Nguồn Gốc Kitô Giáo: Nguồn Sử Liệu Về Cuộc Đời Đức Giêsu

VỀ NGUỒN (LỊCH SỬ KITÔ GIÁO)

KitoGiao.jpgPHẦN I: NGUỒN GỐC KITÔ GIÁO
***

CHƯƠNG I: KHUNG CẢNH TÔN GIÁO VÀ XÃ HỘI THỜI ĐỨC GIÊSU

CHƯƠNG II: NGUỒN SỬ LIỆU VỀ CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊSU

Trong Chương I, chúng tôi đã trình bày khung cảnh tôn giáo tại Palestin vào thời Đức Giêsu ra đời và hoạt động. Ai muốn biết rõ thêm chi mục thì có thể tìm nơi các sách Dẫn nhập vào Tân ước. Bây giờ chúng ta đi vào chuyện tìm hiểu thân thế của Đức Giêsu. Một câu hỏi đầu tiên được đặt lên là: dựa vào những tư liệu nào để thu thập chi mục về cuộc đời của Người? Có lẽ đa số các Kitô hữu sẽ trả lời ngay rằng: dựa vào bốn quyển Phúc Âm chứ còn phải cần gì tìm đâu xa xôi nữa! Thế nhưng, cuộc tranh luận sôi nổi nhất trong thế kỷ XX xoay quanh câu hỏi: có thể dựa vào bốn quyển Phúc Âm để viết tiểu sử của Đức Giêsu hay không? Rất nhiều học giả đã trả lời rằng không, với những luận cứ khác nhau. Lý do mạnh nhất đưa ra là vì bốn tác giả của Phúc Âm không có ý định viết tiểu sử của Đức Giêsu. Trước khi trình bày diễn tiến của cuộc tranh luận, thiết tưởng cần nhấn mạnh rằng Đức Giêsu là một nhân vật lịch sử, chứ không phải là một huyền thoại, giả tưởng. Sự xuất hiện của ông Giêsu trên mặt đất là một điều được các sử gia Roma và Do Thái nói tới, tuy những tài liệu không được dồi dào cho lắm. Chúng ta hãy lần lượt điểm qua các nguồn ấy.

  1. CÁC NGUỒN NGOÀI KITÔ GIÁO
  1. SỬ LIỆU ROMA

Trong các sử liệu của Roma, chúng ta tìm được 3 chứng tích nói về Đức Kitô.

1/. Vào khoảng năm 112, tổng trấn vùng Bythinia (Tiểu Á) là ông Plinius Trẻ (sở dĩ gọi như vậy là để phân biệt với ông chú, tên là Plinius Già), trong báo cáo gửi lên hoàng đế Trajano, đã thỉnh ý vua cho biết phải đối xử với các Kitô hữu như thế nào. Họ chẳng có làm điều gì rối loạn trật tự cả. “Họ quen tụ họp vào một ngày nhất định, trước khi mặt trời mọc, và ca bài chúc vinh Đức Kitô mà họ thờ như là Thiên Chúa” (quod essent soliti stato die ante lucem convenire carmenque Christo quasi Deo dicere secum invicem).[1] Mẩu tin vừa rồi có lẽ thâu thập được do chính các Kitô hữu: họ họp nhau vào tảng sáng ngày chúa nhựt để chúc tụng Đức Kitô Phục sinh. Tuy nhiên, chúng ta không biết gì hơn về lý lịch của Người.

2/. Sau đó không lâu, khoảng năm 115-120, sử gia Cornelius Tacitus (k. 55-120) xuất bản quyển “Sử biên niên”.[2] Khi thuật lại việc vua Neron thiêu rụi thành phố Roma (năm 64), ông ta kể lại rằng để tránh cơn phẫn nộ của nhân dân, nhà vua trút lỗi cho các Kitô hữu. Đến đây, sử gia giải thích lai lịch của các Kitô hữu như sau: “Danh xưng Kitô hữu (Christiani) bắt nguồn từ Kitô (Christus). Ông này đã bị tổng trấn Pontius Pilate kết án khổ hình dưới thời hoàng đế Tiberius (auctor nominís eius Christus, Tiberio imperitante, per procuratorem Pontium Pilatum supplicio adfectus erat). Thế nhưng bọn mê tín ấy, bị dẹp yên một thời gian ngắn, lại bành trướng không những bên Judeah, nơi xuất phát của nó, mà ngay cả tại Roma này, nơi tập trung và đề cao hết mọi thứ man rợ và đồi trụy”. Chứng tích này chỉ cho ta biết được Đức Kitô là đầu mối của các Kitô hữu, bị kết án xử tử trên thập tự; nhưng không nói gì hơn về các hoạt động đưa tới bản án đó.

3/. Trong quyển “Cuộc đời hoàng đế Claudius”[3] viết vào khoảng năm 120, ông Suetonius, sử gia hoàng triều, thuật lại rằng nhà vua đã ra lệnh trục xuất khỏi Roma các người Do Thái, bởi vì họ gây rối loạn do sự thúc đẩy của Chresto (Judaeos impulsore Chresto adsidue tumultuantes Roma expulit). Việc nhà cầm quyền Roma trục xuất người Do Thái ra khỏi thủ đô xảy ra vào năm 49-50, được sách Tông Đồ Công Vụ (18,2) nhắc đến. Tuy nhiên, bản văn của ông Suetonius có chỗ tối tăm khi giải thích lý do của biện pháp đó. Ông ta cho rằng, tại vì dân Do Thái gây rối do ông Chrestus xúi giục. “Chrestus” là ai vậy? Phải chăng là danh của Đức Kitô (Christus) viết trệch đi, hay là một nhân vật khác? Phải chăng nhân vật này đã xúi dân nổi loạn? Hay chỉ vì người Do Thái với người Kitô thường tranh biện chung quanh Đức Kitô đến nỗi gây ra xáo trộn trật tự? Nên biết là trước mặt nhà cầm quyền Roma thời đó, Kitô giáo chỉ là một bè phái của người Do Thái chứ chưa phải là một tôn giáo khác biệt.

Như vậy qua các sử liệu của Roma, chúng ta không biết gì nhiều về thân thế của Đức Giêsu. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì đối với các độc giả sống ở thủ đô thì những chuyện xảy ra bên Judeah đâu có dính dáng gì đến họ.

Luôn tiện cũng nên lưu ý là có vài Giáo phụ[4] nói tới hồ sơ của tổng trấn Pontius Pilate tường trình cho hoàng đế về việc xử án Đức Giêsu (Acta Pilati). Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng, đó chỉ là truyền khẩu với chủ ý hộ giáo (tổng trấn đã nhìn nhận có nhiều phép lạ xảy ra trên thập giá), chứ trong văn khố của hoàng triều chẳng có tài liệu nào như thế cả!

  1. SỬ LIỆU DO THÁI

Như vừa nói, các sử gia Roma chẳng tha thiết gì với những việc xảy ra ở vùng khỉ ho cò gáy. Thế còn các sử gia Do Thái thì sao? Tình trạng của các tư liệu không có gì khá hơn, bởi vì trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, mối liên hệ với Do Thái rất căng thẳng. Các tác giả Kitô giáo cho rằng Đức Giêsu chính là vị Messiah mà người Do Thái trông mong từ bao thế kỷ nay; ai không chịu nhìn nhận điều đó thì quả là kẻ mù quáng! Trước lời tố cáo ấy, phản ứng tự nhiên về phía Do Thái là biện minh vì sao họ không thể chấp nhận Đức Giêsu được. Ông Giêsu chỉ là một con người phàm mà thôi. Tiếc rằng, thái độ hộ giáo đó đôi khi tới chỗ cực đoan là bôi nhọ người mà mình không ưa.

  1. Sử gia Josephus Flavius (k. 37-100)

Tư liệu của người Do Thái có uy tín nhất về Đức Giêsu là chứng từ của ông Josephus Flavius (k. 37-100). Ông ta là người Do Thái (Josephus ben Matthias), nhưng đã tiếp xúc nhiều với nhà cầm quyền Roma. Trong thời kỳ khởi nghĩa ở Galilee năm 66, ông tham gia kháng chiến chống quân Roma, nhưng sau đó ra đầu hàng tướng Vespasiano. Sau hai năm bị giam, ông được thả và được đem về Roma phục vụ ở triều đình. Vào năm 75-79, ông viết tác phẩm “Cuộc chiến Judeah” (De bello judaico) thuật lại những biến cố chung quanh cuộc nổi dậy của dân Do Thái vào những năm 66-70, đưa tới cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội Roma. Chừng gần 20 năm sau (khoảng năm 93-94), ông xuất bản sách tựa đề “Lịch sử Do Thái” (Antiquitates judaicae) kể lại lịch sử của dân tộc từ lúc lập quốc cho tới cuộc kháng chiến chống Roma.

Trong tác phẩm này, có những đoạn dành cho hoạt động của Gioan Tẩy Giả, kể cả cái chết bi đát của ông.[5] Còn những đoạn viết về Đức Giêsu thì vừa ít lại vừa bị các sử gia đặt nghi vấn. Đức Giêsu được nhắc tới hai lần. Một lần ở quyển 20, khi nói tới việc ông Giacôbê bị ném đá, tác giả ghi chú rằng, “ông Giacôbê là người anh em của ông Giêsu tục gọi là Kitô”. Có một điểm đáng lưu ý là tác giả phân biệt “Giêsu”“Kitô”. Các sử gia Roma vì là người ngoại quốc, không am hiểu văn hóa địa phương, cho nên tưởng Kitô là một tên khác của ông Giêsu. Ông Flavius muốn sửa chữa sự sai lầm đó, khi cho biết rằng Giêsu là tên thật, còn Kitô là một biệt hiệu mà người ta gán cho mà thôi. Danh từ “Kitô” (gốc Hy Lạp: Christos) tương đương với “Messiah” trong tiếng Hippri. Thế nhưng, không phải tất cả mọi người Do Thái đã nhìn nhận ông Giêsu là “Messiah” nên không thể đồng hóa với Kitô được! Còn quan điểm của chính ông Flavius thì sao? Đây là một điểm mà các học giả tranh luận, bắt nguồn từ đoạn văn viết ở quyển 18 như sau:

“Hồi đó có một người khôn ngoan, nếu có thể gọi được là một con người. Thực vậy, ông ta làm được nhiều việc kỳ diệu, thầy dạy cho những ai vui lòng tiếp nhận chân lý. Ông ta đã thu hút được nhiều người Do Thái và thậm chí cả những người Hy Lạp nữa. Ông là Đấng Kitô. Một vài thủ lãnh của chúng tôi đã đi tố cáo ông ta với quan Pontius Pilate, và quan đã xử tử trên thập tự. Tuy vậy, số những kẻ đã mộ mến ông ta từ đầu vẫn tiếp tục. Vào ngày thứ ba, ông ta đã hiện về với họ như còn đang sống. Các Ngôn sứ đã nói trước về điều này rồi và còn rất nhiều điều lạ kỳ khác nữa. Hiện nay vẫn còn nhiều người theo ông ta, gọi là các Kitô hữu”
.

Tuy đoạn văn này đã được vài Giáo phụ trưng dẫn từ thế kỷ thứ IV, như là bằng cớ cho thấy đã có một sử gia khách quan nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Messiah (Kitô),[6] nhưng một vài nhà phê bình sử học cận đại đã đặt nghi vấn, cho rằng có thể một bàn tay nào đó của người Kitô hữu đã thừa dịp sao chép để xen vào một đoạn nhằm mục tiêu hộ giáo. Cho dù các học giả còn tiếp tục tranh luận về nguồn gốc của đoạn văn, cách riêng mệnh đề “Ông ta là Đấng Kitô”, nhưng có một điều không thể hồ nghi là Đức Giêsu là một con người có thực, đã xuất hiện bên Palestin dưới thời của tổng trấn Pontius Pilate.

  1. Các sử gia khác

Ngoài tư liệu của ông Josephus Flavius vừa trưng dẫn (quen gọi là “chứng tá của Flavius”: testimonium Flavianum), các tài liệu khác do những tác giả Do Thái viết vào đầu công nguyên thiếu tín lực, bởi vì chúng ra đời trong bầu khí tranh chấp đầy căng thẳng với Kitô giáo. Bởi vậy, không lạ gì mà họ tìm cách bôi nhọ vị sáng lập. Thí dụ như sách Talmud (do các rabbi viết sau khi đền thờ đã bị tàn phá) cho rằng, ông Giêsu là con ngoại tình giữa bà Maria với tên lính Roma (tên là Pantéra). Khi lớn lên, ông Giêsu sang Ai Cập học nghề ma thuật, và đã trở về quê hương hành nghề đó; và cũng vì vậy mà ông ta bị bắt và bị kết án tử hình trên thập tự. Cần thêm rằng, nhờ những cuộc đối thoại trong những năm gần đây, các học giả Do Thái đã xét lại vấn đề, và đã tìm cách viết tiểu sử của Đức Giêsu cách khách quan hơn, và thậm chí có người không ngần ngại chấp nhận Người như anh em đồng bào, một hiền nhân tôi tớ Chúa.[7]

  1. CÁC NGUỒN KITÔ GIÁO – TÂN ƯỚC

Như vậy, những nguồn sử liệu về Đức Giêsu từ phía các tác giả Roma và Do Thái không cung cấp nhiều dữ kiện cho lắm. Đại khái, chúng ta chỉ biết được rằng, ông Giêsu là một người Do Thái đã bị tổng trấn Pontius Pilate kết án tử hình trên thập tự, chứ chúng ta chẳng biết gì về thân thế hoạt động của con người đó, và lý do nào đã đưa tới bản án cay nghiệt như vậy. Đối với các Kitô hữu, nguồn tư liệu chính để thu thập các chi mục về cuộc đời của Đức Giêsu là bốn quyển Phúc Âm.

Từ gần hai mươi thế kỷ qua, đã có biết bao tác giả đã dựa vào nguồn đó để viết tiểu sử về Người. Thế nhưng, kể từ khi khoa sử học cận đại ra đời, người ta đã đặt lại toàn bộ vấn đề với nghi vấn như sau: liệu ta có thể thâu thập các dữ kiện khách quan từ các sách Phúc Âm để viết ra tiểu sử của Đức Giêsu hay không? Nghi vấn này được nêu lên từ hai quan điểm đối nghịch nhau, nhưng cùng gặp nhau ở câu trả lời phủ quyết.

– Một bên thì cho rằng, các tác giả Phúc Âm đã thêu dệt thêm bao nhiêu huyền thoại về ông Giêsu, chứ thực chất thì chẳng có gì khác thường. Đây là câu trả lời của phe duy lý, cho rằng Phúc Âm đã bóp méo sự thực về ông Giêsu.

– Đối lại, lập trường của nhóm bảo thủ cho rằng, các tác giả Phúc Âm không có dụng ý viết tiểu sử về Đức Giêsu mà chỉ muốn kêu gọi chúng ta hãy tin vào Người để được cứu rỗi. Theo họ, các sách Phúc Âm không phải là lịch sử cuộc đời của Đức Giêsu mà chỉ là bài giảng tuyên xưng đức tin.

A.
CUỘC TRANH LUẬN VỀ SỬ TÍNH CỦA PHÚC ÂM

Từ đó nổi lên cuộc tranh luận về lịch sử tính của Phúc Âm, có thể tóm lại vào ba giai đoạn:

– 1) Giai đoạn một (khởi đầu từ thế kỷ XVIII và kéo dài cho tới đầu thế kỷ XX) cho rằng, các Phúc Âm đã thêu dệt nhiều huyền thoại về ông Giêsu; vì thế muốn biết lịch sử về ông ta thì phải giải huyền Phúc Âm.

– 2) Giai đoạn hai bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, cho rằng các Phúc Âm được thành hình trong khung cảnh lòng tin của Hội Thánh; các Phúc Âm chỉ cho ta biết Đức Kitô của lòng tin, chứ không quan tâm tới Đức Giêsu của lịch sử.

– 3) Sang giai đoạn ba, bắt đầu từ năm 1953, một quan điểm dung hòa đã được đưa ra. Theo đó, tuy Phúc Âm được thành hình từ lòng tin của Hội Thánh, nhưng nó dựa trên nền tảng lịch sử.

1. Phúc Âm thêu dệt huyền thoại về cuộc đời Đức Giêsu

Qua các tác phẩm của các Giáo phụ, chúng ta biết được rằng, ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đã có những người cho rằng Đức Giêsu chỉ là một huyền thoại hoặc cùng lắm là một nhà ảo thuật (chẳng hạn ông Celso, khoảng năm 170-180).[8] Tuy nhiên, việc xét lại tính cách khách quan trong các trình thuật của Phúc Âm được đặt ra cách có hệ thống kể từ thế kỷ XVIII trở đi. Với sự phát triển của các khoa học tự nhiên (thí dụ: vật lý, hóa học,…), người ta muốn giải thích tất cả các hiện tượng bằng các định luật tự nhiên của khoa học chứ không cần phải nại tới thần thánh. Trong bối cảnh đó, phái duy lý muốn lập ra một thứ tôn giáo hợp với lý trí tự nhiên, loại bỏ những gì là mầu nhiệm khó hiểu. Những tiền đề đó được áp dụng ngay cho Kitô giáo: cần phải loại trừ các tín điều khó hiểu, rút gọn tôn giáo vào một vài điểm căn bản hợp lý là đủ.[9]

Tiếp theo các triết gia muốn thiết lập một tôn giáo hợp với lý trí, đến lượt các sử gia áp dụng các quy tắc sử học để mổ xẻ Phúc Âm: cần phải loại bỏ các phép lạ, các mầu nhiệm, để tìm thấy Đức Giêsu như là thầy dạy luân lý mà thôi. Người ta quy gán cho ông Hermann Samuel Reimarus (1694-1768) như là kẻ tiên phong trong lãnh vực này.[10] Ông Reimarus cho rằng, Đức Giêsu nguyên là một nhà cải cách tôn giáo Do Thái, rao giảng nước Thiên Chúa sắp đến. Nhà cầm quyền Roma lo ngại những hậu quả chính trị do Đức Giêsu gây ra cho nên đã thủ tiêu Người. Nhưng các môn đệ đã lấy trộm xác, giấu đi, rồi phao tin là Người đã sống lại, và họ bịa ra thuyết về nguồn gốc thiên sai của Người. Tóm lại, theo Reimarus, các Phúc Âm chỉ là chuyện do các môn đệ bịa ra để biện minh cho phong trào của mình.

Tuy thuyết của ông Reimarus bị phản đối kịch liệt, nhưng ông ta đã mở đường cho một hướng đi mới trong việc nghiên cứu các Phúc Âm. Các tác giả Phúc Âm không chỉ tường thuật cuộc đời của Đức Giêsu mà thôi, nhưng họ còn thêm thắt cái gì khác nữa. Tuy mãi tới năm 1892, ông Martin Kaeler mới phát biểu thành công thức về sự phân biệt giữa Đức Giêsu của lịch sử và Đức Kitô của lòng tin,[11] nhưng trong suốt thế kỷ XIX, nhiều tác giả đã cố gắng tách rời những chi mục thuộc về cuộc đời lịch sử của Đức Giêsu ra khỏi cái mà họ cho là huyền thoại dựng lên chung quanh nhân vật này.

Đó là nói trên nguyên tắc; đến khi áp dụng vào chi mục cụ thể thì mỗi người đưa ra một giả thuyết khác nhau. Chẳng hạn như ông G. Paulus (1761-1851) cho rằng, các phép lạ có nền tảng lịch sử nhưng đã bị hiểu lệch đi: Đức Giêsu có lẽ chưa có chết thật, nên sau đó Người tỉnh dậy, trở về gặp lại với các môn đệ; và thế là họ loan tin rằng Người đã sống lại. Một vài tác giả khác cho rằng Đức Giêsu là một Ngôn sứ loan báo nước Chúa (nghĩa là tận thế) đã gần kề. Dĩ nhiên là những lời tiên đoán đó đã không xảy ra; vì vậy mà ông Judah vỡ mộng nên đã đi tố cáo với nhà cầm quyền Roma để bắt và giết Người, nhưng rồi lại có những môn đệ khác trung thành đã tạo ra huyền thoại là Người sẽ trở lại (J. Weitt, W. Wrede). Từ chỗ các môn đệ tạo ra huyền thoại chung quanh Đức Giêsu,[12] ông Paul Louis Couchoud đi tới chủ trương cực đoan hơn nữa là: Đức Giêsu chỉ là một huyền thoại chứ không phải là nhân vật lịch sử.[13]

  1. Phúc Âm chỉ cho ta biết Đức Kitô của lòng tin

Sau bao nhiêu tác phẩm về cuộc đời của Đức Giêsu xuất bản trong suốt thế kỷ XIX và sang đầu thế kỷ XX với những kết quả đối nghịch nhau, người ta có cảm tưởng rằng, việc đi tìm khuôn mặt lịch sử của Đức Giêsu dựa theo các chứng tích của Phúc Âm là một điều vừa vô ích vừa không thể được. Ngay từ năm 1906, ông Albert Schweitzer đã cảnh cáo như vậy. Lập trường này được củng cố hơn từ năm 1926 nhờ các tác phẩm của ông Rudolf Bultmann (1884-1976). Vì thế, người ta đặt tên cho giai đoạn hai là giai đoạn Bultmann (cũng như giai đoạn một mang tên là Reimarus).

Theo Bultmann, các sách Phúc Âm đã thành hình trong khung cảnh đức tin của Hội Thánh nguyên thủy. Trong khung cảnh đó, Đức Giêsu không được nhắc nhớ như là một nhân vật lịch sử thuộc về quá khứ mà là như Đức Kitô phục sinh, nguồn ơn cứu độ. Mục đích của các sách Phúc Âm không phải là thông tin cho chúng ta về cuộc đời của Đức Giêsu mà là kêu gọi là quyết định chấp nhận hay từ chối ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Phải nhìn nhận rằng Bultmann có công rất lớn trong việc nghiên cứu khung cảnh ra đời của Phúc Âm (lịch sử các hình thức: Formgeschicht), tuy nhiên khuyết điểm của ông là tách rời Đức Kitô của lòng tin ra khỏi Đức Giêsu lịch sử, đến độ hoàn toàn coi nhẹ khía cạnh lịch sử. Thái độ đó đã đưa tới phản ứng của giai đoạn ba.

  1. Phúc Âm cung cấp những chi tiết lịch sử về Đức Giêsu

Giai đoạn ba được đặt tên là hậu Bultmann, vì được coi là phản ứng lại lập trường của ông. Giai đoạn này được đánh dấu với bài diễn văn của Ernst Kaesemann đọc năm 1953 về đề tài: “Vấn đề Đức Kitô lịch sử”. Kaesemann nhìn nhận rằng, các Phúc Âm không phải là tiểu sử của Đức Giêsu cho bằng các bài giảng công bố Đức Kitô; tuy nhiên Đức Kitô phục sinh cũng là một với Đức Giêsu đã chịu chết trên thập giá chứ không phải là hai nhân vật khác nhau. Đức tin vào Đức Kitô dựa trên một nhân vật lịch sử chứ không phải là một huyền thoại. Vấn đề được đặt ra là làm sao tìm lại được chân dung của Đức Giêsu lịch sử qua các chứng tích của đức tin mà Phúc Âm để lại cho chúng ta? Muốn thế cần phải hiểu rõ lai lịch nguồn gốc của các sách Phúc Âm: Chúng đã thành hình như thế nào? Các tác giả đã biên soạn chúng với chủ đích gì? Thực ra những câu hỏi này đã được Bultmann trả lời rồi. Có điều là ông đặt nặng vai trò của cộng đồng Kitô hữu nguyên thủy đến độ ra như chân dung của Đức Kitô được tuyên xưng trong cộng đoàn không dính dáng chi mấy với khuôn mặt lịch sử của Đức Giêsu. Đàng khác, vai trò của các tác giả Phúc Âm cũng không được chú trọng lắm.

Nên biết là các tác giả được nhắc tới trên đây thuộc về các trường phái Tin lành. Dựa theo nguyên tắc Sola Scriptura (của Lutheran), họ muốn khảo sát Thánh Kinh cách tự do không bị ràng buộc bởi tín điều hay huấn quyền. Các kết luận táo bạo của họ cũng khiến cho Hội Thánh Công Giáo phải dè dặt. Việc áp dụng các phương pháp sử học vào việc nghiên cứu Thánh Kinh, tuy đã bắt đầu từ đầu thế kỷ XX với cha Joseph Lagrange, OP. khi thiết lập Học Viện Thánh Kinh tại Jerusalem, nhưng chỉ được chính thức chấp nhận kể từ Thông điệp Divino Afflante của Đức Thánh Cha Pius XII (1943). Vào năm 1964, đang khi họp Công Đồng Vatican II, Ủy Ban Thánh Kinh Giáo Hoàng đã xuất bản Huấn thị “Về sự thực lịch sử của các sách Phúc Âm”.[14] Dựa theo văn kiện ấy, chúng tôi sẽ trình bày lai lịch các sách Phúc Âm; từ đó chúng ta mới đánh giá được giá trị lịch sử của chúng về cuộc đời Đức Giêsu.

  1. TIẾN TRÌNH THÀNH HÌNH CÁC SÁCH PHÚC ÂM

Những chủ trương đối nghịch chung quanh sử tính của Phúc Âm bắt nguồn từ những quan điểm không chính xác về bản chất và sự hình thành của các sách đó. Vấn đề sử tính của các tác phẩm cần được đánh giá dựa theo chủ đích của người biên soạn nó. Khi thuật lại cuộc đời của một nhân vật, người ta có thể sử dụng nhiều lối văn khác nhau: tiểu sử, anh hùng ca, văn tế,v.v… Vì thế để đánh giá tính cách lịch sử của các Phúc Âm, cần phải tìm hiểu chủ đích của tác giả cũng như bối cảnh ra đời của chúng.

  1. Phúc Âm là gì?

Văn thể và chủ đích của các Phúc Âm phần nào đã phản ánh nơi tên gọi của tác phẩm. Nguyên ngữ Hy Lạp của tiếng “Phúc Âm” là Eu-angélion, có nghĩa là Tin Mừng (hoặc còn được dịch là: tin vui, tin lành). Mở đầu tác phẩm của thánh Marco, ta thấy Tin Mừng được áp dụng cho lời Đức Giêsu đi loan báo ơn cứu độ đã gần kề: “Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa và nói: Thời kỳ đã mãn và triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Sang đến thư thánh Phaolô gửi Roma, thì Tin Mừng mang nghĩa rộng hơn. Tin Mừng không phải chỉ bao gồm lời giảng của Đức Giêsu nhưng được đồng hóa với chính sự nghiệp của Người (Rm 1,1-5). Các thánh Tông Đồ được ủy thác rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô,[15] nghĩa là hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô.[16] Điều này đã được chính các Tông Đồ thực hiện ngay từ lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, như chúng ta có thể đọc thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ. Chẳng hạn như ở Chương 10, câu 36-43, thánh Phêrô rao giảng “Tin Mừng bình an”, nghĩa là ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua các hoạt động của Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, trải qua miền Galilee, Judeah, kết liễu với cái chết trên thập giá tại Jerusalem. Trong thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, Tin Mừng được hiểu là sứ điệp về Đức Kitô. Sang đầu thế kỷ thứ II (từ năm 100) người ta mới áp dụng cho các tác phẩm viết về sứ điệp đó. Chủ đích của các tác giả cũng không khác gì với các thánh Tông Đồ vào lúc ban đầu. Ở cuối tác phẩm của mình, thánh Gioan tuyên bố: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,30-31). Mục tiêu chính yếu của thánh Gioan (cũng như của các thánh sử khác) không phải là kể lại cuộc đời của Đức Giêsu như là một vị anh hùng hay vĩ nhân đáng cho chúng ta cảm phục bắt chước, nhưng là để cho chúng ta lãnh được ơn cứu rỗi nhờ việc tin vào Đấng được Thiên Chúa sai đến. Vì thế không lạ gì mà các thánh sử không quan tâm chi lắm đến việc ghi nhận gốc gác của Đức Giêsu, gia cảnh và buổi thiếu thời của Người. Họ chú trọng đến giai đoạn quen gọi là cuộc đời công khai; và rồi kể cả trong giai đoạn này, họ cũng chẳng buồn ghi chú ngày giờ xảy ra các biến cố, ngoại trừ biến cố căn bản là cuộc tử nạn tại Jerusalem.

Nói như vậy không có nghĩa là các quyển Phúc Âm chẳng có giá trị lịch sử gì cả. Không phải thế! Các tác giả muốn trình bày cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa được gắn với Đức Giêsu, một nhân vật lịch sử chứ không phải là một huyền thoại. Đức tin của chúng ta được diễn tả qua việc chấp nhận các lời dạy và gương sống của Người. Vì thế các tác giả đã không bịa đặt các chuyện đó, nhưng họ cố gắng truyền đạt cho chúng ta những gì mà họ đã học được.[17] Điều này còn rõ ràng hơn nữa khi bàn đến vấn đề tiến trình thành hình bốn quyển Phúc Âm.

  1. Sự thành hình các sách Phúc Âm

Theo một truyền thống lâu đời, thứ tự của bốn Phúc Âm dựa theo thứ tự xuất bản, nghĩa là lần lượt: Matthew, Marco, Luca và Gioan. Thế nhưng từ khi khoa phê bình sử học ra đời, người ta bắt đầu đặt nghi vấn về thứ tự đó: tại sao Matthew ra đời trước tiên mà lại dài hơn Marco? Từ đó, người ta đã tráo ngược lại thứ tự: Marco xuất bản trước tiên; rồi Matthew và Luca đã sử dụng để viết tác phẩm của mình. Đó là lý do vì sao giữa ba tác giả có nhiều chỗ giống nhau. Thế nhưng khi khảo sát những đoạn văn mà Matthew và Luca khác với Marco, người ta lại thấy có những chỗ hai người lại giống nhau: phải chăng hai người đã chép lẫn nhau hay là họ đã sử dụng một nguồn khác nữa?[18] Phải chăng cả Marco lẫn Matthew và Luca đều đã dùng chung một số tài liệu lưu hành trước đó? Các học giả đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về tiến trình biên soạn các Phúc Âm. Dựa theo huấn thị của Ủy Ban Thánh Kinh Giáo Hoàng xuất bản vào năm 1964, ta có thể phân thành ba giai đoạn: 1) Giai đoạn tại thế của Đức Giêsu; 2) Giai đoạn truyền khẩu; 3) Giai đoạn biên soạn.

a/. Giai đoạn tại thế của Đức Giêsu

Các học giả quen đặt tên là giai đoạn “Đức Giêsu của lịch sử”. Sứ vụ của Người được thể hiện qua lời giảng và các việc làm. Các lời giảng của Người không tràng giang đại hải nhưng thường dưới hình thức của các câu chuyện dụ ngôn. Các việc làm của Người bao gồm từ những cuộc tiếp xúc với đại chúng, cho tới những hành vi bác ái như chữa bệnh hồn xác hoặc đi gặp gỡ những kẻ bị xã hội gạt ra ngoài lề (vì ô uế do bệnh tật, hay vì tác phong: các người hủi, các người thu thuế,v.v…). Những lời nói và việc làm diễn ra nơi công khai, có nhiều người chứng kiến; nhưng đặc biệt là Người đã chọn một số môn đồ theo sát, chia sẻ cuộc sống với Người. Chính họ sẽ là những chứng nhân tương lai cho Tin Mừng.

b/. Giai đoạn truyền khẩu

Sau khi Đức Kitô đã phục sinh và trao ban Thánh Thần cho các môn đồ, những người này bắt đầu làm chứng cho Thầy mình. Họ rao giảng Tin Mừng cứu độ được ban qua Thập giá và cuộc Phục sinh của Đức Giêsu, như chúng ta có thể đọc thấy ở sách Tông Đồ Công Vụ (2,32; 3,15; 5,30-32). Khi công bố Tin Mừng, các Tông Đồ đã lãnh nhận một cảm nghiệm mới về Đức Giêsu: Người không phải chỉ là một Ngôn sứ mà còn là Đấng thiên sai, là Đức Chúa, là Con Thiên Chúa. Thánh Thần đã giúp cho các môn đệ hiểu rõ hơn ý nghĩa của các lời nói và việc làm của Đức Kitô dưới ánh sáng Phục sinh (Ga 2,22; 12,16; 14,26) hoặc các lời Thánh Kinh tiên báo về sứ mạng của Người (Lc 24,27.44-45; Cv 1,3). Cộng đoàn các tín hữu họp nhau để nghe giảng và cầu nguyện (đặc biệt là qua các buổi cử hành Thánh thể) là nơi để ôn lại các lời nói và việc làm của Người, đồng thời cũng là nơi tuyên xưng đức tin nơi Đức Kitô. Dần dần đã thành hình những tuyển tập thu thập các lời dạy của Đức Kitô,[19] và các việc làm của Người, dưới nhiều dạng thức: hoặc là những lời dạy ngắn ngủi tựa như châm ngôn, hoặc là những bài giảng dài hơn của các dụ ngôn với lời giải thích và đối chiếu với các Ngôn sứ. Các tuyển tập ấy được sử dụng trong các buổi cử hành phụng vụ hoặc trong các bài huấn giáo cho các dự tòng, hoặc với mục tiêu truyền giáo.

c/. Giai đoạn biên soạn Phúc Âm

Dựa theo các nguồn tài liệu vừa nói, các thánh sử đã biên soạn các sách Phúc Âm. Dĩ nhiên họ phải dựa theo một lược đồ nào đó, chẳng hạn như các giai đoạn chính của sứ vụ của Đức Giêsu: khởi đầu từ Galilee, rồi sang Judeah và kết thúc với cuộc tử nạn tại Jerusalem.[20] Cái sườn này đã được phác họa nơi bài giảng của các Tông Đồ được ghi ở sách Tông Đồ Công Vụ (10,37-40): “Quý vị đã biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Judeah, bắt đầu từ miền Galilee, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính Jerusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường”.

Dọc theo cái sườn đó, mỗi tác giả sẽ phân phối các lời nói và việc làm của Đức Giêsu theo một chủ đích nào đó. Vì thế không lạ gì mà thánh Matthew đặt các mối phúc thật ngay từ đầu sứ vụ, trong bài giảng trên núi: tác giả như muốn trình bày Đức Giêsu là ông Moses mới, công bố giao ước mới từ trên núi (cũng như ông Moses nhận giao ước từ núi Sinai); còn thánh Luca thì thuật lại cách mối phúc thật trong một khung cảnh khác bởi vì tác giả có một dự án khác.

Các học giả còn tranh luận không hiểu các thánh sử Marco, Matthew và Luca chỉ xuất bản tác phẩm của mình một lần, hay đã có những lần tái bản có sửa chữa. Dù sao thì chúng ta đừng nên quên là Đức Giêsu nói tiếng Aram, còn các tác phẩm Tân ước hiện nay được viết bằng tiếng Hy Lạp: thế thì việc dịch thuật đã xảy ra lúc nào? Ngay từ nguồn tài liệu hay là khi tác phẩm đã hoàn thành? Việc xác định niên biểu biên soạn cũng là một đề tài tranh luận giữa các học giả. Đa số cho rằng Marco hoàn thành tác phẩm khoảng 65 và 70 (thánh Phêrô tử đạo và đền thờ bị tàn phá); Matthew và Luca trong khoảng 70-80, còn Gioan vào khoảng năm 95-100. Khoảng cách thời gian giữa cuộc đời của Đức Giêsu và việc biên soạn sách Phúc Âm dài chừng độ 30 năm.

Qua việc phân chia ra ba giai đoạn vừa nói, ta thấy rằng các tác phẩm Phúc Âm không lặp lại nguyên văn các lời nói của Đức Giêsu, lý do không phải tại vì trí nhớ của các tác giả đã cùn đi với dòng thời gian, nhưng là tại dụng ý của họ khi ghi lại những lời đó. Một đàng họ cố gắng đào sâu ý nghĩa của các lời đó trong lịch sử cứu rỗi (đối chiếu với các Ngôn sứ và với sứ mạng của Đức Kitô Cứu Thế); đàng khác, họ phải để ý tới nhu cầu tinh thần của các cộng đoàn, đối tượng phục vụ của các tác phẩm. Chúng ta chỉ cần lấy một thí dụ thì đủ hiểu, đó là mối phúc thật đầu tiên. Matthew phát biểu như sau: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,1). Còn Luca thì viết: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo kho, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Mt 6,20). Ta thấy ít là có hai sự khác biệt:

– 1/. Matthew đặt ở ngôi thứ ba (phúc cho ai, phúc cho người nào), còn Luca đặt ở ngôi thứ hai (phúc cho anh em, những người đang hiện diện);

– 2/. Trong khi Luca cho rằng, những người nghèo thì có phúc, Matthew thêm một điều kiện là phải có “tâm hồn nghèo khó”.

Dĩ nhiên, các nhà phê bình sẽ đặt câu hỏi: thế thì ai ghi nhận trung thực lời của Đức Giêsu (ipssima verba Christi): Matthew hay là Luca? Hay là cả hai đều đã biến báo đi rồi? Các giả thuyết đưa ra khá nhiều và có khi còn mâu thuẫn nữa. Có điều chắc là các mối phúc thật không phải chỉ gồm có 8 theo Matthew hay chỉ có 4 theo Luca, mà còn nhiều hơn nữa. Có lẽ Đức Giêsu đã tuyên bố những lời đó vào những hoàn cảnh khác nhau; nhưng mỗi thánh sử thu gom và xếp đặt lại theo một khung cảnh biên soạn. Dù sao cũng nên biết là có những lời nói của Đức Giêsu không được ghi lại trong các sách Phúc Âm, mà chỉ được truyền miệng, thí dụ như câu nói được thánh Phaolô trưng lại: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

  1. CÁC NGUỒN TƯ LIỆU KHÁC CỦA KITÔ GIÁO
  1. Các tác phẩm Tân ước

Như chúng ta đã biết, ngoài bốn quyển Phúc Âm, Tân ước còn gồm nhiều tác phẩm khác nữa, phần lớn là các thư của thánh Phaolô Tông Đồ. Nội dung và chủ đích của các thư của thánh Phaolô không phải là trình bày cuộc đời của Đức Giêsu. Hơn thế nữa, hình như thánh Phaolô chẳng thiết tha gì tới việc truy tầm các nguồn gốc lịch sử của Đức Giêsu. Lý do là vì đối với thánh Phaolô, tầm quan trọng của Đức Kitô không phải tại chỗ Người là một vị anh hùng xuất chúng nhưng tại chỗ Người là Đấng Cứu độ: qua cuộc tử nạn trên thập giá và phục sinh của Người, Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ, giải phóng chúng ta khỏi Lề luật, tội lỗi và sự chết, và ban cho chúng ta đời sống mới trong Thần khí, bảo chứng của cuộc sống bất tận. Trong viễn ảnh đó, ta có thể hiểu được những lời khẳng định mạnh mẽ sau đây của thánh Phaolô: “Tôi không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, và Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2,2). “Giả như chúng tôi có biết Đức Kitô theo xác thịt thì bây giờ chúng tôi không còn biết như vậy nữa” (2Cr 5,16).

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thánh Phaolô không quan tâm gì tới thân thế của Đức Giêsu. Ít nhất thì cũng cần phải chắc chắn về sự kiện Đức Giêsu đã chịu chết trên thập giá chứ! Dù sao, qua các tác phẩm của thánh Phaolô chúng ta có thể thu lượm được các chi mục sau đây về cuộc đời của Đức Giêsu.

Đức Giêsu sinh bởi một người phụ nữ thuộc lề luật Moses (Gl 4,4). Người là con dân Do Thái (Rm 9,5), thuộc dòng dõi tổ phụ Abraham (Gl 3,16) và của vua David (Rm 1,3). Người có nhiều anh em (1Cr 9,5), trong số đó một người tên là Giacôbê mà Phaolô đã gặp tại Jerusalem (Gl 1,3; 2,9). Đức Giêsu có quy tụ vài môn đệ, trong số đó Kêpha giữ một địa vị quan trọng (Gl 1,16; 2,9.11; 1Cr 15,5). Đức Giêsu đã bị xử án dưới thời tổng trấn Pontius Pilate (1Tm 6,3), và phải lãnh một bản án ô nhục (Gl 3,1; Pl 2,8). Thánh Phaolô còn cho biết là vào bữa tối trước khi chịu chết, Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh thể (1Cr 11,23tt), cũng như việc Đức Kitô phục sinh đã hiện ra cho các môn đệ (1Cr 15,4-6).

Sách Tông Đồ Công Vụ cũng cung cấp cho chúng ta vài chi tiết về cuộc đời của Đức Giêsu, đặc biệt là qua các bài giảng của thánh Phêrô (Cv 3,13-26;4,10-12;5,30-32;10,36-43). Như đã có dịp nói tới, những chỉ mục này được sử dụng làm khung cho các quyển sách Phúc Âm, vì thế không cần phải dài dòng ở đây. Chỉ xin thêm một chi mục là ở thư thứ hai của thánh Phêrô (2Pr 1,17-18) chúng ta thấy nói tới việc biến hình trên núi.

  1. Các ngụy thư

Ngoài các tác phẩm được nhìn nhận là Thánh Kinh, văn chương Kitô giáo còn ghi nhận nhiều tác phẩm khác, với thể văn cũng tương tự như các sách Tân ước (Phúc Âm, thư các thánh Tông Đồ), quen gọi là “ngụy thư”. Trong Việt ngữ, tiếng “ngụy” mang nghĩa xấu (đối lại với “chính”). Vì vậy chúng ta chẳng có cảm tình gì với các “ngụy thư”. Thực ra thì trong nguyên ngữ, tiếng “apocrypha” không có nghĩa xấu như vậy. Lúc đầu nó chỉ có nghĩa là “kín đáo”, tức là cần phải giấu kín, chỉ trao cho những người quen thân đọc chứ không được phép chuyền tay cho bất cứ ai. Tại sao lại phải giấu kín như vậy? Vì đây là những chân lý cao siêu mà không phải ai ai cũng biết quý trọng. Đó là nghĩa nguyên khởi của tiếng “apokryphos” dùng trong các tôn giáo huyền bí. Đến khi được sử dụng trong Kitô giáo, thì tiếng “apokryphos” được hiểu là những điều bí truyền không được cộng đoàn Hội Thánh chấp nhận; vì thế mà nó thường được đồng hóa với “lạc giáo”, và bị xếp vào loại sách cấm đọc. Ngày nay, các sử gia đánh giá các tác phẩm này không phải theo tiêu chuẩn “chính – tà” cho bằng theo tiêu chuẩn giá trị lịch sử. Tiếc rằng, dưới khía cạnh này, chúng cũng chẳng chiếm được địa vị cao quý hơn, bởi vì chúng ra đời sau các tác phẩm quy điển, và như để thỏa mãn tính hiếu kỳ tò mò muốn biết thêm các chi mục về cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu hoặc về tiểu sử của Đức Maria, các Tông Đồ, với khuynh hướng chung là ưa thêu dệt nhiều truyền kỳ, phép lạ. Bởi vậy, chúng chẳng có giá trị như là tư liệu.[21]

  1. NIÊN BIỂU CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊSU

Mặc dầu chủ trương của các tác giả Tân ước không phải là để lại cho hậu thế một quyển tiểu sử của Đức Giêsu cho bằng rao giảng công cuộc cứu chuộc mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi con người đó; tuy nhiên nói thế không có nghĩa là họ coi nhẹ chiều kích lịch sử của biến cố cứu độ. Đức Giêsu là một con người thuộc về lịch sử của nhân loại chứ không phải là một huyền thoại. Đức Giêsu đã biểu lộ tình thương của Thiên Chúa qua cuộc sống của mình, qua lời nói và hành động của mình. Chúng ta có thể xác định rõ hơn khung cảnh lịch sử của cuộc đời của Đức Giêsu hay không? Chúng ta có thể biết được chính xác niên biểu cuộc đời của Người hay không? Dựa theo các dữ kiện của Tân ước và của các sử gia đương thời, chúng ta có thể nói như sau về khởi đầu và kết thúc của cuộc đời Đức Giêsu.

  1. Năm sinh

Việc Đức Giêsu sinh ra đã được gắn liền với lịch sử của nhân loại, cho đến nỗi tất cả các biến cố khác đều tính theo mốc đó: hoặc là nó xảy ra trước Chúa giáng sinh (tiếng Pháp: avant Jésus Christ, viết tắt av.J.C.; tiếng Anh: before Christ, viết tắt B.C.) hoặc là sau Chúa giáng sinh (après Jésus Christ, ap.J.C.; – after Christ, hoặc Anno Domini, viết tắt A.D.). Trong tiếng Việt, có lẽ vì lý do chính trị và tôn giáo nên người ta đã nói tránh đi là “trước hay sau Công nguyên”. Tuy nhiên cũng nên biết là niên lịch không tự động biến đổi trùng vào lúc Đức Giêsu ra đời. Niên lịch của Kitô giáo đang lưu hành do tu sĩ Dionisius Exiguus soạn ra theo lệnh của Đức Thánh Cha Gioan I, năm 525. Dựa theo các dữ kiện của Phúc Âm, ông tính rằng Đức Giêsu ra đời vào ngày 25 tháng 12 năm 753 theo lịch Roma (ab Urbe condita). Bởi vậy từ năm 754 của lịch Roma là bắt đầu năm thứ nhất của kỷ nguyên Kitô. Tuy nhiên, ngày nay, các sử gia đều nhận là tu sĩ Dionisius Exiguus đã tính sai mấy năm. Theo Phúc Âm, chúng ta được biết là Đức Giêsu ra đời dưới triều của vua Herod (Mt 2,1), và nhà vua đã ra lệnh sát hại các thơ nhi ở Bethlehem từ hai tuổi trở xuống để trừ hậu hoạ. Thế nhưng, vua Herod từ trần vào năm 4 trước CN; vì vậy ngày sinh nhật của Đức Giêsu phải tính lùi lại từ 4 cho tới 6 năm. Một chi mục có thể giúp xác định ngày chào đời của Đức Giêsu là cuộc kiểm tra dân số theo lệnh của ông Quirinius, tổng trấn Siria (Lc 2,2), vì thế mà thánh Giuse phải đem Đức Maria từ Nazareth về Bethlehem. Tiếc rằng, sử liệu Roma không nói tới cuộc kiểm tra nào của tổng trấn Quirinius vào hồi vua Herod còn sinh tiền.[22] Đã có vài tác giả (thí dụ J. Kepler) thử xác định năm sinh của Đức Giêsu dựa theo sự xuất hiện của chòm sao chổi (hành tinh Jupiter và hành tinh Saturno giao thoa trong chòm sao Ngư đẩu – Pesci) cho các nhà đạo sĩ Đông phương (Mt 2,2) vào năm 7 trước CN; nhưng các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng Matthew không có ý nói tới một sao chổi mà chỉ là một sao lạ được giải thích như là ứng nghiệm các lời Ngôn sứ về ngôi sao thuộc nhà Giacob (Ds 24,17).

  1. Khai mạc sứ vụ

Theo Lc 3,23 Đức Giêsu khởi sự rao giảng vào trạc 30 tuổi. Nên lưu ý là thánh sử chỉ nói “trạc 30 tuổi”, chứ không phải là “đúng 30 tuổi tròn”. Thời gian “trạc 30 tuổi” có thể kéo dài từ khoảng 25 cho tới 35! Có lẽ Luca còn có dụng ý khác khi lấy số 30 làm chuẩn. Trong Cựu ước, ông David lên ngôi vua lúc 30 tuổi (2Sm 5,4), ông Edekiel được gọi làm Ngôn sứ lúc 30 tuổi (Ed 1,1) và đó cũng là tuổi luật định để làm tư tế (Ds 4,3.23.30.35). Phải chăng Luca ngầm cho thấy rằng, Đức Giêsu xuất thế vào đúng tuổi làm vua, Ngôn sứ và tư tế? Dù sao, nếu giả thiết rằng, Đức Giêsu ra đời khoảng năm 4 trước CN, thì Người bắt đầu sứ vụ khoảng năm 26 sau CN. Chi tiết này còn được bổ sung với Gioan 2,20. Phản ứng lại lời tuyên bố của Đức Giêsu về việc phá đền thờ, dân chúng trả lời rằng đền thờ đã khởi công từ 46 năm nay rồi. Dựa vào các nguồn sử liệu khác, ta biết rằng, đền thờ được tái thiết vào năm 20-19 trước CN. Cộng thêm 46 năm nữa, thì sẽ thành ra năm 26 sau CN.

  1. Kết thúc sứ vụ

Tục truyền cho rằng, sứ vụ của Đức Giêsu kéo dài 3 năm. Lưu truyền này dựa theo Phúc Âm theo thánh Gioan kể lại 3 lễ Vượt qua trong đời của Người (Ga 2,13; 6,14; 11,55). Mỗi năm chỉ có một lần lễ Vượt qua; do đó, nếu Đức Giêsu đã mừng lễ 3 lần trong giai đoạn thi hành sứ vụ thì phải hiểu là kéo dài tối thiểu là 3 năm. Hình như thời gian hoạt động 3 năm cũng được gợi lên ở Lc 13,7: “Đã ba năm nay, tôi đã ra cây vả này tìm trái mà chẳng thấy gì. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất”.[23]

Về việc xác định ngày chết của Đức Giêsu, các sử gia gặp khó khăn khi phải dung hòa Phúc Âm Nhất Lãm với Phúc Âm theo thánh Gioan. Theo Phúc Âm Nhất Lãm, trước khi chết Đức Giêsu đã mừng lễ Vượt qua với các môn đệ và nhân dịp đó Người đã thiết lập bí tích Thánh Thể. Còn theo thánh Gioan, thì Đức Giêsu tắt thở trên thập giá vào lúc trong đền thờ người ta bắt đầu sát tế chiên để mừng lễ Vượt qua. Như vậy thì năm ấy Đức Giêsu có mừng lễ Vượt qua hay không? Người chịu chết trước hay là sau lễ Vượt qua? Các câu trả lời không đồng nhất. Tuy nhiên, thánh Gioan đã cung cấp một chi tiết quý giá: Đức Giêsu đã chết vào ngày thứ sáu, vọng lễ Vượt qua. Nói cách khác, năm ấy lễ Vượt qua trùng vào ngày thứ 7. Có hai năm lễ Vượt qua trùng vào ngày thứ 7: ngày 8/4 năm 30 và 4/4 năm 33. Ngày nay, đa số các tác giả nhận rằng, Đức Giêsu qua đời vào ngày thứ 6, mồng 7 tháng 4 năm 30.

III. LAI LỊCH VÀ GIA THẾ CỦA ĐỨC GIÊSU

Đối với thánh Phaolô, trọng tâm của Tin Mừng Đức Kitô là cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người. Có lẽ đó cũng là quan điểm của Hội Thánh tiên khởi, điển hình qua các bài giảng của thánh Phêrô được ghi lại trong sách Tông Đồ Công Vụ. Như đã có lần lưu ý, qua bài giảng đọc thấy ở Chương 10 câu 37-40, ta có thể phác họa cái sườn sơ khởi của các quyển Phúc Âm sau này. Dựa theo các nhận xét vừa rồi, vào cuối thế kỷ XIX, ông Kaeler cho rằng, trọng tâm của các quyển Phúc Âm là cuộc Tử nạn của Đức Giêsu, còn những gì trước đó chỉ là dẫn nhập. Phải nhận rằng, ý kiến đó có phần đúng; tuy nhiên chúng ta không thể hạ giá các trình thuật về các chặng đời trước cuộc Tử nạn: những chặng đó không những chỉ nhằm soi sáng các lý do đưa tới cái chết trên thập giá, nhưng chúng cũng nằm trong toàn thể sứ mạng cứu độ của Đức Kitô nữa. Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là: sứ mạng đó được khai mào từ lúc nào?

Xem ra có hai lối trả lời. Lối trả lời thứ nhất là: sứ mạng đó bắt đầu từ khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng. Có lẽ vì hiểu như thế cho nên Marco và Gioan không lưu tâm gì đến thời niên thiếu của Đức Giêsu. Lối trả lời thứ hai là: sứ mạng đó bắt đầu ngay từ khi thụ thai trong lòng Đức Maria. Có lẽ vì thế mà Matthew và Luca đã thêm hai chương đầu, tục gọi là “Phúc Âm thời thơ ấu”. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm giác sơ khởi. Khi nghiên cứu các bản văn kỹ hơn, ta thấy rằng Matthew và Luca không khác Marco và Gioan nhiều cho lắm. Thực vậy, Matthew và Luca không có ý kể cho ta biết các chi mục về cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Đức Giêsu (kiểu như các Phúc Âm ngụy thư), nhưng hai chương đầu chỉ mang tính cách dẫn nhập thần học cho toàn thể tác phẩm. Matthew muốn giải thích tại sao Đức Giêsu là “Con vua David”, vì thế mà ông cần phải thuật lại gia phả dòng tộc David. Mặt khác, Matthew cũng muốn cho thấy rằng Đức Giêsu tuy được sai đến để thực hiện các lời hứa mà Thiên Chúa đã dành cho dân tộc Do Thái, nhưng Người đã không được họ đón nhận. Sự khước từ đó đã được biểu lộ ngay từ hồi mới sinh ra qua việc vua Herod muốn giết hại hài nhi, đang khi dân ngoại (tượng trưng qua các nhà đạo sĩ) thì lại nhận biết thờ lạy Người. Nơi Luca, chúng ta cũng có thể nhận ra điều tương tự như vậy. Đức Kitô là Đấng Cứu chuộc muôn dân. Thân thế và sự nghiệp của Người đã được thiên sứ tỏ lộ khi truyền tin cho Đức Maria và khi loan báo cho các mục đồng. Mặt khác, Luca muốn cho thấy rằng Đức Giêsu muốn dành Tin Mừng ưu tiên cho người nghèo (4,18); điều này đã được biểu lộ trước khi Người ra đời, khi những người nghèo (như cô Maria, bà Elisabeth, các mục đồng) đã cảm nghiệm được niềm vui mà tình thương xót của Chúa dành cho họ. Thêm vào đó, đề tài đau khổ đã đè nặng trên hài nhi Giêsu: khi thánh Giuse không tìm được một chỗ trong quán trọ cho Maria sinh con, khi cụ Simeon tiên báo rằng con trẻ này sẽ là dấu chỉ mâu thuẫn, hoặc khi Đức Maria tất tưởi ba ngày đi tìm cậu bé đang lo việc của Cha (tiên báo ba ngày tử nạn).

  1. LÝ LỊCH

Nói tóm lại, trọng tâm của sứ mạng của Đức Kitô là những lời giảng và việc làm của Đức Giêsu thực hiện tại Galilee và Judeah, với cao điểm là cuộc Tử nạn và Phục sinh diễn ra tại Jerusalem. Tuy vậy, việc tìm hiểu gốc gác gia thế của Người trước khi hoạt động không phải là vô ích. Trước hết, chúng ta thử thiết lập một tờ khai lý lịch như sau:

– 1. Tên gọi: Giêsu (tiếng Do Thái: Jeshu)

– 2. Tên cha: Giuse (Joseph)

– 3. Tên mẹ: Maria (Myriam)

– 4. Nơi sinh: Bethlehem

– 5. Ngày sinh: Không rõ (dưới thời vua Herod)

– 6. Hộ khẩu: Nazareth.

– 7. Thân trạng: Độc thân.

– 8. Nghề nghiệp: Thợ mộc.

Tiếc rằng bản lý lịch này còn quá sơ sài, vì thế cần phải bổ túc thêm.

1/. Tên gọi

Trải qua lịch sử, có người gọi Người là Giêsu, có người gọi là Kitô. Tên thật của Người là Giêsu, còn Kitô chỉ là biệt hiệu. Trong tiếng Do Thái, “Jeshu” là tiếng tắt của “Jehoshua”, có nghĩa là “Giavê cứu chữa”. Theo Mt 1,21 và Lc 1,31, đây là tên mà thiên sứ truyền đặt khi bà mẹ mang thai. Thực ra thì tên gọi này không phải là mới mẻ. Trong lịch sử Do Thái đã có nhiều người mang tên ấy rồi, thí dụ như người kế nghiệp Moses lãnh đạo Israel (ông Giosua hay Giosuê); trong gia phả của Đức Giêsu được ghi lại ở Luca 3,29, ta thấy trong hàng tổ tiên cũng có người mang tên là Giêsu. – Kitô là danh từ Hy Lạp (Christos), có nghĩa là kẻ được xức dầu, tương đương với từ “Mashiah” trong Do Thái. Thế nhưng đối với người Do Thái, danh hiệu “Messiah” mang một ý nghĩa chuyên môn, vì thế họ không chấp nhận Đức Giêsu là Messiah.

2/. Tên cha

Trong Phúc Âm, ta thấy Đức Giêsu được kêu là “Con Người” (dịch sát nguyên ngữ Do Thái là: “con của người”, hay là “con của Adam”), “con David”, và thậm chí, “con Thiên Chúa”. Đó là những danh hiệu mang tính cách thần học, cho nên không cần kê ra trong tờ khai lý lịch. Khi hỏi tên cha, thì thiên hạ kháo láo với nhau rằng Đức Giêsu là con của ông Giuse (Lc 3,23; 4,22; Ga 1,45; 6,42). Matthew và Luca cho biết thêm rằng ông Giuse là chồng của bà Maria, nhưng không phải là cha ruột của Đức Giêsu, bởi vì việc thụ thai xảy đến do sự can thiệp đặc biệt của Thánh Thần (Mt 1,16.18; Lc 1,26-38). Không ai biết được hôn lễ diễn ra lúc nào, và tuổi hai người là bao nhiêu.

3/. Tên mẹ

Trong xã hội Do Thái, nhiều phụ nữ mang tên Maria (Myriam); vì thế để phân biệt, người ta phải thêm tên chồng hay tên quê quán vào. Thí dụ trong Phúc Âm, ta thấy Maria Magdalene, Maria Bethania (em bà Marta), Maria Salome,v.v… Các Kitô hữu gọi thân mẫu Đức Giêsu là Maria Nazareth. Trong Phúc Âm ta thấy có một lần người ta gọi Đức Giêsu là “con bà Maria” (Mc 6,3); lối nói này đã làm cho các nhà chú giải Thánh Kinh phải đau đầu, bởi vì trong xã hội Do Thái (tương tự như ở Việt Nam), căn cước của đứa con dựa theo cha chứ không dựa theo mẹ (thí dụ: Simon con ông Gioan; Giacobe con ông Zebedee). Thế thì tại sao ở chỗ này căn cước của Đức Giêsu lại dựa theo mẹ? Vấn đề trở nên hóc búa hơn khi liền đó lại có chuyện các anh chị em của Người nữa: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacobe, Giuse, Judah, và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta hay sao?” (xc. Mt 13,55-56).

Bao nhiêu bút mực đã đổ ra chung quanh vấn đề anh chị em của Đức Giêsu! Chúng tôi không muốn đi sâu vào cuộc tranh luận này (anh chị em ruột, hay anh chị em họ? anh chị em cùng cha cùng mẹ, hay cùng cha khác mẹ?) vì đã bàn trong “Thánh Mẫu học”.[24] Chỉ cần biết rằng, họ hàng của Đức Giêsu hình như không thông cảm với Người cho lắm. Họ cho là Người mất trí (Mc 3,21). Đối lại, Người như đổ dầu vào lửa thay vì chữa cháy! Thực vậy, cũng trong Chương 3, Marco trình thuật tiếp rằng, khi mẹ và anh em tới tìm, thì Người hỏi rằng: “Ai là mẹ tôi? ai là anh em tôi? Rồi rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh, Người nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,34-35).

4/. Nơi sinh

Theo Matthew thì vào lúc Đức Giêsu ra đời, thánh Giuse đã ở tại Bethlehem miền Judeah (miền Nam Palestin) rồi; nhưng sau đó phải lánh nạn sang Ai Cập, rồi về lập nghiệp tại Nazareth ở Galilee (miền Bắc Palestin). Còn theo Luca, thì ông Giuse đang sống tại Nazareth thì phải đem vợ mình về Bethlehem để thực hiện việc kiểm tra dân số; tại Bethlehem, bà Maria sinh con. Không rõ họ trở lại Nazareth lúc nào.

5/. Ngày sinh

Năm sinh: không biết! (Matthew 2,1 và Lc 1,5.26 chỉ nói trống là ở dưới thời vua Herod). Ngày tháng sinh: cũng không biết luôn! Đối với các thánh sử, ngày sinh của Đức Giêsu hình như không quan trọng cho lắm. Trong các thế kỷ đầu tiên, lịch phụng vụ không cử hành lễ Chúa Giáng Sinh.[25] Mãi tới khoảng năm 336, phụng vụ Roma mới ghi lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, để thế vào lễ kính mặt trời (Sol invictus) của dân Roma. Các Hội Thánh Đông Phương mừng Chúa Giáng Sinh ngày 6 tháng Giêng.

6/. Hộ khẩu

Nazareth (Lc 4,16). Vì thế người ta gọi Người là Giêsu Nazareth (Mc 1,24; Mt 21,10-11; Cv 10,37). Bản án treo trên thập giá cũng ghi như vậy. Mt 2,23 và Lc 1,26 gọi Nazareth là một thành phố (polis), nhưng trước đây danh từ này được bản Thánh Kinh LXX sử dụng để dịch từ ngữ Do Thái “cir”, ám chỉ một khu dân cư bất kỳ lớn nhỏ. Nazareth là một làng nhỏ, chẳng có tiếng tăm gì (xc. Ga 1,46: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?”). Nên biết là từ khi bắt đầu sứ vụ, Người thường hay đi vắng nhà, và tá túc nơi nhà bạn bè. Có bữa người ta thấy Người ở Capharnaum (Mc 2,1; Mt 4,13), có bữa thì dừng chân tại Bethania (Mc 11,1;14,3).

7/. Thân trạng

Các nguồn tư liệu Tân ước không hề nói tới chuyện Đức Giêsu lập gia đình. Cũng không có bằng cớ nào cho phép kết luận rằng Người đã góa vợ hay ly dị. Chỉ có các tiểu thuyết và cinema mới gán ghép bà Maria Magdalene làm vợ của Người! Vào thời Đức Giêsu, hiện tượng đàn ông độc thân không có gì ngược đời, tuy không thịnh hành cho lắm. Cộng đoàn Qumran có những người sống độc thân. Gioan Tẩy Giả cũng độc thân. Lý do Đức Giêsu không lập gia đình có lẽ được giải thích ở Mt 19, 12 (hoạn nhân vì Nước Trời).

8/. Nghề nghiệp

Đức Giêsu được dân làng Nazareth biết tới như là “bác thợ mộc” (Mc 6,3), hay là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55). Trong Thánh Kinh, tiếng “thợ mộc” (Hy Lạp “tektón”) được hiểu rất rộng, bao gồm cả các người làm đồ gỗ và đồ đá để xây nhà; thậm chí họ giữ vai trò chủ chốt trong việc xây cất đền thờ Jerusalem (xc. 2V 12,12; 22,6; Hc 28,27-28), và họ có vị thế trong xã hội. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ II sau CN, thánh Justino cho rằng, nghề thợ mộc lo đục ách đẽo cày;[26] vì thế tầm văn hóa của họ không cao. Không lạ gì mà thiên hạ bỡ ngỡ khi thấy ông thợ mộc Giêsu biết giảng thuyết (Mc 6,1-3; Mt 13,53-55). Đức Giêsu làm nghề thợ mộc vì tiếp tục công việc của thánh Giuse để phụ góp vào kinh tế gia đình, nhất là sau khi thánh Giuse qua đời. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu sứ vụ công khai, hình như Đức Giêsu không còn hành nghề thợ mộc nữa.

  1. LIÊN HỆ VỚI CÁC PHONG TRÀO

Từ khi bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã thay đổi hộ khẩu và nghề nghiệp. Dĩ nhiên, các cơ quan an ninh có quyền đặt thêm hai câu hỏi: Ông ta có học hành gì không? Ông ta có tham gia đảng phái nào không?

– Về câu hỏi thứ nhất, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán, dựa theo các tài liệu sử học về tổ chức giáo dục đương thời. Nazareth là một làng nhỏ, cho nên không mong gì có trường học cấp hai hoặc cấp ba. Ngoài giáo dục tại gia đình (về đạo đức lễ giáo, cũng như về nghề nghiệp), một môi trường giáo dục khác là hội đường, nơi các tín hữu tụ tập để nghe chú giải Lời Chúa. Trước đó, các thanh thiếu niên đã tập đọc để có thể đọc Sách Thánh.

– Câu hỏi thứ hai có lẽ đáng quan tâm hơn. Như đã trình bày trong Chương I, xã hội Do Thái thời đó gồm có nhiều phe nhóm tôn giáo chính trị (Seduce, Pharisee, Etxeondo, Zealot). Đức Giêsu hoàn toàn đứng ngoài các phe nhóm ấy, hay là cũng có tham gia (ít là với tư cách cảm tình viên?). (Câu hỏi này chỉ giới hạn vào giai đoạn trước khi hoạt động công khai mà thôi, bởi vì ai cũng biết là sau đó Người đã trở thành lãnh tụ của một nhóm đồ đệ). Chắc hẳn, Đức Giêsu không thuộc nhóm Seduce, bởi vì Người không thuộc giai cấp tư tế, và nhất là bởi vì Người tin có sự sống lại (xc. Mc 12,18-27). Ngoài ra, khi nghe những lời công kích các Pharisee và Kinh sư, thì thử hỏi ai còn dám ghép Người vào nhóm đó nữa? Tuy nhiên, một tác giả Do Thái thời nay, ông Pinchas Lapide, nghĩ rằng, Đức Giêsu cũng thuộc nhóm Kinh sư và Pharisee. Người ta đã chẳng gọi Người là “rabbi” đó sao? Vả lại nhóm Pharisee chia thành nhiều trường phái khác nhau (chẳng hạn như hai trường phái nổi tiếng của rabbi Hillel và rabbi Shammai: một bên thì phóng khoáng, một bên thì thủ cựu); biết đâu Đức Giêsu lại chẳng là thành viên của một trường, và đả kích các trường đối lập? Dù sao, các sử gia đặt vấn đề cách riêng về mối quan hệ giứa Đức Giêsu và phong trào của ông Gioan Tẩy Giả.

Thoạt tiên mới đọc Phúc Âm, chúng ta có cảm giác là ông Gioan chỉ là một nhà khổ hạnh sống đơn độc trong rừng vắng, và hoạt động lẻ loi một thân một mình, tựa như “tiếng kêu trong sa mạc” (xc. Mc 1,1-8; Mt 3,1-12; Lc 3,3-18). Tuy nhiên, sử gia Josephus Flavius cho biết, ông Gioan đã gây ra một phong trào rộng lớn, khiến cho vua Herod tìm cách bài trừ vì sợ có loạn.[27] Josephus cũng cho biết thêm, vào thời đó xuất hiện khá nhiều phong trào (mà ông ta không ngại đặt tên là “đảng cướp”, “quân khủng bố” chẳng hạn như: Judah Galilee, Simon, Atrongheo), nhưng phong trào của Gioan[28] thì khác hẳn, bởi vì Gioan rao giảng việc thực hành đức độ, công bằng, đạo nghĩa. Phép rửa của ông Gioan là biểu hiệu của việc thanh tẩy về mặt tinh thần. Có những sử gia cận đại giả thiết rằng, ông Gioan đã gia nhập nhóm Etxeondo, và rất có thể ông là thành phần của cộng đoàn Qumran.

Các sách Phúc Âm giải thích mối tương quan giữa ông Gioan với Đức Giêsu theo chiều hướng là ông Gioan làm “kẻ tiền hô” dọn đường cho Đức Giêsu. Nhưng các nhà sử học ngày nay cho rằng, đó là lối giải thích của các Kitô hữu, chứ sự thực có lẽ không đơn giản như vậy đâu. Đức Giêsu đã chẳng lãnh phép rửa do ông Gioan đó sao? Như vậy, có phải là Người đã từng là môn đệ của ông ta, rồi sau đó đã ly khai và kéo theo một số môn đệ để lập ra một nhóm mới với một phép rửa mới hay không?

Những câu hỏi vừa nêu lên buộc chúng ta phải đọc sách Phúc Âm cách kỹ càng hơn. Đàng nào thì khi đối chiếu với Gioan, chúng ta sẽ nhận ra sứ mạng của Đức Giêsu cách rõ nét hơn.

  1. Liên hệ giữa Đức Giêsu với ông Gioan

Mở đầu tác phẩm của mình, thánh Luca đã cho ta biết gốc gác của Gioan: ông ta là con của tư tế Dacaria, và có họ hàng với Đức Giêsu về bên ngoại (Lc 1,36). Còn về mối tương quan giữa hai người trong thời gian hoạt động thì Phúc Âm theo Gioan nói kỹ hơn. Mối liên hệ có nhiều căng thẳng.

– Một đàng, tác giả cho thấy ông Gioan rất nhún nhường, không dám nhận mình là Đấng Kitô (Messiah), không phải là Elia cũng chẳng phải là Ngôn sứ nữa (Ga 1,19-21). Ông chỉ là ngọn đèn cháy một thời gian, rồi rút lui khi ánh sáng tới (Ga 5,33.35).

– Đàng khác, tác giả cho biết Đức Giêsu và các môn đệ làm phép rửa ở miền Judeah, đang khi Gioan đang làm phép rửa tại Enón (Ga 3,22-23). Thế rồi, một cuộc cạnh tranh đã diễn ra giữa hai bên (Ga 3,26). Tác giả nói thêm là không phải Đức Giêsu làm phép rửa nhưng là các môn đệ của Người (Ga 4,2). Nhưng khi thấy xảy ra cuộc cạnh tranh như vậy thì Người bỏ đi nơi khác, không làm phép rửa nữa (Ga 4,3).

Những dòng trên đây cho thấy Gioan Tẩy Giả không đơn thương độc mã, nhưng đã có một nhóm môn đệ. Đức Giêsu cũng có một nhóm môn đệ. Sở dĩ hai bên đều làm phép rửa là vì có lẽ các môn đệ của Đức Giêsu vốn là môn đệ của Gioan. Rất có thể sau khi Đức Giêsu lãnh phép rửa của Gioan, thì Người còn hoạt động với ông một thời gian; kế đó Người mới ra đi, và lôi theo vài đồ đệ (Ga 1,37-42). Nhưng đó là chuyện nội bộ giữa hai người với nhau. Đối với người ngoại cuộc thì hai người như được đồng hóa với nhau; thậm chí có lần chính vua Herod tưởng Đức Giêsu là hiện thân của ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết sống lại (Mc 6,14-16).

  1. Sự khác biệt giữa Đức Giêsu với ông Gioan

Bên cạnh sự tương đồng giữa Đức Giêsu với ông Gioan qua việc thực hành phép rửa và rao giảng việc canh tân thống hối, thiết tưởng cần phải nêu bật sự khác biệt giữa đôi bên. Tuy chúng ta quen hình dung ông Gioan là tiền hô dọn đường cho Đức Giêsu, nhưng có những dấu chỉ cho thấy là hai người không đi cùng một đường với nhau. Vì thế ai nói rằng Đức Giêsu đã ly khai khỏi nhóm của ông Gioan thì cũng không phải là sai hoàn toàn.

Không những Đức Giêsu đã ly khai khỏi Gioan bởi vì Người có quan niệm riêng biệt về sứ mạng của mình, nhưng hình như chính ông Gioan cũng có lúc nhận thấy rằng Đức Giêsu đã đi khác với con đường mà mình nghĩ. Khi ngồi trong ngục, nghe kể lại các công việc mà Đức Giêsu đang làm, ông Gioan đã sai môn đệ đến chất vấn: “Phải chăng thầy là Đấng phải đến hay chúng tôi phải chờ một ai khác?” (Mt 11,2-3). Khi đặt câu hỏi như vậy, phải chăng ông Gioan nghi ngờ về Đức Giêsu, hay bởi vì hai người có hai quan niệm khác nhau về “Đấng phải đến”?.

Trước khi đi vào những chi tiết có tính cách lý thuyết về quan điểm, chúng ta có thể ghi nhận sự khác biệt giữa hai người về lối sống. Ông Gioan tỏ ra là một nhà tu hành khắc khổ: “Ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3,4). Ông chọn môi trường hoạt động xa cách nơi phồn hoa đô thị. Người ta gọi ông là “Tẩy giả” bởi vì có thể hoạt động chính của ông là làm phép rửa thống hối. Còn Đức Giêsu thì khác hẳn. Sau một thời gian tĩnh tâm trên sa mạc, Người đi vào các hội đường, các làng mạc, các khu vực đông dân cư để rao giảng Tin Mừng, chữa bệnh. Lối sống của Người có vẻ phóng khoáng, chẳng kiêng khem trong cách ăn uống, cũng chẳng có dè dặt gì trong cung cách tiếp xúc. Sự tương phản giữa lối sống của hai người được phản ánh qua lời tự thú sau đây của chính Đức Giêsu: “Ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo ông ta bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì tập hạ lại bảo: đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,18-19).

Sở dĩ lối sống của họ khác nhau như vậy là vì họ có quan điểm khác nhau về sứ mạng của mình. Nếp sống khắc khổ của ông Gioan phản ánh phần nào tư tưởng của ông về sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử. Thiên Chúa được nhìn như vị thẩm phán sắp ra tòa phán xử, trút cơn giận xuống những quân tội lỗi. “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?… Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,7.10). Sứ điệp của ông Gioan chú trọng tới sự thống hối. Phép rửa của ông mang tính cách thống hối (Mc 1,4; Lc 3,3). Trước khi lãnh phép rửa, cần phải xưng thú tội lỗi (Mt 3,6).

Đức Giêsu đã lãnh phép rửa của ông Gioan. Đây là một điểm đã gây ra thắc mắc cho nhiều người. Tại sao Người lại làm như vậy? Phải chăng tại vì Người muốn đồng hóa mình với người tội lỗi, tiên báo trước sứ mạng của mình là liên đới với thân phận của con người tội lỗi, như “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29)?. Phải chăng Người muốn kiện toàn phép rửa thống hối của ông Gioan với phép rửa trong Thánh Thần (Mt 3,11)?. Thực khó mà phân tách khía cạnh sự kiện với khía cạnh giải thích ở điểm này. Điều chắc chắn là việc Đức Giêsu lãnh phép rửa đã đánh dấu hai khúc quặt:

– 1/. Khúc quặt thứ nhất liên quan tới bản thân của Người: từ nay, Người bỏ nghề thợ mộc, bỏ gia đình, để hoàn toàn dấn thân rao giảng nước Chúa.

– 2/. Khúc quặt thứ hai liên quan tới ông Gioan cũng như tới toàn thể lịch sử cứu độ, đó là: Nước Thiên Chúa đã đến. Ông Gioan loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã gần kề; còn Đức Giêsu thì cho biết là Nước Chúa đã đến.

Sự khác biệt giữa sứ điệp của hai người không phải ở chỗ thời gian (sắp đến / đã đến), cho bằng về bản chất của Nước Chúa. Ông Gioan loan báo việc Nước Chúa đến theo phạm trù của cơn thịnh nộ trừng phạt; còn Đức Giêsu thì lại cho thấy việc Nước Chúa đến như là Tin Mừng giải thoát dành cho người nghèo, người sầu muộn; nó là thời đại của hồng ân tha thứ chứ không phải của sự trừng phạt.

Mặc dù Đức Giêsu biết rằng con đường của mình khác với đường lối của ông Gioan, nhưng Người không hề đả kích ông. Trái lại, Người đã dành cho ông những lời ca tụng cao đẹp: “Các anh ra xem gì trên hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là ư? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra làm gì? Một Ngôn sứ chăng?… Tôi nói thật với anh em: trong số những phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả? (Mt 11,7b-9.11a).

Ông Gioan được tuyên dương như là “cao hơn các Ngôn sứ, cao trọng nhất trong số các phàm nhân”. Những lời ca ngợi đó có lẽ là dành cho nếp sống đạo đức cá nhân của ông Gioan. Còn khi xét tới vị trí của ông trong việc chuẩn bị cho nước Chúa, thì chúng ta đọc thấy những lời tối tăm khó hiểu: “Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các Ngôn sứ cũng như Lề luật đều đã nói tiên tri” (Mt 11,11b-13).

Những lời vừa trích muốn nói lên điều gì? Phải chăng ông Gioan và các Ngôn sứ đã phải chịu gian khổ bách hại để có thể vào Nước Trời? Phải chăng ông Gioan và các Ngôn sứ chỉ đứng chờ ở cổng Nước Trời nhưng chưa được thấy mở cửa? Phải chăng ông Gioan lầm vì đã hình dung Nước Trời theo phạm trù của sức mạnh mà không biết tới ân sủng? Hay nói cho cùng, tại vì Nước Trời là một mầu nhiệm khó hiểu? Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ “Nước Trời” trong chương sau. 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
catechesis.net

———-

[1]Epistula X, 96.

[2]Annales XV, 44.

[3]Vita Claudii XXV, 4.

[4] Justinus, I Apologia, c.35 et 48) viết khoảng năm 150; Tertullianus, Apologeticum (21,24), viết vào năm 197.

[5]Antiquitates judaicae XVIII, 116-119.

[6] Thí dụ: Eusebius Caesarius, Historia ecclesiastica I, 11 (k. 324-325); Demonstratio evangelica III, 5.

[7] Thí dụ: S. Ben-Chorin, Bruder Jesus. Der Nazarener in juedischer Sicht, Muenchen 1967.

[8] Xc. Origène, Contra Celsum.

[9] Thí dụ: Lord Herbert of Cherbury (1513-1648) tóm lại tất cả các tín điều vào 5 điểm sau: 1) có một Thiên Chúa tối cao; 2) con người có bổn phận đạo đức; 3) bổn phận đạo đức căn bản hệ tại việc thực hành nhân đức; 4) không được làm điều xấu; 5) có sự thưởng phạt đời đời.

[10] H. S. Reimarus là giáo sư ngôn ngữ Đông phương tại Hamburg (Đức). Những tác phẩm nghiên cứu Kinh Thánh của ông được xuất bản sau khi qua đời, trong khoảng thời gian từ 1774-1787 và 1850-1852.

[11] Martin Kaeler, Die sogenannte historische Jesus und der geschitlíche biblische Christus. Diễn thuyết tại Wupperthal 1892.

[12]David Friedrich Strautt, Das Leben Jesu, 1835.

[13]Le mystère de Jesus, 1924.

[14] Pontificia Commissio de Re Biblica, Instructio de historica evangeliorum veritate (“Sancta Mater Ecclesia”), 21-4-1964: AAS 56, 1964, 712-718. – Nội dung của văn kiện này được Công Đồng Vatican II tóm lại trong số 19 của Hiến chế tín lý về Mặc Khải. Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 126.

[15] Tin Mừng về Đức Kitô: Rm 15,19; 1Cr 9,12; 2Cr 2,12; 4,4; 10,14; Gl 1,6; Pl 1,27; 1Tx 3,2.

[16] Tin Mừng về Đấng Cứu Thế: Lc 2,10-11; Ga 3,13; Dt 1,1-2. Tin Mừng mang lại ơn cứu độ: 1 Cr 15,1-2.

[17]Có lẽ vì không ý thức được bản chất của sách Tin Mừng, cho nên trong quá khứ người ta đã có những hình ảnh không mấy trung thực về Đức Giêsu: họ thất vọng bởi vì không tìm đủ dữ kiện để viết một cuốn tiểu sử; họ thất vọng vì thấy không có sự trùng hợp giữa các thánh sử!

[18] Giả thuyết quen được gọi là “Q”, viết tắt của danh từ (tiếng Đức) Quelle: nguồn gốc.

[19] Các học giả đặt tên là “logia”, danh từ Hy Lạp (số nhiều của “logion” = verba, verbum).

[20] 1) Sứ vụ Galilee: Mt 4,12-18,35; Mt 1,14-10,52; Lc 4,14-9,50. – 2) Sứ vụ tại Jerusalem: Mt 19,1-25,46; Mc 11,1-13,37; Lc 9,51-21,38. – 3) Tử nạn và Phục sinh: Mt 26,1-28,20; Mc 14,1-16,20; Lc 22,1-24,53.

[21] Xc. Danh sách các ngụy thư: “Dẫn vào Tân ước”, Kinh Thánh Tân ước, nhóm CGKPV, Tp. Hồ Chí Minh 1995 (tái bản lần 1), tr. 20.

[22] Theo sử liệu Rôma, tổng trấn Siria là ông P. Sulpicius Quirinius đã tổ chức một cuộc kiểm tra dân số vào năm 6-7 sau CN, và đã gây ra cuộc nổi loạn của ông Judah Galilee (xc. Josephus Flavius, De Bello Judaico II,433; VII 253. Antiquitates Judaichae XVII, 355). Từ năm 9 đến năm 4 trước CN, các tổng trấn Siria -Palestina là: Sentius Saturninus và P. Quintilius Varus.

[23]Xc. Lc 13,34: “Jerusalem, Jerusalem!… Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi”.

[24]Xc. Phan tấn Thành, OP., Vầng trăng tuyệt vời: Đức Maria trong nhiệm cục cứu độ.

[25] Theo Origène, 3 đại lễ của các Kitô hữu hằng năm là: Vượt Qua, Phục Sinh, Hiện Xuống (Contra Celsum VIII,12.13).

[26] Dialogus cum Tryphone 88.

[27] Antiquitates Judaicae XVIII,5,2

[28] Phong trào này không chấm dứt sau khi ông Gioan bị giết. Sách Tông Đồ Công Vụ còn nói các môn đệ của ông Gioan: Cv 18,25; 19,3-4.