Thuyết nhân vị là Chìa khóa để Hiểu Giáo hoàng Phanxicô

Giáo hoàng Phanxicô không nói theo kiểu trí thức. Ngài không như thánh Gioan Phaolô II, một tư tưởng gia độc đáo, hay như Đức Benedicto XVI, học giả cao siêu về Truyền thống. Phanxiô là giáo hoàng với lối hành xử đơn giản hơn và đời thường hơn, nhưng khi tôi nghe ngài, tôi nghe thấy hai giáo hoàng trên.

 

  DucGiaoHoang.jpg

 Hay đúng hơn, tôi nghe thấy một bài tình ca với giai âm thật tươi sáng. Lời của ngài riêng biệt và có cá tính, nhưng các mối bận tâm của ngài cũng là mối bân tâm của các vị tiền nhiệm, chủ đề chính của ngài cũng là chủ đề chính của các vị ấy. Những lời lẽ và cử chỉ của Phanxicô, cũng hệt như các vị tiền nhiệm, cho thấy thuyết nhân vị căn bản của Giáo hội trong thế giới hiện đại.

 

Là con người nghĩa là được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa. Là hoàn toàn độc nhất vô nhị không có trùng lặp. Là hiện hữu bởi tình yêu và cho tình yêu, với người khác và vì người khác. Là hiện thể, bất toàn, và cần giúp đỡ. Là được kêu gọi đến với sự hợp nhất và thông hiệp trao ban mạng sống, với Thiên Chúa và tha nhân, hay với Thiên Chúa qua tha nhân.

 

Đây là mầu nhiệm đã được bày tỏ cụ thể qua tiến trình lịch sử hiện đại. Vai trò trung tâm của mầu nhiệm này đối với đức tin của chúng ta, được thiết lập tại Công đồng Vatican II, được giải nghĩa sáng tỏ trong suốt triều Gioan Phaolô II, và được xác nhận là tiếp nối hữu cơ với Truyền thống nhờ Đức Benedicto XVI.

Giáo hoàng Phanxicô đang thách thức Giáo hội, nghĩa là tất cả chúng ta, hãy đưa mầu nhiệm này đến một tầm cao mới, là áp dụng thực hành.

 

Để hiểu được ngài hơn, cần phải nhớ lại cảm thức của Công đồng Vatican II, mà Đức Gioan Phaolô II đã gọi là ‘Công đồng nhân vị’ và cũng là điểm trọng tâm trong bài diễn văn chung cuối cùng của Đức Benedicto XVI trên cương vị giáo hoàng. Ngài nói đây là một ‘ơn của Thánh Thần’ và là thành tựu trung tâm của Giáo hội thời nay – và theo ngài, chủ đề hàng đầu của giáo hội là thông hiệp, phương thức căn bản của hiện hữu nhân thể và của ơn cứu độ của chúng ta.

 

Cũng như Hội đồng Bất thường về Gia đình mới đây, mục tiêu của Công đồng Vatican II không phải là để thay đổi giáo lý Giáo hội, nhưng là để ‘dò sâu hơn’ những mầu nhiệm vô tận của đức tin chúng ta, dưới ánh sáng ‘các dấu chỉ thời đại’ và những đau khổ, mong muốn, nhu cầu, và thành tựu cụ thể của thời đại chúng ta.

 

Dưới sự dẫn dắt của Giáo hoàng Gioan XXIII, các nghị phụ đã tìm một đường hướng mới cho Giáo hội, môt hình thức tiếp cận mới với thế giới – một cách tiếp cận không xa cách và lên án, nhưng giàu lòng thương, không xa rời các bận tâm của thế giới, nhưng đoàn kết chung lòng.

 

Vài thập kỷ qua đã làm rõ rằng, đường hướng mới này chẳng có chút gì là ‘đi cùng rồi nhập chung’ cả. Không bao giờ có vấn đề thỏa hiệp hay pha loãng giáo lý.

 

Giáo hội không đầu hàng trước não trạng thời đại. Nhưng, Giáo hội đang lắng nghe gần gũi hơn với con người thời đại này, mở lòng với họ, trở nên chú tâm và có trách nhiệm hơn với các vấn đề và bận tâm cụ thể của người ta, để Giáo hội có thể tận tâm trọn vẹn hơn cho con người, theo gương Chúa Kitô, Đấng không đến để lên án thế gian nhưng ban chinh mình làm hy lễ tình yêu ‘khi chúng ta vẫn còn là kẻ tội lỗi.’

Hãy mở lòng – đây là thông điệp căn bản tiên quyết của Giáo hoàng Phanxicô. Đây là thông điệp của Công đồng Vatican II và tất cả giáo hoàng từ đó đến giờ.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 22 tháng 3 năm 2006, giáo hoàng Benedicto XVI đã nói rằng, ‘Đây là cách các tông đồ mở đầu cuộc mạo hiểm, là gặp gỡ con người mở lòng với nhau.’

 

Một bài báo trên tờ Newsweek hôm 23 tháng 10, đã xem ‘hình thức lãnh đạo mới của Giáo hoàng Phanxicô, một cách lãnh đạo bằng lắng nghe, góp phần, và đồng đẳng’ là ‘đối lập với cách hành xử giáo hoàng kiểu như thể một ‘quân vương thời trung cổ.’

 

Nhưng, những người hâm mộ các giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benedicto biết rằng tinh thần đồng đẳng này không phải là chuyện mới của Đức Phanxicô. Đây là cung cách của Giáo hội thời hậu công đồng.

Tháng 2 năm 2013, nhớ lại tinh thần nhiệt thành đã phấn chấn Công đồng Vatican II, giáo hoàng Benedicto, đã nhắc nhở các linh mục Roma và tất cả chúng ta rằng, trong quá khứ, trước giáo hoàng Phaolô VI, công đồng được triệu tập chỉ để đóng dấu cho một văn kiện đã được chuẩn bị từ trước. Nhưng Công đồng Vatican II khác hẳn. Đức Benedicto nói rằng:

 

‘Các giám mục bảo nhau: ‘Đừng, đừng làm thế. Chúng ta là giám mục, chúng ta là chủ công đồng, chúng ta không đơn giản muốn tán thành những gì đã có sẵn, nhưng chúng ta muốn là chủ, là nhân vật chính của Công đồng.’ … Và điều này là một cảm nghiệm về tính toàn thể của Giáo hội và về hiện thực cụ thể của Giáo hội, vốn không đơn thuần nhận chỉ thị từ trên xuống, nhưng cùng nhau lớn lên và tiến tới, luôn luôn dưới sự dẫn đường của Đấng Kế vị thánh Phêrô.’

 

Và Tổng Giám mục Karol Wojtyla cũng đã nói lên cảm nhận tương tự về Công đồng Vatican II: ‘Những khác biệt về quan điểm đóng một vai trò quan trọng’ trong Công đồng, nhưng phải hiểu những khác biệt này là đặc tính đặc biệt của Giáo hội, vốn về bản chất, không phải là một cộng đồng chính trị. Các giám mục cấu thành một ‘số nhiều thực sự: nhiều nhân thể, nhiều cảm nghiệm và suy tư, nhiều đời sống nội tâm, nhiều hoàn cảnh, và nhiều đời sống trong các tình trạng khác nhau.’ Những gì Công đồng làm là đưa số nhiều đó về hợp nhất, qua sự đa dạng, mâu thuẫn, và đối lập. (Chứng tá Hi vọng, trang 172).

Và đây cũng không đơn thuần là vấn đề ‘phong cách lãnh đạo’. Điều này bắt nguồn từ một nhận thức sâu sắc về mối liên kết giữa phẩm giá con người và đại diện nhân thể, cũng như về cách thức chân lý xuất hiện dưới ân sủng qua một ‘trao đổi chân thành thân ái,’ theo lời giáo hoàng Phanxicô nói với các nghị phụ.

Mỗi một người chúng ta đều bất toàn và dang dở, mọi lập trường đều cục bộ và hạn chế. Để đạt được sự nhận thức trọn vẹn, thì chúng ta phải lắng nghe lẫn nhau, đón nhận những gì người khác trao, và tin tưởng Thánh Thần sẽ đem lại hiệp nhất.

 

Sự thật, cũng như tình yêu, là một sự hòa hợp – là tự hiến, là đón nhận người khác, trao đổi sinh sôi.

 

Tờ Newsweek lại sai về Đức Phanxicô khi nói rằng, ‘Con người trước tín lý’ như thể tín lý là không nhất thiết. Nhận thức kiểu này là rơi vào ‘cám dỗ thuyết tự do’ mà Giáo hoàng Phanxicô đã cảnh báo trong diễn văn bế mạc hội đồng, ‘một lòng thương dối giả, băng bó vết thương mà không chữa trị trước, chữa triệu chứng chứ không phải căn nguyên gốc rễ cơn bệnh.’

 

Nói cho đúng, thì trong Kitô giáo, con người là tín lý. Đức tin của chúng ta mang tính hiện thể. Chúng ta không thể là người Công giáo trung tín mà cứ giữ mình xa khỏi các tội nhân. Điều này không chỉ bởi chúng ta có một ‘thông điệp’ mà họ cần nghe, nhưng là bởi chúng ta cũng là tội nhân, và chúng ta cần họ. Con người là con đường cứu độ cho chúng ta.

 

Đây là điều mà Đức Gioan Phaolô gọi là ‘một mảnh lôgic thâm sâu của đời sống.’ Người cần đến tôi, về khách quan, lại là người tôi cần nhất.

 

‘Cám dỗ theo chủ nghĩa truyền thống’ là bác bỏ nỗ lực, sự hỗn độn, và dễ tổn thương của cuộc gặp gỡ riêng, và nó thiên về ‘khép kín bản thân bên trong những lời sách vở’, trong khi sự thật tôn giáo và đạo đức có thể được rút ra từ các hành động yêu thương khiến cho sự thật này được trở nên có thật trong thế giới.

Về căn bản, Giáo hoàng Phanxicô đang thúc giục các giám mục và linh mục phải nhận ra ‘sự đồng đẳng’ này, sự lắng nghe, cảm thụ, và cởi mở, không chỉ là vươn đến nhau khi bàn thảo về các chính sách mới, mà điều này phải định hình cách thức sống của họ khi ở giữa tín hữu, và cách thức làm linh mục nữa.  Họ phải tiếp cận tín hữu một cách thân thiết, với tấm lòng ân cần, dễ cảm, luôn muốn yêu và được yêu. Đây chính là con đường đến với đời sống thiêng liêng mới cho Giáo hội.

 

Thuyết nhân vị căn bản cũng nhắm đến điều này. Chúng ta phải chống lại cám dỗ diễn giải lời của Giáo hoàng theo kiểu chính trị. Hội đồng Bất thường về Gia đình, trên hết là một sự kiện tôn giáo, kêu gọi đáp lời đức tin. Chúng ta phải nuôi dưỡng trong bản thân một đường hướng lắng nghe và cảm thụ, yêu thương và biết ơn, khát khao và vui mừng. Chúng ta phải loại bỏ kiểu lý giải hoài nghi đang ngăn cách chúng ta với nhau và với ơn Chúa, cùng mở rộng lòng với giáo hoàng, với các giám mục và với nhau.

 

Chúng ta hãy thành thật với chính mình, với cảm nghiệm và quan điểm riêng của mình, cùng những sức mạnh riêng và bận tâm thực sự của mình, rồi tín thác Thánh Thần đem lại hoa trái cho việc làm tốt lành mà Ngài đã khởi sự giữa và trong chúng ta. Rồi chúng ta có thể trông đợi Ngài sẽ cho chúng ta kinh ngạc trong vui mừng.

 

KATIE VAN SCHAIJIK
 

Katie van Schaijik là mẹ 5 người con, và cùng với chồng mình, Jules, đồng sáng lập, Dự án Nhân vị (The Personalist Project). Bà nghiên cứu triết học tại Học viện Quốc tế về Triết học ở Liechtenstein.

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 10.09.2015)