Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Vọng B

 

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG B
Ga 1,6-8.19-28.

Ông đến để làm chứng,
và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
(Ga 1,6)

Phái đoàn đến phóng vấn Gioan Tẩy Giả hôm nay gồm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất có các thầy tư tế và người Lêvi. Họ chú ý đến Gioan Tẩy Giả là điều tự nhiên, vì ông là con của Giacaria, mà Giacaria là thầy tư tế (Lv l,5).

Trong Do Thái giáo, chức vụ tư tế là do cha truyền con nối. Người nào không phải là hậu duệ của Aaron, thì không có gì làm cho người ấy trở thành thầy tư tế được.

Còn nếu người ấy là con cháu của Aaron thì đương nhiên sẽ trở thành tư tế. Do đó dưới con mắt của các nhà cầm quyền, Gioan Tẩy Giả quả là một thầy tư tế, và tự nhiên các thầy tư tế phải tìm hiểu xem tại sao lại có một thầy tư tế hành động bất thường như vậy.

* Nhóm thứ hai gồm những người đại diện cho giới Biệt pháiRất có thể là sau lưng họ còn có Toà án Tối Cao.

Một trong những nhiệm vụ của Tòa án Tối Cao là phải đối phó với những ai bị nghi ngờ là tiên tri giả. Gioan Tẩy Giả là một nhà truyền đạo được dân chúng mến chuộng và theo rất đông. Có lẽ Tòa án Tối cao thấy họ có trách nhiệm phải tra xét xem ông có phải là tiên tri giả hay không. Gioan Tẩy Giả đã không theo đúng cung cách bình thường của một thầy tư tế và ông cũng không theo đúng phong thái của một nhà giảng đạo. Chính vì thế mà các nhà chức trách tôn giáo thời đó bó buộc phải nhìn ông với cặp mắt nghi kỵ. Đó cũng là một điều hết sức tự nhiên.

1. Họ hỏi ông có phải là Đấng Messia không? Tại sao họ lại hỏi ông như thế? Thưa vì dân Do Thái đã trông chờ Đấng Messia từ rất lâu. Thậm chí cho đến lúc đó người ta cũng vẫn còn đang trông chờ. Bất cứ một dân tộc nào đang bị đô hộ cũng trông mong được giải phóng như thế. Dân Do Thái tin rằng họ là tuyển dân của Chúa Giavê nên họ không nghi ngờ gì về việc chẳng chóng thì chày Thiên Chúa sẽ can thiệp để cứu dân Ngài. Họ trông chờ một Đấng Messia sẽ đem hòa bình đến cho cả thế giới. Cho nên khi họ hỏi Gioan Tẩy Giả xem ông có phải là một Đấng Messia hay không thì đó là một điều rất hợp lý.

Gioan bác bỏ hoàn toàn việc tung hô đó: “Tôi không phải là Đấng Messia.”

2. Họ hỏi ông có phải là Êlia không.

Dân Do Thái tin rằng trước khi Đấng Messia giáng lâm, Êlia sẽ trở lại để loan báo trước và chuẩn bị cho thế gian tiếp rước Ngài. Đặc biệt Êlia sẽ đến để dàn xếp mọi bất hoà. Ngài sẽ phân định những gì và những ai là thanh sạch hay không thanh sạch. Ngài sẽ phân chia đâu là người Do Thái, đâu là người ngoại bang. Ngài sẽ đem lại đoàn kết, hoà thuận cho các gia đình từng xa lạ với nhau.

Họ tin tưởng điều đó mạnh đến nỗi luật xưa của người Do thái nói rằng nếu có gì về tiền bạc hay của cải còn đang tranh chấp, hoặc bất cứ tài sản nào còn bị xem là vô chủ thì đều phải đợi “cho tới khi nào Êlia đến”. Niềm tin rằng Êlia phải đến trước Đấng Messia bắt nguồn từ Malakhi 4,5. Người ta còn tin rằng chính Êlia sẽ xức dầu cho Đấng Messia làm vua cũng như tất cá các vua đã được xức dầu.

Gioan Tẩy Giả cũng phủ nhận tất cả những vinh dự đó.

3. Họ hỏi ông có phải là nhà tiên tri được hứa ban và mọi người trông đợi không.

Căn cứ vào lời bảo đảm của lãnh tụ Môisê với dân trong sách Thứ Luật 18,15: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh (em), Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh em hãy nghe vị ấy”.

Đó là lời hứa mà dân Do Thái sẽ không bao giờ quên. Họ chờ đợi sự xuất hiện của một nhân vật sẽ là tiên tri vĩ đại nhất và trông mong nhân vật ấy như là nhà “tiên tri lý tưởng”. Có nhiều người còn nghĩ rằng cả Isaia và nhất là Giêrêmia cũng sẽ trở lại lúc Đấng Messia đến.

Nhưng lại một lần nữa Gioan Tẩy Giả không thừa nhận vinh quang là của mình.

Vậy họ hỏi ông là ai?

Ông nói mình chỉ là tiếng nói khuyến giục mọi người dọn đường cho Nhà Vua. Ý ông muốn nhắc lại một lời trong Isaia 40,3 mà tất cả các Tin Mừng đều trích dẫn câu này để ám chỉ Gioan Tẩy Giả. Ý niệm ẩn tàng trong câu ấy là: “Đường đi bên Đông phương, mặt đường gồ ghề và thường chỉ là những lối mòn. Khi một vị vua sắp đến thăm một tỉnh, hoặc khi nhà chinh phục sắp kéo quân đi qua lãnh thổ của mình thì đường xá phải được san bằng, dọn thẳng và thu xếp lại cho có trật tự.” Điều mà Gioan Tẩy Giả muốn nói với mọi người là: “Ta chẳng là ai cả, ta chỉ là tiếng kêu, kêu gọi các người hãy chuẩn bị sẵn sàng đợi nhà vua đến”. Ông muốn nhắc lại rằng: “Hãy tự sửa soạn đi! Nhà vua đã lên đường rồi đó”. Ông muốn mọi người hãy quên ông đi để chỉ thấy Nhà Vua mà thôi.

Tới đây chúng ta có thể dừng lại. Thử hỏi chúng ta có thể tìm được bài học nào cho chúng ta trong hoàn cảnh hôm nay hay không? Có rất nhiều bài học nhưng tôi xin được nói tới sự trung thực nơi con người của Gioan.

Trước hết là sự trung thực trong lời nói: Rất trung thực khi nói về chính mình, không dám nhận những vinh quang mà người đời gán cho.

Thứ đến là trung thực với lòng mình. Chính vì muốn trung thực với lòng mình nên ngài đã vui lòng chấp nhận một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối.

Vá cuối cùng là trung thực trong những phán đoán về người khác. Ngài đã không sợ khi phải thẳng thắn khuyên vua Hêrôđê không đựơc phép lấy vợ của anh mình. Vì sự sự trung thực này mà Ngài đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân của mình.

Đức Cha Tiamer Toth trong một cuốn sách viết cho giới trẻ có tựa đề là “Chí khí người thanh niên” có nói đến một tấm gương mà ngài ước mong các bạn trẻ hãy nhìn vào đó mà bắt chước. Truyện như thế này: Regulus là một tướng của La Mã bị quân Carthage bắt làm tù binh. Sau một thời gian mệt mỏi vì chiến tranh, người Carthage muốn cầu hòa với người La Mã. Người mà thành Carthage chọn để đứng đầu phái đoàn lại chính tướng Regulus. Trước khi lên đường dân Carthage bắt Regulus phải thề: nếu sứ mạng cầu hòa của họ bị thất bại thì Regulus phải trở về nhà tù trở lại. Regulus đã thề.

Chúng ta có thể tưởng tượng được sự xúc động của tướng Regulus khi về tới La Mã, thành phố quê hương yêu quý của ông như thế nào không! Rất vui mừng nhưng cũng đầy khó khăn. Regulus sẽ phải hành động làm sao đây?

Với tất cả tài lợi khẩu, ông yêu cầu thượng nghị viện cứ tiếp tục chiến tranh; nghị viện yêu cầu ông ở lại La Mã, viện cớ rằng: lời thề vì cưỡng bách không có giá trị. Nhưng ông trả lời:

“Các ngài có muốn để tôi mất danh dự không? Tôi thừa biết rằng những khổ hình và giờ chết đang đợi tôi khi tôi trở lại. Nhưng những cái ấy không thấm thía vào đâu khi so sánh với sự ô nhục của một hành động bất lương với sự tổn thương của tâm hồn do một lời nói dối. Đành rằng tôi sẽ lại là tù binh của dân Cathage nhưng ít ra tôi vẫn giữ được chí khí của tôi mà dân La Mã sẵn có với sự trong sạch của nó. Tôi đã thề hứa sẽ trở về với họ thì tôi giữ lời hứa cho đến cùng. Vì thế các ngài hãy phó mặc mạng sống tôi cho các Thần Thánh”.

Và Regulus đã trở về Cathage, ở đấy tướng công đã chết giữa những cực hình khủng khiếp.

Đó là chí khí và lòng quả cảm của một người công dân La Mã!

Gioan cũng đã sống như vậy và Chúa Giêsu Chúa của chúng ta chắc cũng muốn cho chúng ta sống như thế. Amen.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý