Yến Bạc Đời Tôi (21.2.2015 – Mồng Ba TẾT – Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm)

Yến Bạc Đời Tôi
(St 2, 4b-9.15; Cv 20, 32-35; Mt 25, 14-30)

 

14 “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi.

Lập tức,16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.”21 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.”23 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “

24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! “26 Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

  1. Công ăn việc làm và tình thân

Thật là ý nghĩa, khi cùng hiệp dâng Thánh Lễ Mồng Ba Tết, chúng ta xin ơn thánh hóa công ăn việc làm, trong bầu khí “tình thân” của những buổi họp mặt đầu năm. Bởi vì, công ăn việc làm dù rất quan trọng trong cuộc sống, nhưng chúng ta cũng không thể sống mà không có tình thân:

  • Tình thân được sống và diễn tả ngang qua những tâm tình rất đa dạng: lắng nghe, cảm thông, đón nhận, đơn sơ, yêu thương, bao dung, tha thứ, trao đổi, nâng đỡ, tin tưởng, ước ao, chúc phúc..
  • Và cả tình thân ngay trong công việc nữa, dù là việc gì, vì ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: dù có việc làm tốt mấy đi nữa, nhưng nếu không được cộng tác trong bầu khí tin tường, nâng đỡ và cảm thông với người khác, việc làm đó cũng trở nên nặng nề và vô nghĩa.

Như thế, công ăn việc làm của chúng ta phải được thực hiện trong tình thân và phải đi đôi với tình thân, thậm chí, có lúc phải nhường chỗ cho tình thân nhưng không, giống như những dịp họp mặt đầu năm. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm về những khó khăn, những ngăn trở, những vấn đề, nhưng bóng tối và cả lỗi lầm nữa trong việc làm và trong tình thân của chúng ta.

Lời Chúa trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe mặc khải cho chúng ta thêm một “mối tình” nữa, đó là tình Chúa; và chính tình Chúa sẽ làm sáng tỏ những bóng tối trong lòng chúng ta và trong mối tương quan giữa chúng ta với nhau, nhưng không phải để lên án, nhưng để tha thứ và chữa lành.

 

  1. “Ông cho người này năm yến, người kia hai yến…”

Trong dụ ngôn Đức Giê-su nói: “Ông chủ cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người”. Theo các nhà chuyên môn, mỗi yến bạc trị giá sáu ngàn ngày công, tương đương với hai mươi năm làm việc. Số vốn quá lớn! Điều này có nghĩa là, dù có sự khác biệt khách quan năm, hai hay một nén, tất cả những gì Chúa ban cho mỗi người chúng ta tự bản chất đều quá lớn, có thể nói được là vô giá, vô giá như chính sự sống.

Chúng ta có thể hiểu những yến bạc là những năm tháng cuộc đời Chúa ban cho mỗi người, dài ngắn khác nhau. Chúng ta cũng có thể hiểu những yến bạc là tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta trong cuộc sống: chủng tộc, xã hội, gia đình, giới tính, ngoại hình, khả năng, số phận… Như vậy, tất yếu có sự khác biệt. Chúng ta vẫn mơ là ai cũng y trang như nhau, thế là hết rắc rối. Không phải như vậy, sẽ rắc rối to hơn nữa, bởi vì sẽ chẳng còn niềm vui mở ra và chung hiệp, chẳng còn hạnh phúc đón nhận và trao ban, chẳng còn kinh ngạc và thán phục trước những điều kì diệu Chúa thực hiện đặc biệt cho mình hoặc cho người khác, chẳng còn tâm tình ca tụng và tạ ơn, chẳng còn lời kêu cầu tín thác, chẳng còn tương quan tình bạn, tình yêu… Hơn nữa, cung lòng của Thiên Chúa và cung lòng của mẹ chúng ta không thể như cái lò làm bánh mì, làm ra sản phẩm y như khuôn mẫu.

Chúng ta vẫn thường rầu rĩ ỉ ôi về mình: khả năng của con lớn lắm mà, sao Chúa trao cho con có nhiêu đây! Tại sao con không là con gái? Hay tại sao con không là con trai? Tại sao cái mặt, tay chân của con nó như vầy, tại sao con lại bị thế này, tại sao người ta có mà con không có? Tại sao và tại sao, và có những tại sao sâu thẳm mà chỉ mình mình biết thôi.

 

  1. Người thứ ba

Đó chính là vấn đề của người thứ ba trong dụ ngôn. Dụ ngôn nói nhiều nhất về trường hợp này, bởi vì cái người này phù hợp với tất mọi người chúng ta ở chiều sâu, không chỉ trong ý thức nhưng nhất là trong vô thức. Bởi vì một cách khách quan có sự khác biệt nhiều ít, nhưng cảm nhận của chúng về điều mình có và điều mình là luôn luôn là ít và đôi khi là ít nhất. Và khi rầu rĩ về mình, tất yếu chúng ta có hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa, về Đấng Tạo Hóa: tại sao Chúa ban có bao nhiêu đó, tại sao Chúa làm thế, tại sao Chúa hà khắc như vậy…?

Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh Adam và Evà, hình ảnh diễn tả cả loài người chúng ta mọi nơi mọi thời: Chúa đã ban ơn nhiều như thế rồi, ban gần như tất cả; vậy mà còn muốn chiếm hữu, bất chấp sự ưng thuận của Thiên Chúa, cái thực tại trung tâm và duy nhất còn lại. Tội và hậu quả là cái chết, chính xác đến từ lòng “ham muốn sở hữu tất cả”. Chúng ta cứ nghiệm lại mà xem, mọi tội lỗi của mỗi người và của cả loài người đều phát xuất từ đây: ham muốn sở hữu tất cả, ham muốn là tất cả.

Chúng ta có thể cảm thông với người thứ ba, vì anh chỉ có mỗi một nén thôi; tuy nhiên anh phải vượt qua sự khác biệt này, sẽ rất khó vì đây là sự khác biệt thua thiệt. Anh phải vượt qua và mọi người cần giúp anh vượt qua. Trong xã hội và có khi chung quanh chúng ta, có rất nhiều người ở trong tình trạng này. Người Ki-tô hữu, nhất là những người sống đời dâng hiến, có sứ mạng làm chứng về ơn huệ là chính bản thân mình và giúp người khác cũng cảm nghiệm như vậy. Nhưng chúng ta phải bắt đầu sứ mạng này ngay trong gia đình, cộng đoàn và Hội Dòng của mình.

Người thứ ba trong dụ ngôn có hình ảnh méo mó về điều mình có, nên tất yếu có hình ảnh méo mó về người chủ, và chắc chắc có hình ảnh méo mó về người khác nữa. Thái độ tự ti, mặc cảm, ghen tị, hành động co cụm, yếm thế, lãng phí là những hệ quả tất yếu. Và cuối cùng anh trở thành nạn nhân của chính hình ảnh méo mó mà anh có về người chủ: anh nghĩ người chủ hà khắc, sự hà khắc ập xuống trên anh. Thực ra, khi mình nghĩ xấu và sai về người khác, thì cái xấu và cái sai đã hành hạ mình rồi sâu thẳm tự bên trong.

Dụ ngôn của Đức Giêsu, và nhất là cuộc đời của Ngài mời gọi chúng ta sống tâm tình tạ ơn, mỗi Thánh Lễ là một lời tạ ơn, là Lễ Tạ Ơn, là lời kinh Tạ Ơn: tạ ơn về chính mình, mình y như thế đó, tạ ơn vì sự tin tưởng quá lớn Chúa trao tặng cho chúng ta, tạ ơn vì quà tặng Đức Giêsu Kitô Chúa cho chúng ta mỗi ngày thật quảng đại và nhưng không. Chính với tâm tình tạ ơn mà chúng ta mới có thể bao dung và quảng đại làm sinh hoa kết quả cho vinh quang Thiên Chúa.

Khi cho đi, như dụ ngôn mời gọi chúng ta nhận ra, thì kết quả tất yếu sẽ viên mãn, năm nén sinh năm nén, hai nén sinh hai nén. Tuy nhiên, kết quả dù ít dù nhiều không quan trọng, miễn là chúng ta đã cho đi tất cả, và lời hứa Chúa dành cho chúng ta đều như nhau, nghĩa là “gấp trăm” do lòng quảng đại của Thiên Chúa:

Hưởng niềm vui khôn tả của Chúa.

Niềm vui mà Chúa cho chúng ta cảm nếm ngay hôm nay, trong những ngày họp mặt đầu Năm Mới.

 

* * *

Kính chúc Quí Cha, Quí Thầy,
Quí Soeurs và tất cả Quí Anh Chị Em,

 

Một Năm Mới mạnh khỏe, bình an
và tràn ngập NIỀM VUI TIN MỪNG.

 

Xuân Ất Mùi 2015
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc