Lãnh đạo Kitô giáo Ấn Độ quan ngại các vụ vi phạm nhân quyền

Cuộc họp ở Nhà Trắng giữa ông Modi và Obama sẽ làm Ấn Độ lúng túng

 human-rights-violations.jpg
Bức ảnh này cho thấy một nhà thờ bị phá hoại ở Kandhamal
thuộc bang miền đông Ấn Độ Orissa trong các cuộc náo loạn
chống Kitô hữu năm 2008. Năm qua đã ghi nhận số lượng các
vụ tấn công tăng lên nhằm vào Kitô hữu và tín đồ đạo Hồi,
theo các nhà hoạt động nhân quyền.

Các lãnh đạo Kitô giáo Ấn Độ vẫn còn quan ngại các vụ nhân quyền khi các nhà lập pháp Hoa Kỳ chỉ trích thành tích nhân quyền của Ấn Độ trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Nhà Trắng.

“Tự do phát biểu, ngôn luận và tôn giáo là các đặc tính căn bản của dân chủ nhưng chẳng may nó đã không xảy ra ở Ấn Độ” – Vijayesh Lal, giám đốc điều hành của Evangelical Fellowship of India, nói với ucanews.com.

Một ủy ban quốc hội Hoa Kỳ về nhân quyền dự tính họp hôm 7-6 đề thảo luận tình trạng nhân quyền ở Ấn Độ, cùng lúc bắt đầu chuyến thăm ba ngày tới Hoa Kỳ của ông Modi.

“Sẽ rất khó cho thủ tướng Ấn Độ giải thích các vụ vi phạm nhân quyền xảy ra ở Ấn Độ trong thời điểm khi chính ông đã nói quá nhiều về việc bảo vệ và phát triển toàn diện các nhóm thiểu số”, Lal cho biết.

Ấn Độ đã chịu áp lực căng thẳng của quốc tế về việc đối xử với tầng lớp thấp kém “tiện dân” hay Dalits. Mặc dù Hiến pháp đã cấm hệ thống phân biệt đẳng cấp này, nhưng nó vẫn còn ăn sâu thâm căn cố đế trong lòng xã hội Ấn, dẫn tới nạn kỳ thị dai dẳng, theo các nhà đấu tranh nhân quyền.

Tầng lớp Dalits, chiếm 25 phần trăm trong tổng số 1,2 tỷ dân của Ấn Độ, đang có nguy cơ cao bị buôn bán, khai thác tình dục và lao động cưỡng bức, theo tuyên bố của ủy ban quốc hội được báo Indian Express đưa tin.

Các nhóm tôn giáo thiểu số cũng đối mặt với các thách đố đang gia tăng, theo báo cáo mới đây nhất của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.

“Năm 2015 tình trạng khoan dung tôn giáo trở nên xấu đi và vi phạm tự do tôn giáo gia tăng ở Ấn Độ. Các cộng đoàn thiểu số, nhất là tín hữu Kitô giáo, Hồi giáo và giáo phái Sikhs, đã chịu vô số vụ hăm dọa, quấy rối và bạo lực, chủ yếu do các nhóm dân tộc chủ nghĩa Hindu gây ra”, báo cáo cho biết.

Năm ngoái chứng kiến sự tăng lên các vụ tấn công vào Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo ở Ấn Độ dưới sự cầm quyền của đảng ủng hộ Ấn giáo Bharatiya Janata (BJP), theo một báo cáo của các nhà hoạt động nhân quyền.

Đảng BJP do ông Modi lãnh đạo, lên nắm quyền tháng 5-2014 sau cuộc thắng phiếu lớn, đã bị các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc cố tình biến đất nước này thành quốc gia Ấn giáo, ủng hộ tổ chức Rashtriya Swayamsewak Sangh có đường lối xã hội tôn giáo cứng rắn.

“Mỗi khi chính quyền của BJP lên nắm quyền, thì sự cố chấp tôn giáo lại gia tăng, sự không bị trừng phạt lại tồi tệ hơn và tình trạng vô chính phủ càng phổ biến. Chính quyền có một cánh quân sự không tôn trọng luật pháp và hoàn toàn được miễn trừ truy tố” – John Dayal, một lãnh đạo Công giáo và thành viên Hội đồng Hòa hợp Quốc gia, nói với ucanews.com.

Cảnh sát cũng hành động như vô tổ chức vốn làm trầm trọng thêm tình hình, Dayal cho biết. Ông cùng là thành viên trong ban giám đốc của ucanews.com và thỉnh thoảng viết bình luận.

Việc Hoa Kỳ quan tâm tới vấn đề này sẽ gây “bối rối” cho Ấn Độ, Dayal cho biết vì “hình ảnh này không đẹp đẽ chút nào”.

Tuy nhiên, Lal cho biết cho dù ông Modi phải nói bất cứ điều gì về vấn đề này ở Hoa Kỳ thì cũng chẳng quan trọng gì vì “ông ấy chịu trách nhiệm trước nhân dân Ấn Độ và chính ở đây ông ấy phải thể hiện cam kết của mình”.

(UCAN 09.06.2016)