Không có Chúa Giêsu, chúng ta sẽ như thế nào?

Một dụ ngôn ngắn nhưng cảm động và đơn giản sẽ trả lời cho câu hỏi này một cách đẹp nhất… Câu chuyện của “con lừa ngày Lễ Lá”, ngày Chúa Giêsu huy hoàng vào thành Giêrusalem.

“Con lừa vui vẻ về nhà kể cho mẹ nghe câu chuyện:

 

– Mẹ ơi, con đến một thành phố và khi con đến thì mọi người vỗ tay, reo hò, có người còn trải áo măng tô của họ trên đường đi của con… Mọi người thích gặp con. Lúc đó bà mẹ hỏi con mình, vậy con đi một mình sao. Con lừa trả lời:

 

– Không, con chở một người có tên là Giêsu.

 

Bà mẹ nói:

 

– Con ơi, bây giờ con về thành phố đó lại nhưng lần này con đi một mình nghe.

 

Con lừa đồng ý… nhưng khi nó về thành phố đó lại, tất cả những người qua đường ai cũng nhạo nó, mắng nó thậm chí còn muốn đánh nó. Khi về nhà, nó kể cho mẹ nghe:

 

– Con buồn lắm vì thành phố đó chẳng có chuyện gì hết. Không ai vỗ tay, không ai reo hò, họ không lót áo măng tô trên đường… chỉ có những tiếng la mắng, họ đối xử tệ với con. Họ không biết con mẹ ạ…

 

Vẫn còn tức giận, con lừa hỏi mẹ nó:

 

– Vì sao có chuyện này xảy ra cho con vậy mẹ?

 

Bà mẹ trả lời:

 

– Con ơi, không có Chúa Giêsu con chỉ là một con lừa nhỏ mọn thôi… Con luôn nhớ điều này nghe.”

Một mình, chúng ta chỉ là con lừa; một con người không có ơn Chúa và không có lực siêu nhiên của Ngài. Chúng ta nghèo hèn, yếu đuối và bất lực…

 

Chúa Giêsu đã nói, Ngài là Cây Nho và chúng ta là cành; và nếu cành không ở trên cây nho thì nó sẽ khô héo và chết. Ngài còn nói thêm: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Jean 15, 5).

Và chính vì chúng ta thường hay quên lời nói này của Chúa Giêsu nên chúng ta thất bại trong các cuộc chiến của mình, từ công ăn việc làm cho đến việc rao giảng Phúc Âm, từ giáo dục con cái đến công việc nghề nghiệp, tu hành vv. Chúng ta quên rằng nếu Chúa Giêsu không ở với chúng ta qua đức tin, qua lời cầu nguyện thì chúng ta cũng như con lừa thành phố Giêrusalem.

 

jesus_donkey.jpg

 

Mang Chúa Giêsu

 

Khi chúng ta nói với lời của Chúa Giêsu thì chúng ta thu hút được mọi người; khi “chúng ta mang” Chúa Giêsu thì mọi người nghe chúng ta, nhưng khi chúng ta không “mang Chúa Giêsu”, chúng ta trống rỗng, chúng ta trơ trụi, mọi người nhìn chúng ta, họ thấy cái xấu, cái bất lực của chúng ta và họ sẽ khinh chúng ta.

 

“Không mang Chúa Giêsu”, chúng ta sẽ không làm gì được trên cõi đời này. Nhưng “mang Chúa Giêsu” là ý thức các tiếng reo hò vỗ tay là của Ngài, không phải của chúng ta. Ý thức rằng, Ngài không cần chúng ta, nhưng Ngài muốn giúp chúng ta để chúng ta có được phẩm cách và cao cả.

 

“Mang Chúa Giêsu” là ý thức sau khi giúp Ngài hoàn thành sứ mạng cứu rỗi, chúng ta chỉ là “con lừa bé nhỏ”, rất hạnh phúc và được vinh dự, nhưng cũng như các con lừa khác. Thánh Phaolô đã nói, chúng ta như những “bình sành”: như thế chúng ta hiểu sức mạnh phi thường thuộc về Chúa chứ không phải thuộc về chúng ta. (2 Co: 4, 7).

 

Đừng làm gì khi không “mang” Chúa Giêsu. Đừng bắt đầu một ngày không có Chúa Giêsu. Đừng sửa lỗi con cái, vợ chồng, đồng nghiệp mà không xin Chúa Giêsu soi sáng cho mình; nếu không, lời của mình sẽ không phù hợp và không hiệu quả.

 

Cũng đừng làm bất cứ một dự án nào mà không đặt nó vào bàn tay Chúa Giêsu, không xin ơn, không xin ánh sáng, không xin Ngài bảo vệ. Đừng dạy dỗ gia đình mình mà không có ánh sáng của Chúa Giêsu, nếu không, nó sẽ đi trong bóng tối thế gian. Cũng đừng làm mục vụ mà chỉ cậy vào sức mình, vào các dự án đã được soạn kỹ của mình: mình có thể bị thất vọng và nản lòng như tất cả mọi người.

Đừng quên, không có Chúa Giêsu, con lừa nhỏ Giêrusalem chỉ là một con lừa.

 

Chúa Giêsu đã nói, cứ xin, cứ xin, cứ xin… “Thế nên Thầy bảo anh em: Anh em cứ xin thì sẽ được; cứ tìm thì sẽ thấy; cứ gõ cửa thì sẽ mở cho; vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9-11).

 

Chúng ta tin vào Chúa hay chúng ta ngừng không xin? Thánh Âugutinô đã trở lại và là một trong những vị thánh quan trọng nhất của Giáo hội: mẹ của ngài đã khóc trước Nhà Tạm, bà không nản lòng, cầu nguyện không ngưng nghỉ trong vòng hai mươi năm. Còn chúng ta?

 

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 07.01.2016/
aleteia.org, Giáo sư Felipe Aquino, 2016-01-05)