Nỗ lực truy tìm con tàu của Nôe

Các nhà thám hiểm ở Hồng Kông cách đây vài năm đã tổ chức cuộc họp báo rầm rộ để công bố kết quả khảo cổ đã tìm được tàn tích của con tàu Nôe ở núi Ararat thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã yêu cầu Nôe đóng một con tàu tính ra dài hơn sân bóng đá ngày nay và cao ít nhất 3 tầng lầu. Ông và gia đình cùng đại diện các loài động vật đã lên tàu để thoát khỏi cuộc đại hồng thủy suốt 40 ngày đêm hủy diệt cả thế giới. Và cuộc hành trình tìm kiếm manh mối còn sót lại của con tàu nổi tiếng nhất lịch sử loài người đã được khởi đầu ít nhất vào thời đại của sử gia cổ đại Josephus (năm 37-100).

Trong một nỗ lực gần đây nhất nhằm truy lùng tông tích con tàu, các nhà thám hiểm thuộc tổ chức gọi là Giáo đoàn quốc tế Tàu Nôe (NAMI, trụ sở tại Hồng Kông), tự tin tuyên bố: “Nếu không chắc chắn được 100% thì cũng phải đến 99,9% là chúng tôi đã tìm được con tàu”. Tuy nhiên, giới khảo cổ học và sử gia vẫn tỏ ra hoài nghi về báo cáo trên, như chuyên gia Paul Zimansky của Đại học Stony Brook ở bang New York đã chỉ ra, chẳng nhóm nào đi tìm mà không quay về với thông tin đã định vị được xác tàu Nôe.

Vết tích tào Nôe ở độ cao 4.000m

 

5 năm nghiên cứu

Theo tạp chí National Geographic, nhóm nghiên cứu của NAMI cho hay vào năm 2007 và 2008 đã tìm được 7 gian gỗ lớn bị chôn vùi ở độ cao khoảng 4.000m so với mặt nước biển, gần đỉnh của núi Ararat. Họ đã quay lại nơi này với đoàn làm phim vào tháng 2.2009. Nhiều Kitô hữu cho rằng Ararat là nơi yên nghỉ cuối cùng của con tàu Nôe. “Cấu trúc còn lại bị chia cắt thành nhiều không gian khác nhau”, theo thành viên của NAMI là Man-fai Yuen. Kết quả phân tích đồng vị carbon của mẫu gỗ, tìm được ở vị trí mà các nhà nghiên cứu đến thời điểm công bố báo cáo vẫn quyết định giữ bí mật, cho thấy niên đại vào khoảng 4.800 năm, mà theo họ cho rằng trùng với thời điểm đại hồng thủy xảy ra.

“Chúng tôi chẳng có gì phải che giấu”, theo một thành viên của đội nghiên cứu tên Clara Wei. Bà cho hay những tấm ván khổng lồ, một số dài đến 20m, được tìm thấy bên trong các gian phòng và lối đi bằng gỗ được chôn vùi bên dưới lớp băng của ngọn núi nằm ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ. Con người không cách nào có thể đưa những tấm gỗ lớn lên độ cao như thế, cũng như chẳng có phương tiện gì có thể đến được vị trí hẻo lánh này. NAMI cũng cung cấp một số đoạn phim quay lại cảnh các thành viên đeo đinh sắt vào giày và leo núi trong tình trạng tuyết rơi để đến được nơi đó. Bà Wei cho biết: “Bạn có thể thuê ngựa thồ hành lý, nhưng chúng không thể giữ được thăng bằng nếu chở theo những thanh gỗ dài 10m”. Ngoài ra, không có chứng cứ nào về khía cạnh văn hóa, chẳng hạn như đồ gốm, chứng tỏ rằng nó trước đây là một ngôi nhà hoặc nhà thờ để giải thích sự xuất hiện bất thường của những tấm ván khổng lồ tại đây.

Nhà thám hiểm thuộc tổ chức Giáo đoàn quốc tế Tàu Nôe – NAMI

 

Những hoài nghi

Không ít người hoài nghi về sự thật đằng sau tuyên bố tìm được tàu Nôe, trong đó có ít nhất một học giả diễn dịch Sách Thánh theo đúng nghĩa đen. Nhà sinh học Todd Wood, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Nguồn gốc của Đại học Bryan ở Tennessee (Mỹ), phân tích dưới quan điểm sáng thế. Thiên Chúa đã tạo ra trái đất và vô vàn sự sống từ con số 0 cách đây khoảng 6.000 năm. “Nếu chấp nhận một niên đại trẻ hơn cho địa cầu, vậy thì phương pháp phân tích đồng vị carbon cần phải được diễn dịch lại”, vì ông Wood chỉ ra biện pháp này gặp phải giới hạn.

Phương pháp xác định đồng vị carbon ước tính tuổi của các đối tượng sinh học bằng cách đo đồng vị phóng xạ carbon 14, được phân hủy theo tốc độ nhất định qua thời gian. Biện pháp này được cho là đạt đến ngưỡng giới hạn đối với các mẫu vật khoảng 60.000 năm tuổi, trong khi trái đất được cho là vào khoảng 4,5 tỷ tuổi. Dựa trên một số phân tích, chuyên gia Wood cho rằng niên đại không thích hợp. Bên cạnh đó, nhà khoa học này lý luận rằng con tàu Nôe sẽ không bao giờ được tìm thấy, vì một lẽ hết sức đơn giản “Nếu bạn vừa ra khỏi tàu, xung quanh chẳng có cây cối nào hết, vậy thì bạn sẽ làm gì để xây nhà? Con tàu sẵn đó, nên cứ tận dụng gỗ thôi”.

Núi Ararat nhìn từ phía Armenia

 

Các học giả khác chỉ ra sách Sáng Thế chưa bao giờ xác định đỉnh núi mà con tàu neo đậu ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Sách Thánh nói rằng tàu Nôe ngừng lại đâu đó ở Urartu”, chỉ một vương quốc cổ ở phía đông nước này, và người đời sau kết nối núi Ararat với Urartu, theo giáo sư Jack Sasson của Đại học Vanderbilt ở Tennessee (Mỹ). Giáo sư  Zimansky cũng đồng ý với cách phân tích này, cho hay không ai nối kết ngọn núi đó với con tàu cho đến thế kỷ thứ 10 trước công nguyên, và cũng chẳng có chứng cứ nào về mặt địa chất cho thấy từng xảy ra một cơn hồng thủy ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 4.000 năm.

Giáo sư Zimansky đưa ra một giả thuyết khác, chẳng hạn cái mà tổ chức NAMI tìm được có thể là một đền thờ do các Kitô hữu đời đầu xây dựng bên trên địa điểm được cho là nơi con tàu Nôe từng hiện diện. Con tàu này chắc chắn sẽ tiếp tục là đề tài nghiên cứu đầy thú vị cho các nhà khoa học trong thời gian tới.

LING LANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc