Ngôn ngữ đầy nhân ái của Mẹ Maria

Để thiết lập các mối quan hệ trong nhân loại, ngôn ngữ là nguồn giao tiếp thông dụng nhất của con người. Đôi khi nói nhiều lại là điểm mạnh và là cách để khẳng định mình trong thế giới tự do ngôn luận. Thế nhưng, người viết lại bị cuốn hút bởi ngôn ngữ thinh lặng của Đức Maria thể hiện quan sự kính trọng tha nhân, yêu thương mọi người và lòng quảng đại vị tha.

Trước hết, Mẹ dành cho Giuse sự kính trọng của mình. Khi người bạn đời này chưa hiểu việc Mẹ mang thai con Thiên Chúa nhập thể, Mẹ tôn trọng mọi quyết định của Giuse mà không cần một lời giải thích. Trong các biến cố khác sau này, Mẹ cùng thánh Giuse về Belem đăng ký hộ khẩu, sang Aicập lánh nạn rồi lại hồi hương về Nazareth với cuộc sống âm thầm lặng lẽ.

Mẹ còn nói bằng ngôn ngữ của con tim yêu thương mọi người. Mẹ yêu thương vợ chồng người chị họ Dacaria và Elisabeth. Khi biết tin chị họ mình có thai trong lúc tuổi già, Mẹ chẳng quản ngại vượt đồi lội suối lên đường đến với chị, mặc dù mình cũng đang thai nghén. Điều này nói lên sự mau mắn, ân cần quan tâm đến những người đang cần sự giúp đỡ. Thế rồi tại tiệc cưới Cana, trước cảnh tình thiếu rượu, hơn ai hết mẹ hiểu được sự lung túng của gia chủ. Sự chạnh lòng thương của Mẹ đã dẫn tới hành động: Mẹ xin Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước lã thành rượu để cứu nguy cho họ và để niềm vui của đôi uyên ương được nên trọn vẹn. (x. Ga 2,1-12)

Ngôn ngữ không lời của Mẹ cũng được thể hiện nơi lòng quảng đại vị tha. Mẹ bỏ qua cách đối xử của người khác không làm mình hài lòng. Khi Người Con duy nhất, yêu quý của Mẹ bị người đời chống đối kịch liệt, bị người đồng hương coi là điên (x.Mc 3, 21); bị coi là quỷ ám (x.Mc 2, 22), và nhất là bị người ta giết chết nhục nhã trên đồi Canvê, Mẹ không một lời oán trách, nhưng là lòng quảng đại bỏ qua tất cả cho họ. Nhìn ngắm cả cuộc đời Mẹ, chúng ta hiểu Mẹ đã chiến thắng bản thân và sống trọn tình vẹn nghĩa với Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ hoàn toàn tin tưởng và tuân phục, đồng thời sống chan chứa tình người với tha nhân bằng ngôn ngữ tình yêu.

Trong một thế giới đầy ngờ vực, chán nản, ích kỷ và mỏng dòn yếu đuối nơi con người, chúng ta được mời gọi đem niềm tin về một hạnh phúc đích thực, một hy vọng không chỉ dựa vào tài năng, phẩm chất, tri thức nhưng dựa vào Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi sứ mệnh này trong tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến là “làm cho thế giới thức tỉnh” bằng cách ra khỏi chính mình để đi đến vùng ngoại biên của cuộc sống. Nơi đó có cả một nhân loại đang chờ đợi, những người mất hết hy vọng, những gia đình gặp khó khăn, những trẻ mồ côi, những người già bị bỏ rơi, những người trẻ không có tương lai nào, những người giàu no đầy của cải nhưng mang con tim trống rỗng đói khát Thiên Chúa.

Cùng với Đức Mẹ, chúng ta hãy ra khỏi pháo đài kiên cố của mình để bước đi trong đức Ái của người lên đường đến với người nghèo khổ yếu đuối, trong đức Cậy của người biết mình sẽ được đồng hành và trong đức Tin của người có một hồng ân được chia sẻ. Chúng ta hãy cùng Mẹ vui mừng đi vào thế giới, đến với vùng ngoại biên vốn đang cần sự hiện diện của chúng ta để làm cho men của Nước Chúa triển nở bằng chính ngôn ngữ không lời của Mẹ nơi sứ mạng của mình.

M. Anthony Vũ Ga, fmsr.