau khổ về tinh thần. Đó không phải là những điều ở trong trí tưởng tượng, nhưng thực tế là như vậy.”
Do Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này xoay quanh chủ đề về lòng thương xót, nên Đức Thánh Cha đã không bỏ lỡ chuyến viếng thăm đền thờ Thánh Faustina Kowalska. Tại đó, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Đức Giê–su yêu thương nhân loại một cách vô điều kiện.
ĐTC Phanxicô
“Đừng bao giờ ngoảnh mặt với Chúa Giê–su, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng tội lỗi và những sai lầm của chúng ta là tồi tệ nhất. Đức Giê-su yêu chúng ta như chúng ta là, và lòng thương xót của Ngài đổ tràn trên chúng ta.”
Biến cố quan trọng của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này là giờ cầu nguyện canh thức diễn ra vào đêm thứ Bảy. Tại đây, Đức Thánh Cha đã thôi thúc những người trẻ không được lẫn lộn hạnh phúc với sự thoải mái.
ĐTC Phanxicô
“Chúng ta không đến thế giới này để ‘sống một cuộc đời vô vị,’ và sống dễ dãi, không biến cuộc sống của chúng ta thành một chiếc ghế sofa tiện nghi để ngủ mê trên đó. Không, chúng ta đến với một lý do khác: đến để ghi lại một dấu ấn. Sẽ thật đáng buồn nếu chúng ta đi qua cuộc đời mà không để lại một dấu ấn nào.”
Tối hôm đó, khoảng 1.600.000 bạn trẻ đã ở lại và nghỉ đêm trên “Mảnh đất của Lòng Thương Xót.” Sáng hôm sau, Đức Thánh Cha trở lại dâng Thánh lễ và mời gọi các bạn trẻ cùng hướng tới những gì tốt đẹp nhất.
ĐTC Phanxicô
“Đừng để tâm hồn các con trở nên tê liệt, nhưng hãy nỗ lực hướng tới một tình yêu đẹp, một tình yêu vốn đòi hỏi sự hy sinh. Hãy nói một tiếng “không” mạnh mẽ với thứ ma túy của thành công bằng mọi giá và với thứ an thần của việc chỉ biết lo lắng cho riêng bản thân và sự thoải mái của chính mình.”
Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ cùng gặp lại nhau sau 3 năm nữa để cử hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần kế tiếp tại một địa điểm khác trên thế giới.
ĐTC Phanxicô
“Đó là lý do tại sao tôi vui mừng tuyên bố rằng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần tới, sau hai vòng tổ chức ở cấp giáo phận, sẽ diễn ra vào năm 2019 tại Panama.”
Chỉ vài giờ trước khi Đức Thánh Cha ra về, ngài đã dành sự ưu tiên trước nhất để cảm ơn các tình nguyện viên và hướng đám đông đến cuộc gặp gỡ tiếp theo.
ĐTC Phanxicô
“Cha không biết liệu mình sẽ có mặt ở Panama hay không, nhưng cha bảo đảm với các bạn một điều: rằng Peter sẽ hiện diện tại Panama và Peter sẽ hỏi xem liệu các bạn đã nói với ông bà của mình chưa, các bạn đã nói với những người lớn tuổi của mình để ghi nhớ chưa, các bạn đã có đủ nghị lực cũng như can đảm để đối mặt với các tình huống và lập kế hoạch cho tương lai chưa. Và các bạn sẽ trả lời Peter. Mọi thứ đều rõ ràng phải không các bạn?”
Và, cùng với cơn mưa nặng hạt rơi trên giai điệu của bài hát “Chúng ta là những người chiến thắng” do ban nhạc rock Queen trình diễn, Ban Lan đã gửi lời chào tạm biệt tới Đức Thánh Cha Phanxicô.
Chuyển ngữ: Quang Khanh, S.J.
(dongten.net 04.08.2016/ Rome Report 02-08-2016)