Linh mục – Đức Kitô Thứ Hai (Alter Christus) – phải là người như thế nào?

Trong phạm vi bài viết này, tôi không muốn đề cập nhiều đến những lý thuyết hay nền tảng thần học cũng như giáo lý của Giáo Hôi về vai trò và sứ mạng của linh mục trong Giáo Hội, vì thiết nghĩ các linh mục và rất nhiều giáo dân ngày nay đều biết rõ.

 

AlterChristus-Linh mục - Đức Kitô Thứ Hai (Alter Christus) - phải là người như thế nào  

 

 

Điều tôi muốn nói ở đây là trong thực tế, linh mục phải hành xử thế nào để xứng đáng là hiện thân của Chúa Kitô xuyên qua chính đời sống, lời nói và hành động của mình trước mặt người khác trong đó quan trọng là các tín hữu được trao phó cho mình săn sóc và  phục vụ  về mặt thiêng liêng.

 

Với tư cách là cộng sự viên đắc lực, thân cận và trung tín của Giám mục, linh mục  thi hành sứ vụ rao giảng, dạy dỗ và cai trị trong giáo hội địa phương (tức giáo Phận)  với tất cả  thành tâm , thiện chí và xác tín về chức năng và vai trò của mình được nhận lãnh từ bí tích Truyền Chức Thánh cho phép linh mục được  chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của Chúa KItô, “Thầy Cả Thượng Phẩm.. theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Dt 5: 10)

 

Trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, đặc biệt là ở các nước Âu Mỹ, người ta không những bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa vật chất vô luân ( immoral materialism) mà đặc biệt còn bị ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng bởi trào lưu tục hóa (secularization) đưa đến thực hành vô thần (practical  atheism) , chối bỏ Thiên Chúa , “hạ bệ Kitô hóa” (de-christionization) và dửng dưng với mọi tôn giáo nói chung ( Indifference to religions).

 

Thực trạng này đang là một thách đố to lớn cho những ai muốn sống niềm tin có Thiên Chúa tốt lành, đã yêu thương và tha thứ cho con người nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô.

 

Để đối phó với  trào lưu  nguy hại nói trên, ngày 12 tháng 10 vừa qua, Tòa Thánh đã công bố quyết định mới của Đức Thánh Cha Bê-nê-đích-tô 16 cho thiết lập một Văn Phòng hay Hội Đồng mới của Tòa Thánh (New Pontifical Council)  với chức năng Tân Phúc Âm hóa (New Evangelization) như một nỗ lực nhằm chống lại khuynh hướng tục hóa ở các quốc gia Âu Châu và Tây phương nói chung. Hội Đồng này do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella làm Chủ Tịch.

 

Sự kiện trên cho thấy là Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất quan tâm về nguy cơ  tục hóa đang đe dọa những giá trị và chân lý của Phúc Âm  cũng như đời sống luân lý, đạo đức của con người nói chung, và cách riêng, của người tín hữu Chúa Kitô đang sống trong hoàn cảnh suy đồi đạo đức của thế giới  ngày nay.

 

Là Đức  Kitô thứ hai, tức là hiện thân của Chúa trong sứ vụ, linh mục  trước hết  phải là người nêu gương sáng trước tiên về thái độ cương quyết “ thoát tục”  hay  “đạp đổ trào lưu tục hóa”  (de- secularization) để tân phúc âm hóa chính mình  trước khi rao giảng Phúc Âm  Sự Sống của Chúa Kitô cho người khác nhằm chống  lại “ văn hóa sự chết” và  trào lưu tục hóa đang bành trướng ở khắp nơi hiện nay.

 

Do đó, Linh mục  cần thiết phải :

 

I- Tách mình ra khỏi dính díu với mọi quyền lực và tham vọng trần thế để không vô tình hay cố ý làm tay sai cho một chế độ chính trị nào để cầu lợi cá nhân và nhiên hậu gây  thương tổn nặng nề cho chức năng (competence) và vai trò của mình là linh mục của Chúa Kitô.

 

Trong điễn từ đọc tại Nhà Thờ Chánh Tòa Đức Mẹ Lên Trời ở Parlemo ( Italia) trước hàng trăm Giám mục, Linh mục, và Tu sĩ nam nữ ngày 3 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Bê-nê-đich-tô 16 đã nói riêng với các linh mục hiện diện như sau“chính Chúa Kitô, chứ không phải thế gian – đã thiết lập cương vị cho linh mục”… Và với cương vị đó,  linh mục phải luôn chú tâm đến ơn cứu độ và Vương Quốc của Thiên Chúa.”  (Christ establishes the priest’s status, not the world…  as a priest, he must be always with a view to salvation and the Kingdom of God.( cf.L’ Osservatore  Romano. Oct 6, 2010). Hơn nữa, linh mục “không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác với đời sống thế tục” ( cf. Presbyterium Ordinis.no.3)

 

Nói khác đi, linh mục chỉ có một  vai trò và chức năng quan trọng nhất  là rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô và làm chứng cho Chúa  trong mọi hoàn cảnh để phục vụ hữu hiệu cho các linh hồn đang cần đến Chúa và mong  lãnh nhận  ơn cứu độ của Người. Do đó, linh mục tuyệt đối không có chức năng chính trị  hay xã hội nào để tự nguyện làm tay sai phục vụ, tâng bấc,  ca tụng  hay chống đối một chế độ nào vì lý do thuần chính trị.

 

Nhưng, nếu chế độ nào,  không tôn trọng nhân quyền (human rights), – nhưng không phải nhân quyền của  thần học giải phóng, là thứ nhân quyền cổ võ  đấu tranh giai cấp, tạo ra những “đàn két” chỉ biết ca tụng bợ đợ chế độ để an thân trục lợi –  mà là những quyền căn bản của con người,  như quyền tự do phát biểu, quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, quyền hành Đạo trong đó bao gồm việc  tổ chức,  đào tạo, và  bổ nhiệm các chức sắc  lãnh đạo trong giáo hội địa phương. Nếu chế độ không tôn trọng những quyền căn bản  này cũng như  dung dưỡng cho những sa đọa, suy thoái về luân lý, đạo đức trong xã hội cai trị,  thì linh mục – và  nhất là Giám mục – phải có can đảm lên tiếng đòi hỏi chế độ phải tôn trọng những tư do căn bản và thiêng liêng của con người, cũng như mạnh mẽ   lên án thực trạng suy thoái đạo đức và luân lý  để  đòi nhà cầm quyền dân sự phải có biện pháp thích đáng để lành mạnh xã hội hầu tạo môi trưởng thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh đời sống tinh thần và  đạo lý của người dân.

 

Xã hội vô luân, vô đạo và đầy bất công  sẽ xô nhanh người dân xuống hố diệt vong vì thiếu nền tảng  tinh thần cần thiết để giúp phân biệt con người với mọi loài cầm thú chỉ có bản năng và vô lương tri.

 

Như thế, làm ngơ hay nhắm mắt bịt tai trước những vi phạm về quyền thiêng liêng của con người  và tụt hậu về luân lý, đạo đức,  sẽ trở thành đồng lõa với chế độ, với xã hội  làm phát sinh mọi tội ác vì thiếu căn bản đạo làm người.

 

II- Trong lãnh vực giảng dạy chân lý và cử hành các Bí tích,

 

Không linh mục nào được phép  dạy và thực hành giáo lý , bí tích riêng của mình mà phải dạy cũng như thực hành đúng giáo lý (doctrines), tín lý (dogmas) và kỷ luật bí tích của Giáo Hội,

 

Cụ thể, Giáo Lý và Kinh Thánh của Giáo Hội  nhìn nhận  sự kiện có tội Tổ Tông (Original sin) do Nguyên Tổ loài người là Adam và Eva vấp phạm khiến con người mất ơn nghĩa với Thiên Chúa. Nhưng chính tội bất trung này của Nguyên Tổ loài người lại được  Giáo Hội sau này ca ngợi là “Tội sinh ơn phúc”  ( Felix culpa) vì  bởi tội này mà Thiên Chúa  đã sai Con Một của Người là Chúa Kitô đến trần gian để  cứu chuộc cho nhân loại  khỏi chết vì tội. Ơn cứu chuộc và tha thứ này của Thiên Chúa còn lớn lao hơn tội bất trung của Nguyên Tổ rất nhiều như Thánh Phaolô đã nói: “Nhưng sự sa ngã của Adam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa… Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã mà muôn người phải chết thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô  còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5: 15).

 

Như thế ai phủ nhận hay đặt vắn đề “tội Tổ Tông” dưới ánh sáng tâm lý học là đã đi ngược lại với giáo lý hiện hành của Giáo Hội về vấn đề rất hệ trọng này. ( x.SGLGHCG, số 402-407)

 

Mặt khác, cũng vì tội Nguyên Tổ đã gây ra “sự chết của linh hồn” như Công Đồng Trentô đã dạy ( DS 1512), mà  Giáo Hội cử hành bí tích Rửa Tội để tha không những tội nguyên tổ mà còn tha một  lần tất cả mọi tội cá nhân con người đã phạm cho đến lúc lãnh nhận Phép Rửa..

 

Cũng liên quan đến vấn đề tội và Phép Rửa, Giáo Hội chỉ ban bí tích này cho người còn sống ( trẻ con và người lớn ) chứ không hề dạy phải rửa tội cho người chết qua trung gian người sống như một linh mục kia đã “có sáng kiến phăng ra” để gây hoang mang cho giáo dân.

 

Liên quan đến bí tích Thánh Thể, không có giáo lý, giáo luật nào dạy mọi người tham dự Thánh Lễ đều được rước Minh, Máu Thánh Chúa, vì đây là bữa tiệc Chúa mời mọi người tham dự ăn và uống không phân biệt Công Giáo hay Tin lành, trẻ em đã rước lễ lần đầu hay chưa. Ngược lại, giáo lý và  giáo luật nói rõ : ai mắc tội trọng ,chưa kịp đi xưng tội thì không được làm lễ và rước Minh Thánh Chúa. ( x, giáo luật số 916; SGLGHCG số 1415). Như vậy, không thể mời hết mọi người tham dự Thánh Lễ ở tư gia hay ở nhà thờ lên rước Mình Máu Thánh Chúa lấy lý do là Chúa đã tha hết mọi tội cho con người, như một số linh mục Việt Nam , Mỹ,  và Cadada đã làm. ( có nhân chứng kể lại). Chúa tha thứ tội lỗi cho con người. Đúng, nhưng người ta vẫn còn phạm tội trở lại vì bản tính yếu đuối và vì được tự do chọn lựa sự lành sự dữ để hoặc sống cho Chúa, sống theo đường lối của Người hay muốn sống ttheo thế tục , theo “văn hóa của sự chết” đang tràn lan khắp nơi trên thế giới ngày nay..

 

Lại nữa, linh mục cũng không được phép biến lễ tang (Funeral mass) thành lễ Phong Thánh (Canonization Mass) cho ai khi giảng rằng linh hồn này chắc chắn đã lên Thiên Đàng rồi, vì đã được xức dầu và lãnh Phép lành Tòa Thánh trước khi chết.!

 

Giáo lý và bí tích của Giáo Hội chỉ qui định việc xức dầu thánh, ban của ăn đàng ( Viaticum) cũng như nghi thức phó linh hồn cho ai sắp ly trần, nhưng không hề dạy là nếu ai được xức dầu và lãnh Phép lành Tòa Thánh trước khi chết thì chắc chắn đã lên Thiên Đàng. Nếu đã chắc chắn như vậy thi cử hành lễ an táng làm gì nữa, vì có giáo lý, tín lý nào dạy phải cầu nguyện cho các thánh ở trên Thiên Đàng đâu ?

 

Giáo Hội có phong thánh cho ai thì cũng phải đòi hỏi thời gian và những điều kiện cần thiết, chứ chưa hề tức khắc phong thánh cho ai ngay sau khi người đó chết, dù là các Đức Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám mục…

 

Sau hết, với tư cách và cương vị là thừa tác viên và là hiện thân của Chúa Kitô trong trần thế, linh mục không thể coi nhẹ cương vị của mình để dẽ dãi tham gia  giúp vui trong những bữa tiệc cưới, đứng lên ca hát hoặc kể truyện tếu. Nói rõ hơn, linh mục không nên ôm cây đàn, ca hát  và  nhảy nhót với  ai vì mục đích ca tụng quê hương, đất nước hoặc gây quỹ cho cá nhân hay cơ quan, đoàn thể nào. Làm như vậy, linh mục đã quên cương vị của mình khi tự cho phép hòa mình vào những sinh hoạt có tinh chất thế tục.

 

Sân khấu và nơi tổ chức ca hát, nhảy nhót  chắc chắn không phải là nơi tụ họp, giúp vui  của linh mục. Chỗ đứng và nơi trình diễn của linh mục là bàn thánh, là giảng đài (pulpit) và Tòa giải tội,  tức là những nơi linh mục thi hành tác vụ thánh đã được lãnh nhận từ Bí Tích Truyền Chức Thánh và năng quyền thi hành từ giám mục mình trực thuộc để phục vụ cho những lợi ích thiêng liêng của giáo dân.

 

Tóm lại, là Linh mục của Chúa Kitô giữa trần gian, đặc biệt  trong hoàn cảnh xã hội khắp nơi ngày một  thêm “tục hóa” và vô luân hiện nay, mọi linh mục đều được mong đợi sống sao cho người đời, cách riêng cho người tín hữu dễ nhận ra Chúa Kitô, Đấng đến và trở nên Con Người không phải để đồng hóa với  người phàm trong mọi chiều kích thế tục  mà trở nên Con Người để thần linh hóa (divinize) loài người  hầu  cho phép con người được sống hạnh phúc  và “thông phần bản tính Thiên Chúa sau khi đã  thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” này như Thánh Phêrô đã dạy. ( 2 Pr 1:4).

 

LM . Phanxiô Xaviê Ngô Tôn Huấn