Tiếp kiến chung với ĐTC 13.04.2016: Cả những người tội lỗi cũng đồng bàn với Thiên Chúa

ANSA978926_ArticoloVATICAN. “Cả những người  tội lỗi cùng đồng bàn với Thiên Chúa…Giáo Hội không phải là một cộng đồng của những người hoàn hảo, nhưng là những môn đệ đang lữ hành vốn bước theo Đức Giêsu bởi vì họ nhận ra mình là tội nhân và cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa…Thiên Chúa là Vị Lương Y Thiên Linh sẽ chữa lành chúng ta bằng bàn tiệc Lời và bàn tiệc Thánh Thể”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 13.04.2016, tại quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của đông đảo khách hành hương.

Nguyên văn bài huấn dụ của ĐTC như sau:

“Chúng ta đã lắng nghe Tin Mừng về ơn kêu gọi của Mát-thêu. Ông vốn là một người thu thuế, nghĩa là một người chịu trách nhiệm thu những thuế để cống nạp cho đế quốc Rôma, và chính vị điều này ông bị xem là người tội lỗi các công khai. Nhưng Đức Giêsu đã gọi ông bước theo Ngài và trở nên môn đệ của Ngài. Mát-thêu đã chấp nhận, và mời Đức Giêsu đến ăn tối tại nhà mình cùng với các môn đệ. Và rồi đã nảy sinh một cuộc tranh luận giữa những người Pharisêu và các môn đệ của Đức Giêsu khi các môn đệ đã cùng ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi. “Nhưng ông không thể nào đến nhà của con người này được, họ nói”.

Thực sự, Đức Giêsu không hề xa rời người tội lỗi và thu thuế, ngược lại Ngài thường lui tới nhà họ và ngồi cạnh họ; điều này có nghĩa là ngay cả họ cũng có thể trở nên những môn đệ của Ngài. Và mặt khác, là Kitô hữu không có nghĩa là chúng ta không có thiếu xót. Như người thu thuế Mát-thêu, mỗi người chúng ta hãy phó thác cho ân sủng của Thiên Chúa bất kể những tội lỗi của bản thân. Mời gọi Mát-thêu, Đức Giêsu cho những người tội lỗi thấy rằng Ngài không nhìn đến quá khứ của họ, đến những định kiến của xã hội, đến tục lệ bên ngoài, nhưng đúng hơn Ngài mở ra cho họ một tương lai mới. Chỉ cần đáp trả lời mời gọi cùng với con tim khiêm nhường và chân thành. Giáo Hội không phải là một cộng đồng của những người hoàn hảo, nhưng là những môn đệ đang lữ hành, bước theo Đức Giêsu bởi vì họ nhận ra mình là tội nhân và cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Đời sống Kitô hữu vì thế là trường dạy sự khiêm nhựờng để giúp chúng ta mở ra với ân sủng.

Một thái độ như thể không thể được hiểu bởi người suy đoán rằng mình là công chính và tự cho mình tốt đẹp hơn người khác. Kiêu ngạo và tự mãn không cho phép người ta nhận ra mình cần cứu độ, trái lại, ngăn cản không cho thấy khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa và hành xử cùng với lòng thương xót. Đó là một bức tường. Sự kiêu ngạo và tự mãn là một bức tường cản ngăn tương quan với Thiên Chúa. Tuy nhiên, sứ mạng của Đức Giêsu chính là: đến để tìm từng người chúng ta, để chữa lành những vết thương của chúng ta và kêu gọi chúng ta bước theo Ngài cùng với tình yêu. Ngài đã nói rất rõ ràng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc nhưng là những người đau ốm” (c.12). Đức Giêsu tỏ lộ mình như là lương y. Ngài loan báo về triều đại của Thiên Chúa, và những dấu chỉ về sự xuất hiện của Ngài đã rất rõ ràng: Ngài chữa lành người đau ốm, giải phóng khỏi sự sợ hãi, khỏi tử thần và ác thần. Đối diện với Đức Giêsu không một tội nhân nào bị loại trừ bởi vì uy lực hồi phục của Thiên chúa nếu không đụng chạm đến bệnh hoạn thì chúng sẽ không bào giờ được chữa lành; và điều này mang lại cho chúng ta niềm tin và mở toang cõi lòng của chúng ta cho Thiên Chúa ngõ hầu Ngài ngự đến và chữa lành chúng ta. Gọi mời người tội lỗi đến đồng bàn, Ngài chữa lành họ, khôi phục họ trong thiên hướng mà họ nghĩ mình đã hư mất và những người Pharisêu đã lãng quên: đó là được mời gọi đến bàn tiệc của Thiên Cháu. Nói như tiên tri Isaia: “Ngày ấy, trên núi này, Giavê các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Ngày ấy, người ta sẽ nói: “Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.” (Is 25,6-9)”

Nếu những người Pharisêu nhận ra trong những người đựơc mời chỉ có những người tội lỗi và từ chối đồng bàn với họ, ngược lại, Đức Giêsu nhắc nhở họ rằng ngay cả họ cũng là khách mời của Thiên Chúa. Trong cách thế này, đồng bàn với Đức Giêsu có nghĩa là để cho Ngài biến đổi và cứu độ.Trong cộng đồng Kitô hữu của chúng ta bữa tiệc của Đức Giêsu mang ý nghĩa kép: bàn tiệc của Lời và bàn tiệc Thánh Thể (x. Dei Verbum, 21 ). Đây là những phương dược mà Vị Lương Y Thiên Linh chữa lành và nuôi dưỡng chúng ta. Cùng với bàn tiệc đầu tiên – Lời Chúa –  Ngài tự mạc khải mình và mời gọi chúng ta đối thoại như những người bạn. Lời Chúa thẩm thấu vào trong ta, giống như một dao mổ, động chạm đến chiều sâu để giải thoát chúng ta khỏi sự dữ vốn ẩn nấp trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều lần, Lời Chúa rất chướng tai vì đè nặng trên sự giả hình, vạch trần những lời xin lỗi giả dối, tỏ lộ những chân lý bị che giấu; nhưng đồng thời Lời Chúa cũng soi sáng và thanh luyện, ban sức mạnh và hy vọng, và là liều thuốc bổ quý giá trong cuộc lữ hành đức tin của chúng ta. Về phần mình, Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta bằng chính sự sống của Đức Giêsu và, như một phương dược uy lực nhất, trong cách thức mầu nhiệm tiếp tục canh tân ân sủng của Bí tích Rửa tội của chúng ta. Gần gũi với Thánh Thể, chúng ta sẽ được bổ dưỡng bởi Thịt và Máu của Đức Giêsu, khi Ngài đến với chúng ta, thì Ngài sẽ kết hợp chúng ta nên một với Thân Thể của Ngài.

Khi kết thúc cuộc đối thoại với các Pharisêu, Đức Giêsu nhắc nhở họ một lời của tiên tri Hôsê (6, 6): “Hãy đi và học cho biết ý nghĩa: ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ”(Mt 9, 13). Hướng về dân Israel, ngôn sứ đã khiển trách họ bởi vì lời cầu nguyện mà họ dâng lên là những lời trống rỗng và bất nhất. Bất chấp giao ước của Thiên Chúa và lòng thương xót của Người, dân đã luôn sống một thứ tôn giáo “bề mặt”, mà không sống ở chiều sâu lệnh truyền của Thiên Chúa. Vì thế ngôn sứ đã nhấn mạnh: “Lòng nhân chứ không phải hy lễ”, có nghĩa là lòng trung thành của một con tim vốn nhìn nhận những tội lỗi của chính mình, vốn nhận thấy và trở về để trở nên trung tín với giao ước cùng Thiên Chúa. “Không cần hy lễ”: nếu cõi lòng không sám hối thì mọi hành vị tôn giáo đều vô hiệu! Đức Giêsu đã áp dụng câu tiên báo này cho cả những mối liên hệ của con người: những người Pharisêu này rất đạo đức về hình thức, nhưng lại không sẵn lòng để đồng bàn cùng những người thu thuế và các tội nhân; họ không nhận ra khả thể của việc sám hối và nhờ đó sẽ nhận được sự chữa lành; họ không đặt lòng thương xót ở vị trí hàng đầu: mặc dầu trung tín trong việc tuân giữ Lề Luật, nhưng họ cho thấy mình chẳng biết gì về con tim của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta được mời gọi đến bàn tiệc của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhận lấy lời mời để đến ngồi cạnh bên Ngài cùng với các môn đệ. Chúng ta hãy học để ngước nhìn với lòng thương xót và nhìn nhận mỗi người trong số họ là khách mời của chúng ta. Tất cả chúng ta là môn đệ vốn cần trải nghiệm và sống lời ủi an của Đức Giêsu. Tất cả chúng ta cần được nuôi dưỡng bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi vì từ chính nguồn mạch này sẽ trào vọt ơn cứu độ của chúng ta.”

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai