Làm sáng tỏ vài điểm phụng vụ trong thánh lễ tiệc ly

Được cử hành thánh lễ riêng hay không? Được cử hành thánh lễ an táng không? Nhà tạm để trống khi nào?…..
Làm sáng tỏ vài điểm phụng vụ trong thánh lễ tiệc ly

Được cử hành thánh lễ riêng hay không?

Trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, theo truyền thống xa xưa nhất vẫn còn được giữ lại, hôm nay không được cử hành thánh lễ nếu không có dân chúng tham dự, nghĩa là các linh mục không được làm lễ riêng. Thông thường, các linh mục ngụ trong giáo xứ, hay ở các cộng đoàn nhỏ của tu sĩ linh mục trong giáo xứ được mời cùng đồng tế trong thánh lễ tưởng niệm Bữa Tiệc Ly. Nếu nhu cầu mục vụ thực sự đòi hỏi, Giám mục giáo phận có thể cho phép cử hành một thánh lễ khác, cho những người không thể tham dự lễ chiều được, nhưng không được cho phép làm cho một nhóm.1

Được cử hành thánh lễ an táng không?

Không cử hành lễ an táng trong ngày thứ Năm Thánh. Nếu cần thiết thì chỉ cử hành nghi thức an táng ngoài thánh lễ mà thôi: bao gồm phụng vụ Lời Chúa, những lời nguyện khác nhau cho người quá cố, không có phụng vụ Thánh Thể.2

Nhà tạm để trống khi nào?

Chữ đỏ của Sách Lễ Rôma chỉ ghi là “nhà tạm hoàn toàn để trống”, nhưng theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự Thánh trong bức thư luân lưu ban hành ngày 20-02-1988 (Prot. N. 120/88) thì trước Thánh lễ, cần để nhà tạm hoàn toàn trống như được chỉ dẫn từ trước Công đồng Vatican II cho đến nay. Mặc dù chữ đỏ không nói một cách minh nhiên, nhưng nên tắt đèn nhà tạm và để cửa nhà tạm mở rộng để gây tác động giác quan cho người tham dự. Điều này có nghĩa là trước thánh lễ, tất cả Mình Thánh trong nhà tạm [đựng trong bình thánh] được mang đi cất giữ trong phòng thánh hay một nơi thích hợp khác mà những người tham dự không thấy. Phải chuẩn bị đủ số bánh lễ cho việc truyền phép và hiệp lễ cho buổi cử hành phụng vụ ngày Thứ Năm Thánh và ngày hôm sau (thứ Sáu Thánh).3

Rung chuông khi hát kinh Vinh danh thế nào?

Rung chuông khi hát / đọc kinh Vinh danh trong thánh lễ Tiệc Ly là một truyền thống đã đi vào Nghi lễ Rôma trong Sách lễ tiền Công đồng Vatican II và vẫn giá trị cho đến nay. Tiếng chuông này nhằm ám chỉ mùa Chay đã kết thúc. Sách Lễ Rôma chỉ hướng dẫn rằng trong lúc đọc hay hát kinh Vinh danh thì rung chuông. Thật ra, có thể rung cả chuông [nhỏ] cung thánh và chuông [lớn] trên tháp chuông, sau đó thì không rung chuông nữa cho đến kinh Vinh danh của lễ Vọng Phục sinh.4

Nghi thức rửa chân

1] Bắt buộc không?

Theo hướng dẫn của Sách lễ, rửa chân chỉ là nghi thức tùy chọn “tùy thuộc vào hoàn cảnh mục vụ” [khuyên nên làm] chứ không phải là thành phần không thể thiếu trong phụng vụ thứ Năm Thánh.

2] Rửa chân cho bao nhiêu người?

Theo truyền thống của Giáo hội, các người được chọn để rửa chân từ lâu vẫn chỉ là những người đàn ông và con số không nhiều hơn 12 người, tức 12 người hay có thể ít hơn.5

3] Có thể rửa chân cho phụ nữ không?

Có. Tại Việt Nam, linh mục thường rửa chân cho 12 cụ chức sắc trong họ đạo hay 12 thanh niên. Tuy nhiên, nếu ý nghĩa của nghi thức này là để bày tỏ tình yêu dành cho nhau cũng như sự khiêm tốn phục vụ chúng ta trao cho nhau thì không có lý do gì lại gạt phụ nữ ra khỏi những người được rửa chân.6 Ít là theo quan điểm thần học và linh đạo.7 Mới đây, ngày 21.1.2016, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến thư của ĐTC Phanxicô gửi ĐHY Robert Sarah (Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích) để thông báo quyết định của ngài là từ nay có thể chọn cả phụ nữ vào số những người được rửa chân trong thánh lễ Tiệc ly thứ Năm Thánh. Trước đây, những người được chọn để rửa chân phải là đàn ông hay trẻ nam, nhưng nay, như Sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng tự giải thích, có thể chọn cả nam giới và nữ giới, “và nếu thích hợp có thể là người trẻ hay người già, khỏe mạnh hay đau ốm, giáo sĩ, tu sĩ và cả giáo dân”, bao gồm cả người độc thân hay đã kết hôn. Nhóm “các tín hữu này”, như Thánh Bộ nhấn mạnh, không có một số lượng cụ thể nào, nhưng phải đại diện cho sự đa dạng và sự hợp nhất của các thành phần trong Dân Chúa”.

4] Có thể rửa chân cho bất kỳ ai trong cộng đoàn không?

Có. Vì tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi trở thành môn đệ Chúa Giêsu, nên chủ tế có thể chọn cách rửa chân bằng cách đi đến ngẫu nhiên bất cứ người nào trong cộng đoàn phụng vụ để rửa chân cho họ. Thực hành chủ tế đi đến để rửa chân cho người khác phản ánh rõ nét hơn tư thế và thái độ của phận tôi tớ: đến với hơn là để người được rửa chân đến với mình.

Hát bài nào trong trong phần chuẩn bị lễ vật / cuộc rước lễ phẩm?

Nhằm gìn giữ một truyền thống tốt đẹp và lâu đời trong Hội Thánh, đang khi rước tiến lễ vật thì nên hát bài ca truyền thống được đề ra trong chính Sách lễ (“Đâu có tình yêu thương đích thực, thì ở đấy có Đức Chúa Trời…[Ubi caritas est vera…]) hơn là thay thế bằng bất cứ một bài nào khác.8

(còn nữa)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

————————————————————————

1“Bộ Phụng tự Thánh, “Circular Letter Concerning the Preparation and Celebration of the Easter Feasts”, no. 46-47.

2Xc. Paul Turner, Glory in the Cross (Minnesota: The Liturgical Press, 2011), 30.

3“Circular Letter Concerning the Preparation and Celebration of the Easter Feasts”, no. 48.

Ibid., no. 50.

Peter J. Elliott, Ceremonies of the Liturgical Year (San Francisco: Ignatius Press, 2002), số 189.

6 Đức Giáo Hoàng Phanxico đã chủ trì thánh lễ thứ Năm Thánh bằng việc tưởng niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu tại nhà tù Rebibbia (Roma – Italia). Trong thánh lễ này ngài đã rửa chân cho 12 tù nhân trong số đó có 6 nữ tù nhân thuộc các sắc tộc Ý, Nigeria, Congo, Brazil và Ecuador (Xc. http://thanhlinh.net/node/87124).

7 Xc. Peter Jeffrey, “Mandatum novum do vobis: Towards a Renewal of the Holy Thurday Footwasing Rite” trong Worship 64 (1990), 107-141.

8 Xc. Sách lễ Roma 1975 (bản tiếng Việt), trang 257. Bài ca Ubi caritas est vera…đã có từ năm 800 trong đan viện Biển Đức ở Reichenau và xuất hiện trong Sách lễ của giáo triều Rôma từ thế kỷ XIV-XVI. Sau Công đồng Vatican II, bài Ubi caritas est vera không còn được hát đang khi rửa chân nữa: Xc. Paul Turner, Glory in the Cross, 67.

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc