Ngày thứ ba (14-04-2015) – Trang suy niệm

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần II Mùa Phục Sinh Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:  Cv 4, 32-37 

“Họ một lòng một ý với nhau”.

 

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Ông Giuse, người mà các tông đồ đặt tên là Barnabê (nghĩa là con sự an ủi), một thầy tư tế, quê ở Cyprô, có một thửa ruộng, ông bán đi và đem tiền đặt dưới chân các tông đồ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 92, 1ab. 1c-2. 5

Đáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).

1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai. Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. – Đáp.

2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. – Đáp.

 3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. – Đáp.

 

ALLELUIA:  Ga 14, 18

 

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.

 

 

 

PHÚC ÂM:  Ga 3, 7-15

 

“Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người  vốn ở trên trời”.

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.

 

Nicôđêmô hỏi lại rằng: “Việc ấy xảy ra thế nào được?” Chúa Giêsu đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo thật cho ông biết: Điều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”.  Đó là lời Chúa.

 

(thanhlinh.net)

 

++++++++++++++++++

 

14/04/2015 – THỨ BA TUẦN 2 PS

 

Ga 3,7b-15

 

THẬP GIÁ VÀ PHỤC SINH

 

“Như ông Mô-sê đã gương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,14-15)

 

Suy niệm: “Đầu đội trời, chân đạp đất” là tinh thần sống của người Ki-tô hữu. Tuy đang ở trần gian, người Ki-tô hữu đã hướng lòng lên Đấng Phục Sinh, đồng thời hướng cuộc đời mình tới sự Phục Sinh sau này. Đây không phải là một lối sống hão huyền, hay một niềm hy vọng vô căn cớ. Chính Đức Giê-su là Đầu đã khải hoàn trong vinh quang Phục Sinh, thì chúng ta là chi thể của Thân Mình Đức Giê-su cũng sẽ theo Đầu đi vào trong vinh quang Phục Sinh với Người. Nhưng làm sao có Phục Sinh nếu không kinh qua thập giá? Đầu đã chịu giương cao trên thập giá nên cũng được giương cao trong vinh quang Phục Sinh. Tương tự như thế, chúng ta cũng đi theo con đường thập giá đến vinh quang.

 

Mời Bạn: Cuộc đời người Ki-tô hữu luôn hướng về tương lai là sự phục sinh hay Nước Trời, và vì tương lai phục sinh mà chấp nhận đi vào con đường tự hủy. Định luật: “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24) là một lời kêu mời thiết thực cho những ai muốn được phục sinh với Đức Giê-su.

 

Chia sẻ: Bạn đã nối kết những hy sinh thập giá đời mình với thập giá Đức Giê-su thế nào?

 

Sống Lời Chúa: Chia sẻ thánh giá đời bạn cho một người.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh là niềm hy vọng cho chúng con, xin hướng tâm lòng và cuộc đời chúng con tới Chúa, để dù đang sống trong những thực tại với nhiều hy sinh thập giá, chúng con vẫn tìm được niềm vui.

 

(5 Phút Lời Chúa)

 

++++++++++++++++++

 

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

 

14 THÁNG TƯ

 

Sự Bình An Chảy Ra

 

Từ Đôi Bàn Tay Mang Lỗ Đinh

 

Tin Mừng dẫn chúng ta đến với căn gác thượng ở Giê-ru-sa-lem – là nơi đầu tiên của lịch sử It-ra-en mới, nơi đầu tiên của Dân Thiên Chúa trong giao ước mới. Chúng ta đã từng có mặt ở đây, vào đúng hôm Phục Sinh. Đó là ngày thứ nhất “sau ngày sa-bát”, ngày thứ nhất của tuần lễ.

 

Các Tông Đồ đều đã biết về sự kiện ngôi mộ của Đức Giêsu trống rỗng – bởi vì trước hết là các phụ nữ, rồi đến Phê-rô và Gio-an, đã đến thăm ngôi mộ đá ấy. Vào buổi chiều cùng ngày hôm ấy, chính Đức Giêsu đã xuất hiện với họ. Người hiện ra giữa họ, ngay cả dù các cánh cửa của căn gác thượng đều đóng kín bưng. Người chào các Tông Đồ và nói: “Bình anh cho anh em!” (Ga 20,19). Người cho họ xem “đôi bàn tay và cạnh sườn Người” (Ga 20,20): những dấu đinh vẫn còn đó!

 

Và kìa, dường như từ những vết thương ấy – từ đôi bàn tay bị xuyên thủng, từ đôi bàn chân, và từ cạnh sườn – Người đã rút ra những gì mà Người tha thiết nhất để nói với họ trong buổi gặp gỡ đầu tiên này, sau bi kịch trên đồi Can-vê.

 

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

 

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

 

LIFT UP YOUR HEARTS

 

Daily Meditations by Pope John Paul II

 

+++++++++++++++++

 

Lời Chúa Trong Gia Đình

 

NGÀY 14- 4

 

Cv 4, 32-37; Ga 3, 7b-15.

 

LỜI SUY NIỆM: “Như Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”

 

Với ông Ni-cô-đê-mô, ông chậm hiểu những gì Chúa Giêsu đã nói với ông. Nhưng với Chúa Giêsu, Người không bỏ rơi ông, Người vẫn tiếp tục đối thoại, tiếp tục soi dẫn, và Người dùng Cựu Ước để ông dễ hiểu hơn. Qua hình ảnh con rắn bị giương cao trong sa mạc, với sự giương cao Người trên Tập Giá sau này; để giúp ông tin vào Người chính thật là Đấng Thiên Sai đến giải phóng con người: “Ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

 

Lạy Chúa Giêsu. Trên hành trình đức tin của chúng con, còn có rất nhiều điều chúng con chưa được hiểu biết. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn tiếp tục học hỏi về Chúa, để chúng con càng ngày càng yêu mến Chúa hơn.

 

Mạnh Phương

 

+++++++++++++++++

 

14 Tháng Tư

 

Chiếc Tàu Vĩ Ðại

 

10 giờ đêmngày 14 tháng 4 năm 1912, chiếc tàu du lịch mang tên Titanic của Anh Quốc đã đâm phải một tảng băng giữa khơi Ðại Tây Dương. Bốn giờ đồng hồ sau, cả chiếc tàu, thủy thủ đoàn và nhiều hành khách đã bị chôn vùi giữa lòng đại dương…

 

Cuộc đắm tàu thảm thương ấy đã là nguồn cảm hứng cho không biết bao nhiêu tác phẩm văn chương. Những người sống sót đã thuật lại sự can đảm phi thường của viên thuyền trưởng, các sĩ quan và thủy thủ đoàn. Họ kể lại rằng nhiều người vợ đã khước từ sự cứu vớt để ở lại và cùng chết với chồng.

 

Giữa bao nhiêu gương hy sinh vĩ đại ấy, những người sống sót còn kể lại một câu chuyện vì xem ra người ta chỉ muốn biết vì óc tò mò hơn là vì thán phục. Ðó là câu chuyện của một người đàn bà sau khi đã được đưa lên boong tàu để chuẩn bị được cứu vớt, đã xin được trở lại phòng ngủ lần cuối cùng để thu nhặt một ít đồ vật quý giá. Người ta chỉ cho bà đúng ba phút để làm công việc đó.

 

Người đàn bà vội vã chạy về phòng ngủ của mình. Dọc theo hành lang, bà thấy ngổn ngang không biết bao nhiêu là nữ trang và đồ vật quý giá. Khi đến phòng ngủ của bà, người đàn bà đưa mắt nhìn các thứ nữ trang và báu vật, nhưng cuối cùng bà chỉ nhặt đúng ba quả cam và chạy lên boong tàu.

 

Trước đó vài tiếng đồng hồ, giữa các đồ vật trong phòng, có lẽ người đàn bà không bao giờ chú ý đến ba quả cam. Nhưng trong giây phút nguy ngập nhất của cuộc sống, thì giá trị của sự vật bỗng bị đảo lộn: ba quả cam trở thành quý giá hơn cả tấn vàng và kim cương, hột xoàn.

 

Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để đánh giá sự vật và các biến cố trong tương quan với sự sống vĩnh cửu. Chúng ta được mời gọi để nhìn vào sự vật bằng chính ánh sáng vĩnh cửu. Ðó là cách thế duy nhất để chúng ta tìm ra được ý nghĩa và giá trị đích thực của sự vật.

 

Thánh Matthêô và Luca có ghi lại một mẩu chuyện nho nhỏ cho thấy cái nhìn của chính Thiên Chúa: Ngày nọ, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ. Người quan sát những người đến trước hòm tiền để bố thí. Ða số là những người giàu có. Chợt có một quả phụ nghèo nàn cũng tiến đến bên hòm tiền. Bà chỉ bỏ vỏn vẹn có vài xu nhỏ… Vậy mà Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng bà ta là người dâng cúng nhiều hơn cả, bởi vì đa số đều có của dư thừa, còn người đàn bà này cho chính những gì mình cần để nuôi sống.

 

Cái nhìn của Thiên Chúa không bỏ sót bất cứ một hành động nhỏ nhặt nào của con người. Và trong cái nhìn ấy, đôi khi chính những hành động nhỏ bé của cuộc sống ngày qua ngày, chính những nghĩa cử vô danh lại bừng sáng lên và mang một giá trị đặc biệt.

 

Cái nhìn của Thiên Chúa phải chăng không phải là một nguồn an ủi lớn lao cho chúng ta là những người đang âm thầm sống đức tin giữa không biết bao nhiêu thử thách và giới hạn? Ước gì cái nhìn ấy giúp chúng ta kiên trì trong những công việc vô danh mà chúng ta phải thi hành mỗi ngày và củng cố chúng ta trong niềm tin vững vào những thực tại vĩnh cửu.

 

(Lẽ Sống)

 

++++++++++++++++++

 

Lời Chúa Mỗi Ngày

 

Thứ Ba Tuần II PS

 

Bài đọc: Acts 4:32-37; Jn 3:7-15.

 

 

 

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần hoạt động trong mỗi cá nhân và trong cộng đoàn.

 

Khi con người cùng theo một lý tưởng, một đường hướng, họ dễ hiệp nhất và tương trợ lẫn nhau như: Hội ái hữu các binh chủng không quân, hải quân; các trường trung học Trưng Vương, Gia Long; các làng xã Thức Hóa, Bùi Chu, Phát Diệm… Các Kitô hữu chẳng những có chung một lý tưởng, một đường hướng, mà còn có chung một Thánh Thần. Ngài vừa họat động trong mỗi cá nhân vừa họat động trong cộng đoàn; để hòa hợp tất cả mọi người và thúc đẩy tất cả hoạt động cho lý tưởng mà mọi người đang theo đuổi.

 

Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa xin Chúa Cha gởi đến cho các môn đệ của Ngài, sau khi Ngài sống lại. Trong Bài Đọc I, nhờ sự hoạt động và hướng dẫn của Thánh Thần, các tông đồ đã can đảm làm chứng cho Đức Kitô, cộng đoàn các tín hữu sơ khởi đã biết dẹp bỏ toan tính cá nhân để bỏ mọi sự làm của chung theo sự hướng dẫn và sự phân phát của các tông đồ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với ông Nicodemus: Chúa Thánh Thần hoạt động giống như gió, không ai có thể biết trước sức mạnh, đường hướng, và các hoạt động của Ngài.

 

 

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Sự hiệp nhất trong cộng đòan: mọi người đều đồng một lòng một ý.

 

1.1/ Sự hiệp nhất biểu lộ qua tất cả đều một lòng một ý: Tục ngữ Việt-nam nhấn mạnh đến sức mạnh của tình đoàn kết: “Hợp quần gây sức mạnh; đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.” Các phần tử của cộng đòan phải đồng một lòng một ý, thì cộng đoàn mới phát triển mạnh được; nếu không các phần tử trong cộng đòan sẽ phân tán mỗi người một ngả, không thể làm những chuyện lớn, và khó đạt đích mà tất cả đang nhắm tới.

 

Các cộng đòan sơ khai phải có đặc tính này mới có thể vượt qua được những sợ hãi, kỳ thị, và bạo lực; và có sức mạnh để rao giảng Tin Mừng đến các dân tộc. Sách CVTĐ mô tả sự đoàn kết của các cộng đoàn sơ khai như sau: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”

 

Làm được những điều này không do sức con người, vì tác giả Sách CVTĐ nói rõ: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.”

 

1.2/ Sự hiệp nhất biểu lộ qua việc đặt “mọi sự làm của chung:” Đây là một mô hình lý tưởng mà biết bao những chủ thuyết: Hồi-giáo, Cộng sản, nền thần học Giải Phóng đang nhắm tới. Tác giả Sách CVTĐ mô tả cách tổng quát và cho một ví dụ cá nhân như sau: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu. Ông Joseph, người được các Tông Đồ đặt tên là Barnaba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lêvi quê quán ở đảo Cyprius. Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.”

 

Để có thể đạt được kiểu mẫu lý tưởng này, mọi người trong cộng đoàn cần phải:

 

(1) Theo sự hướng dẫn và hoạt động của Thánh Thần: Mỗi người một cá tính khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần Đấng hoạt động trong mọi sự và trong mọi người.

 

(2) Theo sự chỉ dẫn của các nhà lãnh đạo khôn ngoan và tốt lành: Các chủ thuyết khác thất bại vì đã quá tin nơi các nhà lãnh đạo. Không phải nhà lãnh đạo nào cũng khôn ngoan và “chí công vô tư.” Nếu mọi tài sản của cộng đòan rơi vào tay những nhà lãnh đạo chỉ biết lo cho mình, cộng đoàn sẽ chết đói!

 

(3) Cần tránh những thái độ quá khích và thái độ “mạnh ai người ấy làm:” Thái độ quá khích và quá lý tưởng sẽ gây bất mãn và chia rẽ trong cộng đoàn, vì không phải ai cũng có khả năng làm như thế. Thái độ “mạnh ai người ấy làm” sẽ đưa cộng đoàn đến chỗ mỗi người đi một ngả.

 

2/ Phúc Âm: Phải được tái sinh bởi Thánh Thần để hiểu các mầu nhiệm Nước Trời.

 

2.1/ Phải được tái sinh bởi Thánh Thần:

 

(1) Không ai có thể tiên đoán các công việc của Thánh Thần: Chúa Giêsu nói: “Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

 

Gió có thể đem sự thoải mái cho con người, tạo năng lực thay điện; nhưng gió có thể tàn phá nặng nề nhà cửa và gây thiệt hại tính mạng cho con người. Không ai có thể đoán chắc gió từ đâu tới và sẽ đi đâu, vì gió có thể chuyển hướng và tăng tốc độ bất cứ lúc nào. Tương tự như thế trong cách hoạt động của Thánh Thần nơi con người: Ngài có thể thay đổi và dẫn một cá nhân hay một cộng đoàn tới một nơi hay một công việc mà họ không bao giờ dám nghĩ tới.

 

(2) Ông Nicodemus hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” Đức Giêsu đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?”

 

2.2/ Cần Thánh Thần hướng dẫn để hiểu những Mầu Nhiệm Nước Trời: Con người chỉ có thể hiểu và tin những gì nằm trong giới hạn con người. Để có thể tin vào Thiên Chúa và những mầu nhiệm thuộc về Ngài, con người cần được sự trợ giúp của Thiên Chúa qua việc ban Thánh Thần cho con người. Chúa Giêsu liệt kê hai mầu nhiệm điển hình cho Nicodemus:

 

(1) Mầu nhiệm Nhập Thể: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.” Để tin Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người cần có sự soi sáng của Thánh Thần.

 

(2) Mầu nhiệm Cứu Chuộc qua Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu: “Như ông Moses đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” Con người không thể hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa uy quyền lại muốn con mình đi qua con đường Thập Giá để cứu chuộc con người! Thánh Thần có thể làm cho con người hiểu mầu nhiệm này.

 

 

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

– Khi chịu Bí tích Rửa Tội là chúng ta đã được đóng ấn Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Ngài. Ngài sẽ làm cho chúng ta hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời và hướng dẫn chúng ta tới sự thật toàn vẹn.

 

– Những quà tặng Chúa Thánh Thần ban cho mỗi cá nhân là cho sự phát triển của cộng đoàn; mỗi cá nhân cần sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để đóng góp vào việc xây dựng và phát triển cộng đoàn và mở mang Nước Chúa.

 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP