Sứ điệp truyền thông 2015 nói gì ?

1. Bối cảnh và chủ đề

Gần đến ngày lễ thánh Phanxicô Salêsiô, quan thầy giới ký giả và giới nhà văn, ngày 23 tháng Giêng năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố sứ điệp truyền thông xã hội lần thứ 49. Sứ điệp năm nay đề cập đến một khuôn mẫu và nguyên lý của truyền thông, đó là gia đình, vì trong đó các thành viên có quan hệ ruột thịt thiết lập giữa họ mối hỗ tương bền chặt.
 
2. Vấn nạn đặt ra
 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha đặt ra những tiêu chí cho giới truyền thông : liệu có phải chỉ đơn thuần cung cấp và tiêu thụ một thông tin ? Đâu là mặt trái của truyền thông thời hiện đại ? Làm thế nào để gia đình không bị cắt đứt mối liên hệ giữa các thành viên do truyền thông, vốn là phần không thể thiếu trong cuộc sống, gây ra ?
 
3. Khuôn mẫu của truyền thông 
 
Sứ điệp truyền thông năm nay gợi ý suy gẫm về đoạn Lời Chúa kể về cuộc viếng thăm người chị họ Elisabeth của Đức Trinh Nữ Maria sau khi thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần (Lc1, 39-56). Từ đó, một nguyên lý bất di bất dịch đưa ra cho truyền thông cần phải trở quay về môi trường gia đình để quan sát một cách thực tiễn.
 
– Ngay từ khi còn trong lòng mẹ, bào thai đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với người mẹ.
 
– Gia đình cũng là cung lòng cần thiết để con người ngay từ lúc ấu thơ được lãnh nhận các giá trị cần thiết và học bài học trao ban. Giữa các thành viên ông bà, cha mẹ, và con cái tạo nên mối tương quan bền chặt. Trong gia đình, sự sống, yêu thương, ngôn ngữ mẹ đẻ, di sản văn hóa và đức tin…liên tục được truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 
–  Mặc dù vẫn có nhiều giới hạn và đôi khi có xung khắc, nhưng qua việc bày tỏ sự hối lỗi và tha thứ giữa các thành viên, gia đình tạo nên tính liên tục của truyền thông qua việc không ngừng hàn gắn những mối đứt đoạn do mâu thuẫn gây ra.
 
– Không dừng lại ở mối liên hệ giữa các thành viên với nhau, gia đình còn được mời gọi mở ra bên ngoài, đi đến với những người khác để đem lại cho họ niềm tin yêu và hy vọng.
 
4. Vai trò đích thực của truyền thông
 
Các phương tiện truyền thông hiện đại cần giúp con người duy trì mối liên hệ gia đình – xã hội như tình bằng hữu hay ruột thịt, chia sẻ kinh nghiệm quý báu giữa họ, giúp mỗi người dễ dàng nói lời cám ơn và xin lỗi một cách chân thành, và mở ra những cuộc gặp gỡ mới đầy lý thú và bổ ích.
 
Do vậy, phương tiện truyền thống cần tránh cách trình bày gia đình như là nơi đụng độ về ý thức hệ, hay làm méo mó lệch lạc về giá trị thuần túy của gia đình.
 
5. Bài học ứng dụng hôm nay
 
– Truyền thông không thể thay thế cho vai trò giáo dục của bậc cha mẹ. Họ cần giám sát con cái vốn rất dễ bị khép kín vào các trò chơi giải trí hay màn hình vi tính và tivi, mà bê trễ việc học hành, các mối quan hệ trong gia đình cũng như đời sống đức tin.
 
– Các cộng đồng cũng cần đồng hành với người trẻ để họ biết dùng truyền thông để thăng tiến phẩm giá của mình và phục vụ công ích.
 
– Cố gắng tránh để điện thoại gây phiền toái trong các buổi cử hành phụng vụ, trong các cuộc hội họp.
 
– Các gia đình cần cần ấn định giờ giấc sinh hoạt cụ thể để không bị các màn hình tivi, điện thoại, hay vi tính làm mất đi buổi quy tụ giữa các thành việc trong bữa ăn, thời điểm dễ dàng chia sẻ tin cho nhau ; buổi đọc kinh gia đình, phương thế kín múc nguồn ân sủng và duy trì hiệp nhất giữa các thành viên.
 

Ngày 26 tháng 01năm 2015
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng