Tiếng gọi Giáng Sinh

Chúa sinh ra trong lạnh giá,
Chúa làm việc trong yên lặng,
Chúa sống cách cực nhọc,
Chúa chết trên Thập Giá.
Còn tôi…?
 
Đức Giêsu đã chào đời tại Belem trong đất nước Do Thái cách chúng ta hơn 2000 năm. Belem đã được diễm phúc làm nôi cho Chúa sinh ra mặc dù dân thành đã không tiếp nhận Ngài.
 
Giáng Sinh không chỉ là dịp để ta gợi nhớ lại một biến cố, một kỷ niệm; nhưng Giáng Sinh còn là một tiếng gọi chung cho mọi người và cũng là tiếng gọi thiết thân cho từng người. Mỗi lần Giáng Sinh về, bầu khí chuẩn bị tuy rộn ràng, vui nhộn; nhưng ta lại dễ có những tâm tình trầm mặc, thánh thiêng,…Mỗi khi đứng trước hang đá, ta cảm thấy một điều gì đó thật ấm cúng dù thời tiết tại Belem lúc đó giá lạnh, và rất hiện thực…Khi ngắm nhìn Mẹ Maria và Thánh Giuse quỳ bên chiếc nôi của người con yêu dấu, sự đơn sơ nghèo khó của các Ngài đem lại cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, dễ thu hút tâm hồn và dễ đưa chúng ta chìm sâu vào cõi linh thiêng…
 
Vâng, chúng ta dễ xúc động mỗi khi mừng kỷ niệm ngày Con Chúa giáng trần, bởi vì chúng ta đã hiểu, đã cảm nhận được thế nào là hồng ân Nhập Thể: “Con Thiên Chúa mặc xác phàm và cư ngụ giữa loài người.”[1]
 
Lễ Giáng Sinh nói với chúng ta một thông điệp là: Để đưa con người về với Thiên Chúa, Đức Kitô đã từ trời đến gặp gỡ con người trong một thân xác với đôi chân, đôi tay, một thân hình và một khuôn mặt của con người. Ngài đã nói tiếng nói của loài người, đã suy nghĩ bằng bộ óc con người và mang lấy một trái tim nhân loại để yêu thương. Ngài đã chấp nhận từ bỏ vinh quang, uy quyền… để đón nhận sự hèn hạ, yếu đuối, sự thay đổi và cái chết…Đây không phải là một hành động nhanh gọn nhưng là lịch sử của cả một đời người, một lịch sử cam go trong một hành trình tự hủy kéo dài!
 
Như vậy, mầu nhiệm Nhập Thể luôn dẫn đến một hành vi lột xác? Khi xuống thế, Đức Kitô đã lột sạch những gì thuộc phẩm vị cao trọng của Một Vị Thiên Chúa mà nên như kẻ tôi đòi, Ngài đã từ bở những gì cao sang nhất để trở thành một con người trắng tay. Những năm tháng sống với con người, Ngài không có gì để sở hữu, như: Ngài sinh ra trong hang bò lừa của người khác, Ngài trở thành bạn hữu của những kẻ vô gia, Ngài ngồi cùng bàn ăn với những người bị xã hội coi là tội lỗi, Ngài xuống chiếc đò của người khác để ra khơi thả lưới, Ngài ngồi trên lưng một con lừa đã có chủ, Ngài mang gánh nặng của người khác, Ngài chịu nỗi hổ nhục của người khác, Ngài đã chết cho bao người khác…
 
Như thế, Đức Kitô đã lột sạch chính mình, Ngài chấp nhận mọi yếu đuối của kiếp người như là của chính mình, để rồi biến nó thành niềm vui, thành điều tốt – điều hay, thành ơn giải thoát cho con người.
 
Do đó mỗi khi mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta lại có dịp làm sáng lên ý nghĩa nhập thể của đời dâng hiến. Người ta thường định nghĩa: “Dângdâng cái thiết yếuhiếnhiến cái gì thiết thân”. Vậy, cái thiết yếuthiết thân của con người là gì nếu không phải là cái luôn dính liền với xương thịt, với mộng ước và lý tưởng của người ấy? Như vậy, thoáng nhìn vào hai chữ hiến dâng, ta có cảm tưởng đây là một hành trình thiếu vắng niềm vui. Nhưng, nếu nhìn sự hiến dâng dưới ánh sáng của mầu nhiệm Nhập Thể, ta thấy cả hai (dânghiến) có chung một nhịp bước: Đời dâng hiến của người tu sĩ cũng bao hàm một sự lột xác, sự quên mình, biết vượt khỏi những gì là thiết yếuthiết thân nhất để vén mở một niềm vui cho đời và cho người. Nhưng niềm vui nào đây?
 
Thông thường và tự nhiên thì người ta thích nghĩ đến mình, yêu lấy thân mình, lo lắng cho mình và vun đắp hạnh phúc cho mình hay cùng lắm là cho những người thân yêu, những người gần gũi với mình. Có lẽ bậc thánh đức hay phàm nhân đều có một điểm chung này. Nếu có khác thì khác ở chỗ là người phàm chỉ dừng lại ở chỗ lo cho riêng mình, chỉ yêu mình thôi; còn thánh nhân thì khi yêu mình, họ cũng yêu cả người khác và biết lấy hạnh phúc của người khác làm niềm vui cho chính mình. Kinh Thánh cũng đồng quan điểm: “Hãy yêu tha nhân như chính mình,”[2]
 
Nhưng nếu đọc kỹ Tin Mừng, ta thấy Đưc Kitô còn đề nghị một cái gì hơn thế nữa. Ngài nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”[3] Câu nói này cho ta thấy sự kỳ diệu của việc lột xác và quên mình: Quên mình không chấm dứt ở chỗ mất mình; nhưng hơn nữa là khi chịu mất mình, người ta sẽ được lại mình nhiều hơn là những kẻ không chịu mất mình, vì hình như càng quên mình thì bản thân mình càng có giá trị. Đức Kitô đã nói: “Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”[4] Hay “ai sẵn sàng mất mạng sống vì Thầy, sẽ tìm lại được nó.”[5]Như vậy, khi nhìn đời tu dưới góc cạnh nhập thể, ta khẳng định rằng nét đẹp của dâng hiến không phải ở chỗ vơ vào, nhưng là cho đi, cho đi những gì thiết yếu và thiết thân nhất của mình. Do đó, sống mầu nhiệm Nhập Thể là dám chấp nhận bị xé nát ra, bị vật lộn, bị mất thăng bằng, bị thương tổn và có khi rất căng thẳng. Sống mầu nhiệm Nhập Thể đòi hỏi phải từ bỏ những kiểu cách sống yên ổn, an toàn mà ôm ấp lấy những gì xa lạ, có khi làm ta rất vất vả và đau thương.
 
Nói cho cùng, lễ Giáng Sinh mà chúng ta mừng hàng năm là một điểm mốc quan trọng để một mặt chúng ta suy tôn đường lối cứu độ của Thiên Chúa, và mặt khác biến đường lối ấy thành cung cách sống và hành động của ta. Có như thế thì chúng ta mới sống mầu nhiệm Nhập Thể với Đức Kitô để cùng Ngài xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới chan hòa niềm vui, một thế giới giầu tình nghĩa hơn…
 
M. Lucia Huyền, fmsr

– See more at: http://gpbuichu.org/news/Suy-tu/Tieng-goi-Giang-Sinh-2316.html#sthash.jfZDN56w.dpuf