Suy niệm Chúa nhật 5 Thường niên năm B Lm Trầm Phúc

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 5 Thường niên năm B

Lời Chúa: Mc 1,29-39

 

Chúng ta hãy theo dõi Chúa Giêsu trong ngày sống của Ngài ở Capharnaum. Ngài đến nhà của Phêrô và chữa cho bà mẹ vợ của ông khi bà đang lên cơn sốt. Chiều đến, khi mặt trời lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những kẻ bị quỷ ám đến xin Ngài chữa cho họ.

Sáng hôm sau, Ngài thức dậy thật sớm, tìm một nơi thanh vắng và cầu nguyện. Các môn đệ đi tìm Ngài vì mọi người đến tìm Ngài. Nhưng Ngài không ở lại và đi đến các vùng khác để rao giảng và trừ quỷ.

Tường thuật của thánh Maccô cho chúng ta thấy gì? Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài bằng những việc chữa bệnh và trừ quỷ. Ngay trong chương đầu mà thôi, thánh sử đã kể cho chúng ta nhiều phép lạ chữa bệnh và trừ quỷ, và hình như thánh sử chú trọng đến việc trừ quỷ. Đối với người Do Thái thời bấy giờ, bệnh tật cũng là do ma quỷ gây nên. Như thế, chúng ta thấy vẽ lên sứ mệnh chính yếu của Chúa Giêsu là diệt trừ ma quỷ và những ảnh hưởng của nó.

Ngài chữa cho bà mẹ vợ của Simon bằng một cử chỉ đơn thường: Ngài đỡ bà dậy và cơn sốt biến mất. Ngài không đòi hỏi im lặng, vì ngoài người nhà và các môn đệ, không có ai khác. Nhưng đây cũng chứng minh cho mọi người trong nhà thấy quyền năng độc đáo của Ngài và cũng cho thấy một nét của nhân cách Ngài. Ngài luôn giúp đỡ mọi người khi cần.Đi đến đâu, Ngài cũng ban bố ơn lành.

Cả ngày hôm ấy, Chúa Giêsu làm gì? Thánh Maccô không nói, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng Ngài dùng cơ hội đó để dạy dỗ các môn đệ đầu tiên của Ngài. Trong khung cảnh ấm cúng đó, Thầy trò có thể dễ dàng bàn luận với nhau.

Chiều đến, cả làng tập trung trước nhà, họ mang đến cho Ngài nhiều thứ bệnh nhân, kể cả những người bị quỷ ám. Ngài chữa lành nhiều người, và trừ nhiều quỷ và cấm không cho quỷ nói vì chúng biết Ngài là ai. Ngài cấm quỷ nói vì Ngài không muốn người ta hiểu sai về sứ mệnh của Ngài. Tại sao người ta lại đem bệnh nhân đến cho Ngài? Phải chăng vì Ngài đã chữa bệnh và trừ quỷ trong Hội đường và danh tiếng Ngài đồn ra khắp miền đó. Ngài không muốn cho người ta nhìn Ngài như một thầy chữa bệnh hay một người có ý đồ chính trị. Đám đông là một thứ rơm dưới ánh nắng, dễ tin và thường phản ứng một cách đột xuất và mù quáng. Sứ mệnh của Ngài sâu xa hơn. Chữa bệnh hay trừ quỷ chỉ là một dấu hiệu ban đầu mà thôi. Ngài đến để khai mở Nước Trời, mang lại ơn cứu độ cho con người, giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Sáng sớm, Chúa Giêsu tìm một nơi thanh vắng và cầu nguyện. Điều này như một việc làm thường xuyên của Chúa. Có lúc Ngài cầu nguyện suốt đêm. Nhiều người tự hỏi, tại sao Ngài là Thiên Chúa lại cần phải cầu nguyện? Nhiều cách trả lời, nhưng đa số các nhà chú giải đều cho rằng, Ngài đã nhập thể và là người thật, Ngài mang lấy sự yếu đuối của con người, Ngài cũng cần sự thân mật với Chúa Cha như mãnh lực cần thiết để thi hành ý Cha Ngài. Trước những lúc phải quyết định một điều gì quan trọng, các thánh sử đều kể lại là Ngài luôn cầu nguyện. Ngài cũng muốn cho thấy rằng Ngài với Cha Ngài là một. Ngài không làm gì mà không theo ý Cha. Đó cũng là một gương sáng cho chúng ta, và chính Ngài cũng dạy chúng ta cầu nguyện không ngừng. Chúng ta có thích cầu nguyện như thế không? Chúng ta có cảm thấy cần cầu nguyện không? Hay chúng ta chỉ tin vào sự khôn khéo của mình mà không cần đến Chúa?

Mọi người đi tìm Ngài. Dân trong thành muốn giữ Ngài lại vì Ngài có thể giúp họ nhiều hơn nữa, còn biết bao bệnh nhân chưa được chữa lành. Thế nhưng Chúa Giêsu không dừng lại để tìm sự ủng hộ của dân chúng. Ngài còn một công việc lớn và quan trọng hơn là rao giảng Nước Trời cho mọi người. Còn biết bao nhiêu người cần đến ơn cứu độ: “Chúng ta hãy đi nơi khác… để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.Chúng ta cũng thấy có một mối liên hệ giữa việc rao giảng và cầu nguyện. Ngài cầu nguyện rồi mới ra đi. Ngài cầu nguyện vì cuộc hành trình của Ngài còn dài, rất dài và cũng không kém gay go. Ngài cũng xác quyết rõ ràng, sứ mệnh của Ngài là rao giảng: “Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.

Việc đó chính là rao giảng Nước Trời, Nước tình yêu, nước sự sống. Con người tìm đâu ra sự sống? Con người có giới hạn và sự chết là giới hạn cuối cùng, không ai thoát được. Chỉ có một lối thoát duy nhất là Ngài, Ngài là sự sống và là sự sống vĩnh cửu. Ngài rao giảng để mọi người biết và tìm được sự sống qua cái chết. Ngài cũng qua cái chết để sống lại và đem lại sự sống vĩnh cửu cho con người.

Ngài đã đăng trình rao giảng Tin Mừng không mõi mệt, bận bịu với đám dân bơ vơ như đàn chiên không người chăn, đến nỗi Ngài và các môn đệ không có giờ dùng bữa.Những con đường nắng cháy của vùng Palestine đã quen thuộc với bước chân Ngài. Và bài giảng cuối cùng kết thúc trên đỉnh đồi Canvê thống khổ.

Theo vết chân Ngài, Phêrô và các Tông đồ, cũng như Phaolô đã không mõi mệt rao giảng khắp cùng thế giới thời bấy giờ, và bài giảng cuối cùng cũng kết thúc bằng cái chết. Chết cho Tin Mừng họ rao giảng, như Thầy chí thánh của họ.

Thánh Phaolô dám nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” Không ai bó buộc Ngài cả, Ngài cũng nói: “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi trở thành nô lệ cho mọi người…” Tại sao? Chỉ vì tôi yêu mến Đấng đã yêu thương và đã liều mạng cho tôi, vì tôi không để ơn Chúa ra vô ích, vì tôi cũng muốn cho mọi người được hạnh phúc với Đấng đã chết để cứu vớt họ.

Và từ hơn hai mươi thế kỷ cho đến hôm nay, Tin Mừng vẫn được rao giảng qua những người đã đón nhận, giáo sĩ cũng như giáo dân. Và Giáo hội luôn kêu mời mọi tín hữu không trừ ai, tất cả những người đã đón nhận Tin Mừng phải công bố trên mọi mái nhàkho tàng Tình Yêu của Thiên Chúa.

Nhưng cho đến hôm nay, số người biết Chúa vẫn còn là thiểu số. Ở Việt Nam người Công giáo chỉ chiếm được ba phần trăm. Chỉ có ba con chiên ở trong chuồng và còn chín mươi bảy con chiên ở ngoài. Chúng ta nghĩ sao?

Theo vết chân của Chúa Giêsu, của các tông đồ và các thánh, chúng ta cũng ra đi, rao giảng Tin Mừng cho anh em chúng ta, những người chưa được phúc như chúng ta. Có lẽ chúng ta còn ngại ngùng, nhưng với ơn Chúa và thiện chí, chúng ta cố gắng hơn. Chúa đang chờ những tâm hồn thiện chí, những người dám ra đi, vì Chúa, vì anh em. Thánh Thần Chúa sẽ hỗ trợ, Ngài không để chúng ta một mình.

Có lẽ chúng ta chưa biết làm gì, hay làm thế nào, nhưng khi chúng ta dám bước ra, đi vào công việc, Chúa Thánh Thần sẽ soi dẫn chúng ta biết phải làm gì.

Nhưng trước hết phải cầu nguyện như Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Phải cùng một ước muốn như Chúa, ước muốn cho danh Cha cả sáng, muốn mang lại hạnh phúc cho anh em. Và trên hết, hãy ăn lấy Chúa để được Ngài nuôi dưỡng bằng chính Thịt Máu Ngài, để cùng với Ngài ra đi. Chúng ta mới có can đảm loan báo Tin Mừng dù lúc thuận lúc nghịch, dù sẽ bị nhạo cười hay từ chối. “Tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta”. Chỉ có tình yêu Chúa mới giúp chúng ta dám nói lên những gì phải nói, không phải chỉ bằng lời mà bằng cả cuộc sống với những lao nhọc của nó.

“ Đừng sợ! Ơn Ta đủ cho ngươi”.

Lm Trầm Phúc