Uống nước nhớ nguồn: (Lễ Các Đẳng)

 

uong-nuoc-nho-nguonSau những trận chiến giao tranh giữa 2 phe đối nghịch, người ta thường tổ chức lễ “Cầu cho các chiến sĩ trận vong” (những chiến sĩ tử trận). Cứ tưởng chỉ ở thời cận kim hay hiện đại mới có lễ này, thật không ngờ từ cổ xưa đã có. Đọc sách Ma-ca-bê 2 (chương 12) trình thuật tướng Giu-đa sau khi chiến thắng tướng Goóc-ghi-át đã làm một việc rất lành thánh, đó là: “Vị anh hùng Giu-đa khuyên nhủ toàn quân giữ mình sạch tội, vì họ đã nhìn thấy nhãn tiền những việc xảy ra là do tội của những người đã bị giết chết. Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.” (2Mcb 12, 42-46).

 

Giáo Hội đã ghi nhận hành động tốt lành đó như một tín điều nhằm răn dạy các tín hữu: “Nhận biết sự hiệp thông này trong lòng toàn Nhiệm Thể Chúa Giê-su Ki-tô, ngay từ buổi đầu của Ki-tô Giáo, Hội Thánh lữ hành hết lòng kính mến, tưởng nhớ những người đã chết và dâng lời cầu cho họ “vì cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (2Mcb 12, 46; GH, 51). Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn.” (Giáo lý HTCG, số 958). Ngay cả Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II, trong Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (số 51) cũng khẳng định: “Thánh Công Ðồng kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được hiển vinh trên trời hay còn phải tinh luyện sau khi chết, và lấy lại các sắc lệnh của các thánh Công Ðồng Nicea II, 20; Firenze 21 và Trentô 22.”

 

Trong sự hiệp thông khơi nguồn từ sự hiệp thông viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi, đã tạo nên sự hiệp thông của 3 Giáo Hội: Giáo Hội Chiến Đấu (GH Lữ Hành), Giáo Hội Đau Khổ (GH Thanh Luyện) và Giáo Hội Chiến Thắng (GH Khải Hoàn). Người tín hữu khi còn tại thế đã trải qua một cuộc lữ hành phải chiến đấu với ba thù, một cuộc chiến đấu đầy cam go thử thách. Khi từ trần, ngoại trừ những người thỏa hiệp với sự dữ, cố tình không chịu ăn năn sám hối về những tội lỗi mắc phạm, phải chịu án phạt đời đời (hỏa ngục); thì số người còn lại chỉ một số ít được trực tiếp vinh thăng Thiên Quốc, đa phần đều phải tiếp tục được thanh luyện nơi Luyện ngục. Thật vậy, “Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa.” (1Cr 3, 14-15).

 

Những linh hồn nơi Luyện ngục đã mất khả năng tự “lập công chuộc tội” cho mình, mà chỉ trông nhờ vào công đức của các tín hữu còn tại thế cầu thay nguyện giúp cho các ngài mà thôi. Công Đồng Tri-đen-ti-nô (1545-1563) đã nhấn mạnh: “Lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.” Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng dạy: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh.” (Hc Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 50). Nhờ vậy, khi “được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa (x. 2Cr 5, 8) nhờ Người, với Người và trong Người, các Thánh không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha, bằng cách trình bày các công nghiệp đã lập được khi còn ở dưới thế, nhờ Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giê-su Ki-tô (x. 1Tm 2, 5)” (Hc Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 49).

 

Đó là lý do giải thích tại sao Hội Thánh đã chọn ngày 01/11 làm lễ kính Các Thánh và ngày 02/11 làm lễ cầu cho các Tín hữu đã qua đời; đồng thời còn dành cả tháng 11 trong năm Phụng Vụ để cầu nguyện cho các tín hữu đã ly trần (ở Việt Nam vẫn gọi tháng 11 là tháng Cầu Hồn). Việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời liên quan đến niềm tin về luyện ngục và các thánh thông công (Kinh Tin Kính). Sự trao đi nhận lại ấy vừa là một việc bác ái, vừa là một bổn phận thảo hiếu phải đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện. Đó là những thực hành rất lành thánh để tưởng nhớ người đã qua đời, thực thi bổn phận “hiệp thông cùng các thánh”, nối tiếp truyền thống hiệp thông 3 Giáo Hội trở nên một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền (Kinh Tin Kính).

 

Trong truyền thống hiệp thông, Giáo Hội luôn mời gọi người tín hữu dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất. Khi thực hiện những hành vi lành thánh đó, chính là lúc người Ki-tô hữu tuyên xưng niềm tin của mình vào sự sống lại và sự sống đời đời (Ga 11, 25) – sự sống mà chính Đức Ki-tô đã khai mở, vì Người chính là hoa quả đầu mùa của những kẻ đã yên giấc (“Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” – 1Cr 15, 20). Nếu không tin vào sự sống mai sau thì chẳng ai cầu nguyện cho các linh hồn làm gì và cũng chẳng có lễ cầu hồn, như người Công giáo vẫn thường dâng hàng ngày, đặc biệt là trong cả tháng 11 hàng năm. Nếu không tin vào sự chung thẩm (luận định, phán xét cuối cùng) ở ngày cánh chung, thì mọi lời cầu nguyện và nghĩa cử người tín hữu làm cho người chết đều trở nên vô nghĩa (sách Ma-ca-bê còn gọi đó là việc làm “dư thừa và ngu xuẩn” – 2Mcb 12, 44).

 

Như vậy là đã rõ, để thanh tẩy cho sạch mọi tội lỗi, giũ sạch mọi vết nhơ gây nên đau khổ, con người cần phải được thanh luyện không những khi còn tại thế mà cả sau khi đã qua đời. Nơi thanh luyện đó Giáo Hội định tín là “Luyện ngục” (“Những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắc chắn được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đat được sư thánh thiện cần thiết để vào hưởng phúc Thiên đàng”“Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là Luỵên ngục. Điều này khác hẳn với hình phạt đời đời của kẻ bị chúc dữ: Hội Thánh công bố giáo lý về Luyện nguc cách riêng trong các Công đồng Flôrence và Trentô. Dựa vào một số đoạn Kinh Thánh, Hội Thánh nói về lửa thanh luyện” (1Cr 3, 15; 1Pr 1, 7). – Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1030-1031).

 

Sách “Những ngày lễ Công Giáo” (Lịch Phụng Vụ) phổ biến ở Việt Nam (nhà xuất bản tôn giáo ấn hành), ghi ngày 02/11 là: CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI (LỄ CÁC ĐẲNG). Cũng vì cụm từ viết tắt LỄ CÁC ĐẲNG khiến nảy sinh thắc mắc, không hiểu CÁC ĐẲNG là gì. Nếu viết đầy đủ thì phải là LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN. Nhưng như thế thì lại hiểu là linh hồn người chết vẫn còn phân đẳng cấp sao? Đúng là theo từ nguyên Hán Việt thì “các đẳng  各 等 ” có nghĩa là: tất cả các thứ hạng, cấp bậc (“các”: tất cả, số nhiều; “đẳng”: thứ bậc, đẳng cấp). Vd: Thượng đẳng (bậc cao nhất); Trung đẳng (bậc giữa); Hạ đẳng (bậc thấp nhất). Tuy nhiên, “Các đẳng linh hồn” không có nghĩa là trong luyện ngục các linh hồn vẫn có sự phân chia đẳng cấp, điạ vị, thứ hạng như khi còn ở thế gian. Trong Luyện Ngục, tình trạng thanh luyện của họ có thể khác nhau, thời gian thanh luyện có thể khác nhau, nhưng được “phân cấp” như thế nào thì không ai biết được.

 

Có lẽ do ở Việt Nam từ trước khi gia nhập Ki-tô giáo, truyền thống dân tộc dành tháng 7 âm lịch để cúng “cô hồn các đẳng” (cúng tế những vong hồn người chết). Khi hạt giống Tin Mừng được gieo trên mảnh đất VN, tiền nhân đã dùng tiếng “các đẳng linh hồn” để dịch cụm từ La-tinh “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum” (Lễ cầu cho các người đã qua đời). Sau này, Uỷ Ban Phụng Tự dịch là “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” là đã đầy đủ ý nghĩa, nhưng vẫn mở ngoặc chú thích thêm là “Lễ Các Đẳng” cho phù hợp với truyền thống dân tộc VN. Tóm lại, không nên quá câu nệ vào từ ngữ, mà chĩ cần nhận chân một điều: Lễ “Cầu Hồn” hay tháng “Cầu Cho Các Linh Hồn” nơi Luyện Ngục, chính là dịp để người Ki-tô hữu tuyên xưng Đức Tin được xây dựng trên nền tảng Đức Ái Ki-tô Giáo (“Quả thật, trong Đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái.” – Gl 5, 6; “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” – Cl 3, 14).

 

Quả thực không gì cao đẹp hơn khi mọi người cỏn sống hay đã chết cùng hiệp thông trong Thánh lễ tạ ơn, trong lời kinh tiếng hát dâng lên Thiên Chúa. Thánh lễ đặc biệt trong những ngày đầu tháng và trong suốt tháng 11 nhằm kính nhớ và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn, như một nhắc nhở cần thiết: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, để những thế hệ hậu sinh kính dâng cho các hương hồn tiền nhân đã dày công xây đắp cho con cháu. Các ngài mãi mãi rời xa chúng ta về mặt thể lý; nhưng trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội, thì các ngài vẫn luôn luôn gần gũi mỗi người trong thế gian. Sẽ là những món quà vô giá mỗi khi người Ki-tô hữu hy sinh, chay tịnh, làm công tác tông đồ bác ái, cầu nguyện cho những người thân yêu và tất cả những ai đã đi vào cõi vĩnh hằng.

 

Ôi! “Lạy Chúa, Con Một Chúa từ cõi chết sống lại đã tăng cường niềm tin của chúng con. Giờ đây, xin Chúa thương nhận lời chúng con khẩn nguyện mà làm cho lòng chúng con luôn trông vậy vững vàng: chính Ðức Giê-su sẽ cho các tín hữu đã lìa cõi thế được phục sinh vinh hiển. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Cầu cho các tín hữu đạ qua đời).

JM. Lam Thy ĐVD.