LÀM DÂU TRĂM HỌ


 

        lamdautramhoKhi nói đến cụm từ LÀM DÂU TRĂM HỌ, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh vị linh mục đang phục vụ nơi một xứ đạo. Tại sao là linh mục mà không phải là Giám mục? Đức Giám mục được bổ nhiệm làm chủ chăn của một Giáo phận, trong khi linh mục cũng được bổ nhiệm làm chủ chăn của một giáo xứ? Nhưng không bao giờ người tín hữu gọi Đức Giám mục là làm dâu trăm họ, trái lại họ gọi ngài là ĐẤNG BẢN QUYỀN của Giáo phận.

          Sở dĩ có sự khác biệt này, vì Đức Giám mục Giáo phận có quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp trên Giáo phận mà ngài được giao phó, còn linh mục là dụng cụ của Đức Giám mục trong việc phục vụ dân Chúa (Lumen Gentium số 28).

Vì rằng Đức Giám mục (Đức Cha Chính) là mục tử, là chủ chiên toàn địa phận, giáo xứ là phần của địa phận do ngài phân chia và trao cho linh mục chánh xứ phụ giúp ngài. Vì thế nên Đức Giám mục giáo phận có toàn quyền sai một linh mục đến phục vụ và làm việc tại một giáo xứ bất kỳ trong Giáo phận với những chức vụ thích hợp: chánh xứ, quản xứ hoặc phụ tá.

Mà linh mục thì được sinh ra từ Giám mục. Nghĩa là Đức Giám mục mới có thẩm quyền đặt tay truyền chức linh mục. Cho nên linh mục cũng được gọi là con của Đức Giám mục. Vậy mỗi khi ngài sai một linh mục đến phục vụ tại một xứ đạo, nghĩa là ngài gởi con của ngài đến làm dâu nơi xứ đạo đó.

Cuộc sống làm con dâu tốt trong một gia đình, đòi hỏi người con dâu này phải có hai đức tính cần thiết đó là: phục vụ và nhịn nhục. Làm dâu trăm họ nghĩa là phục vụ và nhịn nhục đủ mọi hạng người, với nhiều những đòi hỏi nhu cầu khác nhau.

Vậy nếu hỏi một cô gái: cô muốn điều gì khi cô đi làm dâu nơi nhà chồng? Chắc có lẽ cô sẽ trả lời: xin gia đình chồng luôn thương yêu, đừng quá khó khăn và xin ba mẹ thường xuyên nhớ đến, nhất là thăm hỏi động viên và nâng đỡ cô.

Đối với người linh mục đang phục vụ nơi các giáo xứ, chắc có lẽ cũng ước muốn những điều tương tự như vậy. Ước muốn người giáo dân luôn thương yêu, quí trọng, đừng quá khó khăn, khắt khe hoặc đòi hỏi quá mức, quá sức nơi các linh mục. Bởi vì các ngài đang làm dâu, làm dâu không phải cho một họ nhưng là cho cả trăm họ và thậm chí là cho cả ngàn họ nữa là khác.

Cách bình thường khi làm dâu, gia đình nhà chồng thường hay đòi hỏi con dâu phải chu toàn nhiều bổn phận khác nhau một cách tốt đẹp: nấu cơm, làm bếp, giặt giũ, lau nhà, giữ cháu, dọn dẹp, phụng dưỡng, quán xuyến… và nếu lỡ có những lúc con dâu mắc phải những thiếu sót, gia đình chồng thường hay chê bai, dèm pha con dâu: làm dâu chưa tốt, chưa trọn hoặc là so sánh với dâu này, dâu nọ, dâu kia… Thậm chí có nhiều gia đình bên chồng khó khăn, họ còn đòi gởi trả con dâu về lại cho ba mẹ hướng dẫn, dạy dỗ trở lại.

Những lúc như vậy, người con dâu luôn cần đến sự tiếp sức và chỗ dựa tinh thần là ba mẹ của cô ta. Cần những lời an ủi, động viên, nâng đỡ, hướng dẫn. Hơn là nóng giận, bỏ mặc làm ngơ hoặc rầy la, trách móc, phê bình, so sánh…

Người con dâu linh mục có nhiều lần, nhiều lúc mắc phải những thiếu sót khi làm dâu nơi xứ đạo, họ đang cần được tiếp thêm sức, mồi thêm lửa. Và nhất là cần được động viên, nâng đỡ, cần một chỗ dựa nơi người cha Giám mục của mình, để tiếp tục phục vụ và nhường nhịn trong khi chu toàn những công việc của một người làm dâu trăm họ.

Làm con dâu cho một dòng họ đã là khó, huống chi làm dâu cho cả trăm ngàn họ, thì thật là khó biết dường nào. Cuộc đời của người linh mục quả là một cuộc sống khó. Cuộc sống khó nhưng sẽ vui tươi và dễ sống, nếu như người tín hữu cảm thông, yêu thương, quí mến các linh mục, đừng quá khó khăn, khắt khe, hà khắc với các ngài và nhất là Đấng Bản Quyền luôn luôn là chỗ dựa cho những người con linh mục đang làm dâu trăm họ, mỗi khi họ cần đến ngài.

Lm. Pet Trần Trọng Khương