uộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là phúc lành Thiên Chúa cho Bangladesh

Cuộc viếng thăm Bangladesh của Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối năm nay là phúc lành từ Thiên Chúa và là dấu chỉ đặc biệt về tình yêu thương của Đức Thánh Cha dành cho Bangladesh. Đó là lời khẳng định của Đức hồng y Patrick D’Rozario của giáo phận Dhaka, Bangladesh trong cuộc phơng vấn dành cho hãng tin Á châu.

 

Đức hồng y D’Rozario cho biết người dân Bangladesh và cộng đoàn Kitô tràn đầy vui mừng khi nghe tin Đức Phanxicô sẽ viếng thăm đất nước họ. Sau 31 năm, từ chuyến viếng thăm cuối cùng của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1986, cuối cùng người dân có thể có Đức Thánh Cha Phanxicô hiện diện ở giữa họ và điều này mang lại niềm vui cho tất cả.

Đối với cộng đoàn Công giáo Bangladesh, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là cuộc hành hương của con người thánh thiện và thiêng liêng của Đức Thánh Cha đến với họ: họ sẽ thấy ngài, nghe ngài, ở gần ngài và đụng chạm đến ngài, đứng trên cùng mảnh đất với ngài khi cử hành Thánh Thể. Sự kiện này cũng cho thấy ưu tiên mà Đức Thánh Cha dành cho dân chúng ở vùng ngoại biên, như đoàn chiên nhỏ bé của các Kitô hữu ở đây và cũng là sự nhìn nhận đức tin và chứng tá Tin mừng của họ.

Qua cuộc viếng thăm, dân chúng  Bangladesh nhận thấy ưu tiên Đức Thánh Cha dành cho Bangladesh và tình yêu nồng ấm trong trái tim ngài. Chuyến viếng thăm Bangladesh của Đức Thánh Cha sẽ là cơ hội để cử hành sự hòa hợp về tôn giáo và văn hóa, di sản của các giá trị nhân văn và luân lý, tình yêu nhân loại được mở rộng cho tất cả, không có giới hạn và biên giới, các giá trị Tin mừng và nhân bản nơi những người nghèo trong xã hội. Họ cũng hy vọng rằng nhờ Đức Thánh Cha, các cộng đồng quốc tế sẽ nghe được các tiếng nói của những người “không có tiếng nói”.

Tuy Bangladesh là quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, nhưng tại quốc gia này, mọi lãnh đạo tinh thần đều được kính trọng và vinh danh bởi người dân thuộc các tôn giáo ở Bangladesh như: Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo và Ki tô giáo. Trên căn bản này, Đức Thánh Cha Phanxicô được đón tiếp như lãnh đạo tinh thần của thế giới và sẽ được đón tiếp bởi người dân của mọi tôn giáo, bao gồm Hồi giáo. Người dân muốn nhìn thấy Đức Thánh Cha, lắng nghe ngài, đụng chạm ngài nếu có thể và ở gần ngài. Điều này được tất cả xem như là sự chúc phúc. Thứ hai, phần lớn các Giáo hoàng, kể cả Đức Phanxicô, được nhìn nhận như tiếng nói lương tâm cho thế giới. Cho nên tất cả dân Bangladesh, không phân biệt tôn giáo, sẽ vui lòng lắng nghe ngài. Thứ ba, Đức Thánh Cha Phanxicô được dân chúng yêu mến bởi vì nhiều lần ngài đã bảy tỏ tình thương và sự cảm thông của ngài đối với các nạn nhân của tai họa do con người gây nên cũng như các thảm họa do con người gây nên. Ngài đã nói nhân danh công lý và nhân loại mà những người được giáo dục vẫn còn nhắc nhớ cách sống động rõ ràng.

Theo Đức hồng y D’Rozario, nếu Đức Thánh Cha nói về vấn hòa hợp và hòa bình tại các khu vực khác nhau của Bangladesh thì cũng là điều tự nhiên, vì chủ đề chính của chuyến viếng thăm của ĐTC là hòa hợp và hòa bình. Đức hồng y khôngc hắc là Đức Thánh Cha có nói trực tiếp đến vấn đề nóng bỏng của những người tị nạn ở Myanmar hay không. Theo Đức hồng y, nếu Đức Thánh Cha phải nói về vấn đề này, ngài sẽ tôn trọng vai trò của Bangladesh bởi vì chính quyền Bangladesh đã cởi mở đón tiếp và đứng về phía nhân loại đau khổ. Giáo hội ở Bangladesh cũng thế, đang đáp lại các nhu cầu nhân đạo của người tị nạn. Vấn đề Đức Thánh Cha có gặp gỡ người tị nạn từ Myanmar hay không vẫn chưa được quyết định.

Đức hồng y D’Rozario hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ mang đến một sự thức tỉnh tinh thần và sẽ có ấn tượng tích cực trên đất nước Bangladesh. Người dân sẽ được khuyến khích để hoạt động hăng say hơn cho sự hòa hợp và hòa bình. Đức Hồng y kết luận: “Tóm lại, những chờ đợi của chúng tôi từ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là: xác định và nhìn nhận những điều tốt đẹp mà chúng tôi có; đánh giá cao điều chúng tôi là; lời mời gọi chăm sóc người nghèo và người trẻ – ước mơ và hy vọng của chúng tôi; khuyến khích hoạt động để phát triển con người toàn diện để đối mặt với những thử thách của thay đổi khí hậu và để đào sâu sự hòa hợp để xây dựng hòa bình trong xã hội.”

(Hồng Thủy, RadioVaticana 19.10.2017/ Asia News 05/10/2017)