Người Ấn giáo quốc gia ‘cải đạo’ Kitô hữu ở Ấn Độ

Đức cha Binay Kandulna của Khuti nói không ai có thể cải đạo người khác theo bất kỳ tôn giáo nào, đặc biệt là Công giáo
Người Ấn giáo quốc gia ‘cải đạo’ Kitô hữu ở Ấn Độ

Các nhóm Ấn giáo theo chủ nghĩa dân tộc công bố đã cải đạo hơn 52 gia đình Kitô hữu nhằm thành lập các vùng không có Kitô hữu trong bang Jharkhand của Ấn Độ.

Truyền thông địa phương đưa tin Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), liên minh các nhóm làm việc biến Ấn Độ thành nhà nước thần quyền Ấn giáo, thực hiện các vụ cải đạo này trong quận Khunti.

“Đây là một vấn đề đáng quan ngại. Nhưng chúng tôi không bị đe dọa vì chúng tôi không tin có chuyện ép người dân cải đạo”, Đức cha Binay Kandulna của Khuti phản ứng trước thông tin đó.

Bang này do đảng Bharatiya Janata (BJP) nắm quyền, vốn được xem là tổ chức chính trị của RSS, từng chứng kiến một loạt hành động bạo lực chống Kitô hữu, bao gồm đánh đập và cấm các hoạt động mục vụ và các nghi thức cầu nguyện.

Laxman Singh Munda, nhân viên của RSS làm phó chủ tịch BJP trong quận Khunti, phát biểu với giới truyền thông rằng các thừa sai Kitô giáo dụ dỗ người bộ lạc theo tôn giáo của họ trong nhiều thập niên qua dưới hình thức dịch vụ xã hội.

Ông nói chiến dịch đưa Kitô hữu bộ lạc trở lại cộng đồng Ấn giáo sẽ tiếp diễn suốt tháng 4.

“Anh không thể gọi đây là cải đạo. Chúng tôi chỉ đang đưa các anh chị em bị lạc trở về tôn giáo của họ. Chúng tôi muốn tạo ra một vùng không có Kitô hữu và dân làng sẽ sớm trở lại cội nguồn của họ”, ông phát biểu với giới truyền thông.

Khuti được xem là thành trì Kitô giáo vì khoảng 25% trong số 532.000 dân trong quận này là Kitô hữu. Người Ấn giáo cũng chiếm 25% trong khi số còn lại theo tôn giáo Sarna của người bộ lạc. Số liệu điều tra dân số của quận trái hẳn với số liệu thống kê trên cả nước, trong đó Kitô hữu chỉ chiếm 2,3% và người Ấn giáo chiếm 80% trong số 1,2 tỷ dân ở Ấn Độ.

Jharkhand có khoảng 9 triệu người bộ lạc, chiếm 26% trong 33 triệu dân của bang. Khoảng 1,5 triệu người trong bang là Kitô hữu, trong đó ít nhất phân nửa là Công giáo, và gần như tất cả là người bộ lạc.

Đức cha Kandulna nói “trước hết” việc nhóm Ấn giáo này khẳng định Kitô hữu dụ dỗ cải đạo người bộ lạc là “không đúng”. Giáo hội không tin cũng không ủng hộ việc cải đạo ép buộc”, ngài nói.

Đức cha người bộ lạc Oraon còn nghi ngờ những lời khẳng định của nhóm này. “Không ai có thể dùng vũ lực để cải đạo người khác theo bất kỳ tôn giáo nào, đặc biệt là Công giáo, vì đức tin của họ rất mạnh. Trừ khi người ta sẵn sàng về mặt tâm trí và tinh thần, việc này là không thể”, vị giám chức nói.

Tuy nhiên, truyền thông địa phương đưa tin trong tuần đầu tháng 4 có ít nhất 7 gia đình Kitô hữu tham dự nghi lễ trong làng, được gọi là “lễ tẩy uế”, trong đó các thầy tế Ấn giáo bôi bột gỗ đàn hương lên trán các Kitô hữu và rửa chân họ tượng trưng cho việc họ trở lại cộng đồng Ấn giáo.

Gladson Dungdung, một nhà hoạt động người bộ lạc trong bang nói những lời tuyên bố này, cho dù đúng hay sai, “là một vấn đề đáng lo ngại vì nó thế thể tạo ra các phong trào thành lập các vùng không có Kitô hữu lớn hơn trong bang và những nơi khác, gây chia rẽ trong dân chúng, đặc biệt là nơi người bộ lạc trên danh nghĩa tôn giáo”.

Chính quyền bang của BJP “không muốn người bộ lạc có cuộc sống văn xã tốt hơn. Mục đích duy nhất của họ là gây chia rẽ nơi người bộ lạc trên danh nghĩa tôn giáo và niềm tin”, ông nói thêm.

Mukti Prakash Tirkey, biên tập viên của tờ tuần báo nói về các vấn đề bộ lạc phát hành ở New Delhi, nói thủ đoạn của chính quyền “rất rõ ràng và nghị trình chính trị của họ là nhằm cướp đất và các nguồn tài nguyên của người bộ lạc trên danh nghĩa phát triển”.

“Thật đáng buồn là người bộ lạc nghèo không hiểu nghị trình đen tối của chính quyền đảng ủng hộ Ấn giáo BJP trong bang, họ muốn tước bỏ các quyền cơ bản của người dân”, Tirkey nói.

Năm ngoái, Thống đốc bang Jharkhand là Raghubar Das buộc tội Kitô hữu gây rối bằng cách khuyến khích người bộ lạc phản đối chính quyền bổ sung hai đạo luật tước bỏ quyền sở hữu đất đai của họ.

Các đảng đối lập và nhà hoạt động quyền người bộ lạc nói các đạo luật bổ sung gây tranh cãi dữ dội này được các nhà lập pháp thông qua đã khiến cho đa số người bộ lạc nghèo trong bang mất đất đai do các dự án công nghiệp, thương mại và phúc lợi.

Bijay Kumar Minj từ New Delhi, Ấn Độ

Nguồn tin: UCAN