Tín vật tình yêu

Xuất hiện hơn 1000 năm trước, vào thế kỷ thứ 9, chiếc nhẫn có vai trò quan trọng trong hôn nhân. Nó có nguồn gốc ở Đông Phương: phiên bản của người Hy Lạp Cổ đại, người Rôma coi là thói quen và truyền thống, cuối cùng cả thế giới đều theo.

Với người Do Thái, chiếc nhẫn được biết đến từ thế kỷ thứ 8, (SCN) thay cho thói quen trao đồng tiền nhỏ cho cô dâu như một lời thề hứa của người chồng là phải có trách nhiệm với vợ.

Năm 800 (SCN) Đức Giám mục Nicholas đã sử dụng chiếc nhẫn trong hôn lễ tôn giáo, vừa là vật kỷ niệm, vừa là lời hứa trung thành của khế ước hôn nhân, biểu hiện tính vĩnh viễn trọn vẹn của tình yêu. (x.www.traucau.vn)

Chiếc nhẫn trong hôn nhân 

Trong lễ cưới, hai người nam – nữ đoan hứa trung thành với nhau: qua lời đọc, qua cử chỉ bắt tay, xỏ nhẫn… Chiếc nhẫn tượng trưng cho tình yêu hai người trao cho nhau và cũng còn có nghĩa nhắc nhở trách nhiệm chung thủy trọn đời. Đó cũng là luật Giáo hội dựa trên lời Chúa dạy: « sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly ».

Việc người chồng trao nhẫn cho vợ, nói lên ý nghĩa từ nay cùng chia vui sẻ buồn và công nhận quyền bình đẳng trong gia sự. Đó còn là dấu hiệu nhận biết anh hay chị đã có gia đình. Chiếc nhẫn đính hôn  thường là một cặp giống nhau về hình thức và giá trị. Tuy nhiên, dù có giá trị hay không, chiếc nhẫn sẽ được lưu giữ suốt đời trên tay chủ nhân.

Chiếc nhẫn trong đời sống thánh hiến

Còn trong đời sống thánh hiến, chiếc nhẫn cũng mang sắc thái biểu tượng không nhỏ. Nhìn chiếc nhẫn đơn sơ trên tay, ta có thể biết tu sĩ đã khấn trọn đời. Chiếc nhẫn chưa phải là mục đích đời dâng hiến, vì cũng như bộ áo dòng không làm nên thầy tu. Nhưng khi được trao nhẫn, người tu sĩ cũng cảm nhận sự thiêng liêng và cao qúi trong ngày Vĩnh khấn. Trước sự hiện diện của Bề trên hội dòng để nhận tuyên hứa về ba lời khuyên Phúc âm, từ nay người nam hay nữ thánh hiến hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa là tân nương của Đức Kitô. Trở thành công dân chính thức, chia sẻ quyền lợi cũng như có trách nhiệm ghánh vác công việc trong dòng. Chính vì vậy, hầu hết các nam nữ tu sĩ thật khó diễn tả và gọi tên cảm xúc của mình trong ngày trọng đại này. Cảm xúc này nói lên ý thức của tu sĩ về hồng ân cao cả mà mình Thiên Chúa dành cho mình : được ngài chọn và gọi giữa muôn người cho dù cá nhân nhỏ bé, tầm thường và bất xứng.

Do đó, chiếc nhẫn chỉ có giá trị biểu tượng để nhắc nhở về tình yêu cao cả Thiên Chúa trao tặng tu sĩ. Tuy nhiên, để có nó bản thân người thánh hiến đòi buộc đánh đổi cả cuộc đời mình. Vì thế, người tu sĩ ý thức được việc gìn giữ trân trọng chiếc nhẫn của mình. Xỏ nhẫn là dấu chỉ cho biết người tu sĩ đã bước vào đời sống mới : từ nay họ không còn là mình và không sống cho riêng mình nữa, nhưng là sống phục vụ yêu thương mọi người trong niềm vui, hy sinh quên mình cho Chúa và tha nhân.

Tóm lại, dù trong đời sống hôn nhân hay thánh hiến, khi chấp nhận đeo chiếc nhẫn giao ước trên tay đòi buộc sự trung thành suốt cả cuộc đời với những gì mình đã công khai thề hứa. Nó cũng đòi hỏi sự hiến mình không ngừng thể hiện qua sự chết đi tính ích kỷ, bon chen, ganh tị… để có thể họa lại tình yêu như chính Đức Kitô đã yêu thương ta, một tình yêu tự hủy vô điều kiện. Đó cũng là ý nghĩa, mục đích và điều kiện cần phải có cho những ai nhận “tín vật tình yêu” là chiếc nhẫn trong ngày vu quy, hay ngày vĩnh khấn.

Nt. Theresa, Đaminh Bùi Chu