Lời Chúa: Thứ Hai sau Chúa Nhật III Mùa Vọng

Chất vấn

 Mt 21,23-27

23 Một hôm, Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” 24 Đức Giê-su đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” 26 Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ.” 27Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

“Nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.” (Mt 21,24)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

1. Chúa Giêsu bị chất vấn:

– Ai chất vấn? “Các thượng tế và kỳ mục” (c. 23). Mc 11,27 còn kể thêm các kinh sư. Như thế, những người chất vấn Chúa Giêsu gồm đủ 3 thành phần của Thượng Hội Đồng Do Thái giáo, tức là những lãnh tụ cao cấp nhất của Đạo.

– Chất vấn về điều gì? Về quyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán (phía trước, câu 12-13), đã chữa bệnh (câu 14) và nay đang giảng dạy (câu 23). Và tất cả những việc đó Ngài lại làm ngay trong Đền thờ, tức là ở một nơi chính thức nhất, nơi mà người ta coi là lãnh địa riêng của những lãnh tụ tôn giáo Do Thái. Ngài không phải là tư tế, không phải là kỳ mục và cũng không phải là kinh sư. Tại sao Ngài làm những việc đó, và làm ngay trong Đền thờ?

– Động cơ của việc chất vấn: không phải chất vấn để tìm cho biết sự thật, mà chất vấn để bắt lỗi.

2. Phản ứng của Chúa Giêsu:

– Chúa Giêsu không trả lời mà hỏi ngược lại những kẻ chất vấn Ngài. Làm như thế, không phải là Ngài muốn tránh né vấn đề, mà là Ngài muốn họ suy nghĩ về một vấn đề căn bản hơn: chỉ vì ganh ghét nên họ đã không đón nhận lời rao giảng của Gioan và Chúa Giêsu. Nay họ phải suy nghĩ kỹ xem sứ mạng của Gioan và Ngài là do đâu: có phải do tham vọng cá nhân hay do chính Thiên Chúa?

3. Kết cuộc: Họ không chịu suy nghĩ (vì không thích suy nghĩ vấn đề đó) nên đáp là không biết. Chúa Giêsu thấy họ không có thiện chí nên cũng không trả lời câu hỏi của họ.

B- Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Câu hỏi của Chúa Giêsu khiến các thượng tế và kỳ mục phải bối rối. Sự bối rối đó vạch trần lòng dạ cố chấp của họ không muốn tìm hiểu sự thật. Sự thật về phép rửa của Gioan chỉ thuộc một trong hai trường hợp: hoặc do Thiên Chúa hoặc do loài người. Nhưng họ không muốn tìm hiểu và không muốn trả lời. Nếu họ chịu tìm hiểu thì họ đã có câu trả lời và đã dám trả lời. Nhiều khi vì không muốn bỏ đi một thành kiến, chúng ta cũng không chịu khó tìm hiểu nên cũng rơi vào thái độ cố chấp tới nỗi mù quáng như vậy.

2. Có một số điều ta không thích nghĩ tới và không muốn đặt lại vấn đề, vì nếu làm thế thì ta phải sắp xếp lại cuộc sống, có thể phải từ bỏ những thói quen đã thành nếp, có thể phải khởi sự lại từ đầu. Thí dụ: cuộc sống hiện nay của tôi với những tương giao, những tham vọng, những thói quen… có gì không ổn không? Có gì phải sửa đổi? Có gì phải từ bỏ? Phải cố gắng thêm gì?… Ta không muốn nghĩ tới để ta có thể tiếp tục an phận. Nhưng Lời Chúa hôm nay mời ta can đảm đặt lại vấn đề. Có như thế ta mới đi đúng hướng và đời ta mới tốt đẹp hơn.

3. Bài đọc I là một câu chuyện rất hay nhắc nhớ chúng ta nên thoát khỏi thành kiến cố chấp, thoát khỏi danh lợi thú đang bịt mắt ta, và hãy nhìn ra sự thật: Balaam là một thày bói ngoại giáo rất nổi tiếng. Ông được kẻ thù của dân Do Thái ba lần thuê mướn với lễ vật hậu hỹ để ông đi trù ẻo người Do Thái. Cả ba lần ông đi đều bị con lừa của ông phá đám không cho thực hiện. Ông đánh nó, Chúa cho nó biết nói mắng lại ý đồ đen tối và sự tham lam của ông. Cuối cùng ông nhận ra sự thật và đi đến doanh trại người Do Thái để tuyên sấm ca tụng họ như nội dung của bài đọc một. Ông tiên báo một vì sao sáng sẽ mọc lên, một Phủ việt của nhà vua sẽ xuất hiện: Đức Giêsu Kitô. 

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tin thờ Chúa là Thiên Chúa của chúng con. Uy quyền của Chúa vẫn trường tồn và bất biến qua mọi thời gian. Uy quyền của Chúa vẫn biểu lộ trên cuộc đời chúng con qua biết bao ơn lành hồn xác và qua những biến cố quan trọng trong cuộc đời chúng con. Chúng con xin tri ân cảm tạ Chúa. Xin giúp chúng con biết nhìn nhận uy quyền của Chúa và sống tin yêu vào Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ở đời chúng con thích khám phá sự thật. Chúng con cũng ưa thích con người chân thật. Chúng con ghét sự giả dối. Chúng con thích tấm lòng hơn là những hình thức bên ngoài. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại khó sống chân thật với bản thân của mình. Chúng con thích đóng bộ áo giả dối vào con người của mình. Chúng con tìm cách che đậy sự thật. Chắc Chúa cũng buồn với chúng con như Chúa đã từng đau đớn về thái độ sống giả dối của các biệt phái năm xưa. Chắc Chúa cũng không vui vì những lệch lạc về những giá trị của chân thiện mỹ khiến chúng con đang đánh mất dần tính bổn thiện trong con người chúng con. Xin tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con canh tân sửa đổi cho phù hợp với giáo huấn của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con một tấm lòng sám hối chân thành để chúng con biết quay trở về với đường ngay nẻo chính. Xin Chúa luôn hướng dẫn bước đường chúng con đi trong chân lý vẹn tuyền. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)