Kim Khánh

Kim KhánhNgày nay, tuổi thọ con người thật đáng quý, đáng trân trọng. Do đó, việc được mừng thọ là sự kiện, là mốc thời gian vô cùng tốt đẹp. Còn đối với Giáo Hội và cách riêng Giáo phận Bùi Chu thì một linh mục được mừng Kim Khánh cũng rất hiếm. Kim Khánh cũng ít được nhắc tới. Tạ ơn Chúa năm 2013, Giáo phận Bùi Chu có nhiều Cha Cố được mừng Kim Khánh. Nhân dịp này con xin được có vài cảm nhận về Kim Khánh Linh Mục:

Người xưa dạy rằng: “thời gian là vàng bạc”. Do đó, những sự kiện quan trọng người ta ghi lại một cách rất cẩn thận và chính xác, thậm chí đến cả phút, cả giây.
 
Theo Phụng Vụ của Hội Thánh, đêm vọng Phục Sinh, trong nghi thức làm phép Lửa và Nến Phục Sinh, lúc ghi niên hiệu trên Nến, vị Chủ Lễ đọc: “Thiên Chúa làm chủ thời gian và muôn thế hệ”. Như vậy, thời gian là vốn rất quý báu Thiên Chúa ban cho con người.
 
Theo Cựu Ước, cứ sau bảy tuần năm (7 x 7=49 năm) thì năm thứ 50 là Năm Thánh, dành riêng để tạ ơn Đức Chúa (Lv 25,9-10).
 
Theo văn hóa Á Đông, từ 50 tuổi trở lên, được vinh dự gọi là THỌ (nhiều vị quan Phong kiến thời chinh chiến 40 tuổi đã tổ chức mừng thọ). Một sự kiện quan trọng tồn tại và phát triển qua 50 năm là giai đoạn quý hiếm, đáng mừng, mừng đặc biệt nên gọi là Kim Khánh.
 
Với thiên chức Linh Mục, tuổi để chịu chức theo Giáo luật, ít nhất là 25. Sau 50 năm, vị Linh mục đó tuổi đời là 75. Tuổi Linh mục tròn 50, tương đương với nửa thế kỷ và cũng trùng với năm thứ 50 trong Cựu ước. Những con số đáng kính trọng, xứng với chữ Kim = vàng, Khánh = Mừng.
 
Một Cha Cố tổ chức Kim Khánh Linh Mục là lúc mà Ngài ít nhất đã 75 tuổi đời, vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tuy nhiên với nhu cầu mục vụ nhiều Cha vẫn tiếp tục phục vụ Chúa. Vì thế, Kim Khánh là mốc thời gian nhắc lại ý nghĩa của thiên chức Linh mục nhằm nâng đỡ các Ngài trong thời gian tiếp theo.
 
Nhìn lại 50 năm, trong thiên chức Linh mục cũng là thời gian lượng giá những gì mà một vị Linh mục đã làm. Nếu nói về con số, mỗi ngày các Ngài dâng Lễ ít nhất một lần thì đến Kim Khánh ít nhất các Ngài đã 18250 (mười tám ngàn hai trăm năm mươi lần) tái diễn hy lễ trên núi Sọ.
 
Hơn nữa theo sách Khôn Ngoan thì: “Người đầu bạc đáng kính trọng”. Khi tuổi đời cao dần, thì kinh nghiệm sống và tinh thần đạo đức lại cũng tăng lên. Bởi thế, Kim Khánh là mốc son đặc biệt ghi dấu ấn trọng đại mà mỗi Linh mục đã hy sinh vất vả vì đoàn chiên.
 
Trong tình yêu, các cô gái thường nói:
“Năm năm em vẫn đợi, mười năm em vẫn chờ”.
 
Còn với các Linh Mục không phải năm năm, mười năm hay năm mươi năm mà suốt cuộc đời vẫn trung thành bước theo Chúa:
 
“Linh mục Nước Trời gieo phúc thật
Tôi trung Giáo Hội gặt ơn thiêng
Một vạn tám ngàn dâng hiến lễ
Tròn nửa thế kỷ vẫn giảng rao
Trung thành ghi dấu Người theo Chúa
Muôn đời in bóng tấm lòng son
Nguyện xin Thiên Chúa tuôn ân phúc
Để Ngài dẫn dắt giúp đoàn con”.
 
Giuse Antôn Lương Ân Thắng