Suy niệm về Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô

Từ Mồ chôn bít kín, đến nổ tung Phục Sinh!

 

Chúa Giêsu Kitô của người công giáo chúng ta thật quá lạ lùng! Người ta có thể mạt sát Ngài đủ cách, khi công khai dữ tợn, khi thầm lén xảo quyệt, nhưng, quên Ngài đi, chối Ngài hẳn, diệt Ngài tiêu, thì không một ai trên trần gian nầy đủ sức làm được việc nầy, không một quyền lực nào trong nhân loại có thể thi hành nổi công tác nầy, vì Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã phục sinh, đã sống lại, và sống mãi muôn đời; vì Chúa Giêsu Kitô của chúng ta là Nguyên Thủy và là Cùng Đích của mọi loài. Lấy tên GIÊSU ra khỏi lịch sử nhân loại, lịch sử nhân loại sẽ bị lung lay tận gốc rễ.

 

Vậy, Đức Giêsu Kitô là ai?

 

Đây, lý lịch và chứng minh nhân dân của Ngài:

 

GIÊSU, biệt hiệu: KITÔ; tuổi: 33; dân tộc: Do Thái; Cha: Giuse; Mẹ: Maria; Nghề nghiệp: Thợ mộc; Nguyên quán: Bêlem – Giuđa; Nơi thường trú: Nadarét – Galilêa; Dấu vết riêng hoặc dị hình: không có (vì thân xác của Chúa Giêsu cân đối tuyệt  vời); Tử tội bị xử chết đóng đinh ngày 14 tháng Nisan năm 30.

 

+++

 

Nếu chỉ được kể như thế: thợ mộc, bị đóng đinh tử hình, chết trẻ, ….thì Giêsu của chúng ta không khác gì hai tên trộm bị xử tử vì hình sự trên đồi Gôngôta. Nếu vậy thì không có gì để phải nói, và cũng không có gì để đáng nói.

 

Nhưng …

 

Nhưng một biến cố lạ lùng nhất đã xảy đến cho nhân loại, – một biến cố vô tiền khoáng hậu, làm khoa học thông minh nhất cũng phải bó tay, làm cho ai muốn nghiệm thu kỹ lưỡng nhất cũng không thể nào thực hiện được -, vì biến cố nầy không bao giờ lặp lại một lần thứ hai nữa trong lịch sử nhân loại: BIẾN CỐ PHỤC SINH, biến cố Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã tự mình sống lại sau khi chết chôn trong mộ ba ngày.

 

Mồ chôn bít kín bị Phục Sinh nổ tung!

 

+++

 

Con người thời nay, nếu bỏ đức tin ra ngoài, chỉ biết tôn sùng khoa học, và chỉ biết đem khoa học ra để cắt nghĩa mọi sự. Họ muốn cái gì cũng phải được nghiệm thu, được đo đạc, được tay rờ, được mắt thấy, được tai nghe, được kiểm chứng một cách rõ ràng tại chỗ. Nói rằng cách đây hai ngàn năm, có một người đã tự mình sống lại,  sau khi đã bị chôn chặt trong ngôi mộ ba ngày, là điều mà con người ngày nay không thể nào chấp nhận được, vì khoa học không bao giờ thấy được sự kiện một người chết ba ngày, rồi sống lại.

 

Khi nghe người công giáo chúng ta nói rằng: Đức Giêsu đã sống lại, và điều nầy đã xảy ra cách đây hai ngàn năm, thì khoa học ngày nay không tin được vì cho rằng việc đó không thể nào kiểm chứng nổi, không thể nào nghiệm thu được.

 

Với óc phê bình khoa học thực nghiệm, con người ngày nay có thể có hai thái độ: hoặc chối sự kiện Chúa Giêsu sống lại, – nhưng than ôi, không thể nào chối được vì GIÊSU đang rành rành trước mặt họ, vì GIÊSU đang là trung tâm của lịch sử nhân loại: không có GIÊSU, nhân loại như một người mất đi quả tim, không thể nào sống nổi; hoặc cho rằng sự Đức Giêsu sống lại chỉ là do óc tưởng tượng của các tông đồ bày đặt ra mà thôi, – nhưng than ôi, không thể nào chủ trương nổi điều nầy vì tôn giáo của các tông đồ nầy truyền ra cách đây hai ngàn năm, – những tông đồ nhát đảm, ngu dốt, nghèo mạt -, thì hiện nay lại lan tràn khắp nơi, và sau hai ngàn năm rồi, vẫn sinh động một cách lạ lùng mãnh liệt!

 

+++

 

Đối với người công giáo chúng ta, Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu, Biến cố Sống Lại của Chúa Giêsu, có ý nghĩa gì?

 

Khi định nghĩa Đạo Công Giáo của mình, chúng ta phải gọi đó là Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại thì mới đầy đủ ý nghĩa vì biến cố Phục Sinh là cơ sở, là căn bản, là điều quan trọng nhất trong Đạo chúng ta.

 

Giữ Đạo, đối với chúng ta, chẳng qua là tin mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu của chúng ta, tuy đã chết, nhưng đã sống lại. Không có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu sống lại, chúng ta chỉ biết Đạo mình như một thứ tôn giáo do bàn tay con người nào đó tạo ra, chứ không thể nào giữ Đạo và sống Đạo theo đức tin siêu nhiên mạnh mẽ được.

 

Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu là tất cả vận mạng của cuộc đời chúng ta vì không có biến cố nầy, cuộc đời chúng ta hoàn toàn sụp đổ và vô lý. Chính thánh Phaolô đã nêu lên điều nầy khi ngài quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14).

 

Sau hai ngàn năm dài dẳng trôi qua, một phần lớn nhân loại hiện nay đang thờ lạy Người bị đóng đinh chết trên thập giá. Điều nầy không thể nào cắt nghĩa được, nếu không có một biến cố lịch sử không làm sao chối cải được, và biến cố lịch sử nầy phải gây xúc động thật mãnh liệt : đó là biến cố Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, Sống Lại.

 

+++

 

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc GIÊSU, cách đây hai ngàn năm, từ một người thợ mộc vô danh, sinh sống nơi một thôn quê nghèo khổ, tại xứ Do Thái xa xôi nhỏ bé, nằm chìm trong đế quốc rộng rãi bao la Rôma, một ngày đẹp trời của tháng tư, bị quân lính bắt đi, đánh đập, bị Chính quyền xử án và cho đem đi hành quyết chung với hai tên trộm cướp, rồi chết lạnh lùng tất tưởi trên hai miếng gỗ thập giá.

 

Nếu sự việc chỉ kết thúc một cách thê thảm nơi đây, thì làm sai giải thích được hiện tượng ngày nay đang làm sửng sốt nhân loại: một phần lớn nhân loại đang quỳ thờ lạy Người bị đóng đinh chịu chết trên cây thập giá cách đây hai ngàn năm?

 

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc các tông đồ sợ sệt kia, bị gán là đầy ảo giác, phóng tưởng và mê sảng, bị gán là gian manh vì ăn trộm xác chết của Thầy rồi phao vu Thầy sống lại, lại có thể dựng nên được một tôn giáo siêu phàm như Đạo Công Giáo, vượt trổi tất cả các tôn giáo danh tiếng nhất của loài người, gây uy tín trên khắp thế giới và chi phối tất cả lịch sử nhân loại?

 

Làm thế nào cắt nghĩa được các tông đồ mù chữ, ít học, chưa kịp học thêm bổ túc văn hóa thì đã bỏ cuộc vì Thầy bị bắt, lại lôi kéo được Saolô, một kẻ học thức uyên bác và đầy cuồng tín vì chỉ biết Do Thái Giáo của mình là trên hết, và những tông đồ kém cỏi và bất lực về mọi mặt nầy lại đem được vào Đạo Công Giáo những người ngoại giáo Hy lạp và Rôma, là những dân tộc từng có nhiều nhà tư tưởng siêu việt, nhiều nhà chinh phục lừng danh, nhiều nghệ sĩ đại tài, những người nầy đã trở thành những tín đồ đầu tiên trong Giáo Hội sơ khai, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm để sống theo một Đạo hoàn toàn mới mẻ và bất lợi: vì theo Đạo nầy thì phải mất quyền công dân, phải bị tịch thu gia sản, phải bị mất chức mất tước, phải bị tù đày, xử tử …. ; vì Đạo nầy đòi buộc nhiều hy sinh, không chịu dùng sức mạnh trần gian để bành trướng, nhưng chỉ biết rao truyền lòng tin vào Người bị đóng đinh chết trên thập giá dạy bác ái yêu thương tha thứ?

 

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc Đạo Công giáo hiện nay vẫn còn lôi cuốn nhiều người thuộc mọi dân nước, mọi giai cấp, mọi ngôn ngữ, mọi hạng người, mọi màu da sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội, mọi trình độ văn hóa?

 

Làm thế nào cắt nghĩa được  sự việc Đạo Công giáo hiện nay, tuy bị đàn áp bắt bớ đủ cách tại nhiều nơi, nhưng vẫn luôn bành trướng mãnh liệt và không thể nào bị tiêu diệt được?

 

+++

 

Chìa khóa cắt nghĩa được tất cả những sự lạ lùng nầy của Đạo Công giáo là biến cố Phục Sinh, Sống Lại của Chúa Giêsu Kitô.

 

Mà thật vậy! Nếu Chúa Giêsu Kitô không sống lại, thì sự khổ nạn và cái chết của Ngài trên Thập giá mà chúng ta thờ lạy trong Thứ Sáu Tuần Thánh, chỉ là một con đường bế tắc dẫn đến hố tuyệt vọng, chỉ là một ngõ cụt không có lối thoát đưa đến cái chết khốn nạn, chỉ là một con đường hầm mù mịt đem ta đến sự tối tăm vô nghĩa.

 

Đối với người Công giáo chúng ta, Ngày Thứ Sáu Chúa chết, – Ngày Thứ sáu Tử Nạn -, và Ngày Chúa Nhựt Chúa sống lại, – Ngày Chúa Nhựt Phục Sinh -, là hai diện cùng chung một thực tại, là hai mặt cùng chung một biến cố : thực tại Chết – Sống Lại, biến cố Tử Nạn – Phục Sinh. Hai diện nầy, hai mặt nầy chỉ là một thực tại, chỉ là một biến cố. Nếu thiếu đi một diện nào, một mặt nào, thì Công Cuộc Cứu Chuộc của Chúa Giêsu Kitô thành ra vô nghĩa và không thể nào thực hiện được.

 

Nhìn lên Cây Thánh Giá, người công giáo chúng ta thờ cùng một lúc sự Chúa Giêsu chết và sự Ngài sống lại: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại!

 

Đạo Công giáo chúng ta phải được gọi là Đạo Thánh Giá và là Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại. Khi làm Dấu Thánh Giá, khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta tuyên xưng việc Chúa Giêsu chết và việc Ngài sống lại. Nếu chúng ta dừng lại nơi cái Chết của Chúa Giêsu, là để chúng ta nhìn ngắm sự Sống Lại trong cái chết của Ngài. Vì thế, nếu chúng ta nhìn lên Thánh Giá, nếu chúng ta làm Dấu Thánh Giá mà còn để cho buồn phiền, lo âu, thất vọng, sợ sệt đè bẹp chúng ta, thì chúng ta chưa phải là người theo Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại của Chúa Giêsu.

 

+++

 

Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại hạnh phúc cho chúng ta.

 

Có thể trong chúng ta, có kẻ tiếc rằng, vì đã qua hai ngàn năm rồi, nên mình không được hạnh phúc sống đồng thời với Chúa Giêsu để gặp Ngài, để nhìn Ngài, để nói chuyện với Ngài, để ăn uống với Ngài, để đi trên cùng một con đường với Ngài … Nhưng, với biến cố Phục Sinh, mỗi người trong chúng ta hiện nay gặp được Chúa Giêsu một cách dễ dàng, và gặp được Ngài bất cứ đâu và bao lâu cũng được.

 

Nếu chúng ta muốn có mặt trong đám đông dân chúng Do Thái ngày xưa để nghe Chúa Giêsu ban bố Tám Mối Phước Thật và nghe những Lời hằng sống của Ngài, thì đây, bất cứ ai cũng có thể nghe tiếng Chúa Giêsu Phục Sinh qua những vị kế thừa các Tông Đồ khi các vị nầy rao giảng Lời Chúa: “Ai nghe các con, là nghe Ta” (Lc 10,16).

 

Nếu chúng ta muốn như Mađalêna và người trộm lành kia khiêm nhượng thú tội để lãnh ơn tha thứ từ miệng Chúa Giêsu, thì đây, chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang nghe chúng ta thú tội trong Tòa Cáo Giải, và xuyên qua con người của linh mục, Chúa Giêsu Phục Sinh thứ tha tội lỗi cho chúng ta.

 

Nếu chúng ta muốn có mặt trong nhà Tiệc Ly, và như Gioan kia, được dựa đầu vào ngực Chúa, thì đây, trong Bí Tích Thánh Thể, khi chúng ta rước Chúa Giêsu vào lòng hoặc khi chúng ta quỳ chầu Ngài trước Nhà Tạm, Trái Tim Chúa Giêsu đập cùng nhịp với trái tim chúng ta, và Chúa Giêsu Phục Sinh trở nên một với chúng ta.

 

Nếu chúng ta muốn có mặt trên núi Canvariô, đứng sát bên cạnh Đức Trinh Nữ Maria dưới Cây Thánh Giá, thì đây, Thánh Lễ là sự tái diễn hằng ngày biến cố Thứ Sáu Tuần Thánh trên đồi Gôngôta, Thánh Lễ đưa chúng ta đến dưới chân Thập giá cùng với Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta được nghe lời Chúa trối Đức Mẹ làm mẹ mình, và được ăn Bánh Trường Sinh là Thân Thể Phục Sinh của Chúa Giêsu.

 

Thật, Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại hạnh phúc cho chúng ta biết chừng nào!

 

Với Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta không có gì để ganh tị với các Tông Đồ ngày xưa và với những người đồng hương với Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm. Chúa Giêsu Phục Sinh đang đồng hành với chúng ta trên con đường đời, cho tới một ngày kia, giống như hai lữ khách đi về Êmau, con mắt chúng ta mở ra để thấy mình đang mặt đối mặt với Chúa Giêsu Phục Sinh là Bạn Đường của chúng ta, là Thầy của chúng ta, là Lẽ Sống của chúng ta, là Tất Cả của chúng ta.

 

+++

 

Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại nguồn vui cho chúng ta.

 

Khi Chúa Giêsu sống lại, các thiên thần mặc áo trắng đón chào Chúa trong niềm hân hoan, và các phụ nữ cũng như các tông đồ, môn đệ, khi biết rõ Thầy mình đã sống lại, liền nhảy mừng sung sướng, Allêluia!

 

Niềm vui Phục Sinh: vui vì Chúa đã sống lại và sẽ làm cho thân xác chúng ta cũng sống lại; vui vì Chúa sống lại đã đánh bại Tử Thần; vui vì Chúa sống lại đã chiến thắng tội lỗi và ban tràn ơn tha thứ xuống cho tất cả chúng ta.

 

Nếu Đạo Công Giáo chúng ta được định nghĩa một cách xác đáng là Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại, thì những ai theo Đạo nầy như chúng ta, phải được định nghĩa là Những Kẻ Phục Sinh, Những Kẻ Sống Lại!

 

Không gì vui bằng sự sống: nhìn một em nhỏ đầy tràn sự sống, thấy em tung tăng, nhảy múa, nghe em ca hát líu lo, thật vui biết bao! Huống nữa, đây không phải là sự sống mà thôi, mà còn là sự sống lại nữa! Với Chúa Giêsu Phục Sinh, người công giáo chúng ta luôn sống vui vẻ: “Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì, cũng hãy làm cho sáng danh Chúa, cũng hãy làm với tinh thần cám ơn Chúa” (1 Cr 10,31).

 

Với Chúa Giêsu Phục Sinh, người công giáo chúng ta vui nhận tất cả mọi giá trị ở trên đời nầy: “Tất cả những gì là chân thật, đáng kính, công bằng, trong sạch, đáng yêu, đáng khen, tốt lành, tất cả những điều đó, các con hãy suy nghĩ đến” (Pl 4,8).

 

+++

 

Chúa Giêsu của chúng ta đã sống lại. Ngài không phải sống lại để rồi chết lại như Ladarô. Ngài sống lại và sống mãi muôn đời. Điều nầy mang lại hy vọng vô cùng lớn lao cho chúng ta.

 

Mặc cho bao nhiêu phá hoại, mặc cho bao nhiêu hậm hực căm thù, mặc cho bao nhiêu ghen ghét chống đối, Nước của Chúa Giêsu Phục Sinh trên trần gian nầy và trong các linh hồn, vẫn không bao giờ sụp đổ, nhưng luôn vững đứng.

 

Hiện nay, chúng ta thấy có một số người tìm cách chống đối Chúa Giêsu, tìm cách tiêu diệt Chúa Giêsu. Chúng ta hãy thương hại họ vì họ tìm cách giết một Người không thể chết được, vì họ tìm cách triệt hạ một Người không bao giờ sụp ngã được.

 

Như vậy, những ai theo Chúa Giêsu Phục Sinh, luôn thấy cuộc sống hiện nay của mình có ý nghĩa, luôn thấy đường đời mình đang đi có hướng rõ rệt, luôn thấy những bế tắc của mình có lối thoát, luôn thấy cuộc sống mai hậu của mình được bảo đảm ngàn thu bất diệt.

 

Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa Giêsu Sống Lại, thật là nguồn hy vọng cho chúng ta!

 

+++

 

Rạng ngời ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu sống lại, đó là điều người công giáo chúng ta phải có.

 

Nhưng than ôi, có lẽ niềm tin Phục Sinh của chúng ta đang còn quá yếu! Nếu có vị sáng lập đạo nào, – mà đạo đó làm cho kẻ chết sống lại, và tự mình, ông cũng sống lại, – thì những người theo đạo ông nầy thế nào cũng lấy làm sung sướng và hãnh diện. Họ sẽ không ngớt tuyên truyền và cao rao đấng sáng lập nầy, và lôi cuốn được nhiều người theo đạo nầy. Và đây là điều mà các Tông Đồ và các bổn đạo trong thời Giáo-Hội sơ khai đã làm. Đi đâu, họ cũng hãnh diện nói rằng: Thầy chúng tôi đã bị đóng đinh chết,  nhưng nay đã phục sinh sống lại!

 

Đạo công giáo chúng ta là Đạo Phục Sinh, Đạo Sống lại !

 

Chúng ta là những người phục sinh, những người sống lại !

 

Phục Sinh, Sống Lại khi đang còn sống !

 

Phục Sinh, Sống Lại khi nhắm mắt lìa đời !

 

Phục Sinh, Sống Lại bất diệt sau cái chết đời tạm nầy !

 

Alleluia !

 

Amen.

 

Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang