“Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (10.12.2014 – Thứ tư, sau Chúa Nhật II Mùa Vọng)

“Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”
(Mt 11, 28-30)

 

28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, tuy rất ngắn, chỉ có ba câu, nhưng có một cấu trúc rất hoàn hảo.

***

(A) Gánh nặng nề,
nghỉ ngơi bồi dưỡng (c. 28)

(B) “Tôi có lòng hiền hậu
và khiêm nhường
” (c. 29a)

(A’) Nghỉ ngơi bồi dưỡng,
gánh nhẹ nhàng (c. 29b-30)

Chuyển động thiêng liêng từ phần A sang phần A’: gánh của chúng ta thì nặng nề, gánh của Đức Giê-su thì nhẹ nhàng; tại sao vậy? “Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” trong phần A, trở thành “tâm hồn anh em sẽ được anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” trong phần A’; Đức Giê-su hứa ban và chắc chắn chúng ta sẽ nhận được.

Chuyển động này xẩy ra được là nhờ kinh nghiệm mang lấy ách của Chúa và học với Chúa, vì Người “hiền hậu và khiêm nhường” (Phần B ở trung tâm). Nhận ra Đức Giê-su hiền hậu và khiêm nhường thuộc về kinh nghiệm hiểu biết nội tâm mà chúng ta tìm kiếm mỗi ngày và suốt đời. Bởi vì đó là “kinh nghiệm nguồn”, nguồn của đời sống đức tin và hành trình đi theo Người trong một ơn gọi, ơn gia đình hay ơn gọi dâng hiến.

 

  1. Gánh nặng nề và nghỉ ngơi bồi dưỡng (c. 28)
  2. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”

Đức Giê-su mời gọi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ngài. Vậy, chúng ta hãy nhận ra mình là “những người đang vất vả mang gánh nặng nề”.

Gánh nặng nề, trước tiên là thân phận làm người của chúng ta. Chúng ta vẫn thường nói số người này vất vả, số người kia nhàn hạ. Nhưng đó chỉ là vất vả hay nhàn hạ bề ngoài mà thôi. Thân phận con người, tự nó là “vất vả”. Làm người vừa là ơn huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng cũng đầy thử thách và cả đau khổ nữa: một đàng, thử thách và đau khổ đến từ những gì thuộc về phận người (sinh, lão, bệnh, tử), đàng khác, thử thách và đau khổ đến từ lời mời gọi sống nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta thường để cho “thú tính” làm chủ bản thân; “thú tính” là vô ơn, ham muốn, nghi ngờ, ghen tị, chiếm đoạt, không tôn trọng ngôi vị và hành trình riêng của ngôi vị, tranh đua, thống trị, loại trừ, bạo lực… Một nhà tâm lí học nói rằng, cuộc đời với tất cả những vấn đề của cuộc đời, mà mỗi người phải mang vác, đã rất nặng nề rồi; nếu chúng ta không mang vác được cho nhau, thì chúng ta đừng có chất thêm! Đức Giê-su đến để cảm thông và mang vác cho chúng ta, để chúng ta được bình an, nghỉ ngơi, được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng ta cảm nếm trong cầu nguyện, và nhất là trong thời gian tĩnh tâm, sự cảm thông, bình an, nghỉ ngơi, sự sống dồi dào mà Đức Giê-su muốn thông truyền cho chúng ta.

Gánh nặng nề của chúng ta còn là ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống gia đình hay trong sống đời sống dâng hiến. Ơn gọi là một ơn huệ lớn lao và đặc biệt Chúa ban cho mỗi người chúng ta, nhưng để sống ơn gọi từng ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều thách đố; và đôi khi, chúng ta cảm thấy rất nặng nề. Hơn nữa trong đời sống, ai cũng có trách nhiệm, cũng có phận vụ, mà trách nhiệm và phận phận vụ là một gánh nặng; rồi cả những gánh nặng chúng ta mang vác cho nhau; không kể những gánh nặng chúng ta tự chất cho mình hay chất cho nhau.

Gánh nặng nề còn là tội lỗi, và nhất là những năng động xấu chi phối nội tâm chúng ta và chúng ta cảm thấy bất lực. Gánh nặng này vừa làm ô nhiễm tâm hồn và vừa làm xáo trộn tương quan của chúng ta với mình, với Chúa và với nhau. Cuối cùng, gánh nặng nề còn là những vấn đề, những vết thương, những khó khăn, những ngang trái, những thử thách riêng tưcủa chúng ta; mà chỉ có Chúa và chúng ta biết mà thôi.

 

  1. “Hãy đến cùng tôi…”

Nhận ra sự thật về mình như thế, chúng ta sẽ thấy mình cần được giải thoát biết bao và đồng thời chúng ta cũng nhận ra rằng không có điều gì và cũng không có ai ở trên đời này có thể mang lại cho chúng ta sự giải thoát, mang lại cho chúng ta sự nghỉ ngời và tự do đích thực.

Chúng ta hãy khát khao ơn giải thoát đến từ chính Chúa, để cho lời của Đức Giê-su: “Hãy đến cùng Thầy” vang vọng thật sâu rộng trong lòng của chúng ta, đụng chạm thật mạnh mẽ con tim của chúng ta. Bởi vì lời của Đức Giê-su không có đối tượng nào khác, ngoài đối tượng duy nhất là lòng ước ao và chỉ cỏ thể vang vọng khi đụng chạm được lòng ước ao, vốn được chính Người với tư cách là Ngôi Lời đã gieo vào tâm hồn chúng ta khi tạo dựng nên chúng ta. Và lời mời gọi của Ngài cũng thật nhưng không, vô điều kiện:

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề,
hãy đến cùng tôi
.

 

  1. “Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (c. 29a)

Chúng ta được mời gọi đến với Đức Giê-su để học với Chúa. Học với Chúa bằng cách lắng nghe Lời của Ngài trong cầu nguyện, nhất là trong thời gian tĩnh tâm, vốn là ơn huệ đặc biệt Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, lời của Ngài là lương thực nuôi sống chúng ta, là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi (x. Tv 119, 105). Học với Chúa bằng cách ở lại với Ngài, như cành nho gắn liền với thân nho, ngang qua bí tích Thánh Thể (x. Ga 15, 1-17).

Đến học với Chúa, đó chính là điều chúng ta được mời gọi ước ao mỗi ngày và suốt đời. Nhưng tại sao, Đức Giê-su mời gọi chúng ta đến học với Ngài? Lí do Đức Giê-su đưa ra, phải làm cho chúng ta kinh ngạc: không phải vì Người là Đấng Thượng Trí và cũng phải vì Người là Đấng Quyền Năng, cho dù Người là như thế, nhưng vì Người “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Và không ở đâu hơn nơi Bánh Thánh Thể được hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá, Người trở nên hiền hậu và khiêm nhường nhất; và đồng thời, nơi Thập Giá, Người cũng bày tỏ Sức Mạnh và Khôn Ngoan, không phải theo quan niệm của con người, nhưng theo quan niệm của Thiên Chúa.

Đến học với Chúa, chúng ta được mời gọi bỏ ách của mình để mang lấy ách của Chúa, hoặc đón nhận ách của mình bằng tình yêu Chúa dành cho chúng ta và bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa. Ách của Chúa thì nhẹ nhàng, bởi vì tất cả những gì Ngài làm, là để phục vụ cho sự sống của chúng ta, để diễn tả tình yêu đến cùng dành cho chúng ta. Bình thường, ách thì phải nặng; nhưng khi đến học với Ngài, chúng ta không thể không yêu mến Ngài; và chính lòng yêu mến Chúa làm cho mọi sự trở nên có ý nghĩa và vì thế nhẹ nhàng, làm cho ách của Ngài trở nên êm ái và gánh của Ngài trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô nói, trong tình yêu không có đau khổ; nếu có đau khổ, thì đau khổ đó đã được yêu rồi.

Vậy, đâu là ách và đâu là gánh của Chúa, mà chúng ta mang vào mình với lòng yêu mến? Và đâu là ách và gánh của chúng ta, của cuộc đời chúng ta, của những người khác nữa, nhất là những người thân yêu trong ơn gọi và trong gia đình, mà chúng ta được mời gọi gánh vác với tình yêu Chúa? Chắc chắn chúng ta đã có kinh nghiệm này rồi, không nhận ra sự hiện diện và tình yêu đến cùng của Chúa, mọi sự trở nên không thể chịu nổi.

 

  1. Nghỉ ngơi bồi dưỡng và gánh nhẹ nhàng (c. 29b-30)

Xin cho chúng ta nhận được và cảm nếm sự nghỉ ngơi, khi đến với Đức Giê-su để học với Ngài và mang lấy ách của Ngài. Vậy đó là sự nghỉ ngơi nào?

  • Chúng ta cảm thấy bình an, vì Ngài hiền lành và khiêm nhường; và gánh của Ngài là gánh sự sống và tình yêu. Ra khỏi mình, từ bỏ gánh của mình để gánh cái gánh của Chúa vì lòng yêu mến Chúa. Tự nó mang lại cho chúng ta sự an nghỉ.
  • Chúng ta luôn cảm thấy được nghỉ ngơi, khi đến với ai hiền lành và khiêm người, và nhất là đến với người mà mình yêu mến. Vì thế, khi yêu mến Đức Giê-su, chúng ta luôn cảm thấy sự nghỉ ngơi, khi ở lại với Ngài.
  • Chúng ta được nghỉ ngơi, vì được Ngài giải thoát khỏi sự dữ, nghĩa là được tự do, được Ngài tha thứ và bao dung. Và chúng cảm thấy khỏe mạnh trong tâm hồn, vì được Chúa chữa lành.
  • Chúng ta được nghỉ ngơi vì được Ngài phục hồi phẩm giá làm con Thiên Chúa. Và chúng ta được nghỉ ngơi vì được Chúa dẫn chúng ta vào niềm vui tạ ơn và ca tụng, không chỉ trong những lúc thuận lợi, những cả trong thử thách và đau khổ.

Và một cách tuyệt đối, với Thập Giá, Ngài mang lấy hết mọi ách, mọi gánh của chúng ta rồi. Dù chúng ta có “mang gánh nặng nề” như thế nào, chúng ta vẫn được mời gọi kinh nghiệm sự nghỉ ngơi ở trong Chúa, Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Vì như ngôn sứ Isaia nói:

Người đã mang lấy các tật nguyền của ta
và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.

(Is 53, 4; x. Mt 8, 17)

 

* * *

Cuối cùng, chúng ta đừng quên rằng nghỉ ngơi là cùng đích của con người. Thực vậy, con người được dựng nên cho Thiên Chúa, và chỉ tìm thấy an nghỉ trong Thiên Chúa mà thôi, thánh Augustinô kinh nghiệm và nói về căn tính của con người như thế. Thật vậy, nghỉ ngơi là khao khát thẳm sâu của con người, dù ý thức hay không ý thức.

Vì vậy, lúc “nhắm mắt suôi tay”, chúng ta cầu chúc cho người quá cố: “Hãy nghỉ ngơi trong bình an” (tiếng La tinh, requiescat in pace, viết tắt là RIP, thường được ghi trên bia mộ). Xin cho chúng ta cảm nếm được sự nghỉ ngơi mỗi ngày, khi ở được ở bên Chúa trong kinh nguyện, khi kết hiệp với Người mọi nơi mọi lúc và khi chúng ta nguyện cầu mỗi khi đêm về:

Xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc