Làm cho Chúa hay cho Chúa làm?

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B

LÀM CHO CHÚA HAY CHO CHÚA LÀM?

 

Lắng nghe các bài đọc Lời Chúa trong Chúa nhật IV mùa Vọng hôm nay, chúng ta thấy có 2 nhân vật với 2 tính cách hoàn toàn khác nhau: đó là vua Đavit và Đức Maria, một bên đòi làm cho Chúa và một bên để cho Chúa làm.

 

Vì nhiệt tâm yêu mến và phụng sự Chúa, vua Đavit đã muốn làm cho Chúa một ngôi nhà.Tuy nhiên, Chúa đã không chịu thua lòng quảng đại của vua, và đã hứa với vua, thay vì vua làm cho Chúa thì Chúa sẽ làm cho vua một triều đại muôn đời bền vững.Đó là lời hứa về Đấng Messia: Vị Cứu Tinh sẽ đến, xuất thân từ dòng dõi vua Đavit, là hậu duệ vua Đavit. Cho nên, trải qua bao đời thậm chí cho tới ngày nay, dân Israel tiếp tục trông đợi Đấng Cứu thế đến. Khác với họ, Kitô giáo chúng ta xác tín rằng, lời hứa ấy đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ngài chính xác là Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Trở lại câu chuyện với vua Đavit, phải công nhận rằng Thiên Chúa yêu thương con người chúng ta biết chừng nào! Ta có yêu Chúa cách mấy thì cũng chỉ như giọt nước trong đại dương tình yêu bao la của Chúa mà thôi.Ông bà anh chị em cứ thử nhìn lại cuộc sống của mình xem, có phải là việc ta làm cho Chúa thì chẳng bao nhiêu nhưng việc Chúa làm cho ta thì thật là nhiều.Ta được sinh ra, lớn lên và sống đến ngày hôm nay, tất cả đều là hồng ân của Chúa, là ơn Chúa ban tặng cho ta. Thử hỏi: Nếu Chúa không thương, tác thành và chúc phúc cho ta, liệu ta có sống và làm được gì chăng?

 

Trong khi vua Đavit thì muốn làm cho Chúa, thì Đức Maria trong bài đọc Tin mừng chúng ta vừa nghe, lại cho ta thấy một hình ảnh đối lập độc đáo: một con người sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời để cho Chúa làm gì tùy ý Ngài. Thiên Chúa không dùng quyền của Ngài mà áp đặt và bắt buộc Mẹ Maria, cho dẫu Ngài hoàn toàn có thể làm được điều đó.Ngài sai sứ thần Gabriel đến hỏi ý Đức Maria đàng hoàng. Và với đầy đủ ý thức tự do và khiêm nhường, Đức Maria đã nói lên lời ưng thuận, vâng theo Thánh ý của Thiên Chúa: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa hãy làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Nhìn lại bản thân, chúng ta thấy rằng, rất nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta thích dùng quyền để thống trị lẫn nhau, thay vì mở lòng ra lắng nghe, đối thoại và tìm ra một tiếng nói chung. Cha mẹ dùng quyền ép buộc con cái làm theo ý của mình, chẳng hạn như việc dựng vợ gả chồng cho con. Chồng muốn vợ, hoặc vợ muốn chồng, phải làm theo ý định hay quyết định của mình. Rồi con cái cũng lại đòi hỏi cha mẹ cái này cái khác, buộc cha mẹ phải chiều theo ý thích của mình. Trong tương quan bạn bè cũng thế, ta cứ muốn bạn mình làm theo những gì mình muốn, chứ ít khi ta làm những gì bạn muốn, chẳng hạn: trong tập tục ăn uống của Việt Nam ta, ta cứ hay ép nhau uống bia rượu, và chỉ khi nào người kia uống ta mới chịu buông tha.Sâu xa trong hành động ép buộc đó là động lực muốn thống trị người khác, và thể hiện sự kiêu hãnh của mình. Trong phép lịch sự giao tiếp đúng đắn, người ta tôn trọng lẫn nhau, không nài ép người khác làm theo ý mình. Vậy mới thấy Chúa rất lịch sự và tôn trọng con người chúng ta: Ngài hỏi ý chúng ta trước rồi mới thực hiện ý định của Ngài, cho dẫu đó là ý định hết sức tuyệt vời và cần thiết cho ta được ơn cứu độ.Chúng ta hãy học nơi Chúa cách sống lịch sự và tôn trọng lẫn nhau như thế.

 

Và trong tương quan với Chúa, chúng ta cần học hỏi nơi gương Đức Mẹ rất nhiều. Mẹ không ngại hỏi lại sứ thần khi còn thắc mắc và chưa hiểu rõ ý định của Thiên Chúa, và khi đã hiểu biết rồi, Mẹ sẵn sàng nói lời xin vâng, và để cho Chúa làm bất cứ điều gì Ngài muốn trong cuộc đời mình. Đó chính là niềm tin, đó chính là sự cậy trông phó thác tuyệt vời của Mẹ Maria nơi Thiên Chúa.Dĩ nhiên, trong sự kiện Truyền Tin, Đức Maria chắc chắn đã không thể hiểu hết những gì sẽ xảy đến cho Mẹ khi nhận lời làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Phải chăng Mẹ biết rằng Mẹ sẽ sinh con nơi hang chiên lừa tại Bêlem, một vùng đất xa xôi hẻo lánh? Phải chăng Mẹ biết sẽ vất vả nuôi con khôn lớn thành người, rồi một ngày kia con mình sẽ rời xa gia đình, ra đi rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa? Phải chăng Mẹ biết sẽ có ngày mình phải chứng kiến con mình đau khổ và chịu chết nhục nhã trên thập giá? Không, Mẹ không hề biết đến những chuyện đó, nhưng Mẹ vẫn tin tưởng và phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa, và sẵn sàng để cho Chúa làm tất cả mọi sự theo như ý Ngài.

 

Tóm lại, chỉ còn mấy ngày nữa là chúng ta mừng Lễ Chúa Giáng sinh, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mở rộng tâm hồn như Đức Maria để Chúa có thể ngự đến.Chúng ta hãy học cách sống lịch thiệp và tôn trọng lẫn nhau như cách Thiên Chúa sống lịch thiệp và tôn trọng chúng ta. Chúng ta cũng hãy học nơi gương Đức Maria sự khiêm nhường tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Hãy mở rộng tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa gọi mời, bằng cách siêng năng cầu nguyện với Chúa, bằng cách khiêm nhường để lắng nghe và đón nhận nhau cho dù giữa người với người, chúng ta có rất nhiều sự khác biệt. Hãy bỏ bớt cái tôi của mình, hãm dẹp bớt tính kiêu căng tự phụ muốn thống trị tha nhân; có như thế, tâm hồn chúng ta mới có cơ hội lắng nghe tiếng Chúa nhiều hơn và chắc chắn sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn bởi chúng ta đã luôn vâng theo ý Chúa trong mọi sự trên đời.

 

Pt. Vui Chứng Nhân.