Tiếp kiến chung ĐTC: “Đừng sợ mời Giêsu đến dự tiệc cưới!”

OSSROM25866_ArticoloSau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các khách hành hương đến tiếp kiến ngài tại Quảng Trường Thánh Phêrô, trong buổi tiếp kiến chung diễn ra vào sáng thứ Tư, ngày 29.4.2015.

“Xin chào tất cả anh chị em,

Sau khi đã tìm hiểu hai trình thuật từ sách Sáng Thế, những suy tư của chúng ta về kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa trên tương quan giữa người nam và người nữ sẽ hướng trực tiếp về Đức Giêsu.

Ngay từ đầu sách Tin Mừng của mình, Thánh Sử Gioan đã tường thuật lại câu chuyện tiệc cưới ở Cana, trong đó có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên (x. Ga 2,1-11). Đức Giêsu không chỉ tham dự buổi lễ cưới, nhưng còn “cứu nguy cho buổi lễ ấy” bằng một phép lạ hóa nước thành rượu ngon! Như thế, dấu lạ đầu tiên trong chuỗi những dấu lạ Ngài thực thi để bày tỏ vinh quang nằm trong bối cảnh của một tiệc cưới, và điều này cho thấy một sự đồng cảm lớn lao Ngài dành cho một gia đình vừa mới khai sinh, nhờ sự thúc dục và quan tâm đầy nét từ mẫu của Mẹ Maria. Điều này giúp chúng ta nhớ đến sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa hoàn thành công trình tạo dựng và các tuyệt tác của Ngài; tuyệt tác đó là chính người nam và người nữ. Nơi đây, Đức Giêsu bắt đầu các phép lạ của mình cũng bằng một tuyệt tác, trong một cuộc hôn nhân, một tiệc cưới giữa người nam và người nữ. Như thế, Đức Giêsu dạy bảo chúng ta rằng tuyệt tác của xã hội là gia đình: người nam và người nữ yêu thương nhau! Đây chính là tuyệt tác!

Từ lúc diễn ra tiệc cưới ở Cana cho đến nay, đã có rất nhiều thứ thay đổi, nhưng “dấu chỉ” này của Đức Kitô vẫn mãi là một thông điệp có giá trị.

Ngày nay, dường như chẳng dễ để nói về hôn nhân như là một ngày vui mà người ta kỷ niệm vào những chặng đường khác nhau trong cuộc đời của hai người. Có một sự thật là số lượng người kết hôn với nhau đã giảm đi. Đây là một thực tế: giới trẻ không còn muốn kết hôn nữa. Thay vào đó, tại nhiều nước, con số vợ chồng ly dị gia tăng, và số con cái người ta có trong gia đình thì giảm xuống. Những khó khăn vẫn còn đó, có thể giữa hai người, có thể trong gia đình, đã khiến họ phá vỡ mối dây hôn phối thường xuyên và nhanh chóng hơn, và chính con cái là những người đầu tiên gánh chịu hậu quả. Chúng ta hãy nghĩ đến những nạn nhân đầu tiên, và vô cùng quan trọng đã phải chịu đựng hậu quả nhiều hơn ai hết trong vụ ly dị, đó chính là con cái. Nếu chúng ta cảm nghiệm từ chi tiết nhỏ nhặt nhất rằng hôn nhân là một mối dây “đã xác lập chắc chắn” thì chúng ta sẽ mặc định như thế mà không cần ý thức. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ đã đi đến quyết định từ bỏ chính ý định về một mối dây không thể chia cắt và một gia đình kéo dài. Tôi tin rằng chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ về việc tại sao nhiều bạn trẻ không cảm thấy muốn kết hôn. Có phải do lối nghĩ về một nền văn hóa tạm bợ… tất cả đều tạm bợ, chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn?

Việc nhiều người trẻ không muốn kết hôn là một trong những bận tâm nổi lên ngày nay: vì sao giới trẻ không muốn kết hôn? Vì sao họ chỉ thích sống chung và nhiều khi chỉ muốn có “một trách nhiệm giới hạn” thôi? Tại sao nhiều người – ngay cả những người đã lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy – không còn mấy tin tưởng vào hôn nhân và gia đình? Chúng ta phải tìm hiểu, nếu chúng ta muốn các bạn trẻ có thể tìm thấy con đường đúng đắn để bước đi. Tại sao họ không còn tin vào gia đình?

Những khó khăn không chỉ đến từ vấn đề kinh tế, dù rằng đây là vấn đề nghiêm trọng. Rất nhiều người cho rằng phong trào giải phóng phụ nữ đã gây ra những thay đổi trong những thập niên gần đây. Nhưng lập luận này cũng không đúng. Chính hình thức gia trưởng luôn muốn thống trị người nữ. Chúng ta đã trở thành một nhân vật xấu xa, như Ađam đã làm, khi Thiên Chúa hỏi ông: “Tại sao người ăn trái cây ấy?” Ông trả lời: “Chính người phụ nữ đã đưa cho con.” Lỗi là tại người phụ nữ. Tội nghiệp người phụ nữ quá! Chúng ta phải bảo vệ cho người phụ nữ. Trên thực tế, hầu như tất cả người nam và người nữ đều muốn có một sự đảm bảo về tình cảm, một hôn nhân vững chắc và một gia đình hạnh phúc. Gia đình nằm ở vị trí cao nhất trong bậc thang hạnh phúc của giới trẻ. Nhưng vì sợ sai lầm, nhiều người đã không muốn suy nghĩ về nó; dù là Kitô hữu, họ vẫn không muốn nghĩ đến bí tích hôn nhân, đến dấu chỉ duy nhất và bất khả lặp lại của giao ước, vốn là điều sẽ trở thành chứng tá đức tin. Có lẽ chính nỗi sợ sẽ vấp ngã là rào cản lớn nhất để đón nhận lời của Đức Kitô, lời hứa ban ơn sủng cho sự hiệp nhất lứa đôi và cho gia đình.

Chứng tá thuyết phục nhất của phúc lành hôn nhân Kitô giáo chính là đời sống tốt đẹp của cặp vợ chồng Kitô giáo và của gia đình. Không hề có một cách thức nào tốt hơn để nói về nét đẹp của bí tích! Hôn nhân được Thiên Chúa thánh hóa sẽ giúp bảo vệ mối dây liên kết giữa người nam và người nữ, là loài được Thiên Chúa chúc lành từ khi tạo dựng trời đất; và đây chính là nguồn mạch của bình an, thiện hảo dành cho đời sống lứa đôi và gia đình. Chẳng hạn, vào thời kỳ đầu của Kitô giáo, giá trị cao quý của mối dây liên kết giữa người nam và người nữ giúp chống lại những lạm dụng thông thường, như chuyện người chồng đòi ly dị vợ dù với những động cơ thấp hèn. Tin Mừng gia đình, Tin Mừng loan báo chính bí tích này chống lại nền văn hóa ly dị.

Ngày nay, nền tảng Kitô giáo về sự bình đẳng triệt để giữa đôi hôn phối phải sinh ra những hoa trái mới. Chứng tá về giá trị xã hội của hôn nhân sẽ trở nên thuyết phục nhờ con đường này, con đường chứng tá thu hút người ta, con đường của sự hỗ tương và bổ túc cho nhau giữa hai người.

Vì thế, là những người Kitô hữu, chúng ta phải trở nên đòi hỏi hơn về vấn đề này. Chẳng hạn: quyết tâm ủng hộ quyền bình đẳng lương trong cùng một việc lao động. Tại sao người ta trả cho người phụ nữ ít hơn đàn ông? Sự chênh lệch như vậy là một điều xấu xa. Đồng thời, cũng cần phải nhận ra sự phong phú có giá trị của tình mẫu tử của người nữ và tình phụ nữ của người nam nơi lợi ích của con trẻ. Tương tự như vậy, cũng không kém phần quan trọng khi các gia đình Kitô giáo trở thành nơi nương tựa dành cho nhau, đặc biệt trong hoàn cảnh đói nghèo, suy đồi và bạo lực gia đình như hiện nay.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng sợ mời Đức Giêsu đến dự tiệc cưới! Đừng sợ mời Giêsu đến nhà chúng ta, vì Người luôn ở với chúng ta và che chở gia đình chúng ta. Mẹ Maria, Mẹ của Người cũng thế! Khi người Kitô hữu kết hôn “trong Chúa”, họ sẽ được biến đổi trong một dấu chỉ hữu hiệu của tình yêu Thiên Chúa. Người Kitô hữu không kết hôn chỉ cho mình, nhưng họ kết hôn trong Chúa vì lợi ích của tất cả cộng đồng và toàn thể xã hội.

Tôi sẽ tiếp tục nói về ơn gọi gia đình Kitô hữu trong bài giáo lý tuần tới.

Xin cảm ơn anh chị em!”

 

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ