Lòng thương xót Chúa (Phần II)

Lòng thương xót Chúa trong Kinh Thánh

1. Cựu Ước nói gì về lòng thương xót Chúa?

Lòng thương xót Chúa (Phần I)Trong tông huấn Thiên Chúa giàu lòng thương xót, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dành chương III để nói về lịch sử dài và phong phú của khái niệm lòng thương xót. Dân Israel đã rút ra từ lịch sử đời thường một kinh nghiệm về lòng thương xót Chúa. Dân bất trung, Thiên Chúa thương xót thứ tha, các ngôn sứ nhiều lần đã thức tỉnh dân. Qua lời rao giảng của họ, chúng ta khám phá ra rằng lòng thương xót mang ý nghĩa sức mạnh đặc biệt của tình yêu, lòng thương xót mạnh hơn tội lỗi và bất trung. Như tình yêu của một người chồng, Thiên Chúa thương tha cho vợ, là dân Israel. Chúng ta cùng suy niệm vài đoạn Kinh Thánh sau:

“Con sẽ tìm Ðức Chúa, Thiên Chúa của con, và con sẽ thấy Ngài nếu con hết lòng hết tâm kiếm tìm. Trong cảnh khốn cùng, mọi lời ấy sẽ đến với con, nhưng sau này, con sẽ trở lại với Chúa, Thiên Chúa của con và sẽ nghe tiếng Ngài vì Chúa, Thiên Chúa của con là Thiên Chúa khoan dung, sẽ không bỏ mặc con, sẽ không tiêu diệt con, và sẽ không quên giao ước mà Ngài đã thề với cha ông của con” (Đệ Nhị Luật 4, 29-31).

“Con cái Ít-ra-en đã làm điều dữ trái mắt Thiên Chúa. Họ đã lìa bỏ Chúa, Thiên Chúa của họ, và làm tôi các thần Ba-an và nữ thần A-sê-ra. Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ với Ít-ra-en và đã trao họ vào tay Cu-san Rít-a-tha-gim, vua A-ram Na-ha-ra-gim; con cái Ít-ra-en đã làm tôi Cu-san Rít-a-tha-gim tám năm. Con cái Ít-ra-en kêu lên Thiên Chúa và Ngài cho xuất hiện một vị cứu tinh là ông Ót-ni-ên, con ông Cơ-nát, em ông Ca-lếp, để cứu con cái Ít-ra-en; ông Ót-ni-ên đã giải thoát họ” (Thẩm Phán 3, 7-9).

Hãy đọc 1Vua 8, 22-53 nói về việc vua Sa-lô-môn cầu nguyện và chúc lành cho dân.

Nơ-khe-mi-a 9 nói về sự canh tân giao ước sau lưu đày.

“Những ai tin tưởng Ngài, sẽ hiểu chân lý và những ai trung thành, sẽ ở bên Ngài trong yêu thương, vì ân sủn và lòng thương xót dành cho các thánh và Ngài viếng thăm những người tuyển chọn” (Khôn ngoan 3, 9).

” Lòng thương xót Chúa lớn lao dường nào, ơn thứ tha dành cho những ai chạy đến với Ngài” (Huấn ca 17, 29).

“Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết! Hãy vứt bỏ những hành vi gian ác của các ngươi khỏi mắt Ta! Ðừng làm điều ác, hãy học làm điều thiện! Hãy tìm kiếm lẽ ngay lành, sửa phạt người tàn bạo! Hãy xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ! Hãy đến, Hãy tranh luận! Đức Chúa phán như vậy. Khi tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng sẽ tẩy trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Isaia 1, 16-18).

Đọc Isaia 51, 4-16: Đức công chính của Thiên Chúa ngự trị. Ngài thức dậy và an ủi dân Người.

Ba-rúc 2, 11-3, 8: viết lại lời khẩn cầu của dân Do thái đang bị lưu đày.

“Thần minh nào sánh được như Ngài, Ðấng chịu đựng lỗi lầm, Ðấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Gia-cóp, và tình thương cho Áp-ra-ham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước” (Mi-kha 7, 18-20).

2. Tân Ước nói gì về lòng thương xót Chúa?

Trong tông huấn Thiên Chúa giàu lòng thương xót, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn chủ đề Dụ Ngôn Người Con Hoang Đàng để trình bày về lòng thương xót Chúa trong Tân Ước bởi vì dụ ngôn này tuy giản dị nhưng lại sâu xa, dĩ nhiên ngài nhấn mạnh về người con sau khi bỏ cha để đi xa, ăn chơi phung phá, đã trở về để lấy lại phẩm giá con người, nhưng ngài cũng khai triển rộng về những con người, những câu chuyện, những hình ảnh liên quan đến lòng thương xót Chúa. Mở đầu chương IV của tông huấn này, tác giả đã giới thiệu về những nhân vật ca ngợi lòng thương xót Chúa, đó là Đức Maria, Gia-ca-ri-a.

Ngoài tông huấn trên, chúng ta còn thấy những câu chuyện khác về lòng thương xót Chúa được kể trong Tân ước như là : thiếu phụ ngoại tình (x. Ga 8, 3-11); Chúa Giêsu và thiếu phụ Sa-ma-ri (x. Ga 4, 4-26); và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu như là: giới răn nào là trọng nhất (x. Ga 13, 34-35; Lc 6, 27-38).

Hơn thế nữa, chúng ta cũng đọc những lời sau trong Tân Ước:

“Nếu các con tha thứ cho người khác những lỗi lầm của họ, Cha các con trên Trời cũng sẽ tha thứ cho các con” (Mt 6, 15).
“Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1, 15).

“Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính nhưng kêu gọi tội nhân, để họ sám hối” (Lc 5, 32).

“Trên Trời sẽ vui mừng vì có một tội nhân sám hối, hơn là 99 người công chính không cần sám hối” (Lc 15, 7).

“Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 18, 14).

“CGS đến thổi hơi trên họ và nói: ‘Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha’ ” (Ga 20, 22-23).

“Bằng chứng mà Thiên Chúa yêu mến chúng ta, đó là chính Đức Kitô đã chết vì chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5, 8).

“Ơn Ta đủ cho con: sức mạnh của Ta biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9).

“Xin Thiên Chúa mở lòng các con nhờ ánh sáng của Ngài để các con hiểu niềm hy vọng mà Ngài đã gọi các con” (Ep 1, 18).

Thiên Chúa đã hòa giải với các con nhờ thân xác của Đức Kitô và cái chết của Người” (Col 1, 22).

“Nếu một trong các con phạm tội, chúng ta có một Đấng bào chữa trước Chúa Cha: là Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính” (1Ga 2, 1).

“Lòng chúng ta cáo tội mình, Thiên Chúa lớn hơn nó, và Ngài biết mọi sự” (1Ga 3, 20).

“Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, chính Ngài đã yêu chúng ta, và đã sai Con của Ngài làm hy tế đền vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4, 10).

Dựa vào những câu Lời Chúa trên, chúng ta có thể suy niệm để sinh hoa trái trong tâm hồn chúng ta.
 

Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa
(Còn nữa)