Tình mẹ

Người Tây phương cho rằng hoa Bồ Công Anh tượng trưng cho người cha. Từ đó, ta thấy được tình thương của người cha đối với con mình mênh mông, vĩ đại dường nào. Tình thương đó tự như hoa Bồ Công Anh thầm lặng rải phấn hoa vào lòng đất, tuy trầm lắng nhưng rất đỗi phóng khoáng và mạnh mẽ. Cha chính là “vầng thái dương”, là hy vọng của đời ta, là “bóng râm” che cái rát bỏng của bầu trời, là “mảnh đất phì nhiêu” giúp ta lớn lên và vươn ra thế giới. Tình cha là thế đó. Vậy tình mẹ thì sao?
Một vĩ nhân đã nói rằng, “vũ trụ có nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất vẫn là trái tim người mẹ”. Thật vậy, tình mẹ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, vĩ đại nhất, trác tuyệt và trong ngần nhất. Đồng thời cũng chính là thứ tình cảm đơn sơ và bất tận nhất mà con người dành cho con người. Nếu cha là ngọn núi trầm hùng xanh biếc và cao vời vợi thì mẹ chính là dòng nước trong xanh chảy mãi không ngừng để tạo nên sự sống nơi ta, làm thành vẻ đẹp của mỗi người. Nếu tình cha là viên kim cương rắn rỏi long lanh và có sức chịu bào mòn thì tình mẹ chính là viên ngọc đẹp không tỳ vết lấp lánh tình yêu vĩnh hằng của loài người.
Nhân loại từ xưa đến nay vẫn không ngơi nghỉ trong việc sáng tạo ra các loại hình nghệ thuật với mục đính biểu dạt cho tình mẫu tử. Thế nhưng, mọi thế hệ dù với tất cả nỗ lực của mình vẫn chưa phác hoạ được trọn vẹn tình mẹ. Vì vậy, tình mẹ sẽ vẫn mãi được xưng tụng và không ngừng chảy trong dòng lịch sử nhân loại. Trong các mỹ cảm của con người, mỹ cảm mà ai cũng cảm nhận là hạnh phúc và đáng tự hào nhất chính là mỹ cảm khi được nói về mẹ, được kể về mẹ, được sống những giây phút thiêng liêng với mẹ. Thật không có gì sánh được khi mãi sống trong tình yêu của mẹ.

Chuyện kể rằng ngày xưa, khi tạo ra người mẹ đầu tiên trên thế gian, Ông Trời đã làm việc miệt mài suốt tuần quên ăn, quên ngủ mà vẫn chưa xong. Thấy vậy, mộ vị thần liền hỏi:
– Tại sao Ngài lại bỏ quá nhiều thời gian và công sức cho tạo vật này?
Ông Trời đáp:
– Ngươi thấy đấy. Đây là một tạo vật vô cùng phức tạp gồm hơn hai trăm bộ phận cơ thể khác nhau và cực kỳ bền bỉ. Tạo vật này có thể chỉ sống bằng nước lã và thức ăn dư của những đứa con nhưng đủ sức ôm ấp và chở che cho cả đàn con trong vòng tay một lúc. Nụ hôn của tạo vật tuyệt vời này có thể chữa lành mọi vết thương từ vết trầy đầu gối cho tới một trái tim tan nát. Ngoài ra, tạo vật này có sáu đôi tay!
Vị thần ngạc nhiên:
– Sáu đôi tay? Không thể tin được!
Ông Trời đáp lại:
– Thế còn ít đấy, ta đã thêm ba cặp mắt mà chưa chắc đã đủ.
– Vậy thì Ngài sẽ vi phạm các tiêu chuẩn về con người do chính Ngài đã đặt ra đấy! – Vị thần thắc mắc.
Ông Trời gật đầu thở dài:
– Đành vậy. Tạo vật này là sản phẩm ta tâm đắc nhất trong những gì ta đã tạo ra trước kia và ta quyết định đặt mọi ưu ái của mình nơi đây. Một cặp mắt nhìn xuyên qua cánh cửa đóng kín để biết lũ trẻ đang làm gì. Cặp mắt thứ hai ở sau gáy để nhìn thấy mọi điều mà ai cũng nghĩ là không thể biết được. Đôi mắt thứ ba nằm trên trán để nhìn thấu những đứa con lầm lạc và cũng chính đôi mắt này sẽ nói cho chúng biết rằng mẹ chúng luôn hiểu, luôn yêu thương và tha thứ dù rằng bà không hề nói ra lời.
Vị thần sờ vào tay tạo vật mà ông Trời đang bỏ công tạo dựng và kêu lên:
– Tại sao nó lại mềm mại thế?
Ông Trời đáp:
– Vậy là ngươi chưa biết hết. Tạo vật này rất cứng cỏi. Ngươi không thể tưởng tượng nổi những khổ đau mà tạo vật này sẽ phải chịu và những công việc vất vả mà nó phải hoàn tất trong cuộc đời.
Vị thần dường như phát hiện ra điều gì bèn đưa ra sờ lên má người mẹ ông Trời đang tạo ra.
– Ô, thưa Ngài! Hình như Ngài để rớt cái gì ở đây?
– Không phải đâu. Đó là những giọt nước mắt đấy.
– Nước mắt để làm gì? Thưa Ngài – Vị thần hỏi:
– Để bộc lộ niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng lẫn hy vọng, đơn độc và hạnh phúc, đắng cay và cả lòng tự hào – những thứ mà người mẹ nào cũng phải trải qua.

Thế đấy các bạn ạ! Người mẹ như hạt giống đã được gieo vào thế giới và chấp nhận mục nát qua những hy sinh tảo tần và lắng lo âm thầm, để sinh ra những người con mang lại niềm vui và hạnh phúc cho đời. Niềm hạnh phúc lớn nhất của con người là được trải qua một tuổi thơ bên cạnh mẹ, được mẹ yêu thương chăm sóc, vỗ về và bao bọc chở che. Mẹ sẽ mãi mãi là người đi cùng đứa con suốt cuộc hành trình trong đời. Khi ta bước chân vào thế giới này, “mẹ đã không bước đi mà là chạy, chạy và làm bằng phẳng con đường đời mà mẹ biết con mình sẽ đi qua” cho tới khi mẹ lặng lẽ ra đi (Jeanna Hill). Mẹ sẽ luôn ở bên để lắng nghe những phiền muộn, những nỗi thất vọng, những lắng lo và cả những niềm vui của ta. Suốt cuộc đời tảo tần nuôi con, mẹ chỉ ước mong một điều là con được hạnh phúc. Mẹ sẵn sàng chấp nhận từ bỏ một năm hạnh phúc để tránh cho đứa con một giờ đau đớn; mẹ chấp nhận đói rách và khinh khi để đứa con được ăn ngon, mặc đẹp và được tôn trọng.

Năm tháng dần trôi, tôi bâng khuâng thương cảm rồi bỗng nhớ lại câu nói mà tôi đã nghe đâu đây:
“Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.

Ước mong sao mỗi người hãy dâng tặng mẹ những bông hồng của lòng con thảo khi mẹ còn sống trên đời, đừng đợi tặng mẹ những bó hồng khi mẹ đã khuất xa. Bởi vì “ngay cả những thiên tài cũng do mẹ mình sinh ra và phải chịu ơn mẹ về tất cả những gì mình có được”. Có như thế, gia đình mới trở thành tổ ấm yêu thương.

Cầu chúc tất cả mọi người mẹ trên thế giới này luôn hạnh phúc

John Baptist – Phạm Huy
(Trích “Ra khơi” số 11)