“Ngành ngoại giao Vatican là ngành ngoại giao hàng đầu cực mạnh của thế giới”

Sử gia, nhà văn Jean-Baptiste Noé với tác phẩm «Địa chính trị Vatican» vừa xuất bản ở Pháp

Vatican-view.jpg

Aleteia vừa có cuộc phỏng vấn với ông:

Aleteia: Đâu là sự khác biệt giữa Giáo hội, Tòa Thánh và Vatican?

Jean-Baptiste Noé: Giáo hội là Nhiệm thể của Chúa Kitô; được Chúa muốn và tạo dựng nên, thực thể của Giáo hội vừa thiêng liêng vừa trần thế.

Tòa Thánh là một Quốc gia, được xây dựng lên vào năm 752 nhờ sự giúp đỡ của vua Francs Pépin le Bref. Là Quốc gia nên Tòa Thánh có một nguyên thủ, đó là Đức Thánh Cha, các nhà ngoại giao, một quân đội, một thực thể được quốc tế công nhận.

Vatican là vùng đất được chỉ định: đó là thành phố Vatican , một khu vực phía Bắc-Tây thành phố Rôma, bên kia bờ sông  Tibre.

Người ta thường lẫn lộn Vatican và Tòa Thánh, nhưng đó là hai thực thể về mặt pháp lý khác nhau. Giữa các năm 1870 và 1929 (các hiệp ước với nước Ý) Vatican bị nước Ý chiếm đóng nhưng Tòa Thánh vẫn là một quốc gia và giữ các quan hệ ngoại giao riêng của mình.

Đâu là các lợi thế của Vatican cho phép Vatican có tầm quan trọng trong các quan hệ ngoại giao?

Mạng lưới ngoại giao Vatican là một trong những mạng lưới quan trọng nhất thế giới: Vatican duy trì quan hệ ngoại giao với 180 Quốc gia, còn hơn cả nước Mỹ. Mạng lưới thông tin của Vatican cũng là một trong những điểm mạnh của Vatican bởi vì nó được thông báo về tất cả các thông tin đang xảy ra trên thế giới.

 

«Vatican có quan hệ ngoại giao với 180 Quốc gia, hơn nước Mỹ 12 Quốc gia»

 

Nhưng tầm quan trọng của Vatican là ở chiều sâu lịch sử và văn hóa của nó. Đó là một Quốc gia còn giữ ký ức trong khi nhiều Quốc gia phương Tây khác đã quên ký ức của mình, điều này làm cho Vatican có một tiếp cận thực tiễn với các quan hệ quốc tế. Quan điểm của Vatican trên nhiều hồ sơ là đúng: hồ sơ Irak năm 1991 và 2003, Syria năm 2013 và các vấn đề về môi trường

Về vấn đề môi trường, Vatican đã nêu lên chủ đề này từ hàng chục năm nay. Trong các triều giáo hoàng của mình, Đức Gioan-Phaolô II cũng như Đức Bênêđictô XVI đã đề cập đến rất nhiều và nhấn mạnh đến các sợi giây không thể xâm phạm giữa bảo vệ môi trường và bảo vệ con người.

Ngoại giao có phải là một ngành mà Tòa Thánh xem là quan trọng không?

Tòa Thánh là Quốc gia đầu tiên thành lập trường để đào tạo nhân viên ngoại giao: Học viện của những giáo sĩ cao trọng được thành lập vào năm 1701 dưới thời Giáo hoàng Clément XI. Học viện này đã là gương mẫu cho tất cả các học viện khác ở Âu châu và nó vẫn tiếp tục đào tạo nhân viên ngoại giao đoàn. Trong lần Hội nghị Vienna năm 1814, các tham dự viên đã công nhận các sứ thần Tòa Thánh có vị thế vinh dự là trưởng ngoại giao đoàn, một vị thế đã được xác nhận trong lần Hội nghị Vienna năm 1963, với sự hậu thuẫn của các Quốc gia Hồi giáo và cộng sản.

Đúng là có một làn gió thổi nhằm phá hủy Giáo hội vào những năm 1970, một vài giáo sĩ đã đòi Giáo hội tách khỏi ngoại giao của mình, lấy lý do không phù hợp với sứ mệnh của mình. Đó là một sai lầm trầm trọng về sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới. Khi Đức Giáo hoàng đến đọc diễn văn ở Liên Hiệp Quốc thì ngài được mời trong tư cách của một guyên thủ Quốc gia. Từ Đức Phaolô VI, tất cả các Giáo hoàng đều có những can thiệp rất đáng kể.

PopeJohnPaul2.jpg

Các Giáo hoàng nào đã đánh dấu mạnh trên ngành ngoại giao Vatican?

Ở thời buổi cận đại thì Đức Giáo hoàng Lêô  XIII (1878-1903) là người đã mang đến tầm mức lớn rộng của Tòa Thánh sau khi mất các Quốc gia thuộc Tòa Thánh. Ngài cũng là nhà ngoại giao, từng là đại sứ ở Bỉ. Đức Bênêđictô XV trong thời kỳ Thế Chiến. Tầm nhìn về thứ trật Âu châu vẫn còn giá trị đến bây giờ. Đức Piô XII, nhà ngoại giao lớn, người đã cương quyết lên án chế độ quốc xã và cộng sản. Đó là một Giáo hoàng hiểu rõ các ván bài của thời hiện đại còn trước nhiều các nguyên thủ Quốc gia khác.

Đức Gioan XXIII là một nhà ngoại giao khác, ngài là sứ thần Tòa Thánh ở Paris, ngài đã ngăn được khủng hoảng hạt nhân giữa nước Mỹ và Liên xô trong cơn khủng hoảng Cuba năm 1963.

Đức Bênêđictô XVI không xuất thân từ ngành ngoại giao, nhưng chắc chắn là một Giáo hoàng rất quan trọng cho nền ngoại giao của Tòa Thánh. Ngài đã thiết lập quan hệ với nước Nga, hoàn thành nhiều hiếp ước với các nước Ả Rập, trong đó có nước Iran. Trong nhiều thập niên tới, người ta sẽ thấy tầm nhìn của ngài về Âu châu, sự thông hiểu của ngài về thuyết tương đối là những điểm báo trước.

«Giáo hội luôn là thành trì chống lại các lối đi lệch hướng của các ý thức hệ»

 

Để nêu lên các quan tâm của Vatican, ông nói đến đặc tính la mã và kéo theo nó là Kitô giáo. Đâu là các di sản này và đâu là hệ quả của nó?

Đặc tính la mã là chìa khóa để hiểu Lịch sử Giáo hội. Trọn Kitô giáo là thừa kế của La Mã, La Mã la tinh cũng như La Mã Hy Lạp, hai lá phổi Phương Tây và Phương Đông mà Đức Gioan-Phaolô II đã không ngừng làm cho chúng cùng thở chung với nhau, và Đức Lêô XIII đã nhận ra đó là bước ngoặc chiến lưọc của thế giới hiện đại.

Tất cả cách suy nghĩ của Kitô giáo là la mã: ngôn ngữ – la tinh và hy lạp -, văn hóa, các khái niệm triết học và thần học đã hình thành tư tưởng Kitô giáo. Khi nói đến nét la mã, tôi không để ra ngoài khái niệm do thái giáo, đó là một cấu trúc chủ yếu khác của Kitô giáo. Còn ngược lại nữa là đàng khác, vì do thái giáo cũng bị hy lạp hóa rất lớn. Người ta nghĩ gì về triết gia Flavius Josèphe là người do thái nói tiếng hy lạp, sinh ở Giêrusalem và chết ở Rôma, hoặc việc dịch quyển Thánh Kinh của người Septante ở Alexandria ra tiếng hy lạp.

Ở Pháp, chúng ta thường có khuynh hướng chỉ nhìn Rôma ở khía cạnh Phương Tây mà quên khía cạnh Phương Đông của la mã mà đế quốc của nó kéo dài đến năm 1453. Vì thế khi phân tích sự đứt đoạn của Giáo hội ở thế kỷ 16, lịch sử ghi nhận các vùng đất bị tách ra khỏi Rôma là những vùng đất trước đó không bị la mã hóa. Biên giới rõ rệt là ở Đức. Sự phản kháng của Luther trước hết là cuộc phản kháng chống La Mã và đặc tính la mã để khẳng định tính Đức.

Đâu là các mục đích của Vatican trong nền ngoại giao quốc tế? Có vấn đề nào quan trọng hơn vấn đề nào không?

Vatican đấu tranh cho các ý tưởng và bảo vệ con người. Chủ đề trọng tâm ngày nay của Vatican là đấu tranh chống chủ thuyết tương đối, một chủ thuyết không những muốn xóa đi sự thật, nhưng còn làm bại hoại đi chiều kích văn hóa và thiêng liêng. Trong Giáo hội, chỗ rạn nứt không phải là giữa những người tiến bộ hay bảo thủ nhưng giữa những người theo chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa loại bỏ con người, và những người tuyên xưng con người là con của Chúa.

Để làm sáng tỏ cơn khủng hoảng của người di dân hiện nay, ông có thể cho biết quan điểm của các Giáo hoàng gần đây và phân biệt, nếu có, về sự đứt đoạn nào với Giáo hoàng Phanxicô không?

Không có một sự đứt đoạn nào dù mỗi Giáo hoàng nói theo một cách của mình. Đứng trước một sự kiện có tầm mức phức tạp rất lớn này, tiếng nói của một vài vị giám chức đôi khi quá đơn giản. Trong tư cách một thể chế, Giáo hội thật sự không có một giải pháp cụ thể: Giáo hội giới hạn vào những nguyên tắc chung, và đó là vai trò của Giáo hội. Nhưng diễn văn của các giám chức Âu châu và của những người sống ở các nước xuất phát người di dân thì thường tương phản nhau. Các giám mục Đông phương kêu gọi tín hữu của họ đừng ra đi, để không bị ở trong ván bài của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng và để Đông phương vẫn còn tín hữu Kitô. Cũng vậy với Phi châu: nhiều giám mục chống việc di dân vì họ cho rằng đất nước sẽ không còn nhân sự giỏi. Đức Bênêđictô XVI cũng đã nêu lên «mật đắng» về việc di dân khi ngài đến thăm Liban năm 2012.

PopeFrancis.jpg

Tòa Thánh có quan điểm nào đối với chủ nghĩa thống nhất thế giới và từ đó kéo theo sự đồng nhất hóa đang hoành hành thế giới hiện nay không?

Như chúng tôi đã nêu lên vấn đề này ở trên, Tòa Thánh vẫn là một trong rất hiếm quốc gia chiến đấu để chống lại chủ thuyết tương đối hóa. Sự đồng nhất hóa trước hết là chủ đích muốn loại văn hóa con người để giảm thiểu con người vào tình trạng súc vật, chắc chắn là dễ bảo và dễ lèo lái hơn. Đó là chủ nghĩa toàn trị mới. Giáo hội luôn là thành trì chống lại tất cả lối đi lệch hướng của các ý thức hệ. Chủ nghĩa thống nhất thế giới chủ trương xóa bỏ Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã có công thức sắc bén: «Chủ nghĩa vô thần, đó là thờ phượng Quốc gia». Chúng tôi luôn ở đây. Khi chủ trương tính thế tục đích thực và lành mạnh, Tòa Thánh ngăn chận sự trồi lên của các ý thức hệ chính trị, mà những ý thức này sau đó sẽ biến thành tôn giáo chính trị qua việc thờ phượng Quốc gia, xóa nhòa hình ảnh Thiên Chúa và như thế là loại bỏ luôn con người.

Về mặt lịch sử, chính thể Cộng hòa của Pháp là chống Công giáo. Còn chính thể Dân chủ thường nhanh chóng phối hợp đúng không?

Đây là một chủ đề rất phức tạp. Để có thể nói trong vài chữ, chính thể Cộng hòa và Dân chủ là các hình thức chính trị, thường không chống với Kitô giáo. Ngược lại, Cộng hòa hay Dân chủ là các tư tưởng tôn giáo chính trị thì đương nhiên là kẻ thù không khoan nhượng của Kitô giáo. Trong quả tim của con người thì không thể có chỗ cho hai tình yêu: đó là Chúa hay Quốc gia. Chính thể Dân chủ tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ và tự do lương tâm là điều phải bảo vệ. Chính thể Dân chủ nào muốn kiểm soát tất cả, muốn ra lệnh cho dân chúng để họ phải đi bầu, rêu rao đức tin thuộc lãnh vực riêng tư thì đó là một giáo điều chính trị nguy hiểm. Ví dụ sự sụp đổ của chế độ cộng sản cho thấy không bao giờ có thể xóa trọn vẹn đức tin của con người.

(Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 26.10.2015/
aleteia.org, Charles Fabert, 2015-10-21)