Trên Thiên Đàng, các Thánh sẽ làm gì nhỉ?

Lưu ý: Đây chỉ là một dạng suy tư cá nhân.

Chúng ta gọi những người ở trên Thiên Đàng là các Thánh. Ngoại trừ Thiên Chúa là Đấng “Thánh, chí thánh, ngàn trùng chí thánh” (Is 6,3), các Thánh đều là những thụ tạo do Thiên Chúa tạo thành. Có thể các ngài là các thiên thần, những thụ tạo vô hình của Thiên Chúa. Các ngài cũng có thể là những con người như chúng ta, những người  “đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại” (Kinh Nguyện Thánh Thể II) đã đi qua cuộc sống trần gian và đang chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa trong hạnh phúc vô biên vô tận. Các thánh là những người đam mê Thiên Chúa, hay nói cách khác, họ đặt tất cả niềm đam mê cuộc đời mình ở nơi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, đi tìm Thiên Chúa cách trọn vẹn. Và dĩ nhiên đó không phải là chuyện dễ dàng. Nhờ ơn Chúa và nỗ lực của mình, các ngài đã vượt qua những đau khổ, nước mắt, những cám dỗ, sa ngã của cuộc sống trần gian và đạt đến Nước Trời mà Chúa hứa ban cho ai tin và đi theo Người. Thiên Đàng  là nơi mà các thánh chiêm ngưỡng Thiên Chúa như Người là, trong mức độ Thiên Chúa ban cho (1 Ga 3,2) mà chẳng còn đau khổ, nước mắt, chẳng còn khổ nhục nào có thể đe dọa cướp mất niềm vui của các ngài nữa. (Is 25,6a.7-9) (Kh 7,16)

Nhưng trên Thiên Đàng các ngài làm gì? “Ở không suốt ngày, chắc cũng chán!” chắc là bạn đang nghĩ như thế. Nhưng không, tôi suy nghĩ các thánh không chỉ đang “nghỉ hưu dài hạn” trên Thiên Đàng đâu! Vậy các ngài làm gì nhỉ?

·        “Chúng con ca ngợi Chúa”: Các ngài sẽ được gia tăng sự hiểu biết về Thiên Chúa. Các ngài được Thiên Chúa tỏ mình ra và hiểu biết tất cả những chiều kích dài, rộng, cao, sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa, tùy theo khả năng Thiên Chúa ban cho. (Ga 14,22) Thiên Chúa là một mầu niệm khôn dò khôn thấu. Thiên Chúa là Chân-Thiện-Mỹ. Thiên Chúa là hạnh phúc vô tận, vô biên, vô thủy vô chung, vượt quá ngàn lần tất cả những gì ngôn ngữ giới hạn của trần gian có thể bập bẹ diễn tả. (Ep 3,8.18) Cứ nhìn sự mầu nhiệm của vũ trụ, chúng ta sẽ thấy choáng ngợp, vậy thì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa sẽ còn siêu việt dường nào? Càng suy niệm về những chiều kích này càng thấy thật là ghê gớm! Và vì Thiên Chúa vô biên vô hạn, nên các thánh cứ mãi tiến lên trong tình yêu khôn lường của Thiên Chúa. Các Thánh không “nghỉ hưu”, mà tiếp tục tiến lên trong sự hiểu biết toàn vẹn theo mức độ Chúa ban. Đó là lý do vì sao người ta dùng hạn từ: “thấy/chiêm ngưỡng/hưởng kiến” Thiên Chúa, bởi vì thấy là một trong những cách nhanh nhất để biết về thực tại.(1 Cr 13,12)

·        “Chúng con chúc tụng Chúa”: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8), đó là bản chất của Thiên Chúa. Tất cả những điều khác nơi Thiên Chúa chỉ là bản tính. Các Thánh được Chúa cho hiểu tình yêu của Ngài dịu dàng và mãnh liệt đến mức nào.(Ga 3,16) Các Thánh cảm nghiệm sâu xa nhất về tình yêu Thiên Chúa cho con người, và vực thẳm giữa tình yêu đó với tình yêu của con người dành cho Chúa. Các ngài thấy được tình yêu Thiên Chúa đã làm bao nhiêu việc diệu kì trong cuộc sống của các ngài nơi dương thế, mời gọi các ngài với khao khát hoàn thiện, nâng đỡ các ngài khi các ngài gặp khổ đau, bao bọc các ngài khi các ngài sa ngã, hướng dẫn các ngài trong hành trình nên thánh và là gia nghiệp của các ngài. Sau một đời khao khát tìm kiếm Thánh Nhan Thiên Chúa, cái chết giúp cho các ngài được chiêm ngưỡng Đấng mà suốt đời các ngài trọn lòng mến yêu. (Tv 24,6) Cuộc hội ngộ ấy thật diễm phúc và hoan lạc chừng nào! “Chúa là gia nghiệp đời con” là như thế đó! (Tv 15,1)

·        “Chúng con thờ lạy Chúa”: Các thánh tán dương Thiên Chúa Đấng là tác giả sự thánh thiện nơi các ngài, vì chính Thiên Chúa làm cho các ngài nên thánh. Nói cách khác, việc các ngài nên thánh không phải là do sức riêng của các ngài, mà là do chính Thiên Chúa thánh hóa con người. Càng nhận ra sự toàn năng và toàn thiện của Thiên Chúa, các thánh càng nhận ra mình hư vô biết bao. Mọi sự nơi các ngài đều là kì công của Thiên Chúa thực hiện, vì tự bản chất, các ngài biết mình bất toàn, bất lực biết dường nào! Các thánh nhìn thấy vẻ huy hoàng của tâm hồn trong sạch, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là tốt đẹp diệu kì như thế nào. Các ngài thấy mình được trở nên giống Chúa Giêsu, được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Người. (Rm 8,29) Chúng ta có thể cảm nghiệm được tâm tình của Đức Maria khi Mẹ hát lên lời này không: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn.” (Lc 1, 49) Càng sống thánh thiện, càng biết ơn Thiên Chúa cách sâu thẳm và càng muốn đáp lại tình thương đó. Càng thánh thiện, càng hiểu về chính mình sâu xa hơn hết. Thiên Chúa là tấm gương phản ánh những gì tốt đẹp nhất nơi chúng ta, và khi chúng ta hiểu biết được Thiên Chúa, chúng ta sẽ hiểu biết về chính mình rất rõ rang.

·        “Chúng con tôn vinh Chúa”: Các ngài sẽ thấy vô vàn những nỗ lực, cố gắng của mình trên trần gian không bao giờ là vô ích, dù chúng nhỏ tới đâu. Các ngài thấy được giá trị những đau khổ và ngay cả những sa ngã của chính mình nơi trần gian giúp mình trên đường nên thánh như thế nào. Vui mừng biết mấy, khi thấy những từ bỏ “nho nhỏ” hay những việc hãm mình “lớn lao” lúc còn ở trần gian chẳng thấm thía vào đâu so với niềm hoan lạc vô bờ mà Thiên Chúa tặng ban cho các ngài trong cõi đời đời. Thả “con tép”, các ngài sẽ bắt được “con tôm”, mà là “tôm hùm khổng lồ”. Chẳng phải là khôn ngoan lắm sao, khi không chấp nhận hy sinh cái đời đời vì chút lợi lộc chưa vội qua đã chóng tàn! (Mc 10,30) Tuy nhiên, niềm vui của các ngài không hệ tại ở việc làm những điều lành để được tưởng thưởng, nhưng nằm ở việc làm điều đẹp lòng Chúa vì yêu mến Ngai.

·      “Chúng con cảm tạ Chúa”: Lúc đó, các ngài hiểu về nhau cách trọn vẹn, hiểu từng đau khổ, từng hy sinh và từ bỏ, từng việc lành và nhân đức, từng lời nguyện mà các ngài thực hiện cho nhau và vì tình yêu Chúa với tất cả những tầm mức đời đời của chúng. (Mt 25) Thánh Thérèse Hài đồng nói rằng: “Trên Thiên Đàng, người ta sẽ hiểu nhau nhiều hơn, nên sẽ yêu nhau nhiều hơn.” Các ngài sẽ thấy toàn bộ những chiều kích của cuộc sống với những hoàn cảnh sống của mình và của người khác để thông cảm và yêu thương nhau nhiều hơn mãi. Sở dĩ ở trần gian người ta ghen ghét và xung đột với nhau một phần là vì người ta không hiểu trọn vẹn về nhau. Hy sinh thầm lặng của người này trợ giúp người khác, và ngược lại, có những điều người ta chỉ có thể hiểu sau khi nhắm mắt. Tất cả đều hiệp thông với nhau bằng sự tốt lành và tình yêu. Vinh hiển sẽ trào tràn ra từ những thương tích mà các thánh đã mang lấy vì yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân lúc còn sống trên trần gian.

·        “Vì vinh quang cao cả Chúa”: Các ngài trợ giúp và chuyển cầu cho chúng ta. Đó là điều Giáo hội dạy qua tín điều các thánh thông công (Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, phần I, chương III, mục 9, tiết 5). Các thánh nhớ đến những đứa con thiêng liêng của mình mà các ngài cầu nguyện cho họ như những quan thầy. Hoán cải người tội lỗi, nâng đỡ người yếu đuối, khuyến khích người thánh thiện, các thánh vẫn đang hiệp thông với chúng ta trên con đường nên thánh của mình. Thánh Thérèse Hài Đồng nói gì? “Tôi biết rằng sứ mạng của tôi chỉ mới bắt đầu. Trên Thiên quốc tôi sẽ không ngơi nghỉ. Tôi muốn dùng cuộc sống thiên quốc để mưu ích cho trần gian”. Không có gì vui hơn niềm vui của các thánh khi ao ước chia sẻ cho người khác biết được niềm vui muôn đời mình đang tận hưởng. Các ngài muốn chúng ta cũng được chung hưởng niềm vui Nước Trời với các ngài. Các ngài thấy được viễn tượng chung cuộc của thế giới, nơi mà trời mới đất mới sẽ tồn tại muôn thuở, và các ngài ao ước chúng ta cùng chia sẻ niềm vui bất tận này.

Nói theo ngôn ngữ triết học của Aristotle, mỗi thực tại đều là những tiềm thể để vươn tới hiện thể, như thể hạt giống là tiềm thể của cái cây, và cứ thế tiếp diễn cho tới khi đạt đến mục đích tối hậu của mình. Mỗi người chúng ta đều là tiềm thể cho một hiện thể trong tương lai-hay đúng hơn là trong ngay cả hiện tại này nữa, đó là trở nên thánh, một tiềm năng kinh khủng của con người mà Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta. (Mt 5,48) Tiếc thay nhiều người đã đặt cho mình một hiện thể quá tầm thường và bất xứng với phẩm giá của con người mang hình ảnh Thiên Chúa. Còn các thánh là những người khôn ngoan, đã biết dùng cuộc sống dương thế để mưu ích cho cuộc sống muôn đời. Xin mượn lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để thay lời kết: “Thành công của một cuộc đời là nên Thánh.”

Con chiên nhỏ