Tại sao các Giáo hoàng từng cư ngụ tại Avignon?

Từ 23 đến 25.6, Đức Hồng y Paul Poupard, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, làm đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô để cử hành mừng kỷ niệm 700 năm ngày thành lập “Khu nội địa của các vị giáo hoàng”, tại giáo phận Avignon.
Tại sao các Giáo hoàng từng cư ngụ tại Avignon

 

RƯỢU NHO VALRÉAS

Vùng đất của các vị giáo hoàng ở Avignon rộng 120 km2, tương ứng với vùng Valréas, lọt giữa tỉnh Drôme (vùng đông nam nước Pháp). Ngày xưa, tỉnh Avignon nằm trong lãnh địa bá tước -Venaissin, vùng Provence, là chư hầu của giáo hoàng. Tỉnh này đã được Đức Thánh Cha Gioan XXII mua lại của thái tử nước Pháp, Jean II và của Guy, anh em ông, với giá 16.000 đồng bảng tournois vào ngày 30.8.1317. Theo sử sách thời đó, Đức Gioan XXII có lẽ đã uống rượu nho Valréas, thứ rượu đã chữa ngài lành bệnh. Qua dòng thời gian, ngài đã mua thành phố ấy và các thành phố kế cận.

Sát biên giới nước Pháp và ngay giao lộ những con đường lớn, tỉnh Avignon sở hữu đường sông nối liền cả châu Âu, từ miền bắc đến miền nam, đồng thời chiếm cứ vị trí trung tâm. Bảy vị giáo hoàng tiếp tục nối ngôi cho đến năm 1376 trong khu vực đã trở nên thủ đô của Kitô giáo tại châu Âu. Nơi này đã cuốn hút nhiều doanh nhân, nghệ nhân… Từ 6.000 dân năm 1309 lên đến 40.000 trong năm 1376, Avignon đã trở nên thành phố thứ hai của Pháp sau Paris. 

XA HẲN CÁC DÒNG TỘC LỚN CỦA NHỮNG VỊ HỒNG Y

Trong thư gởi cho Đức Hồng y Poupard tháng tư vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích lý do Đức Gioan XXII đã quyết định ấn định tạm thời Tông Tòa tại tỉnh này, khi vị tiền nhiệm của ngài là Đức Clément V đã định cư tại Avignon từ năm 1309. Đức Hồng y thuật lại khi được hãng tin I-Média phỏng vấn: “Để có thể thực thi tác vụ của người kế vị Thánh Phêrô một cách hoàn toàn tự do, xa hẳn các biến động ở Rome và áp lực vật chất từ các đại gia tộc tại đó”. 

Thật thế, vào thời kỳ ấy, tình hình ở Rome không được ổn định, với nhiều cuộc bạo loạn mỗi ngày, an ninh không đảm bảo, và nhiều xung đột bùng nổ giữa các đại gia tộc của những hồng y như Colonna, Orsini hay Odescalchi… “Ngay cả trước khi tạm trú tại Avignon, nhiều vị giáo hoàng đã không đến Rome trong suốt triều đại của mình”, theo Đức Hồng y Poupard.

TRÔNG COI ĐÀN CHIÊN TỪ ĐỈNH CÁC NGỌN ĐỒI THÀNH ROME

Việc tạm trú tại Avignon đã kéo dài khá lâu”, Đức Hồng y Poupard phát biểu tiếp. Đến độ năm 1376, theo lời yêu cầu của thành phố Florence, Thánh nữ Catherine de Sienne phải đến Avignon và nài xin Đức Thánh Cha Grêgôriô XI trở về Rome. “Ngài cần coi sóc đàn chiên của mình từ các ngọn đồi thành Rome hơn các đồi thành Avignon”, đại ý lời nói của thánh nữ gởi đến Đức Thánh Cha Grêgôriô XI.

Đức Hồng y Poupard nhấn mạnh: “Avignon không phải là một bước ngoặt trong lịch sử, nhưng nó được lồng vào tính liên tục của quyền năng giáo hoàngĐối với Giáo hội, giai đoạn này thật phong phú với việc tôn phong Đức Tôma Aquinô lên bậc hiển thánh và Giáo hội phái các đoàn truyền giáo sang Trung Quốc”.

Đức Thánh Cha Grêgôriô XI trở về Rome lần đầu tiên, nơi mà ngài không được tiếp đón nồng hậu. Thế nhưng, ngài dứt khoát vào lại thành Thánh Phêrô, và khiến những kẻ phản loạn khuất phục vào năm 1377. “Khu nội địa của các giáo hoàng”, đã được phân ranh giới bằng các “cột mốc của các ngài”, và như vậy đã thuộc về Tòa Thánh trong sáu mươi năm. Năm 1791, sau cuộc Cách mạng Pháp, khu ấy đã được nước này thu hồi. Và dân cư ở đó đã bỏ phiếu sáp nhập nó vào tỉnh Vaucluse.

XUÂN VĨNH (theo La Croix)

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc