Tìm được giáo đường nông thôn từng đón Chúa Giêsu

Giới khảo cổ học Israel đã công bố phát hiện quan trọng về sự tồn tại của một giáo đường nông thôn ở Galilee, nơi nhiều khả năng đã chào đón bước chân của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu từng rao giảng tại nhiều giáo đường Do Thái ở vùng nông thôn của Galilee, theo Tân Ước. Tuy nhiên, phải cho đến gần đây, các nhà khoa học mới tìm được bằng chứng khảo cổ học về sự tồn tại của các giáo đường đó vào thời điểm cách đây khoảng 2.000 năm.

 

“Ngài đã rao giảng tại đây”

“Chúa Giêsu đi khắp vùng Galilee, rao giảng trong các giáo đường Do Thái, dạy cho mọi người những điều tốt đẹp về vùng đất thánh và chữa lành mọi bệnh tật và đau đớn cho họ”, (Mátthêu 4:23). Mới đây, các nhà khảo cổ học đã tìm được bằng chứng cho thấy các giáo đường nông thôn từng mọc lên ở vùng Galilee. Theo trang Christian Post, sau thời gian dài cần mẫn khai quật, các chuyên gia vô cùng vui mừng khi phát hiện đến 2 điểm có thể chứa các phần còn lại của giáo đường, nhiều khả năng từng đón nhận sự hiện diện của Chúa Giêsu. Ở góc nhìn của giới khoa học, vốn chỉ tin vào bằng chứng rõ ràng trước khi xác nhận điều gì đó, việc khai quật được 2 giáo đường vào thời điểm Chúa Giêsu còn tại thế là manh mối quan trọng để có thể lần theo dấu vết của Đấng Cứu Thế.

Phúc Âm cho biết, Chúa Giêsu đã rao giảng gần khu vực khảo cổ là Tel Rechesh, và một trong hai giáo đường vừa được tìm thấy ở gần núi Tabor (thuộc Hạ Galilee, Israel), có niên đại vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Nơi đào bới là khu bảo tồn tự nhiên Nahal Tavor, và phát hiện mới đã được công bố nhờ vào công của các chuyên gia thuộc Viện Đại học Kinneret về Khảo cổ học vùng Galille. Tờ Haaretz dẫn lời tiến sĩ Motti Aviam cho hay, ông tin rằng nhóm của mình đã đến đúng nơi Chúa Giêsu đã rao giảng cách đây 2.000 năm: “Giờ đây chúng tôi biết được nếu tìm thấy một khu định cư Do Thái, được xác định bằng các vò đá và không có xương heo, một địa điểm xây dựng với các hàng ghế chạy dọc theo những bức tường, đó chính là giáo đường”.

Tờ Haaretz tiết lộ giới khảo cổ học trước đó đã đào được 7 giáo đường vào thời Đền thờ thứ hai. Thế nhưng, giáo đường vừa được khai quật là giáo đường thứ hai từng được phát hiện có niên đại trước sự kiện Đền thờ thứ hai bị hủy diệt, và cũng là giáo đường đầu tiên được tìm thấy ở nơi làng mạc thay vì bối cảnh đô thị. Sở dĩ các chuyên gia có thể phân biệt được giáo đường được xây trước và sau thời điểm Đền thờ bị hủy diệt (vào năm 70 sau Công nguyên) là dựa trên các cấu trúc phân bổ trong giáo đường. Trước năm 70, giới hữu trách thời đó không cho phép xây dựng giáo đường với mục đích thờ phụng hoặc cầu nguyện khi Đền thờ thứ hai vẫn còn đó. “Các tài liệu lịch sử cho thấy giáo đường khi ấy được dùng cho những cuộc hội họp, đọc kinh Torah và học hỏi chứ không phải dùng cho mục đích sùng bái. Chúng không hề có các hòm chứa pháp điển Torah hoặc các đồ dùng phục vụ cho lễ cầu nguyện thường xuyên”, theo Haaretz. Và Tân Ước từng nói rằng Chúa Giêsu đi khắp các thị trấn và làng mạc, rao giảng trong các giáo đường.

Điểm hành hương mới

Trả lời phỏng vấn trang tin YNet News, chuyên gia Aviam giải thích lý do tại sao địa điểm khảo cổ Tel Rechesh lại “đánh dấu một nơi vô cùng quan trọng đối với các tín hữu Kitô giáo”. “Tân Ước đã mô tả cảnh tượng Chúa Giêsu thuyết pháp tại một giáo đường ở Capernaum và những giáo đường khác của Galilee”. “Cũng cùng thời gian đó, Chúa Giêsu vẫn là một người Do Thái đang quan sát các nghi lễ của Do Thái giáo, cũng như những điều quy định trong luật đạo, và giống như nhiều giáo sĩ Do Thái khác, ngài rao giảng tại các giáo đường. Thiên Chúa giáo được khai sinh và phát triển sau thời của ngài có một dấu ấn quan trọng trong những bài thuyết giảng tại các giáo đường ở Galilee”, chuyên gia Israel nói.

Trong 5 năm qua, nhóm của tiến sĩ Aviam đã khai quật được một khu phức hợp chứa nhiều công trình xây dựng có niên đại từ thời La Mã, mà ông cho rằng là nơi định cư của một số các gia đình từng quây quần tại giáo đường đó. Cộng đồng này đã may mắn thoát khỏi cuộc chiến đầu tiên giữa người Do Thái – La Mã (năm 66-70), kết thúc với sự hủy diệt của Đền thờ thứ hai. Dựa trên những gì còn sót lại, có vẻ nơi này đã bị bỏ hoang sau cuộc khởi nghĩa Bar Kokhba của người Do Thái (năm 132-136).

Đây không phải là phát hiện quan trọng đầu tiên được tìm thấy trên lãnh thổ Israel có liên quan đến thời của Chúa Giêsu trong năm nay. Hồi tháng 3, các trang tin về khảo cổ dẫn tuyên bố của Cơ quan Cổ vật Israel thông báo về việc phát hiện một số đồ tạo tác thuộc thế kỷ thứ nhất tại trại mồ côi ở Jerusalem. Nay được gọi là khu nhà Schneller, nơi từng bị quân Đức chiếm đóng trong giai đoạn đệ nhị thế chiến, trước khi trở thành căn cứ của Lực lượng quốc phòng Israel. Một trong những phát hiện ấn tượng nhất bao gồm một nơi sản xuất rượu vang với đầy đủ các bích họa, kho hàng và thiết bị ép nho, tất cả được xây dựng cách đây 1.600 năm. Các chuyên gia cũng tìm được một khu định cư Do Thái phải có niên đại từ năm 63 trước công nguyên, và một nhà tắm chứng minh được rằng từng có cộng đồng sinh sống tại nơi này vào giai đoạn Đền thờ thứ hai.

“Chúng tôi tìm được một cái hố gần nhà tắm, nhiều khả năng là nơi rửa tội từ thời Đền thờ thứ hai, chứa đầy các vò thủy tinh và gốm sứ”, trang Chritian Post dẫn lời chuyên gia Amit Re’em của Cơ quan Cổ vật Israel. “Mọi thứ đều là bằng chứng cho thấy gần 2.000 năm trước, quân La Mã đã đến Jerusalem và sau khi hủy diệt cả thành phố vào năm 70, binh lính đã ở trong ngôi nhà này và chúng tôi đã tìm được chứng cứ khảo cổ từ thời đó”, theo ông Re’em.

LING LANG

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc