Vài vấn đề liên quan đến bàn thờ

 Hiện nay, có một vài thực hành (tạm gọi là chưa chọn điều tốt nhất) thường xảy ra trong một số giáo xứ tại Việt Nam:

Thứ nhất, theo một tư duy cảm tính hơn là thần học và phụng vụ, ngay từ khi xây dựng nhà thờ mới, giáo xứ đã ưu tiên chọn lựa làm bàn thờ bằng gỗ;

Thứ hai, cũng vậy, thánh đường vốn đang có bàn thờ làm bằng đá và đã được thánh hiến, nhưng giáo xứ lại có chủ trương thay thế bàn thờ bằng đá bằng bàn thờ bằng gỗ với lý do là thứ chất liệu gỗ được chọn lựa quý giá hơn cả đá. Nên nhớ rằng vấn đề là tính biểu tượng của bàn thờ bằng đá chứ không phải chỉ là chất liệu đắt hay rẻ. Nếu vì một lý do nào đó phải thay thế bàn thờ bằng đá hiện hữu thì làm một bàn thờ bằng đá khác chứ không nên chọn lựa “đi xuống” bằng cách làm bàn thờ bằng gỗ;

ĐGM Tôma Nguyễn Văn Trâm cử hành nghi thức cung hiến bàn thờ nhà thờ Hoà Hội GP. Bà Rịa

Thứ ba, bọc bàn thờ bằng đá bằng một loại gỗ nào đó cho phù hợp với không gian cung thánh vốn làm bằng gỗ khá nhiều. Điều này cũng phá vỡ tính biểu tượng của bàn thờ.

Bàn thờ là biểu trưng cho Chúa Kitô, nên bàn thờ được Đức Giám mục thánh hiến bằng dầu thánh một cách long trọng với việc đặt xương thánh nơi bệ bàn thờ, thoa dầu thánh trên cả mặt bàn thờ và xông hương bàn thờ cách đặc biệt.1 Người ta còn đục 5 dấu thánh giá trên mặt bàn để biểu trưng 5 dấu đinh của Chúa biến tảng đá thành biểu tượng của Đức Kitô, Đấng đã được xức dầu Thánh Thần. Thực hành này đã có ít là từ thời thánh Gregôriô Cả (540 – 604).2

Mặt khác, để đạt được sức mạnh của các biểu tượng và ý nghĩa của các nghi lễ một cách trọn vẹn, phải khánh thành nhà thờ mới cùng lúc với việc cung hiến nhà thờ ấy. Theo thói quen và luật phượng tự, cấm cung hiến nhà thờ nếu không cung hiến bàn thờ. Vì cung hiến bàn thờ là phần chính yếu của toàn bộ nghi lễ.3

Hơn nữa, theo chỉ dẫn của sách Lễ nghi Giám mục, của Giáo luật cũng như của Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma: trong mọi nhà thờ nên có một bàn thờ cố định và được cung hiến; ở những nơi khác, dùng vào việc thờ phượng nên có bàn thờ cố định hoặc di chuyển. Theo truyền thống của Hội Thánh và ý nghĩa của bàn thờ, thì mặt bàn thờ cố định bằng đá, mà là một tấm đá tự nhiên duy nhất. Nhưng cũng có thể dùng những vật liệu khác xứng hợp, bền vững và được làm một cách có nghệ thuật, tùy Hội đồng Giám mục quyết định. Chân hay phần dưới bàn thờ có thể làm bằng bất cứ chất liệu nào, miễn là chất liệu đó xứng hợp và bền chắc.4

Từ những gì vừa nói trên, nếu có thể được, ngay từ đầu khi xây dựng nhà thờ, chúng ta nên cố gắng chọn chất liệu bằng đá cho bàn thờ để bàn thờ trở thành vật thể bền vững, cố định và không di chuyển.5 Bàn thờ của nhà thờ chánh tòa đương nhiên nên làm bằng đá để thành một bàn thờ cố định vì chắc chắn sẽ được cung hiến và thuộc về nhà thờ mẹ của các nhà thờ trong giáo phận, cũng như làm nổi bật tính biểu tượng của bàn thờ này. Một nhà thờ giáo xứ được xây dựng kiên cố thì đồng thời cũng nên làm bàn thờ bằng đá cho tương xứng để có một bàn thờ cố định vì tuy mặt bàn thờ cũng có thể làm bằng chất liệu khác nhưng theo tập tục lưu truyền của Giáo Hội, mặt bàn thờ cố định phải làm bằng đá, và hơn nữa, bằng một tảng đá tự nhiên duy nhất.6 Bàn thờ bằng gỗ xét như một bàn thờ lưu động thì thích hợp hơn đối với nhà nguyện hay phòng nguyện mà chỉ đơn giản là được làm phép chứ không cần thánh hiến.7

2. Nến bàn thờ

Đây là những điểm liên quan đến nến bàn thờ trong văn kiện của Giáo Hội:8

Nến bàn thờ là cần thiết mỗi khi cử hành phụng vụ để tỏ lòng cung kính và mừng lễ;

Vị trí của nến bàn thờ là được đặt trên bàn thờ hay chung quanh bàn thờ, tùy theo cấu trúc của bàn thờ và cung thánh, miễn sao cho có sự hòa hợp chung và không cản trở giáo dân nhìn thấy cách dễ dàng những hành động phụng vụ đang diễn ra.9

Cung hiến bàn thờ

Số lượng của nến bàn thờ sử dụng trong Thánh Lễ là 2, 4 hay 6 cây. Việc thay đổi số cây nến này là một cách thức phân biệt ngày lễ và mức độ long trọng của cử hành. Tập tục tốt lành đã phát triển ở một vài nơi và được quy định trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma là sử dụng 2 nến bàn thờ cho lễ thường và lễ nhớ, 4 cho lễ kính và 6 nến cho lễ Chúa nhật cùng lễ trọng hay khi đặt Mình Thánh để chầu. Vào những dịp long trọng, sẽ sử dụng 7 nến khi Đức Giám mục giáo phận chủ tế. Thật ra, chúng ta có thể sử dụng 3, hay 5, hoặc thậm chí hơn 7 cây nến bàn thờ cũng chẳng có gì là không phù hợp. Tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta sắp xếp chúng thế nào trong cung thánh.10

Dựa vào chỉ dẫn trên, chúng ta phát hiện ra một số nhầm lẫn trong thực hành tại Việt Nam:

Thứ nhất, đặt 2 cây nến bên cây thánh giá trong khi không có nến đặt ở trên hay chung quanh bàn thờ. Thật ra, có thể tùy nghi đặt hay không đặt nến ở hai bên thánh giá. Sau cuộc rước nhập lễ, nếu thánh giá trong đoàn rước được đặt tại cung thánh [ở trên hay gần bàn thờ] như một cây thánh giá duy nhất trong nhà thờ, thì rất nên để kèm theo hai cây nến vừa đi rước ở hai bên thánh giá. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng hai cây nến này không thể thay thế cho nến bàn thờ vốn có thể lên tới 6 hay 7 cây trong những dịp cử hành long trọng hay khi khi Đức Giám mục giáo phận chủ tế. Hơn nữa, không phải lúc nào thánh giá cũng được xếp đặt ở trên mặt đất hay ở trên bàn thờ để có thể dễ dàng đốt nến hai bên.11 Trong trường hợp vị trí của thánh giá được treo giữa không trung phía trên bàn thờ hay được gắn trên cao sát vào bức tường phía sau cung thánh thì việc đốt nến hai bên thánh giá hàng ngày là công việc rất khó khăn và bất tiện nếu không muốn nói là bất khả thi. Chính vì thế, Giáo hội chỉ trù liệu đốt nến bàn thờ và cho bàn thờ chứ không cho đối tượng thánh giá vì những dấu chỉ xinh đẹp của ánh sáng thánh thiêng phải được tỏ cho mọi người thấy mối liên quan của chúng với bàn thờ, nhằm lôi kéo mọi cặp mắt hướng về bản thờ: điểm tập trung của cộng đoàn phụng tự.

Thứ hai, dùng nến phục sinh quanh năm thay cho nến bàn thờ. Nến phục sinh không thể thay thế cho nến bàn thờ vì từ thế kỷ X cũng như theo các tài liệu phụng vụ gần đây, nến phục sinh thường được đặt để tại một nơi vinh dự gần sách Phúc Âm hay gần giảng đài trong mùa Phục sinh, từ lễ Vọng Phục sinh cho đến lễ Thăng Thiên (nay là cho đến lễ Hiện Xuống). Trong suốt mùa Phục sinh, cây nến phục sinh tiếp tục được thắp sáng ở vị trí này hay một vị trí thích hợp trong cung thánh. Còn ngoài mùa Phục sinh, nến phục sinh không được thắp thường xuyên nữa, mà chỉ được đốt lên mỗi khi cử hành nghi thức an táng hay thánh tẩy. Theo đó, ngoài mùa Phục sinh, chỗ thích hợp nhất để nến phục sinh là bên ngoải cung thánh, gần giếng rửa tội hay gần nơi thường đặt quan tài.

Thứ ba, dùng nến hồng và tím mùa Vọng thay cho nến bàn thờ. Đành rằng có thể trưng vòng hoa mùa Vọng ở trong hay gần cung thánh với 4 cây nến ở giữa vòng hoa này tương ứng với 4 tuần của mùa Vọng (3 nến tím và 1 nến hồng). Tuy nhiên, nên nhớ rằng việc sử dụng chúng là do tập tục và tùy chọn, chúng không phải là nến bàn thờ cũng như không thể thay thế cho nến bàn thờ.

(còn nữa)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS