Tự do

Con người vốn thích tự do. Từ rất xa xưa họ đã sử dụng tự do như là hành động đầu tiên trong ý thức làm người.

Vốn dĩ tự do tạo cho con người một phẩm giá cao quý. Tự do làm cho người ta cảm thấy được hãnh diện. Một mặt nó diễn tả cung cách làm người, mặt khác nó cho người ta thành những chủ thể độc lập. Tự do là điều đáng trân trọng. Hầu hết người ta cảm thấy đời đẹp hơn và đáng sống hơn nhờ có tự do.

Ngày nay trên thế giới ở nhiều nơi người ta đang đòi quyền tự do. Họ đòi quyền tự do trong lãnh vực này lãnh vực nọ. Họ đã khát khao tự do. Một thể chế, một cơ quan quyền lực, một tập thể, một cá nhân, một ý thức hệ nào đó đã kìm hãm họ. Người ta thấy mình không được tự do trong tư tưởng, hành động. Người ta thấy mình cứ bị hạn chế bởi sức ép của quyền lực nơi luật lệ, tôn giáo, chủ nghĩa, văn hoá, tập tục,vv… như một thứ hàng rào vướng vít cản bước họ. Rất nhiều khi người ta muốn vượt ra khỏi tất cả, và muốn coi tất cả như không có để được tự do như cánh chim bay trong bầu trời.

Nhìn chung, con người sống ở môi trường nào, trong lãnh vực nào cũng bị một sự ràng buộc nào đó. Dứt khoát phải như vậy.

Thường thì những tổ chức của tập thể hoặc cá nhân hay sử dụng quyền lực của mình để áp đặt lên một cộng đồng hoặc các cá nhân khác sự chi phối của mình, có khi làm cho người khác mất tự do. Và đôi khi họ đã sử dụng sai quyền hành của mình trong lãnh vực chính trị hoặc tôn giáo. Vì thế, sau một thời gian người ta thay đổi chính thể, thay đổi hệ thống điều hành, thay đổi luật lệ, thay đổi đường hướng, thay đổi hình phạt. Họ thấy được cái sai, cái không hợp thời. Có phải do cái ghế của địa vị làm cho mắt họ bị mờ hay do những tác động khác? Có phải họ được quyền sử dụng tự do hơn người khác, hơn kẻ dưới mình? Cho nên quyết định của người có chức có quyền là rất nghiêm trọng; do đó họ phải rất cẩn thận, dè dặt. Họ được điều hành cả một guồng máy sinh tử. Họ nắm quyền cai trị cả một cộng đồng. Họ được ăn lương, được để ý hơn hẳn người thường. Vì thế, yếu tố tự do nơi họ là một cám dỗ rất mạnh về nhiều lãnh vực như : tiền bạc, sắc đẹp, địa vị, tiếng nói….Họ có thể tự châm chước cho mình. Họ có thể bỏ qua tiếng nói lương tâm.

Thần dân bị chi phối thì nơm nớp lo sợ. Họ sợ vì có luật lệ và quyền hành đe doạ. Họ sợ hình phạt sẽ giáng xuống trên họ nếu họ không biết sử dụng tự do cho đúng với địa vị, đúng với môi trường, lãnh vực mình đang hoạt động. Từ nỗi sợ hãi ấy, phần nào làm mất đi một chút tự do của con người ta. Vì không ai có thể hành động cách thoải mái khi mang tâm trạng sợ sệt. Người dân thường đương nhiên là không đuợc oai phong bằng kẻ có chức vị, quyền lực. Và dường như phẩm giá cũng không được trân trọng bằng kẻ trên mình.

Nơi một tập thể, một quốc gia có sự lộn xộn thiết tưởng rằng quyền tự do bị chênh lệch. Càng chênh lệch nhiều thì càng lộn xộn nhiều. Cán cân công lý và quyền lực càng nhúng vào thì càng dễ đổ vỡ. Bản chất của tự do là chân lý. Chân lý nào thì không cần biết, nhưng đã là “chân lý phải được chấp nhận không cần bạo lực”(Tolstoi). Chân lý của vấn đề tự do là để cho tự do được tự do, tức là được hít thở bầu không khí chung, bầu không khí của tự nhiên, của luật Tạo Hóa. Việc can thiệp của con người nếu còn mang sự gì áp đặt chủ quan thì hẳn là không ổn đối với kẻ khác. Người ta sẽ phản ứng bằng tiếng nói, hành vi,….và có thể người ta sẽ tự kết liễu đời mình để tìm tự do nơi thế giới bên kia.

Lạy Chúa,
Chúng con khát khao sự tự do để thấy đời đáng sống.

Chúng con ước ao được sống trong sự tự do chân chính,
tự do liêm khiết, tự do tâm linh, tự do tôn giáo.

Chúng con muốn một thể chế tôn giáo và chính trị
đang chi phối chúng con
biết sử dụng tự do một cách chính xác
với một mục đích duy nhất
là mưu cầu hạnh phúc chung cho nhân loại
và dẫn mọi người về trời.

Xin đừng để chúng con lạm dụng tự do để bắt bí anh em,
lạm dụng tự do để phạm tội hay để phá hoại. Amen.



 Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
Trích “Ra khơi” số 12