Tri ân vị mục tử suốt 33 năm coi sóc

Sau khi chịu chức linh mục tại đền thánh Phú Nhai được 9 năm 2 tháng 10 ngày, vào dịp Lễ Tro ngày 07/03/1973, Cha Vinh Sơn Trần Ngọc Bút nhận bài sai từ Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh về coi sóc 9.000 giáo dân thuộc ba giáo xứ: Thức Hóa, Du Hiếu và Quất Lâm cùng 21 giáo họ (Phong Lâm lúc đó đang là giáo họ Thất Sự thuộc xứ Thức Hóa).

Ngày đón Cha về tưng bừng như ngày hội lớn. Giáo dân mừng rỡ đón nguồn sinh khí mới từ một cha xứ trẻ mới 30 tuổi tròn bù lại những gian nan vất vả của giáo dân suốt 10 năm vắng bóng chủ chăn kể từ khi cha già Đa Minh Ngô Quý Sỹ ở xứ Thức Hóa qua đời vào năm 1962. Lúc đó cha già Gioakim Mai CaoTrụ ở giáo xứ Du Hiếu lên giúp cho mỗi tuần một lễ “đi đúp”, tức là đến giờ dâng lễ phải đặt cha trên chiếc ghế “đặc chủng” cao hơn ghế bình thường để hai người khênh từ trong phòng áo ra bàn thánh và lễ xong lại khênh ngài vào. Riêng Quất Lâm sau biến cố 1954 không có cha ở. Khi cha già Trụ qua đời vào năm 1969, mỗi tháng Thức Hóa được 2 lễ tối Chúa nhật dành cho cả 3 giáo xứ do cha già cố Gioakim Vũ Cao Đường từ Sa Châu xuống cho lễ. Các Chúa Nhật còn lại tất cả đều phải cuốc bộ lên Sa Châu dự lễ từ lúc 2 giờ sáng. Thời kỳ máy bay Mỹ oanh tạc, đi đêm không được xách đèn. Trong nhà thờ không đèn nến; chỉ có một ngọn đèn búp măng trên bàn thờ nhưng phải che kỹ chỉ để chừa một chỗ sáng cho cha đủ đọc được chữ trong sách lễ.

Từ khi có cha mới về, tất cả mọi việc được khẩn trương triển khai từ kiện toàn ban hành giáo, củng cố các đoàn hội, tu sửa nhà thờ và nhà xứ, ổn định nơi ăn chốn ở, gồng mình ứng xử với những ràng buộc xoi mói của chế độ thời bao cấp. Mọi việc mới tạm ổn thì đùng một cái, đêm….tháng….năm…. trận bom máy bay Mỹ dội xuống phía nam nhà thờ, chỉ cách nhà cha ở hơn trăm mét làm ba mẹ con bà cháu trong một gia đình thiệt mạng và nhà thờ bị trốc ngói và bung cửa. Cảnh tan hoang tang tóc diễn ra. Cha con lại cùng nhau khắc phục hậu quả.

Năm 1977, Cha kêu gọi giáo dân chung lòng góp sức làm lại trần nhà thờ đã bị 4 trái bộc phá làm tan hoang trong trận du kích đánh đồn Thức Hóa vào đêm mồng 3 tháng 5 năm 1954. Không có xi-măng sắt thép như ngày nay, giáo dân đã ủng hộ tre đan cốt và rơm ngâm trộn với vôi để trát trần. Với tinh thần tích cực góp của góp công của giáo dân, công việc trùng tu sớm được hoàn thành chỉ sau gần hai tháng.  Chiều thứ Bảy áp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mọi người hồ hởi tháo giáo để thu xếp chuẩn bị mừng lễ. Vì quá phấn khởi nên tất cả cùng ùa vào làm khiến cho bộ phận chuyên môn không kịp điều hành. Giàn giáo bị sập đổ làm anh Gioan Đinh Văn Tốn tử vong tại chỗ và bốn người bị thương. Thế là bao nhiêu phiền toái lại đổ lên đầu cha xứ…Cha mất ăn mất ngủ, sắc mặt hốc hác vì phải liên tục làm việc với cơ quan điều tra trong mấy ngày liền. Nhờ ơn Chúa, mọi việc cũng dần dần ổn lại.

Mọi việc được coi là “thuận buồm xuôi gió” kể từ năm 1980. Cha dồn toàn sức lực và tâm trí để dẫn dắt đoàn chiên, cũng như lo việc trùng tu và nâng cấp các công trình trong khu vực thánh đường và nhà xứ, cùng với việc xây dựng nguyện đường tại các giáo xóm, giáo họ, và Trung tâm Mục vụ giáo xứ…

Năm 1995, nhân kỷ niệm 150 năm thành lập làng Thức Hóa, Tòa Thánh rộng ban Năm Thánh và được khai mạc ngày 20 tháng Tư. Đến tháng Tám năm đó Cha lâm trọng bệnh phải đi điều trị tại Hà Nội. Trong thời gian này do giáo phận còn thiếu linh mục nên Đức Cha cũng không cử được cha nào về thay. Do vậy, Ban Hành giáo phải tự liên lạc với một số để đến dâng lễ thay. Hơn hai tháng điều trị ở Hà Nội, bệnh đã thuyên giảm nhưng sức còn quá yếu. Vì thương đoàn chiên, Cha đã xin về điều trị tại nhà, nhưng vẫn chưa dâng lễ được. Có một Chúa nhật Ban Hành giáo đi liên hệ không tìm được cha nào về dâng lễ giúp. Khoảng 3 giờ chiều người viết vào thăm và được ngài nói rằng: “Hôm nay không có cha nào giúp. Tôi sẽ cố gắng dâng lễ. Nhờ ông báo cho ông phần Phưởng 4 giờ kéo chuông. Xin ông cầu nguyện cho tôi nhé”. Khi chào Cha ra về, ngài gọi lại và dặn: “Tôi còn yếu lắm nên không biết có ổn không. Ông để ý khi tôi dâng lễ, nếu thấy không ổn thì đỡ tôi ngồi xuống ghế ngay nhé”. Thời ấy, người viết đang phụ trách ca đoàn. Cha gắng gượng hết sức được vài tuần thì bệnh tăng trở lại và phải đi điều trị tại Sàigòn. Lúc đó Đức cha mới cử cha Giuse Mai Quang Bao về giúp. Khoảng 3 tháng sau Cha mới được xuất viện để tiếp tục về coi sóc giáo xứ và gắn bó với Thức Hóa cho đến ngày được Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm cử về làm cha xứ Phú Nhai (2006-2009).

Sự gắn kết giữa Cha Cố Vinh Sơn với Thức Hóa và giữa Thức Hóa với Cha Cố Vinh Sơn được chính ngài bộc bạch trong bài viết “Cảm nhận về Thức Hóa”. Xin trích lại trang 10 và 11 trong cuốn Lịch Sử Làng Thức Hóa, phát hành 2000 cuốn năm 2005:

…”Tôi đã cùng sống với giáo dân, cảm thông và chia sẻ. Nói được như thánh Phaolô: Vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc. Điều làm tôi vui nhất là thấy giáo xứ, giáo dân bằng an, đạo đức sốt sắng, siêng năng đi lễ đi nhà thờ, xưng tội rước lễ đông, đoàn kết giữa Cha xứ và Ban hành giáo, giữa Ban hành giáo với giáo dân, giữa giáo dân với nhau… Và buồn khóc khi thấy giáo dân gặp đau khổ, hoặc ai đó có hành vi cử chỉ không tốt làm mất lòng Chúa, đau lòng Giáo hội”…

…”Bởi vì tôi đã tan biến và hòa nhập với cộng đồng Thức Hóa, do đó Giáo xứ, giáo dân hằng quan tâm đến tôi. Cụ thể những lần tôi bị bệnh nặng phải đi điều trị tại Hà Nội và miền Nam. Thú thật, khi đi phải vay mượn tiền, nhưng khi nằm viện và khi về nhà thì được mọi người đến thăm và cho tiền đủ trả nợ. Đặc biệt khi tôi nằm chữa bệnh tại miền Nam, Đức Ông Đinh Đức Đạo đã điện về thăm hỏi động viên và gửi tiền cho tôi điều trị. Vì thế đã nhiều lần tôi tâm sự: Tôi sống và khỏe mạnh như ngày nay là do lời cầu nguyện và lòng hảo tâm của mọi người Thức Hóa. Tôi cảm thấy gắn bó keo sơn với Thức Hóa và Thức Hoá cũng gắn bó keo sơn với tôi, và thực tế đã là như vậy. Nay tôi 63 tuổi thì 32 năm – nửa đời người sống chung với Thức Hóa, họ Đinh, toàn tòng, phải chăng Thức Hóa đã là quê hương thứ hai của tôi. Và như vậy, lịch sử cho phép tôi có hai dòng họ: Trần – Đinh. Xin các cụ Tổ Thức Hóa nhận con vào dòng họ Đinh, để trở thành: Trần Đinh Ngọc Bút – Linh mục chánh xứ Thức Hóa”.

Cha Cố ơi ! Ở nước trời, xin Cha bầu cử thật nhiều cho đoàn chiên chúng con và cho quê hương thứ hai của Cha.

Đaminh Đinh Năng