Thành Kiến

ách Cổ học tinh hoa có thuật chuyện “Mất búa”, như sau:

 

Một người thợ mộc làm việc trong vườn. Thằng bé con nhà hàng xóm sang ngồi xem. Mải làm, lúc cần đến búa, ông tìm mãi không thấy. Ông nghi thằng bé đã ăn cắp búa. Nhìn mặt nó đúng là mặt thằng ăn cắp búa. Nghe lời nó nói đúng là giọng điệu của thằng ăn cắp búa. Hỏi thì nó chối đúng là tâm địa gian manh. Được một lúc, ông lại thấy cái búa nằm khuất trong bụi. Nhìn lại mặt thằng bé thì thấy mặt mũi nó hiền lành dễ thương, khác với mặt thằng ăn cắp búa. Nghe lời nó nói, đúng là con nhà gia giáo, khác với lời ăn tiếng nói của thằng ăn cắp búa. Hỏi nó thì nó thưa, đúng là con nhà lương thiện, khác hẳn với thằng ăn cắp búa.

 

Câu chuyện trên nói lên thành kiến của con người. Thành kiến là ý kiến mình có sẵn về một người hay một vấn đề.

           

Thành kiến là ý kiến cố chấp không thể lay động được. Khi đã có ý kiến tốt hay xấu về một người hay một vật gì thì khó lòng có thể thay đổi. Thành kiến thay đổi sự thật của sự vật, không còn như nó có. Thành kiến đã bóp méo sự thật, giống như người đeo kính xanh thì vật gì cũng xanh, đeo kính đỏ thì vật gì cũng đỏ (Theo Đào Duy Anh). Cho nên, người có thành kiến xét người và vật theo suy nghĩ riêng chứ không dựa trên cơ sở khách quan trung thực.

 

Chúa Giêsu trở về Nagiarét quê hương, ngày Sabat Ngài vào hội đường, được mời  lên đọc Sách Thánh và cắt nghĩa Thánh kinh một cách rành mạch, sự khôn ngoan của Ngài làm cho mọi người phải ngạc nhiên: bởi đâu ông Giêsu được khôn ngoan như vậy. Vì Ngài là người đồng hương với họ, cha Ngài là bác thợ mộc tầm thường và mẹ Ngài là bà nội trợ Maria như bao phụ nữ khác, và Ngài đã cùng chơi, cùng học và lớn lên giữa họ. Cho nên với họ, Ngài không thể là vị Ngôn sứ được, vì thế không tin phục Ngài.

 

Trước sự cố chấp, không tin vì thành kiến : Ngài cũng là người Nagiarét như họ. Vì vậy, Đức Giêsu kết luận: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mà thôi” (Mc 6,5). Chính vì thái độ cứng lòng ấy, nên ở Nagiarét Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ….

 

Thật thế, như Gioan Thánh Sử đã nói:

« Người đã đến nhà mình,
                 nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận » (Ga 1,11)

Sự từ khước Chúa Giêsu ở Nagiarét là hình ảnh báo trước trong lịch sử vẫn tồn tại con người mọi thời đại, mọi nơi từ khước Thiên Chúa. Con người hôm nay là những người Nagiarét cứng lòng cố chấp mới,  đang nghe, đang thấy Đức Giêsu qua Giáo hội là thân thể của Ngài, vẫn còn đó những cố chấp, cứng tin, khước từ… là một hiện tượng tiêu biểu của thế giới mọi thời, mọi nơi những người cố chấp không tin vào Chúa Giêsu. Sự từ khước của con người hôm nay, làm hoạt động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Bị giam hãm trong các định kiến…

 

Như Chúa Giêsu bị từ chối, người môn đệ của Ngài trong sứ mạng gặp thử thách, thất bại hay chống đối không được nản chí. Nhưng nhìn vào Thầy Giêsu mà dấn thân tiến bước như chúng ta thấy Tin mừng nhấn mạnh : « Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy » (Mc 6, 6). Niềm vui người rao giảng Tin Mừng nhận được không phải do kết quả kiểm chứng được, nhưng là do biết rằng họ đã kiên trì thực hiện những điều Thiên Chúa muốn.

 

Thành kiến là một tật xấu nằm sâu trong tâm khảm con người, trong cái nhìn nhân bản, thành kiến làm con người trong quan hệ với tha nhân thiếu lòng nhân chân thật nhưng, « Yêu nên tốt, ghét nên xấu ». Khi yêu thì coi mọi cái đều đẹp đều tốt, khi ghét thì thấy mọi cái là xấu như ca dao có câu:

”Yêu ai yêu cà đường đi,

ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.

 

 Thành kiến làm xa rời chân lý, thiếu sáng suốt và làm chậm đà phát triển, kinh nghiệm lịch sử của ông cha ta đã cho chúng ta thấy rõ : Vào thế kỷ XIX, vì thực dân Pháp đang lăm le chiếm nước ta, Vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn rất ghét người phương Tây và gọi người Tây là quỷ, người phương Tây da trắng nên gọi là Bạch quỷ, với thành kiến cho rằng cái gì của Tây Phương là của Bạch qủy đều xấu, nên bác bỏ nhiều đề nghị canh tân theo sự phát triển Tây Phương của chí sĩ Nguyễn Trường Tộ, khiến Việt Nam không canh tân, mở cửa giao thương… cho nên không theo kịp đà tiến văn minh của thế giới. Vì không nắm bắt thời cơ làm cho đất nước trì trệ dẫn tới mất nước khi thực dân Pháp xâm lược. Nguyễn Trường Tộ lúc lâm chung, khi nhìn tiền đồ dân tộc bị ngoại xâm chiếm, đất nước tan hoang, đã thốt lên:

Một bước sa cơ ngàn đời ôm hận

Quay đầu ngoảnh lại, cơ đồ bỗng hóa trăm năm.

 

Trong lúc Nhật Bản dưới tài lãnh đạo của Minh Trị Thiên Hoàng (1868) được đổi mới nhờ canh tân theo kỹ thuật tiến bộ của Tây Phương đã phát triển cho đến hôm nay…  Quả là một bài học lịch sử đắt giá.

 

Chính vì thành kiến làm xa rời chân lý, vì thế con người thiếu hay không còn khả năng đón nhận Tin Mừng như dân làng Nagiarét, và nếu có nhận thì Lời Chúa bị giới hạn như hạt giống gieo vào bụi gai nảy mầm nhưng chết ghẹt ( x. Mt 13,1-9; Lc 8,4-8). Chúng ta cần học bài học sáng suốt của Thánh Phaolô: “vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13,6). Cho nên phải thay cặp kính màu thành kiến vốn thường có nơi chúng ta: trong đời sống nhân bản và trong đời sống đức tin.

 

Thật thế, hãy sống  như Henry David Thoreau nói:

“Từ bỏ thành kiến không bao giờ quá muộn”.

 

                     Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 04/07/2015.