Tu sĩ Mĩ-can-hy Dòng Thánh Tâm Huế, một ý chí gang chì trong giai đoạn khó khăn nhất

Một Tu sĩ đã nhiều năm làm Bề trên một Hội Dòng bản địa ở Huế được nhìn nhận có công gìn giữ và vực dậy sức sống cho Hội Dòng trong giai đoạn khó khăn nhất.

chaChau-2.jpg

 “Với vai trò của một vị thuyền trưởng, Tu sĩ Micae-Hy Nguyễn Văn Châu đã vững tay chèo lèo lái con thuyền Hội Dòng vượt qua được giai đoạn sóng gió lớn nhất sau năm 1975”, Cha Antôn Huỳnh Đầy, Bề trên Tổng quyền đương nhiệm của Dòng Thánh Tâm Huế nói về vị tiền nhiệm của mình.

Cha Châu, nguyên Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Tâm Huế, đã qua đời ở tuổi 88 tại Tu viện Trung ương của Hội Dòng ở thành phố Huế, lúc 20g tối 14-1-2016.

Thánh lễ An táng diễn ra lúc 5g30 sáng 18-1-2016 tại Nhà thờ Bến Ngự và cũng là Nguyện đường của Hội Dòng, do Đức tổng giám mục Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng của Tổng giáo phận Huế chủ sự, 50 linh mục đồng tế và khoảng 800 người bao gồm nam nữ tu sĩ và giáo dân hiệp dâng trong Nhà thờ và ở dưới hội trường.

Lúc sinh thời tu sĩ Micae-Hy Nguyễn Văn Châu thích người ta gọi mình với danh hiệu “Mĩ-can-hy”, phiên âm vắn tắt danh hiệu của thánh tử đạo Micae Hồ Đình Hy, vị thánh tử đạo mà Cha đã chọn làm bổn mạng của mình. Chắc hẳn danh hiệu này đã trở nên quen thuộc với biết bao thế hệ học trò cũng như nhiều anh em cựu tu của Hội Dòng khi họ nói về Cha, một mẫu gương có ý chí phi thường trong lối sống cũng như phong cách làm việc.

Vào Dòng khi mới lên 10 tuổi, khấn tạm và bắt đầu dạy học từ khi 20 tuổi, khấn trọn khi 26 tuổi, sau đó tu sĩ Mĩ-can-hy giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Hội Dòng: làm Giám sư Tập viện 3 năm, Giám đốc Đệ tử viện 2 năm, Giám đốc Kinh viện 7 năm, làm Bề trên Tổng quyền nhiều lần nhiều khóa với tổng cộng 32 năm.

Tiểu sử cuộc đời người tu sĩ đã hòa cùng lịch sử Hội Dòng và đồng hành với lịch sử đất nước trong giai đoạn bi đát nhất. Nếu Hội Dòng được khai sinh năm 1925, thì tu sĩ Mĩ-can-hy chào đời năm 1928; và nếu mầm sống vừa mới khai sinh có sức mãnh liệt thế nào, thì bom đạn của chiến tranh đe dọa hủy giệt cũng đáng sợ thể ấy. Mọi tu sĩ buộc phải thích nghi, lăn xả một cách can đảm để duy trì sự sống còn cho mình cũng như cho Hội Dòng qua các biến cố: Chia cắt đất nước 1954, Tết Mậu Thân 1968, Mùa hè đỏ lửa 1972, Giải phóng đất nước 1975.

Chiến tranh qua đi để lại những đống đổ nát vùi lấp biết bao xương máu đồng bào. Hòa bình đến thiết lập một nền thể chế vùi dập biết bao ơn gọi cùng với sứ mạng giáo dục của Hội Dòng. Mất trường, mất cơ sở, mất nhân sự và vắng bóng ơn gọi trong suốt hơn 20 năm, Hội Dòng trong cơn sóng cả đã được tu sĩ Mĩ-can-hy lèo lái từ năm 1977, khi đó Hội Dòng chỉ còn lại 17 vĩnh khấn sinh, 1 tạm khấn sinh và 6 tập sinh.

Trong bài giảng Thánh lễ An táng, Cha Hieronimo Emiliano Đỗ Minh Liên, phó Bề trên Dòng Thánh Tâm Huế, kể lại một trong những khó khăn sau năm 1975 đó là Hội Dòng phải chịu sức ép của chính quyền tại Huế buộc nhượng lại Tu viện mẹ ở Phường Đúc cho nhà nước. Sau khi tham khảo và lãnh hội ý kiến của Đức tổng giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, cuối cùng tu sĩ  Mĩ-can-hy với tư cách Bề trên đành phải chấp nhận cho nhà nước trưng dụng Tu viện mẹ.

Cha Minh Liên cho biết việc mất các trường học và các cơ sở khác của Dòng là một vấn đề lớn, nhưng mất đi cả Tu viện mẹ là cái nôi của Hội Dòng lại là vấn đề lớn gấp bội. Điều này đã gây nên sự đau xót tiếc nuối vô hạn đối với những anh em khác, và chính Bề trên Châu lúc đó cũng vô cùng xao xuyến. Tuy nhiên cha Minh Liên nói thêm rằng trước những khó khăn thử thách cam go như thế, vị bề trên của Dòng lúc đó đã hết lòng đặt niềm tín thác và hy vọng vào tình thương cũng như sự quan phòng của Thiên Chúa.

Trong lời từ biệt cuối cùng tại nghĩa trang, Cha Huỳnh Đầy đã xúc động kể lại khoảnh khắc đáng nhớ về thời gian lao tác ở núi Kim Phụng, Bình Điền, khi phải sống chung với bom mìn còn sót lại trên mảnh đất canh tác, đặc biệt là những bữa cơm độn sắn mà thầy tập sư cũng là Bề trên Mĩ-can-hy đã nhịn đói nhường phần cho các học trò.

Cha Đầy kể lại việc nhà nước bắt buộc những anh em trẻ phải đi vùng kinh tế mới để lao tác, Bề trên Mĩ-can-hy đã đưa 6 tập sinh đi lên núi Kim Phụng ở Bình Điền để canh tác đất rừng kiếm sống, đồng thời đào tạo lớp tập sinh đặc biệt này suốt 3 năm trong giai đoạn khắc nghiệt nhất. Cha Đầy lúc đó là một trong số 6 tập sinh này. Sau đó họ trở về thành phố để tìm học và làm đủ các nghề để kiếm kế sinh nhai: đan lát mây tre, làm bún….

Nhận thấy việc các thành viên của Dòng lãnh chức linh mục là cần thiết để duy trì Hội Dòng thu hút ơn gọi mới, thầy Bề trên Mĩ-can-hy lãnh hội ý kiến Đức tổng Điền và đã tạo điều kiện cho anh em học triết và thần học để tiến tới chức thánh. Năm 1994 thầy Mĩ-can-hy lãnh chức linh mục, những năm sau đó một số anh em đủ điều kiện cũng được lãnh chức thánh.

Giáo Hội cũng như đấng bản quyền địa phương gợi ý và cho phép Hội Dòng tìm hiểu để sáp nhập với một Dòng quốc tế lớn hơn. Sau một thời gian liên lạc và tìm hiểu Dòng Chúa Thánh Thần, hầu hết anh em Thánh Tâm Huế đều muốn sáp nhập để thích nghi với hoàn cảnh mới, nhưng Cha Bề trên Mĩ-can-hy lại không muốn sáp nhập mà muốn giữ gìn và vực dậy sức sống cho Dòng Thánh Tâm Huế, bởi lẽ nếu sáp nhập thì danh hiệu và những gì đặc thù riêng của Thánh Tâm Huế đều mất.

Cha Mĩ-can-hy được biết đến là một người thận trọng và kỹ càng trong việc tuyển nhận và đào tạo ơn gọi. Ngài không chỉ thương chăm lo cho ơn gọi, thương xây nhà thờ cho giáo dân hai giáo xứ miền núi mà giáo phận trao cho Dòng thi hành công tác mục vụ và truyền giáo, mà ngài còn thương cả người làm hại mình như trường hợp ngài tha thứ cho kẻ tông xe trực diện vào ngài khiến ngai mang thương tật cho đến chết, không kiện cáo, không đòi đền bù.

Những ai đến với Cha Mĩ-can-hy đều ấn tượng về một nụ cười tươi tắn và một đời sống giản dị. Nhiều bạn trẻ đã được khơi nguồn cảm hứng dấn thân trong ơn gọi hoặc trung thành hơn với ơn gọi sau khi gặp gỡ ngài qua các bí tích hoặc sau cuộc tiếp chuyện về tình yêu Thánh Tâm Chúa.

Cha Mĩ-can-hy luôn mang trên mình chiếc áo dòng đen, dù đi gần hay xa, dù gặp gỡ các đấng bậc trong Giáo Hội hay tiếp xúc làm việc với các cơ quan ngoài xã hội, và dù đã từng có những người đề nghị Cha không mặc áo dòng như thế nữa.

Dù đã nhiều năm làm Bề trên và còn đang thao thức nhiều việc lớn cho Dòng, thế nhưng khi đã mãn nhiệm chức vụ, cha Mĩ-can-hy không hề dính bén một chút gì liên quan đến quyền lực cũng như công việc cũ, ngài hoàn toàn bàn giao, buông lòng trí và chân tay để giành thời gian trọn vẹn cho Chúa cũng như giọn mình suốt 10 năm trước khi qua đời vào áp ngày sinh nhật lần thứ 88 của mình (15/1/1928 – 14/1/2016).

Sinh ra tại giáo xứ Kim Long rồi dâng hiến đời mình trong Dòng Thánh Tâm Huế với 68 năm khấn dòng và 22 năm thi hành chức thánh linh mục. Thi hài cha Mĩ-can-hy được an táng bên cạnh các phần mộ tu sĩ Dòng Thánh Tâm Huế ở nghĩa trang Dạ Lê, phía nam thành phố Huế.

Có thể nói giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử 90 năm qua của Hội Dòng là giai đoạn chuyển giao sau ngày giải phóng đất nước, giai đoạn giải quyết những hậu quả của chiến tranh, giai đoạn đầy áp lực và mất mát, giai đoạn đầy sợ hãi vì những đe loi và giam hãm, giai đoạn cấm đoán đủ điều và kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo. Thế nhưng, với ơn Chúa và ý chí kiên định của một con người, Thiên Chúa đã dẫn dắt Hội Dòng đi trong bước đường tình thương của Chúa.

chaChau-3.jpg

chaChau-4.jpg
chaChau-5.jpg
chaChau-6.jpg
chaChau-1.jpg

Đam Nguyên