Lời Chúa: Thứ Ba Tuần thứ 30 Thường Niên

Sứ mạnh nội tại của Nước Thiên Chúa

 
 
Thứ Ba Tuần thứ 30 Thường Niên
Lời Chúa: 

Lc 13, 18-21

18Vậy Người nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?19Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” 20Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
 
(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”(Lc 13, 21)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Đây là 2 dụ ngôn mà các chuyên viên gọi là những dụ ngôn sinh đôi, nghĩa là cùng một ý nghĩa.

– Hai hình ảnh: hạt cải được gieo xuống vườn, nắm men được vùi vào thúng bột.

Những chi tiết có ý nghĩa: Nhỏ trở thành lớn; Và quá trình phát triển tuy âm thầm nhưng chắc chắn.

Những dụ ngôn về Nước Thiên Chúa này được Chúa Giêsu nói liền sau phép lạ chữa một phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-21) nên cũng có liên hệ với nhau: Hiện tại xem ra Nước Thiên Chúa còn quá nhỏ bé, nhưng vì có sức phát triển nội tại nên chắc chắn sau này sẽ lớn mạnh. Việc giải thoát một người con cháu Abraham hôm nay là dấu chỉ cho việc Nước Thiên Chúa sẽ giải phóng tất cả mọi người sau này.

B. Suy niệm (… nảy mầm)

1. Nước Thiên Chúa

  • “Chúng ta chỉ nghe cây rừng đổ ngã mà không nghe được tiếng thì thầm của những mầm non đang mọc lên. Chúng ta tính toán dựa trên những con số mà không thẩm định dựa trên phẩm chất (…) Chúa Giêsu dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu những gì các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng. Nhưng Chúa muốn các ông đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Các tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng. Nhưng đó đã là sức mạnh nhào nắn Giáo Hội từ hơn 2000 năm qua”
  • Tuy nhiên ta phải nhớ rằng hạt cải không tự động nẩy mầm, nắm men không tự động làm bột dậy lên. Muốn sinh hiệu quả, hạt cải phải được “gieo xuống” lòng đất và nắm men phải được “vùi vào” thúng bột.
  • 1 Cr 3,6: Phaolô nói “Tôi trồng. Apollo tưới. Nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.”
  • “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được” (Lc 13,19)
  • Có anh thanh niên nọ được sinh ra trong một gia đình giàu có, sung túc chẳng thiếu thứ gì. nhưng anh vẫn cảm thấy buồn và cuộc sống dường như tẻ nhạt. Một hôm anh ta bắt gặp ngay đoạn Tin Mừng: “Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, rửa chân cho Phêrô, Giuđa…” và anh đã đọc được Lời Chúa nhắc bảo: “Các con hãy rửa chân cho nhau.” Chính hình ảnh ấy và câu nói đó đã thôi thúc anh ra đi phục vụ cho người khác. Anh xin tới những vùng xa xôi, những trại tỵ nạn để phục vụ. và chính lúc phục vụ anh đã tìm thấy niềm vui và cảm thấy đời đáng sống hơn. Cuối cùng anh ta đã xin gia nhập đạo.

Lạy Chúa Giêsu, một khi con được Chúa cho thấm nhuần đời sống Tin Mừng thì con sẽ làm được những chuyện phi thường. Nguyện xin Chúa cho con biết đón nhận và sống Lời Chúa.

2. Sức mạnh nội tại của Nước Thiên Chúa

Cả hai dụ ngôn trong Tin Mừng làm nổi bật khởi điểm khiêm tốn nhỏ bé của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.

Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to, đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm men được đem trộn vào bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa: từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin mà thôi. Dụ ngôn nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào lúc cuối cùng lịch sử: mặc cho những thử thách, những ngăn trở, Nước Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.

Hai dụ ngôn: Hạt cải và nắm men trong bột, gởi đến chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi phải đương đầu với trở ngại, thử thách trong đời sống đức tin. Nhìn thấy những điều tiêu cực luôn xảy ra trong Giáo Hội và trên thế giới, chúng ta có thể tự hỏi: Những hạt cải giá trị liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới ngày càng bị trần tục hóa và bị nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa không? Một chút men Lời Chúa có đủ sức thu hút và biến đổi con người nên tốt hơn không? Đã hơn 2.000 năm kể từ khi con Thiên Chúa nhập thể làm người và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên Thập Giá, nhưng thử hỏi nhân loại ngày nay có tốt đẹp hơn ngày xưa không?

Nếu suy nghĩ theo lý luận tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng rơi vào thất vọng. Tuy nhiên những Lời Chúa Giêsu qua hai dụ ngôn trên đây không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ như thế nào nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó, bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Xin Chúa mở rộng con mắt đức tin chúng ta, để chúng ta nhìn thấy tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hằng ngày. Xin cho chúng ta luôn kiên trì trong thử thách và luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, hạt lúa gieo vào lòng đất có mục nát mới trổ sinh hoa trái. Chúa đã chấp nhận là hạt lúa chịu mục nát để làm trổ sinh sự sống phục sinh nơi chúng con. Chúng con thật hạnh phúc vì được nuôi dưỡng bằng chính sức sống phục sinh của Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, sức sống của Chúa luôn đổi mới hồn xác chúng con theo tinh thần của Chúa. Xin cho chúng con cũng trở nên hạt giống gieo trồng cây yêu thương, cây hạnh phúc vào trong nhân thế.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những phận người đơn côi, sống thiếu vắng tình yêu, vẫn còn đó những phận người đói rách lầm than. Họ đang cần chúng con gieo vào trong tim họ tình yêu thương giữa người với người. Họ đang cần chúng con gieo vào trong cuộc đời họ niềm vui và hạnh phúc, qua những nghĩa cử yêu thương và cảm thông của chúng con. Xin Chúa cho chúng con được tham dự vào sứ mạng của Chúa. Xin cho chúng con được mục nát đời mình qua những hy sinh, những nghĩa cử bác ái thắm đượm tình Chúa tình người. Xin cho chúng con biết ở lại trong Chúa và mang Chúa đến cho mọi người mà chúng con gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày.

Lạy Chúa, là tình yêu bất diệt. Xin cho chúng con biết say mê tình Chúa và trở nên dấu chứng cho tình yêu của Chúa giữa cuộc đời hôm nay. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Xin mời xem thêm:

BÀI ĐỌC I:

Ep 5, 21-33

“Mầu nhiệm này thật lớn lao; trong Đức Kitô và trong Hội Thánh”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Đức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Đấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy.
Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo, hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.
Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Đức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. “Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác”. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như bản thân mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)