Lời Chúa: Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên

Ông ấy là ai ?

Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên
Lời Chúa: 

 Lc 9,7-9

7Tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” 8Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” 9Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

Còn vua Hê-rô-đê thì nói : “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi ! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?” (Lc 9,9)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Phản ứng của vua Hêrôđê trước dư luận về Chúa Giêsu:

 

Những dư luận về Chúa Giêsu:

a/ Gioan tẩy giả sống lại,
b/ Êlia hiện ra,
c/ một tiên tri thời xưa sống lại.

Phản ứng của Hêrôđê:

a/ Hơi sợ, vì nếu Gioan tẩy giả sống lại thật thì ông sẽ bị Gioan hỏi tội, bởi ông đã ra lệnh chém đầu Gioan;

b/ Mặt khác, vốn chịu ảnh hưởng văn hóa hy lạp, ông không tin vào việc sống lại, cho nên ông không nghĩ rằng Chúa Giêsu là Gioan, Êlia hay bất cứ một tiên tri nào khác sống lại;

c/ Tuy nhiên ông không thể cắt nghĩa việc Chúa Giêsu làm những phép lạ. Tóm lại, ông phân vân. Vì thế ông tìm cách gặp Chúa Giêsu.

B. Suy niệm (… nẩy mầm)

1. Ngày xưa có nhiều dư luận về Chúa Giêsu. Các tông đồ đã đi khắp nơi để làm chứng cho người ta hiểu đúng Chúa Giêsu thực sự là ai.

Ngày nay cũng có nhiều dư luận sai lạc về Chúa Giêsu. Người ta nghĩ Ngài là ai? (những người của các tôn giáo khác nghĩ gì? những người vô thần nghĩ gì? những người đầu óc nặng thành kiến khoa học, thực dụng nghĩ gì?…) Thực ra, Chúa Giêsu là Ai? Tôi phải làm chứng cho Ngài thế nào?

2. Hêrôđê tìm cách gặp Chúa Giêsu chỉ để giải đáp một thắc mắc và để thỏa mãn một sự tò mò. Phần tôi thì tìm gặp Chúa Giêsu để xin ơn. Như thế có đủ và đúng chưa?

3. Dù muốn hay không, người ngoài Giáo Hội vẫn đồng hóa Kitô hữu với Đức Kitô. Thấy kitô hữu thế nào thì họ nghĩ Đức Kitô thế ấy. Vì thế, dù muốn hay không, cách sống của kitô hữu cũng là một lời chứng về Đức Kitô. Làm chứng đúng hay sai, tốt hay xấu là trách nhiệm nặng nề của chúng ta.

4. Chúa Giêsu đã là một dấu hỏi cho những người thời Ngài. Mỗi người chúng ta cũng phải là một dấu hỏi cho những người thời nay. Một kiểu sống rập khuôn “ai sao tôi vậy”, một kiểu sống sợ bị người khác coi là khác thường… không phải là một dấu hỏi. Ta không chủ trương sống lập dị, nhưng ta không có quyền che dấu những nét đẹp độc đáo của niềm tin chúng ta.

5. Vua Hêrôđê nói: ‘Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu. Vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?’ Vua Hêrôđê tìm cách thấy mặt Chúa Giêsu” (Lc 9,9)

Khi nghe dư luận đồn về Chúa Giêsu: “Đó là Gioan từ cõi chết chỗi dậy” hay “Ông Êlia xuất hiện”… vua Hêrôđê tìm dịp gặp Chúa Giêsu để xem Ngài là ai.

Khác với Hêrôđê, để tìm gặp Chúa, Dakêu đã dấn bước lên đường. Ông leo cây và đã bắt gặp ánh mắt Chúa giữa đám đông. Ông đã biến đổi hoàn toàn. Còn Nicôđêmô lại tìm Chúa trong khung cảnh tĩnh mịch ban đêm.

Tôi cũng tìm Ngài trong cuộc đời, trong những giờ phút thinh lặng cầu nguyện, trong tiếng cười nói vui đùa của trẻ thơ, hay trong muốn người tôi gặp gỡ. Và tôi tin rằng Chúa sẽ không chối từ khi tôi biết mở lòng ra đón Ngài.

Lạy Chúa, niềm vui và hạnh phúc của con là được gặp Ngài trong cuộc đời. (Hosanna)

DANH CHÚA GIÊSU

Nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm cuộc Cách mạng tháng Mười, chủ tịch Kruschev của Liên Xô đã dành cho ba ký giả người Mỹ một cuộc phỏng vấn gần bốn tiếng đồng hồ. Với một giọng ôn tồn và thao thao, chủ tịch Kruschev có câu trả lời cho mọi vấn đề. Sau ba giờ tranh luận, ông còn tươi tỉnh hơn bao giờ hết, và có vẻ càng nói càng dồi dào sức khỏe hơn.

Thế nhưng, bầu không khí bỗng trở nên căng thẳng khi một ký giả đặt câu hỏi:

– Thưa Tổng bí thư, ông thường ám chỉ đến Thiên Chtía, đến linh hồn, đến tự do tâm linh, thế thì làm sao giải thích được sự kiện tnột thanh niên có tín ngưỡng lại không được đề bạt thăng cấp trong hàng ngũ đảng?

Chủ tịch Kruschev trả lời: vì tình cảnh không tương hợp, chúng tôi là những người vô thần, chúng tôi sử dụng danh Chúa để nguyền rủa ông Kitô, đó chỉ là một thói quen.

Giọng nói của chủ tịch Kruschev mỗi lúc một lớn dần. Ba ký giả Mỹ ngỡ ngàng trước sự giận dữ bất thần của ông, và họ biết được đâu là kẻ thù mạnh nhất, đáng sợ nhất của ông.

Tin hay không tin, cách này hay cách khác, không ai có thể tránh khỏi Thiên Chúa. Chối bỏ hay nguyền rủa Ngài cũng là cách gọi Danh Ngài.

Dám chết cho Đức Kitô

Ngày quân đội Liên xô tràn vào chiếm thủ đô Hung-ga-ri, một viên sĩ quan trẻ dáng vẻ hung hãn đầy tự đắc của kẻ chiến thắng đã đến gặp vị mục sư.

Viên sĩ quan chỉ cây thánh gía treo trên tường và nói :

– Ông biết không ? Cái đó là sự dối trá do các mục sư bày ra để làm mê hoặc đám dân nghèo, giúp cho những kẻ giầu dễ dàng kìm hãm họ trong cảnh ngu dốt. Bấy giờ chỉ có ông với tôi. Ông hãy thú nhận với tôi rằng ông không hề bao giờ tin ông Giêsu là con Thiên Chúa.

Vị mục sư cười và trả lời:
– Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật.

Viên sĩ quan quát lớn:
– Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng diễu cợt tôi!

Nói thế rồi anh ta rút súng ra chĩa vào vị mục sư và hăm dọa:
– Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là sự dối trá, thì tôi bắn ông!

Vị mục sư điềm tĩnh trả lại:
– Tôi không thể nói như vậy, vì không đúng. Đức Giêsu thật là con Thiên Chúa.

Nghe thế, viên sĩ quan liền vất khẩu súng xuống sàn nhà, chạy lại ôm chầm lấy vị mục sư.

Anh ta vừa khóc vừa nói :

– Đúng thế, đúng thế! Tôi cũng tin như vậy. Nhưng tôi không thể tin rằng có người dám chết vì đức tin, cho tới khi chính tôi khám phá ra điều này. Tôi xin cám ơn ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Ngài đã chứng minh cho tôi thấy rằng vẫn có người dám chết cho Đức Kitô.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Xem thêm:

Bài đọc 1: Kg 1,1-8
 
1Ngày mồng một tháng sáu năm thứ hai triều vua Đariô, có lời ĐỨC CHÚA phán, qua trung gian ngôn sứ Khácgai, với tổng đốc xứ Giuđa là Dơrúpbaven, con ông Santiên, và với thượng tế Giêsua con ông Giơhôxađắc, như sau: 2ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Dân đó dám nói: “Bây giờ chưa phải là lúc tái thiết Đền Thờ kính ĐỨC CHÚA.” 3Nhưng có lời ĐỨC CHÚA phán, qua trung gian ngôn sứ Khácgai, rằng: 4“Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Đền Thờ thì lại hoang tàn đổ nát không? 5Vậy giờ đây, ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. 6Các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm. Đồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng. 7 ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. 8Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ cho Ta. Ta sẽ vui thích và tỏ vinh quang Ta ở đó, ĐỨC CHÚA phán.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)