Lễ Chúa Lên Trời: Sứ giả của Tin Mừng

Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên (Mc 16,15-20)

Đọc đoạn kết của Tin Mừng Máccô, độc giả cảm thấy một bầu khí đượm buồn vì hình ảnh Chúa Giêsu Phục Sinh dường như bị từ chối. Từ “không tin” đã được lặp lại nhiều lần. Sau khi phục sinh, thay vì các Tông Đồ đi tìm kiếm Thầy, thì Tin Mừng thuật lại một hình ảnh hoàn toàn trái ngược: một Chúa Giêsu “rong ruổi” tìm kiếm và cố gắng chứng tỏ cho các ông nhận ra Người đã sống lại. Đến nỗi Người phải xuất hiện tỏ tường “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa” (Mc 16,14). Chúa Giêsu đã khiển trách vì thái độ cứng lòng không chịu đón nhận sứ điệp Phục Sinh. Dù vậy, Chúa Giêsu vẫn không bỏ các ông. Người vẫn tin tưởng và yêu mến các ông như ngày nào, bằng chứng là Người đã trao Tin Mừng Phục Sinh cho các ông và truyền lệnh cho các ông phải đi rao truyền khắp thế gian “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Nối kết những trang Tin Mừng, độc giả cảm thấy có sự bất ổn trong hành trình cứu độ của Chúa Giêsu. Dường như đây là một hành trình dang dở, bởi Tin Mừng cứu độ và ơn cứu độ mới chỉ là bắt đầu. Thế mà Chúa Giêsu đã về Trời. Hơn nữa, đối tượng mà Chúa Giêsu trao lệnh truyền rao giảng Tin Mừng lại là những người được xem là cứng lòng tin: các Tông Đồ. Chắc chắn Thiên Chúa qua Chúa Giêsu có thừa khả năng để làm cho sứ điệp Tin Mừng lan tỏa khắp thế giới. Tại sao Chúa Giêsu lại trao cho các Tông Đồ là những kẻ cứng lòng tin làm điều này?

Trước hết, phải hiểu được ý nghĩa của từ “Tin Mừng” trong Tân Ước. Khởi đầu hành trình công khai rao giảng, Chúa Giêsu nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15; Mt 4,17). Như vậy, ý nghĩa đầu tiên của từ “Tin Mừng” chính là tin mừng về Nước Thiên Chúa. Đây cũng là trọng tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Sau khi biến cố Phục Sinh, sứ điệp rao giảng của các Tông Đồ không còn là Nước Thiên Chúa nữa, nhưng là về một “Đức Kitô Phục Sinh” (X. Cv 2tt), và đây chính là ý nghĩa thứ hai của từ “Tin Mừng”. Như thế, lệnh truyền của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15) trong bối cảnh này có thể được hiểu theo nghĩa thứ hai. Theo nghĩa này thì sứ vụ của Chúa Giêsu đã hoàn tất, việc còn lại là dành cho các Tông Đồ. Chúa Giêsu muốn các Tông Đồ, khi đã chứng kiến trọn vẹn mầu nhiệm về Người thì các ông phải là người rao truyền lại. Bởi Các Tông Đồ là người sống giữa những con người, nên sứ điệp các ông rao giảng sẽ đảm bảo tính xác thực và khách quan của Tin Mừng. Tin Mừng sẽ thực sự sống động với những con người cụ thể. Quả vậy, sau biến cố Phục Sinh, các Tông Đồ đã hăng say làm chứng về thầy mình và rất nhiều người đã tin theo (Cv 10,39tt).

Kinh nghiệm đời sống cho thấy những người vấp ngã nếu biết đứng dậy thì đó sẽ là một trải nghiệm sống cực kỳ ý nghĩa. Họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Các Tông Đồ cũng được kể như là những người đã vấp ngã, vấp ngã trong niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh đã vực các ông dậy bằng việc hiện ra để củng cố đức tin. Sau khi củng cố đức tin, Chúa Giêsu biết từ nay các ông sẽ là khí cụ hữu hiệu cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, chính vì thế Người đã trao sứ điệp này cho các ông. Đúng vậy, sau khi lãnh nhận sứ điệp, các Tông Đồ đã trở thành con người mới. Thay vì một thái độ sợ sệt, nghi ngờ, trốn tránh, các ông đã trở nên những nhân chứng kiên cường cho Tin Mừng bất chấp mọi sự bắt bớ, ngay cả hy sinh mạng sống (X. Cv 7,55-60).

Trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, nhiều lần Người đã dùng dụ ngôn để nói lên mầu nhiệm Nước Trời. Hình ảnh nắm men trong bột (X. Mt 13,33) cũng giống như sức sống của Tin Mừng. Một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng muốn chính các Tông Đồ là “nắm men” trong thúng bột thế giới. Chúa Giêsu muốn các ông phải là người đón nhận và sống sứ điệp ấy trước. Người muốn sức sống của Tin Mừng phải được tác động và làm biến đổi từ bên trong. Điều này không ai có thể làm tốt hơn các ông. Các ông chính là men. Có như thế, Tin Mừng mới có thể lan tỏa ra bên ngoài.

Thiên Chúa cần con người cộng tác vào công trình cứu độ của Người. Thánh Augustinô đã rất đúng khi nói rằng “Khi dựng nên con, Chúa không cần hỏi ý kiến con. Nhưng để cứu chuộc con Ngài cần con cộng tác”. Chúa Giêsu Phục Sinh phải “rong ruổi” đi tìm kiếm các đồ đệ thân tín nhưng bất tín, không phải vì Người nhưng vì các ông và vì một nhân loại đang “khắc khoải chờ đợi”. Thiên Chúa có thể cứu độ con người ngay lập tức mà không cần đến một dụng cụ trung gian nào. Nhưng Người đã không làm thế, vì đó là tự do của con người. Chúa Giêsu vẫn cần các Tông Đồ. Điều đó nói lên rằng ơn cứu độ hoàn toàn tùy thuộc vào con người. Ơn cứu độ ấy hệ tại ở việc con người tự do đón nhận, con người sống và làm triển nở sứ điệp Tin Mừng.

Một trong bốn đặc tính của Giáo Hội là thánh thiện. Nhưng Giáo Hội không phải là thánh thiện tự bản chất. Là hiền thê của Đức Kitô và được sinh ra bởi Thiên Chúa, Đấng thánh thiện tuyệt đối, nên Giáo Hội được thừa hưởng sự thánh thiện ấy. Cho dù là thánh thiện nhưng Giáo Hội vẫn mang trong mình những con người lầm lỗi, những bầm dập của đời lữ hành. Vì vậy, chẳng ai được coi là hoàn toàn xứng đáng với bậc sống của mình. Các Tông Đồ được Thiên Chúa dùng làm sứ giả loan báo Tin Mừng không phải do các ông xứng đáng, nhưng là do tình thương của Thiên Chúa. Mỗi người tín hữu cũng vậy, sống trong những bậc sống khác nhau không phải do bản thân xứng đáng nhưng là do tình thương của Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy trung thành với Tin Mừng của Chúa để dần trở nên xứng đáng với ơn gọi đã lãnh nhận.

Giuse Đoàn Văn Tuân