Mc 16 1 8 Lễ Vọng Phục Sinh

Thánh lễ Đêm Vọng Phục Sinh hôm nay là Đỉnh Cao của năm phụng vụ, là đỉnh cao và trung tâm của niềm tin Kitô-giáo. Để đi tới đỉnh cao nầy Giáo Hội chuẩn bị cho con cái mình tức là tất cả chúng ta con đường để đi. Con đường đó khởi đi từ lễ Lá đến Tam nhật Thánh và giờ đây chúng ta đi vào bên trong mầu nhiệm chính yếu của mầu nhiệm vượt qua. Đây là đỉnh cao của tất cả mầu nhiệm cao cả nhất trong Giáo Hội.
Tham dự cử hành hôm nay, không những chúng ta tuyên xưng, mà còn cử hành việc Chúa Sống Lại cho tới khi Chúa lại đến. Chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, việc Chúa chiến thắng sự chết, Chúa chiến thắng thần dữ, Chúa chiến thắng thế lực sự dữ.
Thế nhưng việc Chúa Giêsu sống lại không dễ dàng chứng minh. Nếu chúng ta nhìn lại đoạn Phúc Âm chúng ta thấy các bà không đi tìm Đấng phục sinh, các bà đi đến mộ với bận tâm duy nhất là ướp xác theo phong tục người Do thái. Các bà mua thuốc thơm và bàn nhau xem ai có thể lăn tảng đá ra cho các bà. Thánh Marco tả khá chi tiết về chuyện đó để người nghe không nghi ngờ về mục đích của các bà. Việc mô tả đó chứng tỏ rằng Chúa Giêsu đã thực sự chết, đã được chôn trong mồ và không ai nghi ngờ về chuyện đó. Việc ướp xác một người là dấu chấm hết cuộc đời ít nhất là cuộc đời dương thế của người đó. Như thế khi mô tả việc các bà đến ướp xác Chúa Giêsu, thánh Marco cho thấy các bà kể cuộc đời của Chúa Giêsu như là chấm dứt.
Từ khởi điểm đó, thánh Marco đưa người nghe từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Trước tiên là chữ « mặt trời hé mọc » bản dịch kinh thánh của Việt Nam làm mất đi tầm quan trọng của chữ này vì chữ trỗi dậy ở đây được các kitô hữu đầu tiên dùng để chỉ sự Phục sinh. Tiếp sau thánh Marco mô tả hòn đá được lăn ra và Đức Giêsu không còn ở trong mồ nữa.
Câu chuyện tiếp sau cho thấy hình như các bà vẫn còn muốn tìm xác Chúa Giêsu để ướp nên thanh niên mặc áo trắng phải lên tiếng : Người đã sống lại, không còn ở đây nữa. Và Thánh Marco cho thấy các bà khiếp sợ, trốn đi, run rẩy, kinh hồn, sợ hãi.
Như thế việc Chúa Giêsu phục sinh không dễ dàng được các môn đệ đầu tiên đón nhận, bài phúc âm hôm nay là một bằng chứng. Nhìn nấm mồ trống các môn đệ chưa thể đưa đến xác tín về Chúa Giêsu sống lại. Chúa Giêsu phải hiện ra nhiều lần sau đó với các môn đệ, cùng ăn, cùng uống, cùng đi với các ông thì các ông mới dần dần xác tín thêm về điều đó. Trong đoạn Phúc Âm vừa nghe cũng vậy. Các bà không thể biết được Chúa Giêsu phục sinh qua nấm mồ trống, các bà phải nghe một đấng thuộc giới thần linh mà thánh Marco mô tả là mặc áo dài trắng nói về sứ điệp phục sinh đó và chính đấng đó sai các bà báo tin cho các môn đệ. 
Như thế lúc đi thì các bà muốn tìm xác chết, lúc về thì nhận được một sứ điệp (một tin mừng) để loan báo. Đó là một trong những điểm đặc biệt của sứ điệp phục sinh. Cuộc sống của chúng ta nhiều khi gặp nhiều đau khổ, nhiều thập giá. Nhiều khi những đau khổ đó làm chúng ta quanh quẩn mãi ở những nấm mồ, chỉ thấy các sự mất mà người ta thường gọi là thất : mất mùa thì gọi là thất mùa, rồi còn thất nghiệp, thất tình, thất bại. Có người gặp trường hợp như thế thì tự tử để chôn luôn cuộc đời chính mình trong nấm mồ.
Đó không phải là thái độ của người lãnh nhận sứ điệp phục sinh. Thánh Marco nhắc cho chúng ta nhớ rằng niềm tin kitô giáo không liên kết với nấm mồ, các kitô hữu cũng không sống trong quá khứ đầy thương khó, đầy xác chết, đầy nấm mồ. Trái lại niềm tin của chúng ta hướng về Đức Kitô phục sinh, hướng về Đấng ban sự sống, hướng về Đấng có Lời ban Sự Sống. Chính khi sống được niềm tin đó chúng ta mới có thể là người loan báo tin mừng phục sinh và chính khi đó chúng ta mới thực sự lãnh nhận niềm vui phục sinh.
Xin cho tất cả chúng ta khi tham dự đêm vọng phục sinh hôm nay được tràn đầy niềm vui mà Đức Kitô mang lại cho nhân loại đó là chúng ta được cứu độ qua cái chết và phục sinh của Người.

LM Nguyễn Văn Hưởng Ernest