Sức mạnh Phục Sinh

“Chúa đã sống lại thật. Halleluia, Halleluia…”. Niềm hân hoan, tưng bừng thay cho bầu khí trầm lắng, ưu tư của Mùa Chay. Không chỉ là những tiếng reo vui ngoài môi miệng, nhưng là sự hồi sinh thẳm sâu cho những ai khao khát và tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng đã chiến thắng sự dữ, tội lỗi và thần chết để mở ra một chân trời mới của hy vọng và sự sống viên mãn mà mắt thường không thể thấy cũng như tâm trí loài người không thể hiểu thấu.
 
Thánh sử Máccô thuật lại việc đầu tiên: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê su hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ” (Mc 16, 9). Khi đọc đoạn này, hẳn chúng ta sẽ thắc mắc : Tại sao Ngài không hiện ra với các môn đệ thân tín là những người sẽ thay Đức Giêsu chăm lo rao giảng khắp nơi (Mc 16, 19 – 20), mà lại hiện ra cùng bà Maria?
 
Có người lý luận rằng, vì phụ nữ nhiều chuyện, nhẹ dạ và dễ tin hơn các tông đồ, nên Ngài đã hiện ra với các bà trước. Nói như thế là quá hàm hồ và coi thường phái nữ rồi! Việc Đức Giê su hiện ra với bà Maria muốn nói rằng, Tin mừng Phục Sinh không phân biệt nam – nữ, giàu – nghèo, địa vị thấp cao, nhưng hệ tại ở tình yêu. Ai yêu mến và khao khát gặp Chúa hơn thì Người sẽ cho gặp. Những người phụ nữ đã thể hiện tình yêu của mình không những bằng lời nói, nhưng còn bằng việc làm nữa: “Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ” (Mc 16, 2).
 
Ngoài lý do trên ta còn thấy việc Đức Giêsu sống lại chính là để minh định những gì đã được mạc khải về Ngài trong Kinh thánh là Chân lý tuyệt đối không gì thay đổi. Không chỉ hiện tại và quá khứ nhưng còn trong tương lai, khi Ngài nói với hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24, 25 – 27). Qua cuộc gặp gỡ và trò chuyện với hai môn đệ, Đức Giêsu không chỉ khai sáng cặp mắt thể lý nhưng còn mở mắt tâm hồn cho các ông nữa: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất… khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao?” (Lc 24, 31-32). Sự sống lại của Đức Kitô không chỉ làm chứng về Ngài mà thôi, nhưng còn đem lại ánh sáng niềm tin cho những ai biết đón nhận và sẵn sàng mở lòng ra để cho Ngài chiếm hữu. Một con người nữa đã được đổi mới hoàn toàn nhờ ánh sáng Phục Sinh mà chúng ta không thể không nói tới.
 
Chính Saolô trong cơn hăng say đuổi bắt những người rao truyền và tin vào Giêsu Phục Sinh cũng đã sáng mắt ra sau biến cố ngã ngựa. Được ánh sáng Phục Sinh soi dẫn, chúng ta thấy một Phaolô tông đồ nhiệt thành, đã làm, đã nói những điều trái hẳn với con người của ông trước đó. Từ hành động lùng bắt những người tin vào Đức Kitô Phục Sinh, giờ chính Ông lại rao giảng rằng: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15, 14). Việc hoán cải một con người đến độ tuyệt đối như vậy, hoàn toàn không thể đạt được bằng sức mạnh thể lý, mà phải nhờ sức mạnh siêu nhiên. Qua những con người yếu đuối (những người phụ nữ), những kẻ gây khó dễ, cản trở Tin mừng, Thiên Chúa lại chọn làm “lợi khí” cho Ngài, đủ nói lên sức mạnh quyền năng có thể làm cho kẻ chết sống lại không phải là vô căn cớ. “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 43-44). Đức Kitô Phục Sinh chính là để phá tan bóng đêm tội lỗi, bóng đêm đã phủ vây nhân loại, cô lập con người trong những vô tâm, giả dối, quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa. Đó là hậu quả do Adam xưa gây ra, giờ đây một Adam mới là Đức Kitô đã mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, là hy vọng được Phục Sinh trong Thần Khí và quyền năng.
 
Đức Ki tô Phục Sinh đã sống lại và ra khỏi mồ đá từ hơn hai ngàn năm trước, nhưng nay có thể chính chúng ta lại chôn Ngài một lần nữa. Chỉ có điều chúng ta không chôn Ngài trong huyệt đá nhưng là huyệt lòng. Huyệt mộ này không lạnh cứng như đá, nhưng mềm mà lạnh hơn giá băng. Ngôi mộ này sẽ chôn không chỉ một Giêsu mà chôn chính cuộc đời chúng ta và đồng loại trong cô đơn. Nếu ngày nào đó tôi còn vô tâm, ngoảnh mặt đi trước những con người vô danh, những người nghèo đói, bị bỏ rơi không có miếng cơm, manh áo để che thân, bị vứt bên lề cuộc sống giữa những tòa nhà cao tầng, thì chừng đó Ánh sáng Phục Sinh chưa chiếu soi tới tâm hồn tôi và như thế Đức Kitô vẫn đang bị chôn trong lòng nhân loại.
 
Nt Scholastica