Người Công giáo Hàn Quốc tìm cách hàn gắn hai miền Triều Tiên

“Ý Chúa muốn chúng ta họp mặt cầu nguyện chung với nhau để cùng vượt qua mối nguy hiểm và khủng hoảng hiện nay. Mục đích của sự kiện này là kêu gọi chúng ta tập trung tâm trí cầu nguyện cho hòa bình”.

Người Công giáo Hàn Quốc tìm cách hàn gắn hai miền Triều Tiên

Người Công giáo Hàn Quốc tìm cách hàn gắn hai miền Triều Tiên

Các lãnh đạo hy vọng cuộc hội ngộ Giáo hội được đề xuất giữa hai miền Triều Tiên có thể giúp hòa giải

HanQuoc.jpg  
Người Công giáo Hàn Quốc phân phối than đá trong chuyến đi Gaesong ở Bắc Triều Tiên (Ảnh: linh mục Lee Eun-hyung) 
 

Sự chia rẽ trên bán đảo Triều Tiên đã kéo dài lâu hơn Chiến tranh Lạnh, nhiều lãnh đạo chính trị và nhiều nỗ lực tái thiết tình hữu nghị. Nhưng khi ngày kỷ niệm thứ 70 vào năm tới đến gần, một nhóm giáo sĩ Công giáo ở Hàn Quốc đang tìm cách tiếp xúc Giáo hội gây tranh cãi được nhà nước công nhận ở Bắc Triều Tiên với hy vọng vượt qua nhiều thập niên chia cách và đối đầu giữa hai nước.

Ủy ban Hòa giải Người dân Triều Tiên đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị với Hội Công giáo Joseon được Bình Nhưỡng công nhận vào năm tới nhằm kỷ niệm ngày này và cầu nguyện cho hòa bình, trong nỗ lực làm cầu nối mới nhất giữa hai bên của người Công giáo Hàn Quốc.

“Ý định của Thiên Chúa chúng ta tín thác muốn chúng ta vượt qua chia rẽ và xung đột, và đi đến hòa giải và chung sống hòa bình”, linh mục Lee Eun-hyung, tổng thư ký ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc, phát biểu với ucanews.com. “Ý Chúa muốn chúng ta họp mặt cầu nguyện chung với nhau để cùng vượt qua mối nguy hiểm và khủng hoảng hiện nay. Mục đích của sự kiện này là kêu gọi chúng ta tập trung tâm trí cầu nguyện cho hòa bình”.

Cha Lee cho biết nhìn chung đại diện hai bên đã thống nhất tổ chức hội nghị đức tin tại cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tháng trước nhưng chưa định rõ thời gian và địa điểm.

Nhóm này cần có được sự chấp thuận của chính phủ hai miền Triều Tiên trước khi tổ chức bất kỳ sự kiện nào.

Giáo hội Công giáo thường được xem là một nhà hảo tâm ở Hàn Quốc, trọng tâm chính là tham gia trợ giúp Bắc Triều Tiên. Hồi tháng 5, Đức Hồng y Yeom Soo-jung, tổng giám mục của Seoul, viếng thăm khu công nghiệp do hai chính phủ Triều Tiên đồng quản lý ở Bắc Triều Tiên. Hàng giáo phẩm Hàn Quốc còn gửi lời mời người Công giáo Bắc Triều Tiên sang tham dự các sự kiện liên quan đến chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô hồi tháng 8, nhưng bị Bình Nhưỡng từ chối.

Tuy nhiên, hợp tác với Bắc Triều Tiên vẫn còn là vấn đề đặc biệt nhạy cảm về chính trị trong quốc gia vẫn còn gây chiến với Hàn Quốc về mặt lý thuyết. Luật An ninh Quốc gia của Hàn Quốc xem chế độ Kim Jong-un là tội ác và cấm liên lạc giữa hai bên nếu không có sự cho phép của chính quyền.

“Thách thức lớn nhất là tình hình chính trị giữa hai miền Triều Tiên. Tôi hy vọng tác động chính trị không ảnh hưởng đến các cuộc giao lưu tôn giáo và cá nhân, nhưng nếu nhìn tiến trình này cho đến hôm nay, trông có vẻ sẽ không dễ dàng gì”, cha Lee nói.

Ngoài ra chính bản chất của cái gọi là Giáo hội ở Bắc Triều Tiên cũng là một thách thức. Bắc Triều Tiên được Open Doors, tổ chức phi chính phủ của Mỹ theo dõi tình trạng ngược đãi tôn giáo trên thế giới, xem là nước ít tự do nhất về thực hành Kitô giáo. Nhiều người vượt biên đã làm chứng về việc Kitô hữu hành đạo bị bỏ tù và bị hành quyết.

Trong khi đó Giáo hội ở bên kia biên giới lại phát triển hết sức nhanh: Giáo hội ở Hàn Quốc gần như có số tín hữu tăng gấp ba lần từ năm 1985-2005, trong khi các nước phát triển khác lại giảm.

“Chế độ Kim xem đây là một thách thức lớn, một thách thức xuất phát từ một quan điểm triết lý hoàn toàn khác biệt, và còn ra vẻ giải thích chung mọi thứ, như juche”, Andrei Lankov, giáo sư tại đại học Kookmin của Seoul và là nhà quan sát Bắc Triều Tiên lâu năm, ám chỉ hệ tư tưởng tự lực của nhà nước này.

Giáo hội được nhà nước chấp thuận tồn tại trong thủ đô Bình Nhưỡng từ năm 1988, nhưng những người vượt biên và các nhóm nhân quyền xem đây là trò lừa gạt du khách nước ngoài.

Andrei nói trong khi trong đó có các tín hữu đích thực, ban lãnh đạo Công giáo Bắc Triều Tiên đa số là thành viên thuộc Bộ An ninh Nhà nước, cảnh sát mật của chế độ này.

Nhưng ông cho biết thêm có khả năng họ có thể bị tác động khi chất vấn chế độ này thông qua các cuộc gặp gỡ với người ngoài.

 “Họ là con người, họ có đầu óc. Nếu anh nhìn, nói … về sự tan rã của Liên Xô, anh sẽ ngạc nhiên khi biết có nhiều ý kiến lật đổ Liên Xô thông qua KGB, Bộ Ngoại giao, nơi tất cả những người được tuyển chọn cẩn thận này”, Andrei nói.

Chính cha Lee thừa nhận không có linh mục hợp pháp trong quốc gia này, nhưng hy vọng có thể đến với những người Bắc Triều Tiên có nguồn gốc Công giáo.

“Không có linh mục nhưng có người đã được rửa tội. Có những người đã được rửa tội trước khi hai nước chia cách, và còn có những người tham gia quá trình giao lưu tôn giáo đã được rửa tội”, ngài nói.

Khi được hỏi về khả năng có nhân viên chính quyền trong số các đại diện Công giáo, cha Lee nói khó có thể bình luận về “vấn đề nội bộ”.

“Tôi thấy có nhiều điều thất vọng về tình hình tôn giáo ở Bắc Triều Tiên, nhưng tôi nghĩ thật may là còn có một nhóm đại diện để chúng tôi thôi thúc tổ chức họp mặt”.

Cha Lee tin tưởng đề xuất khiêm tốn của họ cuối cùng có thể trở thành một điều lớn hơn nhiều vì lợi ích của mọi người.

“Mặc dù hiện nay đây chỉ là một cuộc họp nhỏ và đơn giản, tôi tin rằng một ngày nào đó những nỗ lực tổ chức cuộc họp sẽ mang lại kết quả to lớn nhờ ơn Chúa”.

(UCAN 19.12.2014)