Suy niệm Lễ Tân niên_Lm Trầm Phúc

ỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Lễ Tân Niên

Lời Chúa: Lc 9,22-25

suy-niem-le-tan-nien

 

Hôm nay là ngày Tết, mọi người vui mừng chúc nhau nhiều điều tốt đẹp cho năm mới. Chúng ta đến với Chúa là Cha chúng ta, dâng lời tạ ơn và cầu xin phúc lành cho năm mới. Đến với Chúa là một cử chỉ tốt đẹp nhất, vì lòng Chúa thương ta như trời như biển. Nhưng hôm nay cũng là ngày thứ năm sau lễ Tro, chúng ta hãy suy nghĩ về lời Chúa trong ngày lễ hôm nay.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa thông báo lần thứ nhất về cuộc tử nạn: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”, và đưa ra những điều kiện để theo Chúa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Ngày Tết mà nói đến cái chết thì không hợp lý chút nào. nhưng chính trong cái bất hợp lý đó mới là điều hợp lý nhất. Tại sao? Vì hôm nay là ngày đầu năm âm lịch, chúng ta cần định hướng lại cuộc sống của chúng ta cho năm mới. Ngày đầu năm mà nói đến việc bỏ mình, vác thập giá là một điều vô duyên, nhưng lại là một điều cao quí nhất. Vì chúng ta cần biết phải sống thế nào để đạt đến hạnh phúc. Chính đó mới là cùng đích của cuôc sống hôm nay. Sống mà không biết mình đi đâu và kết quả như thế nào mới là điều vô lý.

Chúng ta sống ở trần gian này để làm gì? Đó là câu hỏi mà nhiều người vẫn đặt cho mình nhưng không có câu giải đáp. Câu giải đáp của chúng ta là Chúa Giêsu. Chúa là hạnh phúc của chúng ta. Không ai trong chúng ta chối cải điều đó, nhưng con đường đi đến Chúa mới cam go.

Vậy chúng ta cần đi đến Chúa và chính Chúa Giêsu là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến với Chúa Cha: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Vậy cuộc sống vẫn là một vấn nạn. Sống để làm gì?

Người đời cho rằng sống để hưởng thụ, để làm giàu, để tìm hạnh phúc. Nhưng cuộc sống chỉ có bao nhiêu đó thôi sao? Và bao nhiêu người đạt đến hạnh phúc, bao nhiêu người giàu có, bao nhiêu người hưởng thụ như mình mong ước? Chỉ là con số nhỏ thôi. Đa số lam lũ, cực nhọc suốt đời không biết một ngày sung sướng. Vậy thì sao?

Chúa Giêsu nói: “Dù được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân thì ích gì?” Chúng ta thấy chí lý không? Những người giàu có chết trên đống vàng có khác gì một người cùng khổ chết trên vỉa hè? Có ích gì cho họ? Họ đem theo được gì? Họ cũng tan ra tro bụi thôi.

Vậy thì tiền bạc có lợi gì một khi đã nằm xuống xuôi tay? Những người giàu được phần mộ lộng lẫy, nhưng ích gì cho họ? Họ chỉ là nắm tro tàn thôi. Đồng tiền có phải là cùng đích của cuộc sống này không? Đối với một số người, nó là tất cả, nhưng đối với chúng ta, những người tin Chúa, nó chỉ là phương tiện để đi đến Chúa, là hạnh phúc vĩnh cửu.

Sống là đi tìm hạnh phúc? Vấn đề này xem ra hợp lý hơn, nhưng trong thực tế, chúng ta có hạnh phúc không? Mà hạnh phúc là cái gì? Nó có phải là một món hàng, có tiền là mua được không? Người ta luôn miệng nói đến hạnh phúc, nhưng hình như nó chỉ như một giấc mơ thôi. Người ta chúc cho nhau hạnh phúc, nhưng không biết hạnh phúc là gì. Nếu ai hỏi chúng ta hạnh phúc là gì, nhiều người sẽ lúng túng và không biết trả lời sao, vì hạnh phúc không phải là khoái lạc. Người ta lầm lẫn hạnh phúc với khoái lạc. Hạnh phúc là một thực tại thiêng liêng chứ không là vật chất, là công trình phải xây dựng bằng cả thể xác và tâm hồn.

Cha Rousselot nói: “Tôi đứng chờ một anh bạn ở góc công trường. Tôi nhìn người ta đi qua. Tôi tự hỏi: Họ đi đâu thế? Người thì đi làm việc, người đi mua sắm, người đi bộ, người đi xe… ngược xuôi, xuôi ngược. Họ đi đâu thế? Họ đi đến một nơi mà ai cũng tới đó là tới cái chết…” Con người quay cuồng, quay cuồng, rốt cuộc chỉ còn hư vô… Vậy cuộc đời có ý nghĩa gì? Nếu không tồn tại, mọi sự chỉ là vô nghĩa và vô lý.

Ông Gilbert Cesbron, một văn sĩ người Pháp đã nói: “Hạnh phúc như một quả cầu lớn bằng thủy tinh thật đẹp từ trời rơi xuống. Mọi người trầm trồ: “Hạnh phúc kìa!” Và đổ xô ra chờ nắm được quả cầu hạnh phúc. Nhưng quả cầu rơi xuống và vỡ tan ra từng mảnh, và mỗi người chạy đến lượm mỗi người một mảnh nhỏ và sung sướng đem về nhà xem đó là hạnh phúc”. Đúng thế, chúng ta không thể lượm được hạnh phúc như thế.

Hạnh phúc là sự thỏa mãn toàn diện vừa thiêng liêng vừa vật chất và nó chỉ phát xuất từ tình yêu chân thật. Nó là một thực tại lâu bền, chứ không chỉ chóng tàn như hoa cỏ. Nó là một công trình cần phải xây dựng từng ngày từng lúc. Vì thế mà nhiều người không đủ can đảm xây dựng hạnh phúc của mình.

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường hạnh phúc là “bỏ mình, vác thập giá theo Ngài”. Xem ra mâu thuẫn, nhưng đó mới là con đường dẫn đến hạnh phúc. Chúng ta đang sống trong một thế giới dồi dào của cải và phương tiện, nhưng con người có hạnh phúc đâu! Khoa học với những phát minh tân kỳ có đem lại hạnh phúc cho con người đâu! Chiến tranh, khủng bố, bất công, tàn ác là cơm bữa. Càng nhiều của cải, càng nhiều tiện nghi, con người càng trở nên nô lệ. Sự dã man đang leo thang trong thế giới. Nếu chúng ta tìm hạnh phúc nơi của cải hay khoa học, chúng ta sẽ thất vọng thôi. Những người giàu có thì sung sướng nhưng hạnh phúc thì chưa chắc. Hay của cải sẽ trở thành tai họa? Vậy cái gì đáng quí, và hạnh phúc ở đâu?

Ở nơi Đấng đã dám nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Câu nói xem ra bi đát, nhưng suy nghĩ, chúng ta thấy rằng có một cái gì đó vượt xa tầm hiểu của chúng ta, một vùng trời yêu thương bao la. Ngài chết cho chúng ta để chúng ta được hạnh phúc: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người dám chết cho bạn hữu”. Và Ngài đã chết cho chúng ta. Cái chết của Ngài là dấu hiệu của một tình yêu không thể hiểu được, và nhiều người đã không hiểu.

Cái chết đó không là một chấm kết mà là một khởi điểm cho một sự sống mới, sự sống hạnh phúc không phai tàn, vì  ngày thứ ba Con Người sẽ chỗi dậy”. Cái chết đó xem ra bi đát nhưng nó  đem lại một kết quả bất ngờ là sự phục sinh. Và chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin xác sống lại và sự sống đời đời”. Chỉ trong Đấng phục sinh đó, chúng ta mới hạnh phúc. Xem ra xa vời quá nhưng là một sự thật hiển nhiên. Ngoài Đấng phục sinh đó, ai sẽ mang lại cho chúng ta niềm hy vọng vững bền ? Muốn thế, Ngài đòi buộc chúng ta “bỏ mình, vác thập giá theo Ngài”.

Bỏ mình, đó là con đường duy nhất. Bỏ mình, con người mới cảm thấy nhẹ nhàng, không bị ràng buộc. Tâm hồn mới thanh thản, vươn cao. Một sợi chỉ nhỏ cũng không thể cho chim cất cánh. Những ước mơ trần thế chỉ trói buộc làm nặng nề con tim. Bỏ mình, tâm hồn chúng ta sẽ có thể vươn cao trong khung trời bao la của Chúa, là khung trời của tình yêu. Bỏ mình, chúng ta mới biết yêu thương là gì, vì yêu thương là cho đi. Chúng ta tưởng rằng những ước mơ trần thế sẽ mang lại hạnh phúc, nhưng ngược lại, càng ước mơ nhiều, con người càng thất vọng nhiều. Chúa Giêsu mới là ước mơ không làm thất vọng.

Cuộc sống thường là một gánh nặng. Gánh vác bản thân cũng là một cực nhọc đôi khi làm chúng ta chán nản. Không ai tránh được gánh nặng đó. Chúng ta gọi là thập giá, tất cả gánh nặng của cuộc sống. Chúa Giêsu bảo chúng ta vác thập giá đó, không phải đi theo ý chúng ta, nhưng theo Chúa. Chính Chúa Giêsu biết chúng ta phải nặng gánh trần gian như thế nào, Ngài đã lên tiếng kêu gọi: “Hỡi những ai nặng nề, sầu muộn, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho”. Chỉ có Ngài mới giúp chúng ta vác thập giá, chỉ có Ngài mới cho chúng ta đủ can đảm để bước đi trong cuộc sống mà vẫn thanh thản an vui.

Ngày đầu năm, định hướng cuộc sống để chúng ta biết sống thế nào và đạt đến hạnh phúc mong muốn. Và cuối cùng chỉ có một hướng là Chúa và tình yêu của Ngài thôi.

Để chúng ta vững mạnh trên đường đời, Chúa Giêsu cho chúng ta một thứ lương thực mà thế gian không thể có là Mình Thánh Ngài, là Bánh hằng sống. Hãy ăn lấy Ngài để có thể vững bước qua bao nhiêu khó khăn nhọc mệt của cuộc sống. Ngài là Tình Yêu tuyệt đối. Ngài cho đi không mõi mệt để giúp chúng ta cũng biết cho đi. Và hạnh phúc của chúng ta sẽ không phai tàn theo năm tháng.

Lm Trầm Phúc