Phút lắng đọng Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên

THỨ SÁU TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 19,45-48

Lời Chúa:

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”. (Lc 19,46)

Câu chuyện minh họa:

Khi còn là một sinh viên, Gandhi được du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Gandhi có dịp đọc Kinh thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là kinh Tám mối phúc thật trong Bài Giảng trên núi. Ông rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do Thái hay lương dân… Gandhi nghĩ rằng: Có lẽ Kitô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn Độ quê hương của ông. Gandhi nghĩ mình nên tìm hiểu và sẽ gia nhập vào Kitô giáo.

Ngày nọ, Gandhi có ý định đi bộ đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Công giáo. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và không cho ông bước vào nhà thờ. Bấy giờ ông cho biết ý định tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất ngờ khi người giữ cửa lại nói như sau: “Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da màu mà xin”! Gandhi rất tức giận và bỏ về nhà, ông ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau: “Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn mỗi khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Ngài! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo có hơn gì Ấn giáo có phân biệt giai cấp của tôi? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ”!

Suy niệm:

 Là Kitô hữu, chúng ta thuộc về Chúa Kitô, tâm hồn chúng ta là Đền thờ của Chúa. Thế nhưng, chúng ta đã gìn giữ ngôi đền ấy ra sao? Chúng ta không những có bổn phận gìn giữ mà còn biết mở rộng cửa đón tiếp tha nhân, để nhiều người được nhận biết và yêu mến Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng đừng để những của cải, vật chất chi phối cuộc đời chúng ta, khiến chúng ta đẩy Chúa ra khỏi đền thờ, ra khỏi cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa, xin thánh hóa tâm hồn con mỗi ngày nên mới, để tâm hồn con luôn xứng đáng là ngôi đền cho Chúa ngự.

Têrêsa Mai An