Niềm vui cho ai tìm kiếm Chúa

Lễ Chúa Hiển Linh mà chúng ta mừng trong dịp Chúa Nhật này giúp kéo dài niềm vui của Ngày Lễ Giáng Sinh. Ngày lễ này có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu như trong dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngắm màu nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người được sinh ra trong một hoàn cảnh nghèo nàn, thì trái lại, lễ Hiển Linh mời gọi chúng ta chiêm ngắm vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa tỏ hiện cho muôn dân, mà các nhà đạo sĩ đến từ Phương Đông là đại diện. Nhiều người còn gọi họ là ba vua, một vị da màu, vị khác da vàng, và vị khác nữa da trắng. Tóm lại, họ là những người từ phương xa tới để thờ lạy vị Vua Do Thái mới sinh. Trong hành trình này, các nhà đạo sĩ không biết đích xác địa điểm, mà chỉ nhờ vào ngôi sao chỉ đường.
 

Nhờ vào bài Tin Mừng của thánh Matthêu của Chúa Nhật này, chúng ta có thể học hỏi được hai điều chính yếu. Thứ nhất, Thiên Chúa tỏ rạng vinh quang cho tất cả mọi người. Không có một cản trở nào đến từ chủng tộc, văn hóa hay nguồn gốc tôn giáo. Ngài tỏ hiện cho những ai thành tâm thiện chí kiếm tìm. Thứ hai, hành trình mà các đạo sĩ thực hiện để tìm gặp Hài Nhi Giêsu là hành trình hội tụ 3 yếu tố : sự xuất hiện của một ngôi sao, sự trợ giúp của Thánh Kinh, và sự ra đi trong đêm trường.

Các đạo sĩ không hề biết đến Thánh Kinh, hay Thiên Chúa của dân Israel. Nhưng với một tâm hồn khao khát, họ có thể đọc ra dấu chỉ của Thiên Chúa thông qua công trình sáng tạo của Người, bởi vì chính những kỳ công này thuật lại vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta có thể thấy sự hài hòa giữa ý định của Thiên Chúa và các thụ tạo. Đó chính là sự mạc khải tự nhiên về Thiên Chúa. Các đạo sĩ khi thấy một ngôi sao mới xuất hiện thì cố gắng tìm hiểu và đã biết rằng có một Vị Vua Do Thái vừa mới sinh ra đời. Họ cũng đã phải nhờ đến sự can thiệp của các thượng tế và kinh sư, vốn là những người am tường về Thánh Kinh. Sau cùng họ cũng biết được nơi mà họ cần tìm đến là Bêlem.

Thiên Chúa vẫn nói với chúng ta. Ý thức điều này, chúng ta có thể đọc được các dấu chỉ của thời đại thông qua sự mạc khải trong Thánh Kinh, tựa như chiếc la bàn giúp chúng ta xác định được phương hướng.

Về phần mình, các thượng tế và kinh sư hiểu rất tốt Thánh Kinh, nhưng họ đã không thấy được Hài Nhi Giêsu, bởi vì họ không có điểm xuất phát mà vẫn chỉ ở lại nhà mình. Hêrôđê chỉ quan tâm đến Thánh Kinh với lý do bảo vệ ngai vàng của mình. Trong khi đó, sự khát khao tìm gặp Vua Do Thái của các đạo sĩ đã thúc đẩy họ ra đi trong đêm tối, bỏ lại sau lưng gia đình, công việc, chăn ấm nệm êm, đồng thời chấp nhận phiêu lưu mạo hiểm để tìm đến thờ lạy và dâng lễ vật cho Hài Nhi Giêsu, gồm vàng, mộc dược và nhũ hương. Họ rất đỗi vui mừng khi được chiêm ngắm Đấng mà họ kiếm tìm. Họ đã được nhận lãnh phần thường vô cùng lớn lao bù đặp lại những hy sinh vất vả trong suốt cuộc hành trình.

Với sự mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, chúng ta cũng được mời gọi đọc ra những dấu chỉ đang diễn ra trong thế giới, trong cuộc sống để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong tha nhân, nơi môi trường nghề nghiệp, trong mái ấm gia đình, hay từng khoảnh khắc của cuộc sống. Đó chính là những dấu chỉ thôi thúc chúng ta tìm kiếm để thờ lạy Thiên Chúa và dâng cho Ngài trọn cả cuộc sống của mình. Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta được quy tụ chung quanh Mình và Máu của Đấng đã tỏ hiện vinh quang của mình xưa kia cho các mục đồng và các đạo sĩ.

Mừng Lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta hãy kêu xin Vị Vua của triều đại hòa bình viên mãn củng cố đức tin của mỗi người, vì nơi Ngài chúng ta tìm được suối nguồn chân lý, hạnh phúc, niềm vui và sự bình an đích thực.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng