UNESCO công nhận mộ của các tổ phụ là di sản thế giới

Tổ chức UNESCO đã công nhận lăng mộ của các Tổ phụ ở Hebron, Bờ Tây là di sản thế giới, theo đề xuất của chính quyền Palestine. Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua với 12 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 6 phiếu trắng. Lăng mộ của các Tổ phụ được người Do Thái công nhận là nơi chôn cất của Abraham, Isaac và Giacóp. Người Hồi giáo xây cất đền thờ Hồi giáo Ibahimi ngay trên địa điểm này.
UNESCO công nhận mộ của các tổ phụ là di sản thế giới

Giáo hội châu Âu khuyến cáo EU ngưng tăng ngân sách quốc phòng

Ngày 12.7, Liên Hội đồng Giám mục châu Âu đã đề nghị các quốc gia trong khu vực đừng gia tăng ngân sách quốc phòng, ngược lại, hãy củng cố vai trò là tác nhân hòa bình và hòa giải. Các giám mục châu Âu đề nghị EU phải chú ý tới nạn giới trẻ thất nghiệp, phát triển kinh tế vùng miền và các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong vùng Đông Âu và Nam Âu.

Tự sắc về việc hiến dâng sự sống của các Kitô hữu

Đức Thánh Cha  Phanxicô đã công bố tự sắc “Maiorem hac dilectionem” (Không có tình yêu nào lớn hơn) về hiến dâng sự sống của các Kitô hữu trong tương quan với việc xét tuyên chân phước và tuyên thánh. Trong phần mở đầu của tự sắc công bố ngày 11.7, Đức Thánh Cha khẳng định rằng các Kitô hữu noi gương Chúa Giêsu tự hiến mạng sống cho tha nhân và kiên trì cho đến chết trong ý hướng này thật đáng vinh danh. Cộng đoàn thường tôn kính những người tự ý chấp nhận việc tử đạo hay thực thi các nhân đức Kitô là bậc anh hùng. Cụ thể, tự sắc mở rộng các khả năng lập hồ sơ đối với các trường hợp ngày nay. Những tình nguyện viên là tu sĩ hay giáo dân đã qua đời sau khi nhiễm một loại siêu vi trong khi giúp đỡ các bệnh nhân của nạn dịch có thể được Bộ Phong Thánh xem xét. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng nêu ra nhiều tiêu chí cụ thể: việc ban tặng đời mình cách tự do và tự nguyện, và chấp nhận thiệt mạng một cách anh hùng; cái chết phải có liên quan trực tiếp đến việc hiến dâng cuộc đời, đã thực thi các nhân đức Kitô giáo trước khi dâng hiến và cho đến khi lìa đời có “danh thơm về sự thánh thiện”; các dấu chỉ phải có một “phép lạ xảy ra sau khi vị tôi tớ của Thiên Chúa qua đời và nhờ lời chuyển cầu của vị ấy”.

Đức Hồng y Leonardo Sandri thăm Ukraine

Ngày 17.7, Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ Các Giáo hội Đông phương, đã kết thúc chuyến thăm Ukraina kéo dài 1 tuần theo lời mời Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo hội Công giáo – Hy Lạp Ukraine. Trong thời gian viếng thăm, Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương đã bày tỏ tình liên đới với những mất mát, đau khổ mà người dân nước này phải gánh chịu trong cuộc xung đột. Ngài đã viếng thăm một cơ sở của Caritas đang nuôi nấng những trẻ em là nạn nhân của xung đột.

Giáo hội Ireland trợ giúp châu Phi

Hội đồng Giám mục Ireland đã phát động cuộc quyên góp toàn quốc trong hai ngày 22 và 23.7 để trợ giúp châu Phi đang bị khủng hoảng lương thực. Số tiền quyên góp sẽ được Tổ chức bác ái Trocaire gởi sang trợ giúp dân chúng các nước Kenya, Nam Sudan, Somalia và Ethiopia. Tổ chức này sẽ phân phát thực phẩm, nước, thuốc men và các dụng cụ cần thiết cho 25 triệu người đang gặp khó khăn vì khí hậu thay đổi, hạn hán khiến cho mùa màng thiệt hại nặng và gia súc chết đói. Hằng tháng, các trung tâm y tế của Trocaire tại Somalia đang trợ giúp thực phẩm và thuốc men cho 19.000 người. Tại Kenya có 13.000 trẻ em được cung cấp thực phẩm và nước uống. Tổ chức cũng tài trợ việc đào giếng nước cho nhiều địa phương.

Kiểm định bánh rượu dùng dâng thánh lễ

Ngày 9.7 Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã phổ biến thông cáo đề nghị các giám mục toàn thế giới kiểm tra phẩm chất của bánh rượu dùng để dâng thánh lễ. Theo đó, bánh phải là bánh không men, làm bằng lúa mì tinh tuyền, còn mới để không có nguy cơ bị hư hại. Bánh làm bằng loại ngũ cốc khác với lúa mì, hay trộn lẫn với chất liệu khác lúa mì, không được coi là lúa mì thì không có giá trị cho việc cử hành Thánh Thể. Rượu dùng dâng thánh lễ phải là rượu tự nhiên làm bằng trái nho, tinh tuyền không bị pha chế hay trộn lẫn với các chất khác. Cần giữ gìn nó trong tình trạng hoàn hảo để rượu không trở thành giấm. Tuyệt đối không được dùng rượu không có sự tinh tuyền. Không thể chấp nhận các loại rượu khác thuộc bất cứ loại nào không có giá trị cho việc cử hành.

Vai trò của Giáo lý viên

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi sứ điệp đến Đại hội quốc tế giáo lý tổ chức tại thủ đô Buenos Aires của Argentina từ 11-14.7. Ngài khích lệ các giáo lý viên chu toàn sứ mệnh phục vụ Giáo hội bằng cách sống mật thiết với Chúa Giêsu và dùng mọi phương thế để loan báo Tin Mừng, trước hết bằng chứng tá cuộc sống. Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha đã trích câu thánh Phanxicô thành Assisi trả lời khi các tu sĩ xin thánh nhân chỉ dẫn cách giảng dạy: “Này anh em, khi chúng ta thăm viếng người đau yếu, giúp đỡ trẻ em và cho người nghèo ăn là chúng ta đã giảng dạy rồi”. Đức Thánh Cha nhắn nhủ giáo lý viên phải là người bước đi từ Chúa Kitô và với Chúa Kitô, chứ không phải khởi hành từ các tư tưởng và sở thích của riêng mình. Giáo lý viên cũng phải có óc sáng tạo, biết sử dụng và tìm ra các phương tiện, hình thức khác nhau để loan báo Lời Chúa, biết gặp gỡ các dấu chỉ mới và phương thức mới để thông truyền đức tin.

Đại hội quốc tế giáo lý do Học viện giáo lý của Hội đồng Giám mục Argentina phối hợp cùng phân khoa Thần học của đại học Công giáo Argentina tổ chức với khẩu hiệu “Phúc cho những ai tin”. Trong số các thuyết trình viên có Đức Tổng Giám mục Luis Francisco Ladaria, dòng Tên, Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin và Đức ông José Ruiz Arenas, thư ký Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Chống bạo hành phụ nữ

Hội đồng các Giáo hội Kitô thế giới và Liên hiệp Luther thế giới vào thượng tuần tháng 7.2017 đã tổ chức hội nghị về đề tài loại bỏ mọi hình thức bạo hành nữ giới. Mục sư Martin Yunge, Tổng thư ký Liên hiệp Luther thế giới nhấn mạnh rằng, bạo lực trong mọi hình thức là một vấn đề của nhân loại, chứ không phải là chuyện bên lề. Nhận định của mục sư Yunge phát xuất từ lo ngại gia tăng trong những ngày diễn ra hội nghị, khi các tham dự viên nghe tường trình về sự gia tăng những hiện tượng bạo hành. Nguyên nhân của tình trạng này là các chủ thuyết quá khích, lạm dụng tính dục, nạn buôn bán phụ nữ, và nạn nghèo đói gia tăng. Trầm trọng hơn cả là sự xuất hiện của một loại văn hóa không sợ bị trừng trị hoặc im lặng đồng lõa, thường dựa vào sự thờ ơ không kết án của xã hội chung quanh.

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc