Vatican và Đức Phanxicô lại ở trong cơn lốc

Một giai đoạn mới trong cuộc chiến không nương tay của một số phần tử chống đối đã xảy ra tại Vatican cuối tuần vừa qua với một loạt tiết lộ, phủ nhận, thậm chí còn cáo buộc Đức Phanxicô là dị giáo.

Sáng thứ hai 25-9, nhật báo Ý Il Messaggero tóm tắt ‘đầu mùa thu này Vatican đầy cả chất độc’, nhiều tin tức đưa ra các căng thẳng chung quanh hai dự án chính của Đức Jorge Bergoglio: cải cách giáo triều (hệ thống điều hành Vatican) và mang một hơi thở mới đến cho Giáo hội.

Trong dự án thứ hai, ngày chúa nhật vừa qua, một nhóm 62 giáo dân, linh mục, nhà thần học trên thế giới thân cận với các nhóm cực kỳ bảo thủ đã công khai đưa ra bản “sửa chữa của đạo làm con” tố cáo các “dị giáo” trong các cởi mở của Đức Giáo hoàng về gia đình mà theo họ là bị ảnh hưởng quá mạnh của “chủ trương hiện đại hóa” và các tư tưởng của Martin Luther, cha đẻ của Cải cách Tin lành.

Đặc biệt họ cáo buộc Giáo hội “đôi khi chấp nhận ngoại tình được xem như tương ứng với việc tín hữu công giáo giữ đạo”, ý muốn nói những người ly dị tái hôn mà theo tín điều hôn nhân bất khả phân ly bị xem là người ngoại tình với người phối ngẫu đầu tiên của họ.

Theo các tác giả của thư tố cáo, khi cho phép một số người này rước lễ là hoàn toàn dị giáo, trong số những người ký vào thư này có cựu giám đốc ngân hàng Vatican, ông Ettore Gotti Tedeschi và bề trên Huynh đoàn Thánh Piô X, Bernard Fellay, người đứng đầu các người công giáo bảo thủ.

Chưa từng có

Theo nhà Vatican học Sandro Magister của tuần báo Ý Espresso thì đây là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Giáo hội cận đại. Theo nhà bảo thủ này, phải lần về năm 1333 mới tìm ra lần “sửa chữa” cuối của loại này, khi đó là vào thời giáo hoàng Gioan XXII.

Còn về phần nhà Vatican học Iacopo Scaramuzzi thì ông cho biết, ngược với bức thư năm ngoái của bốn hồng y chỉ trích giáo hoàng cũng cùng vấn đề này, lần này thư tố cáo do một “nhóm nhỏ, không có tính cách đại diện và chỉ có 62 chữ ký trong đó không có một hồng y, một giám mục hồi hưu nào”.

Các nhà Vatican học khác cũng cho biết, nhiều giáo hoàng, đứng đầu là Đức Gioan-Phaolô II trong thời của mình cũng bị chỉ trích về nhiều vấn đề khác nhau.

Nhưng ngày công bố thư chỉ trích cải cách giáo triều này lại cùng lúc với các tuyên bố ầm ĩ của ông Libero Milone, cựu kiểm soát viên tài chánh Vatican, ông tố cáo một phần giáo triều đã đẩy ông ra ngoài.

Một sự kiện bất bình thường, Văn phòng báo chí đã phản ứng ngay, xác nhận ông Milone đã từ chức vào tháng 6 mà không giải thích, đã bị loại ra ngoài vì đã theo dõi đời sống tư của các viên chức cao cấp của Tòa Thánh.

Giữa điều thiện và điều ác

Ông Milone là chuyên gia kế toán và tài chánh người Ý, ông làm việc ở văn phòng kế toán Deloitte & Touche. Từ tháng 5 năm 2015, ông là kiểm soát viên tài chánh của các ban bộ và các cơ quan quản trị của Vatican với “toàn quyền tự động và độc lập”.

Theo ông Milone, các thành viên quan trọng của Vatican chống đối các cố gắng của Đức Phanxicô trong việc hiện đại hóa và kiểm soát hệ thống kinh tế và tài chánh của Vatican.

“Tôi thật lấy làm tiếc cho giáo hoàng. Tôi với ngài có một tương giao tốt mà tôi không thể tả ra được, nhưng trong 18 tháng vừa qua, người ta đã ngăn không cho tôi gặp ngài. Rõ ràng, người ta không muốn tôi nói với ngài một số việc tôi đã thấy”, ông giải thích, ông từ chối nói thêm vì phải tôn trọng điều khoản giữ mật.

Sau một loạt các vụ bê bối đã đầu độc triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI, ngay lập tức ngọn gió cải cách mà Đức Phanxicô mong muốn bị một phần của giáo triều chống đối mãnh liệt.

Vận động hành làng, mưu toan, cáo buộc và ngay cả kiện tụng thường xuyên được nói đến trên các cột báo mang nét của cuộc chiến “giữa điều thiện và điều ác”, ký giả người Ý Gianluigi Nuzzi tóm tắt như trên, ông là tác giả quyển “Đàng thập giá” nói về các vụ bê bối tài chánh của Vatican.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(PHANXICO.VN)